Văn hóa Hoa ở Nam Bộ 57

Một phần của tài liệu Tổ chức xã hội của người hoa ở nam bộ (Trang 61 - 70)

Hơn 3 thế kỷ sinh sống ở Nam Bộ là khoảng thời gian người Hoa hòa nhập vào cộng đồng các dân tộc anh em, nhưng họ vẫn lưu giữ những đặc trưng riêng mang tính truyền thống tộc người. Vốn văn hóa riêng ấy theo thời gian đã được bổ sung nhiều yếu tố mới sinh ra từ quá trình chinh

phục, thích ứng với môi trường sống trên vùng đất mới và sự giao thoa, tiếp biến văn hóa với các cộng đồng dân cư khác trong khu vực cư trú.

Tất cả tạo nên nét văn hóa Hoa trong văn hóa vùng Nam Bộ.

Để mưu sinh và phát triển kinh tế, họ đã hoạt động trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, nhất là hoạt động buôn bán và làm ra những mặt hàng thủ công mỹ nghệ.

Những thương nhân người Hoa cho thấy sự nhạy bén, khéo léo trong kinh doanh buôn bán. Đây là lĩnh vực người Hoa hoạt động rất thành công và hình thành những đặc trưng riêng của nó. Trước hết, gia đình với người Hoa dù là gia đình hạt nhân hay mạng lưới gia đình, thậm chí là sự liên kết ngoài yếu tố huyết thống đều có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để tạo dựng mạng lưới kinh doanh, việc quản lý, tổ chức sản xuất, phân phối và lưu thông sản phẩm tinh gọn nhưng hiệu quả. Đặc biệt, trong hoạt động buôn bán, chữ “tín” nổi lên như một giá trị có tính quyết định của sự thành công. Mối quan hệ mua – bán giữa các đối tác dù thân hay sơ đều được xây dựng trên cơ sở chữ “tín”. Nó được sử dụng như một phương tiện, một cam kết bất thành văn trong giao dịch để xây dựng lòng tin lẫn nhau giữa các thành viên trong một tổ chức hay địa phương, giữa các nhóm người Hoa với nhau và giữa cộng đồng người Hoa với các cộng đồng cư dân bản xứ khác. Bất kỳ ai vi phạm chữ tín sẽ bị đồng nghiệp bất hợp tác, cộng đồng tẩy chay, chẳng những không phát triển được nghề nghiệp mà nguy cơ phá sản là rất lớn. Do vậy, trong bất kỳ trường hợp nào, người Hoa cũng cố giữ niềm tin nơi đối tác.

Một đặc điểm trong hoạt động nghề nghiệp ở người Hoa là cha truyền con nối, người đương thời không chỉ tìm cách để phát triển công việc làm ăn của mình mà còn nhằm tạo dựng uy tín, cũng có thể nói là xây dựng “thương hiệu” cho các thế hệ con cháu hay người trong gia tộc kế tục hoạt động kinh doanh của mình được thuận lợi. Do vậy, trong thực tế, nhiều người chỉ muốn thậm chí cả đời chỉ sử dụng chữ tín trong làm kinh tế, quan hệ xã hội, kể cả trong những thương vụ với số vốn lớn, không coi trọng những giấy tờ, văn bản mang tính thủ tục hành chính.

Cũng trên cơ sở chữ tín, người Hoa thực hiện huy động vốn, giúp vốn cho nhau – tạo nên những hình thức tín dụng dân gian đặc thù.

Trong các ngành nghề thủ công truyền thống thì gốm sứ là khu vực người Hoa hoạt động khá đông, sản phẩm của các lò gốm người Hoa nổi tiếng khắp vùng: gốm Cây Mai (Chợ Lớn), Lái Thiêu – Thủ Dầu Một,…

Trong hoạt động thủ công, một trong những đặc tính chung của người Hoa là giữ bí mật nghề nghiệp, thường thì cha truyền con nối. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, do yêu cầu của sản xuất, những bí mật nghề nghiệp đó không còn tuyệt đối nữa mà nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ ngày nay là sản phẩm của sự giao thoa văn hóa Hoa – Việt.

