Thanh Hà và Minh Hương là đơn vị hành chính – cư trú của những di dân Trung Hoa đồng thời được thiết lập đầu tiên ở Nam Bộ năm 1698, thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725): Thanh Hà ở Biên Hòa và Minh Hương ở Sài Gòn (Chợ Lớn). Tổ chức này do chính quyền nhà Nguyễn lập ra, nhưng không giống như những đơn vị hành chính đương thời khác. Điển hình như làng Minh Hương ở Phiên trấn.
Tên gọi Thanh Hà để chỉ làng của những người Thanh [150,tr.33], cũng gọi là Thanh Hương, qui tụ những di dân từ Trung Hoa mới nhập cư, được xem như thần dân triều Thanh để phân biệt với những thần dân nhà Minh di cư đến trước đó và con cháu của họ. Tức đây là tổ chức của những người Trung Hoa đã sống dưới chế độ nhà Thanh, nhưng không
chịu theo phong tục Mãn Thanh – “cạo đầu thắt bím”, khi phong trào
“bài Thanh phục Minh” thất bại, bị đàn áp nên chạy sang Việt Nam lánh nạn. Cũng có ý kiến cho rằng, Thanh Hương là tổ chức của người Thanh, thường họ trở về Trung Quốc. Cũn Thanh Haứ là tổ chức của người Hoa lai, họ không trở về Trung Quốc, khi giải thể thì nhập vào Minh Hương?
Tên gọi Minh Hương có nhiều cách giải thích. Nếu nói về đơn vị cư trú thì có thể hiểu là làng (xã) của người nhà Minh, nơi tụ cư của những dân duy trì hương hỏa cho nhà Minh [71]. Còn khi đề cập về người thì đó là những người Trung Hoa trung thành với Minh triều, chạy sang Việt Nam khi bị thế lực Mãn Thanh chiếm quyền hay là sự kết hôn giữa những di dân nhà Minh chạy sang Việt Nam cuối thế kỷ XVII với phụ nữ người Việt [143,tr.13]. Nhìn chung, đó là một danh từ mà những cựu thần hay thần dân nhà Minh chạy sang Việt Nam cư trú đặt cho cộng đồng của mình để tỏ lòng trung thành với một triều đại mà mình từng sống, phục vuù.
Theo Khoán ước của làng Minh Hương ở Chợ Lớn thì hai chữ Minh Hương có từ khi Trần Thượng Xuyên lập đền thờ ở Biên Hòa và giải thích, “Minh” là sáng hay nhà Minh, còn “Hương” là thơm hay hương hỏa, ý nói đền thờ ấy là Minh triều hương hỏa, đến năm 1829 vua Minh Mạng hạ chiếu cho đổi chữ hương là thơm bằng chữ hương là làng [79,tr.21,22].
Từ những nhóm nhỏ cư trú của những người có quan hệ họ hàng, đồng hương, cùng đặc điểm nghề nghiệp, theo thời gian, dân số tăng dần lên để rồi hình thành những làng xóm mang đậm nét văn hóa Hoa,
thường được gọi là phố Trung Hoa, như Phố Khách (Faifo) ở Hội An, làng Thanh Hà ở Thừa Thiên thế kỷ XVII, Phố Khách – phổ biến với tên gọi Chợ Sài Gòn, tức Chợ Lớn phát triển mạnh vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Lúc đầu, đó là những điểm tụ cư của người nhà Minh mang tính tự phát và trong phạm vi hẹp, nhưng theo thời gian, số dân di cư tăng nhanh nên mở rộng thành làng và được chính quyền thể chế hóa. Đó là năm 1698 đánh dấu sự ra đời đơn vị hành chính chính thức đầu tiên của người Hoa trên đất Nam Bộ: “Con cháu người Tàu ở nơi Trấn Biên thì lập thành xã Thanh Hà, ở nơi Phiên Trấn thì lập thành xã Minh Hương rồi ghép vào sổ hộ tịch” [57,tr.12]. Như vậy, Thanh Hà hay Minh Hương xã là một dạng tổ chức hành chính ở Đàng Trong cho những người Trung Hoa là quan lại, thần dân của triều Minh cùng thời nhà Thanh di cư đến Việt Nam theo sự cho phép của chúa Nguyễn.
