Chương 2. ĐẢNG BỘ TỈNH BẮC NINH LÃNH ĐẠO ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA TRONG NHỮNG NĂM 2001 - 2008
2.2. Quá trình chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp của Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh
2.2.1. Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp
Trong những năm 2001 - 2008, mặc dù có những tác động bất lợi những sản xuất nông nghiệp của Tỉnh vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trung bình 5,8%/năm, trồng trọt tăng 3,2%/năm; chăn nuôi tăng 11%/năm; thủy sản tăng 19,6%/năm. Vượt mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh đề ra. Bên cạnh đó, giá trị sản xuất
52
trên một ha đất nông nghiệp cũng tăng nhanh và đạt 58,9 triệu đồng vào năm 2008, tăng gấp 2,7 lần so với năm 2001 và vượt 30% so với mục tiêu đề ra.
Mặc dù tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm song giá trị thu nhập từ kinh tế nông nghiệp vẫn không ngừng tăng. Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản năm 2002 đạt 1.800 tỷ đồng, năm 2007 đạt 4.213 tỷ đồng. Cơ cấu ngành chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi và thủy sản, giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, lâm nghiệp. Năm 2008, tỷ trọng trồng trọt, lâm nghiệp - chăn nuôi, thủy sản - dịch vụ nông nghiệp tương ứng là 50,60% - 41,72% - 6,78% [104, tr.2].
* Về trồng trọt
Trồng trọt vẫn là ngành sản xuất chính, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn.
Tuy nhiên trong thời gian này đã chuyển dịch dần sang sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng giảm diện tích trồng cây lương thực và tăng cường diện tích trồng rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày.
Qua thực hiện kế hoạch 5 năm (2001 - 2005) và 3 năm (2006 - 2008), giá trị sản xuất ngành trồng trọt không ngừng tăng từ 1538,4 tỷ đồng năm 2001 lên 2.424,48 tỷ đồng vào năm 2008. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng của ngành trồng trọt không đều và có xu hướng giảm. Trong đó, năm 2004 đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất 5,5%, năm 2006 có tốc độ tăng chậm nhất đạt 3% [4, tr.563].
Do việc mở rộng diện tích các khu đô thị, khu công nghiệp của quá trình đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp có xu hướng giảm dần đặc biệt là diện tích trồng lúa. Thêm vào đó, nhiều diện tích đất trồng lúa không ổn định được chuyển đổi mục đích sử dụng sang nuôi trồng thủy sản càng làm cho diện tích đất trồng lúa bị thu hẹp. Năm 2001, diện tích gieo trồng cây hàng năm của Tỉnh đạt 101,860 ngàn ha nhưng đến năm 2008 đã giảm xuống còn 992,057 ngàn ha. Trong đó, diện tích lúa giảm trên 2000 ha. Mặc dù diện tích
53
gieo trồng lúa đã giảm nhưng với việc áp dụng các tiến bộ KHKT, đưa các giống lúa có năng suất cao vào gieo trồng nên sản lượng và năng suất lúa bình quân vẫn tăng. Năm 2001, sản lượng lúa đạt 447,8 ngàn tấn đến năm 2005 đạt 454,4 ngàn tấn và năm 2008 là 452,6 ngàn tấn và năng suất tương ứng các năm là 52,1 tạ/ha - 55,53 tạ/ha - 58,46 tạ/ha; lương thực bình quân đạt 445,5kg/người [103, tr.3]. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy Bắc Ninh còn tích cực chỉ đạo nhân dân thay đổi cơ cấu mùa vụ để tận dụng lợi thế thời tiết theo hướng tăng diện tích lúa xuân muộn từ 82% năm 2003 lên 86,5% năm 2007; diện tích lúa mùa trung cũng tăng lên khoảng 37,8 ngàn ha năm 2007. Bắc Ninh đã hình thành 30 vùng sản xuất lúa hàng hóa với tổng diện tích 3.525 ha.
Trong thời gian kể trên Bắc Ninh đã làm tốt công tác chuyển dịch cơ cấu trà lúa, giống lúa, từ sản xuất các giống lúa có năng suất cao như Khang Dân, Q5 sang trồng các giống lúa lai, lúa nguyên chủng và lúa chất lượng, có giá trị hàng hóa cao như lúa Nếp cái hoa vàng, Bắc thơm... Chính vì vậy không những đã đảm bảo được yêu cầu vừa tăng về sản lượng vừa đảm bảo chất lượng và giá trị thu được trên một đơn vị diện tích.
Diện tích ngô có xu hướng ổn định, tăng chậm. Để đảm bảo năng suất, Tỉnh đã tích cực chuyển giao KHKT và đưa các giống ngô có năng suất cao vào sản xuất. Diện tích trồng ngô mở rộng trong vụ đông và đất ngoài bãi đê.
Năng suất ngô đạt 36,1 tạ/ha và sản lượng đạt 9.020 tấn năm 2008, tăng so với năm 2003 tương ứng là 13,17% và 22,86% [103, tr.2].