Tranh kiếng (tranh vẽ trên kiếng), một thời là loại hình nghệ thuật dân gian được đông đảo người dân Nam Bộ yêu thích vốn xuất phát từ người Hoa [158,tr.40-41]. Những người thợ vẽ tranh kiếng có mặt ở nhiều địa phương thuộc Nam Bộ, nhưng vào đầu thế kỷ XX, Nam Bộ có 3 trung tâm nổi tiếng, tạo nên 3 dòng tranh với những nét đặc sắc riêng: dòng

tranh Lái Thiêu, dòng tranh Chợ Lớn và dòng tranh Chợ Mới (An Giang).

Trong đó, dòng tranh kiếng Chợ Lớn chủ yếu là sản phẩm của thợ thủ công người Hoa với thế mạnh là tranh thờ: Quan Công, Thánh Mẫu, bài vị thần Tài, Thổ Địa, tranh thờ tổ tiên,… Các thợ thủ công người Hoa ở Chợ Lớn đã tạo nên phong cách riêng cho tranh của mình qua việc sử dụng nét bút tự nhiên với các màu trắng, đen, xanh lá cây, xanh dương…

Và khác với thợ vẽ tranh các nơi khác, thợ vẽ tranh người Hoa ở Chợ Lớn thường sử dụng màu đỏ, có dán thủy ngân, dán vàng qùy, bạc qùy,… trong những tác phẩm của mình, nên tranh kiếng Chợ Lớn khá rực rỡ, đẹp mắt [155,tr.26,39]…

Đoàn kết cộng đồng, một phẩm chất mà từ xưa đến nay, người Hoa ở Nam Bộ luôn tìm cách củng cố, phát huy nhằm trước hết giúp đỡ, hỗ trợ nhau cả về tinh thần lẫn vật chất để vượt qua những khó khăn, thách thức trong công cuộc mưu sinh nơi “đất khách quê người”. Tinh thần ấy được cụ thể hóa bằng sự ra đời và bền vững của những tổ chức xã hội dựa trên các mối quan hệ đồng hương, họ tộc, nghề nghiệp…

Trong các tổ chức xã hội, mỗi thành viên người Hoa đều tìm thấy chỗ đứng của mình mà trước hết là được cộng đồng – tổ chức quan tâm hỗ trợ cả về tinh thần, vật chất. Khi cơ bản ổn định được cuộc sống trên vùng đất mới thì thông qua các tổ chức, tính cộng đồng được phát huy mạnh mẽ để có thể lập nên những cơ sở sinh hoạt văn hóa, công trình phúc lợi xã hội phục vụ những nhu cầu thiết yếu của người dân trong cộng đồng. Đó là sự ra đời của 6 bệnh viện tập trung ở Sài Gòn và hàng

trăm trường học ở khắp các địa phương có người Hoa sinh sống thuộc Nam Bộ. Ở khía cạnh văn hóa tín ngưỡng, các cộng đồng đã xây dựng nhiều cơ sở đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần, trong đó phổ biến là những cơ sở thờ tự Quan Công, Bà Thiên Hậu, Phước Đức Chánh Thần (Ông Bổn),… Đó là những cơ sở văn hóa tín ngưỡng của các hội đồng hương: Quảng Đông, Quảng Châu, Phúc Kiến, Hải Nam, Triều Châu, Hẹ… Bên cạnh việc tôn thờ những thần thánh được mang theo từ quê hương bản quán, trong quá trình cộng cư, người Hoa còn dung nạp nhiều vị thần của người Việt. Ngày nay, khó phân biệt một cách rạch ròi đâu là yếu tố văn hóa thuần Hoa hay yếu tố thuần Việt trong nhiều cơ sở tín ngưỡng cộng đồng của cả người Hoa lẫn người Việt trên vùng đất Nam Bộ, bởi quá trình hơn ba thế kỷ chung sống, rất nhiều yếu tố Hoa – Việt đã hòa quyện vào nhau trong một cơ sở tín ngưỡng. Mặt khác, chùa Hoa hay chùa Việt chỉ là một cách nói, còn trên thực tế, giữa hai bộ phận cư dân này hầu như không có ranh giới trong sinh hoạt tín ngưỡng, rất nhiều người Hoa đến cơ sở tín ngưỡng người Việt và ngược lại, nhiều người Việt đến cơ sở tín ngưỡng người Hoa để cầu cúng, lễ bái và tham dự các kỳ lễ hội, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng nói chung. Mặt khác, những Hội quán (chùa Hoa) còn là những nhân tố tích cực trong các chương trình từ thiện xã hội của các địa phương… Họ không cần phân biệt đâu là thần có nguồn gốc Việt đâu là thần có nguồn gốc Hoa, là nhân thần hay nhiên thần mà bất kỳ vị nào theo niềm tin là phò trợ cho họ trong cuộc sống đều được tôn thờ với tinh thần “hữu cầu tất ứng”. Về vấn đề này, có ý

