CHƯƠNG III KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.5.2.2. Các giải pháp cụ thể
Để khắc phục các tồn tại trong công tác thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằngcần thực hiện tốt các giải pháp sau:
* Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bồi thường GPMB
- Tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp để người bị thu hồi đất hiểu rõ và tự giác phối hợp với Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư thực hiện quy định của pháp luật và chính sách trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
- Tăng cường vai trò của cấp uỷ và chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ trưởng nhân dân và đại diện của người bị thu hồi đất phối hợp với chủ đầu tư, Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng thành phố thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và vận động thuyết phục nhân dân, đoàn viên, hội viên thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bồi thường giải phóng mặt bằng.
- Tổ chức thực hiện việc thu hồi đất phải lắng nghe ý kiến của nhân dân để giải quyết các kiến nghị, đề nghị hợp tình, hợp lý tránh cứng nhắc; đặt mình vào vị trí của người bị thu hồi đất để thông cảm, chia sẻ với các khó khăn, thiệt thòi và bức xúc của người dân khi bị thu hồi đất để có biện pháp tạo điều kiện ổn định cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân. Đồng thời sử lý nghiêm đối với những đối tượng cố tình gây cản trở cho việc thu hồi đất của nhà nước
*Xác định chính xác đối tượng và điều kiện được bồi thường
- Đẩy nhanh công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giải quyết việc chuyển nhượng, cho tặng quyền sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc xác định đối tượng được bồi thường hoặc không được bồi thường về đất.
- Trước khi kiểm kê đất đai và tài sản trên phạm vi thu hồi đất, tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cần phối hợp chặt chẽ với địa phương, yêu cầu các chủ sử dụng đất cung cấp đầy đủ các giấy tờ về quyền sử dụng đất nhằm xác định chính xác ranh giới sử dụng đất hợp pháp của từng hộ để xác định chủ sử dụng đất, diện tích và loại đất được bồi thường.
* Xây dựng giá bồi thường, hỗ trợ phù hợp với thị trường - Đối với bồi thường, hỗ trợ về đất:
+ Thực hiện việc rà soát để điều chỉnh, bổ sung việc phân loại đường phố, khu vực, vị trí đất cho đất phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực; nhất là các khu vực mới được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
+ Điều tra khảo sát để xây dựng khung giá đất của địa phương (áp dụng vào ngày 01 tháng 01 hàng năm) phù hợp với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường; có chính sách áp dụng giá đất linh hoạt đối với các khu vực nhậy cảm có lợi thế cao tiếp giáp với khu trung tâm, đô thị, ven đường giao thông, ven trục quốc lộ….; có sự chênh lệch hợp lý giữa giá đất phi nông nghiệp và đất nông nghiệp để tránh mâu thuẫn khi bồi thường, hỗ trợ khi bồi thường.
- Đối với bồi thường vật kiến trúc, hoa màu, vật nuôi:
+ Rà soát phân loại chi tiết đối hơn trong việc phân cấp, phân loại vật kiến trúc để dễ áp giá bồi thường; trường hợp có biến động mặt bằng giá cả phải được cập nhật điều chỉnh để có được giá bồi thường phù hợp.
+ Quy định cụ thể điều kiện và mức bồi thường, hỗ trợ đối với các công trình không nằm trong phạm vi thu hồi đất nhưng bị ảnh hường, giảm giá trị sử dụng do việc phải phá dỡ một phần và do xây dựng các công trình của nhà nước.
* Khắc phục mâu thuẫn của các chính sách hỗ trợ; tạo điều kiện thuận lợi về nhà ở, việc làm, đời sống sinh hoạt cho người bị thu hồi đất
- Tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chính sách hỗ trợ trên địa bàn thành phố đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh các chế độ chính sách hỗ trợ bất hợp lý tại địa phương; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo đề xuất các Bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ điều chỉnh.
- Thực hiện tốt việc đào tạo chuyển đổi nghề và ưu tiên bố trí việc làm cho người bị thu hồi đất tham gia làm việc ngay trong các dự án được giao đất. Mở rộng các mô hình dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố nhất là các nghề truyền thống của địa phương (như chế biến lâm sản, làm đồ thủ công mỹ nghệ mây tre đan, dệt thổ cẩm, móc sợi, chổi chít, đan cót...) thu hút lao động là người bị thu hồi đất.
- Thực hiện tốt chính sách khuyến công, khuyến nông; có chính sách cho vay vốn ưu đãi; miễn, giảm thuế đối với các dự án tạo được nhiều việc làm cho người bị thu hồi đất.
* Nâng cao năng lực của tổ chức thực hiện công tác GPMB
- Tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực của Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố về con người, trang thiết bị. Thành lập Tổ thẩm định bồi thường giải phóng mặt bằng thành phố chuyên trách công tác thẩm định Phương án bồi thường của các công trình
- Đào tạo cán bộ làm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nắm vững các chế độ chính sách về bồi thường; có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm để việc xác dịnh giá trị bồi thường đúng pháp luật, trung thực, khách quan, công bằng và giải quyết các kiến nghị, thắc mắc của nhân dân trong quá trình thực hiện.