Cơ cấu sản xuất của ngành trồng trọt có sự chuyển dịch tích cực, diện tích các cây có giá trị kinh tế cao như dưa chuột, rau xuất khẩu, tỏi, ớt, khoai tây, đậu tương tăng đáng kể. Diện tích, năng suất các loại rau màu đều tăng nhanh. Đến năm 2008, tổng diện tích gieo trồng đạt 10.322 ha, tăng 3,49% so với năm 2005 (vụ Đông Xuân là 8.517 ha; vụ mùa là 1.705 ha). Trong đó, diện tích khoai tây đạt 2.909 ha tăng 10,04% so với năm 2005; năng suất đạt 147,4 tạ/ ha, tăng 6,73%; sản lượng đạt 42,8 nghìn tấn, tăng 17,8% [103, tr.2].
54
Cây công nghiệp hàng năm: chủ yếu là cây đậu tương, cây lạc và cây dâu. Đến năm 2008, tổng diện tích đạt 3.556 ha. Trong đó, diện tích lạc là 1.610 ha, năng suất đạt 18,4 tạ/ ha có xu hướng giảm diện tích nhưng sản lượng tăng, đạt 2.967 tấn; đậu tương có diện tích 1.754 ha, năng suất đạt 16,4 tạ/ha, sản lượng đạt 2.875 tấn tăng 104,5% so với năm 2002; cây dâu có diện tích giảm và tập trung ở đất ngoài đê sông Đuống, sông Thái Bình ở các huyện thuận Thành, Lương Tài [4, tr.572].
Để tăng cường giá trị hàng hoá của sản phẩm, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các địa phương xây dựng các vùng sản xuất rau màu tập trung. Đến năm 2008, nhiều vùng sản xuất tập trung và cánh đồng 50 triệu đồng/ha đã được hình thành. Toàn Tỉnh hiện có 24 vùng sản xuất khoai tây với diện tích 904,5 ha như vùng sản xuất khoai tây ở huyện Quế Võ; 35 vùng sản xuất rau xuất khẩu với diện tích 1.328 ha ở huyện Yên Phong, Thành phố Bắc Ninh... và một số vùng sản xuất hoa, cây cảnh ở huyện Tiên Du, Thành phố Bắc Ninh; vùng sản xuất cà rốt ở huyện Lương Tài [101, tr.3].
Nông nghiệp là ngành kinh tế phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Trong thời gian 2001 - 2008, điều kiện thời tiết có nhiều những diễn biến bất thường, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc gieo trồng, năng suất các giống cây trồng như rét đậm vào các năm 2006; hạn hán đầu năm 2004; mưa lớn gây ngập úng các năm 2003, 2008... Nhưng do công tác dự báo được chú trọng và sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, các Ban, Ngành ở địa phương và sự nỗ lực của nhân dân ngành trồng trọt của Bắc Ninh vẫn đạt tốc độ phát triển khá. Các huyện trong Tỉnh đã thực hiện hiệu quả các Nghị quyết về hỗ trợ phát triển nông nghiệp của Hội đồng nhân dân Tỉnh như: hỗ trợ thủy lợi phí; hỗ trợ 50% giá giống cây trồng mới, cây trồng có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung; hỗ trợ 100kg phân kali/ha trồng cây vụ đông có giá trị kinh tế cao...
55
Xét một cách tổng thể, ngành trồng trọt của Bắc Ninh đã đạt được những kết quả đáng mừng. Xu thế chung của ngành trồng trọt là sự chiếm ưu thế của những loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần chuyển nền kinh tế nông nghiệp sang hình thức nông nghiệp hàng hóa.
* Về lâm nghiệp
Trong thời gian 2001 - 2008, Tỉnh ủy Bắc Ninh tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chương trình 327. Đặc biệt từ năm 2004, cùng với Chương trình 327, các địa phương trong Tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện 661 về trồng và chăm sóc rừng. Diện tích rừng trồng trong Tỉnh không ngừng tăng từ 59,8 ha năm 2004 lên 86,5 ha năm 2006.
Bên cạnh việc trồng rừng, công tác chăm sóc rừng cũng được chú trọng. Năm 2007, Tỉnh đã chăm sóc được 196 ha và bảo vệ được 329 ha rừng, vượt 115% kế hoạch đề ra. Đến năm 2005, Bắc Ninh cũng đã trồng được 1,48 triệu cây phân tán. Ngành lâm nghiệp đã hỗ trợ xây dựng 13 điểm, mô hình trồng cây cảnh quan, bóng mát, cây lâm nghiệp và cây ăn quả với quy mô 26,4 ha và 13,3 km đường cây. Mô hình trồng cây tràm chắn sóng ven đê được thực hiện có kết quả tốt [101, tr.3].
Trong thời gian này, giá trị sản xuất lâm nghiệp cũng có giá trị không ngừng tăng. Năm 2008, giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 6,5 tỷ đồng, tăng 0,5%
so với năm 2005. Tổng số gỗ khai thác đạt 4.847 m3, tăng gần 1% so với năm 2006 [104, tr.3].