kiến nhận xét: “Tín ngưỡng của các chùa Hoa cũng mang tính chất rất hỗn dung, có lẽ ở Trung Hoa không phổ biến hiện tượng này lắm. Người Hoa thờ cúng bất kỳ một vị thần nào, nếu vị thần đó đem lại cho họ một chút ít tin tưởng, hy vọng, một phép lạ ngẫu nhiên nào đó v.v… Cũng khác với hiện tượng thờ cúng ở Trung Hoa, người Hoa ở Việt Nam hầu như không có những đền thờ dành riêng cho đức Khổng Tử, Lão Tử,… nhất là trường hợp thờ Khổng Tử vốn tiêu biểu cho văn hóa Trung Hoa thời phong kiến. Ở các chùa Hoa, những vị chức sắc tôn giáo tối cao ấy đều được bình đẳng và đáng kính như bất kỳ vị thần thánh nào khác” [2,tr.40].

Những dịp: 26 tháng 6 Âm lịch – vía Quan Công, 23 tháng 3 Âm lịch – vía Bà Thiên Hậu, 9 tháng 1 Âm lịch – vía Ngọc Hoàng,… không ít người Việt đến lễ bái tại các đền, miếu của người Hoa. Ngược lại, những dịp giỗ quan Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt, Đức Thánh Trần – Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng,… ở các đền, miếu của người Việt cũng có không ít người Hoa đến chiêm bái, cầu cúng.

Lễ hội – nét văn hóa cộng đồng, từ lâu hai cộng đồng cư dân Hoa – Việt, sinh hoạt chung trong nhiều lễ hội:

- Tết Nguyên Đán, lễ lớn và quan trọng nhất trong năm. Sau thời khắc giao thừa, người Hoa, người Việt thường chọn giờ xuất hành, điểm đến phổ biến là những cơ sở tín ngưỡng cộng đồng để cầu nguyện và xin lộc thần thánh. Sau tết, những người buôn bán, sản xuất chọn ngày tốt thường trong khoảng mùng 6 đến mùng 9 để làm lễ khai trương, trở lại với cuộc sống sinh hoạt thường nhật.

- Tết Nguyên Tiêu, tổ chức vào ngày 15 (rằm) tháng Giêng. Đây là một trong những lễ lớn trong năm của người Hoa, địa điểm cúng bái cả ở nhà riêng và cơ sở tín ngưỡng cộng đồng.

- Thanh Minh, thường được tổ chức vào khoảng giữa đến cuối tháng ba Âm lịch. Tết được tổ chức để tưởng niệm tổ tiên, những người đã khuất. Vào dịp này, con cháu đến nghĩa trang tiến hành dọn dẹp, sửa sang lại mồ mả ông bà, người thân.

- Đoan Ngọ, tổ chức vào ngày mồng 5 tháng 5 Âm lịch, cũng gọi là tết Đoan Dương hay tết Trừ Sâu Bọ, cũng là ngày giỗ của Khuất Nguyên – một nhà thơ được người Trung Hoa kính trọng. Từ lâu, Đoan Ngọ là tết nửa năm của đông đảo người Việt.

- Trung Nguyên, tổ chức vào rằm tháng 7 Âm lịch. Người Hoa và nhiều gia đình người Việt nhân ngày này cúng siêu độ cho các cô hồn lang thang khỏi đói khát và được chuyển kiếp.

- Trung Thu, chủ yếu dành cho trẻ em, nhưng người lớn cũng tham gia cúng trăng và vui chơi. Tết ra đời ở Trung Quốc, nhưng ngày nay, đây là tết chung của hai cộng đồng Hoa, Việt. Vào dịp này, người ta thường tặng bánh trung thu cho người thân, bạn bè bày tỏ lòng qúi mến.