Những ghi chép của Trịnh Hoài Đức, cũng như các tài liệu nghiên cứu sau này cho thấy, chính quyền phong kiến Đàng Trong có sự phân biệt giữa người Hoa là công dân Việt Nam với người Trung Hoa là ngoại kiều. Theo đó thì thành viên của làng Minh Hương chủ yếu là những người Trung Quốc lấy vợ người Việt, đã nhập Việt tịch cùng con cháu của họ. Do vậy mà có ý kiến cho rằng Minh Hương là “metis”, tức
“người lai” do sự hợp hôn giữa phụ nữ người Việt với những di dân nhà Minh sang Việt Nam vào cuối thế kỷ XVII [71]. Còn vua Minh Mạng vào năm 1829 qui định, đã là người Minh Hương thì nhất thiết phải theo lễ nghiã, y phục, luật pháp, đóng thuế, được thi cử làm quan y như người
Việt Nam [66,tr.58]. Như vậy, Minh Hương chỉ những người Trung Hoa đã vào Việt tịch, đã hội nhập vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Những làng Minh Hương, Thanh Hà ít có tài liệu đề cập chi tiết, nhưng căn cứ vào Minh Hương khoán ước [79,tr.21,22] thì xã Minh Hương có 04 điều đặc biệt:
- Một là đơn vị hành chính này không có ranh giới như các làng khác, dân Minh Hương sinh sống khắp sáu tỉnh trong Nam, ở miền Trung và miền Bắc. Tức một tổ chức chung cho tất cả những người được gọi là Minh Hương trên khắp lãnh thổ Việt Nam lúc bấy giờ.
- Hai là nếu dân Minh Hương có làm điều gì phi pháp thì giao về cho người đứng đầu xã xử lý. Nếu có việc quan thì tập trung tại nhà của 3 Hương Trùm: Trần Hưng Nương, Thái Ngươn Hưng và Khưu Đức Hưng (còn gọi là Minh Hương Hữu Tam Hưng). Về sau, Minh Hương xã cử xã trưởng như các xã khác.
- Ba là ngoài những chức năng thông thường như những làng khác, làng Minh Hương còn thực hiện việc thu thuế dân Minh Hương để nộp cho nhà nước. Cư dân làng Minh Hương cũng phải thực hiện việc đóng thuế như cư dân các làng khác. Chẳng hạn, năm 1826 vua Minh Mạng điều chỉnh lại thuế, sổ biệt nạp của người Minh Hương được phân làm 3 hạng: hạng toàn thu, hạng già yếu thu một nửa và hạng đi làm thuê thì miễn hẳn, trong đó thuế toàn thu là 2 lượng bạc, tức 6 quan 6 tiền. Người nào đã đóng thuế biệt nạp thì được miễn hết binh dịch cùng những loại sưu thế khác. Chính quyền nhà Nguyễn cũng qui định người Hoa mới đến
phải đăng ký vào sổ bang để chịu thuế. Những con cháu của người trong bang sinh ra đều không được gióc tóc, để bím. Đến 18 tuổi, bang trưởng phải trình quan để ghi tên vào sổ đinh người Minh Hương và chịu thuế như mọi thành viên khác.
- Bốn là xã Minh Hương không thuộc hệ thống phủ, tổng, huyện, khi có việc thì trực tiếp lên tỉnh. Cụ thể là năm 1829, xét thấy Minh Hương xã cũng là một làng, vua Minh Mạng hạ chiếu cho làng này trực thuộc thẳng với tỉnh.
Trong thiết chế hành chính chung thời bấy giờ, các làng (xã) Minh Hương cũng với cơ chế hai loại quyền lực là vương tước, tức những người có chức tước do vua ban nắm quyền hành làng xã và thiên tước, là quyền cai quản làng của những vị cao tuổi nhất. Đứng đầu làng là vị Tiên chỉ và kế đến là Thứ chỉ. Sau hội đồng già làng là hệ thống những Kỳ hào mục, Hương lão, Hương quan, Hương lễ, Lý trưởng, Ngũ hương (gồm Hương thứ, Hương kiểm, Hương mộc, Hương hỏa và Hương dịch). Trong đó, các chức vị Tiên thứ chỉ, Lý trưởng, Kỳ hào mục nhất thiết phải là người Minh Hương. Tiên thứ chỉ định Lý trưởng, Lý trưởng và Phó Lý chỉ định Ngũ hương và cứ thế đến các thứ bậc tiếp theo [64,tr.57,58]. Theo Minh Hương Khoán ước thì Minh Hương xã có một số chức danh quan trọng:
- Hương Lão và Hương Trưởng, là người cao tuổi, đã nhiều năm làm việc quan, phân xử việc trong làng, khuyên người hiền, răn kẻ dữ,…
Do vậy, đây là những người có phẩm hạnh thanh cao, được dân làng kính trọng, nể phục.
- Trùm Cựu hay Trùm Tân và Biện, được bầu ra để lo việc sổ sách, ghi chép các khoản thu chi của làng. Họ phải là những người ngay thật, mọi khoản thu chi đều minh bạch, không tư lợi, hoàn toàn được dân làng tin tưởng.
Ngoài ra, còn có những chức việc khác như: Hương thị, Hương bảo, Trùm chức, Thủ giáp, Thông ngôn,… tất cả được làng chọn lựa trên tiêu chuẩn có năng lực, thanh liêm, mẫn cán, công bằng, hết lòng vì công việc chung của làng.
Phương cách hoạt động mà cụ thể là những điều “đặc biệt” của Minh Hương xã cho thấy, chính quyền nhà Nguyễn đối xử với người Minh Hương khá cởi mở, có những ưu ái nhất định mà rõ nét nhất là dành cho làng tính tự quản cao. Về vấn đề này, khi nghiên cứu về Minh Hương Gia thạnh, tác giả Phan Thị Yến Tuyết cho biết: “Triều đình nhà Nguyễn đã đồng ý cho những người di cư Trung Hoa đến Việt Nam lập ra Minh Hương xã, hoạt động tự quản” [2,tr.123]. Nội dung của những điều khoản trong Hương ước cho thấy chức năng chủ yếu của làng là nhằm giữ vững khối đoàn kết, duy trì nề nếp, trật tự kỷ cương trong làng, trách nhiệm của các thành viên với làng, chăm lo việc cúng Kỳ Yên hàng năm. Chức năng hành chính rõ ràng nhất của làng Minh Hương giống như bao làng (xã) đương thời khác có lẽ là hoạt động thu thuế. Nhưng do đặc thù của làng, nên làng còn có nhiệm vụ thu thuế các loại hàng hóa từ Trung Quốc đưa sang cũng như các loại nông thổ sản thu gom ở Việt Nam đưa về Trung Quốc. Do vậy, Hương ước được lập nên bởi những người có trách
nhiệm trong làng và có thể điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn, như qui định: “Những điều ước của làng nói trên đây, trong mười điều hết chín điều thấy rõ, chừng nào sau có điều nào khác, làng sẽ ủũnh theõm” [79,tr.12].
Thực tế thì Minh Hương, Thanh Hà như những tổ chức lãnh sự trực thuộc cấp dinh trấn (không trực thuộc tổng, huyện như những làng Việt) hay một tổ chức lãnh sự có nhiều đặc điểm của một tổ chức hành chính và như vậy, có thể coi đây là một thuật ngữ hành chính được sử dụng để khu biệt một bộ phận người Hoa cùng con cái của họ để quản lý và thu thuế. Do vậy, Thiệu Trị năm thứ 2 (1842) qui định, cứ được 5 người trở lên, tức thời cho lập riêng làm xã Minh Hương, quan địa phương có trách nhiệm ghi vào sổ, chiếu lệ chịu thuế [120,tr.311].
Làng Minh Hương (ở Chợ Lớn) tồn tại đến năm 1865 thì chính quyền thuộc địa sáp nhập vào làng người Việt. Cũng theo Minh Hương Khoán ước thì năm 1867, dân xã Minh Hương được chính quyền cho phép lập Minh Hương Gia Thạnh hội để chuyên lo việc tổ chức thờ cúng như những cơ sở tín ngưỡng khác.
Như vậy, Minh Hương xã (làng) là một dạng thức tổ chức xã hội của người Hoa ở Việt Nam với một qui chế đặc biệt vừa nhằm quản lý người Hoa của chính quyền đương thời, vừa tạo điều kiện để người Hoa ổn định cuộc sống và phát triển.