Tieồu keỏt

Người Hoa ở Việt Nam có nguồn gốc từ các địa phương thuộc duyên hải miền nam Trung Quốc. Họ rời bỏ quê hương vì nhiều lý do khác nhau, chủ yếu là đi tìm đất sống. Đến Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác sinh sống, người Hoa thường tự gọi và được người dân sở

tại gọi theo tên triều đại mà họ từng là thần dân, như người Đường, người Minh, người Thanh hay gọi theo nguồn gốc địa phương: người Quảng Đông, người Triều Châu, người Phước (Phúc) Kiến, người Hải Nam…

So với miền Bắc, miền Trung Việt Nam thì người Hoa đến Nam Bộ định cư muộn hơn. Nhưng rõ ràng với những ưu thế của một vùng đất mới, nơi đây có sức hút mạnh mẽ đối với di dân Trung Hoa qua các thời kỳ lịch sử và trở thành địa bàn tụ cư đông nhất của người Hoa ở Việt Nam như hiện nay. Họ là những tướng sĩ của nhà Minh bất phục nhà Thanh, thương nhân, nông dân, thợ thủ công… Trên vùng đất mới Nam Bộ, người Hoa với bản tính cần cù, chăm chỉ, sớm biết khai thác thế mạnh tự nhiên ở vùng đất mới cùng sự “cởi mở” của nhà nước đương thời để mưu sinh và phát triển kinh tế.

Trải qua các thời kỳ: nhà Nguyễn, thực dân Pháp cai trị Việt Nam, chính quyền Sài Gòn ở miền Nam và thời kỳ Việt Nam thống nhất, tuy chính sách của các nhà cầm quyền đối với người Hoa có lúc này lúc khác, nhưng nhìn chung người Hoa chí thú làm ăn và đạt nhiều thành tựu trên lĩnh vực kinh tế. Tuy vậy, một thời gian dài với tâm lý kiều dân, sự hòa nhập với xã hội sở tại có những hạn chế nhất định. Cho đến khi Việt Nam thống nhất (1975), với những chủ trương, đường hướng đúng đắn về vấn đề dân tộc của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam thì vị trí xã hội của người Hoa ở Việt Nam mới được xác định rõ ràng, mở ra một thời kỳ mới trong sự hội nhập của người Hoa vào xã hội sở tại.

Hòa nhập vào xã hội Việt Nam – Nam Bộ, người Hoa vừa bảo lưu những nét văn hóa truyền thống vừa tiếp nhận, giao lưu với các dân tộc cộng cư. Ở Nam Bộ, di dân Hoa thường cư trú theo nhóm dựa trên các mối quan hệ họ hàng, đồng hương, nghề nghiệp. Điều đó làm hình thành nên những làng hay phố mà ở đó những sắc thái văn hóa Hoa thể hiện đậm nét. Trong lao động sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực thủ công nghiệp, những thợ thủ công người Hoa đã chuyển tải vào vùng đất Nam Bộ nhiều ngành nghề. Đời sống tinh thần của người Hoa rất phong phú, sự dung hòa tôn giáo không chỉ làm cho đời sống sinh hoạt tín ngưỡng của người Hoa diễn ra sôi nổi mà còn đan xen, hòa quyện với tín ngưỡng tôn giáo của các bộ phận cư dân khác làm nên những sắc thái riêng trong sinh hoạt văn hóa, xã hội của cư dân vùng Nam Bộ.

Chửụng II

TỔ CHỨC XÃ HỘI CỦA NGƯỜI HOA Ở NAM BỘ TRƯỚC 1975 Cũng như nhiều vùng đất khác, khi đến Nam Bộ sinh sống, người Hoa thường tụ cư thành nhóm dựa trên những mối quan hệ như họ hàng, đồng hương, cùng nghề nghiệp. Từ đó hình thành nên những khu vực mang đậm sắc thái văn hóa Hoa, có thể gọi là làng hay phố Trung Hoa, cũng từ đó xuất hiện các hình thức liên kết, tạo thành những tổ chức xã hội với chức năng chính là giúp đỡ lẫn nhau trong công cuộc mưu sinh, điều hòa các mối quan hệ về mọi mặt trong cộng đồng: kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như đại diện cho cộng đồng trong giao tiếp xã hội và với chính quyền sở tại.

Một phần của tài liệu Tổ chức xã hội của người hoa ở nam bộ (Trang 61 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(213 trang)