Do làm tốt công tác quản lí và đặc biệt là thực hiện chương trình xã hội hóa công tác phát triển, bảo vệ rừng nên những năm gần đây ít xảy ra cháy rừng và chặt phá rừng.
* Về chăn nuôi
Trong 5 năm (2001 - 2005), ngành chăn nuôi tăng mạnh với tốc độ bình quân gần 11%/năm. Từ năm 2006, ngành chăn nuôi chịu tác động xấu từ các dịch bệnh như lở mồm long móng; cúm, H5N1, H1N1; rối loạn tiêu hóa trên
56
đàn lợn... nên tốc độ chăn nuôi tăng chậm, không liên tục. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi còn gặp khó khăn như giá thức ăn tăng cao, giá bán sản phẩm thấp và không ổn định đã ảnh hưởng bất lợi đến tốc độ phục hồi ngành chăn nuôi sau dịch bệnh.
Để khắc phục khó khăn, Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác dự báo tình hình dịch bệnh, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng chống kịp thời, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do bệnh dịch gây ra. Khi phát hiện có một số gia súc tại xã Tam Sơn, Từ Sơn; Cao Đức, Gia Bình; Trí Quả, Thuận Thành có biểu hiện mắc bệnh lở mồm long móng vào các năm như 2006, 2008, các ban ngành chức năng trong Tỉnh như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương chủ động tiêu hủy gia súc nghi mắc bệnh, phòng chống dịch kịp thời.
Đồng thời, Tỉnh còn ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi như:
hỗ trợ lãi xuất cho các hộ chăn nuôi; hỗ trợ các hộ mua bò sữa số tiền 1 triệu đồng/con; hỗ trợ các hộ mua lợn nái ngoại thuần 200.000 đồng/con; hỗ trợ mua giống gia cầm nuôi theo phương pháp công nghiệp có quy mô từ 500 con trở lên 50% giá giống cho 1 lần đầu...; cấp miễn phí các loại vacxin phòng bệnh nguy hiểm cho bò sữa, lợn nái ngoại [101, tr.3].
Về số lượng đàn gia súc, gia cầm: trong thời gian này số lượng đàn gia súc, gia cầm có sự biến động không đều qua các năm. Trong đó, đàn gia súc có xu hướng giảm về số lượng đặc biệt là gia súc lớn như trâu, bò; đàn gia cầm có xu hướng tăng.
Năm 2008, số lượng lợn trong Tỉnh là 416.900 con, giảm gần 6% so với năm 2005 nhưng lại tăng gần 8% so với năm 2007. Đàn trâu giảm từ 9500 con năm 2004 xuống 3493 con vào năm 2008. Đàn bò có chiều hướng tăng, giảm không ổn định, năm 2004 có 54.800 con đến năm 2007 tăng lên 60.559 con những đến năm 2008 lại giảm xuống còn 49.646 con, trong đó đàn bò sữa có xu hướng giảm mạnh từ 800 con năm 2004 xuống còn 647 con năm 2008.
57
Đàn gia cầm có xu hướng tăng ổn định từ 3,8 triệu con năm 2004 lên 3,9 triệu con vào năm 2008.
Tuy nhiên, đáng chú ý là tuy số lượng các loại gia súc có giảm những sản lượng thịt xuất chuồng lại không giảm nhiều. Năm 2008, sản lượng thịt gia súc tăng 8% so với 2006; sản lượng gia cầm tăng 14,95% [103, tr.2]. Điều này là do trọng lượng của gia súc xuất chuồng cao hơn những năm trước.
Về chất lượng đàn gia súc, gia cầm:
Để thực hiện các mục tiêu phát triển nông nghiệp đặc biệt là mục tiêu đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, nâng cao chất lượng các giống gia súc, gia cầm đặc biệt là giống bò, Tỉnh ủy đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tỉnh xây dựng và thực hiện đề án “Phát triển chăn nuôi bò thịt của tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2006 - 2010” với mục tiêu cụ thể là tiếp tục phát triển đàn bò thịt đạt 65.000 con vào năm 2010; tăng cường số lượng bò lai sind lên 50.000 con, chiếm 78% tổng đàn; tiếp tục phát triển đàn bò đực lai và mở rộng thụ tinh nhân tạo đảm bảo chất lượng đàn bò thịt.
Thực hiện đề án chất lượng đàn bò trong Tỉnh đã được cải thiện đáng kể. Đến năm 2008, đàn bò lai sind đã chiếm tỷ lệ trên 78% tổng đàn. Chăn nuôi lợn cũng có bước tiến đáng kể, tỷ lệ lợn nạc đã chiếm gần 40% tổng số đàn lợn. Tỷ lệ gia cầm giống mới như gà Kabir, ngan Pháp, vịt siêu trứng đã chiếm tỷ lệ khoảng 34%.
Đặc biệt hình thức chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp ngày càng phát triển, các trang trại chăn nuôi ngoài khu dân cư với quy mô lớn đang dần được hình thành. Hiện nay, trên địa bàn Tỉnh đã hình thành 209 vùng chăn nuôi tập trung, trong đó 50 vùng chăn nuôi gia cầm, 39 vùng chăn nuôi lợn, 23 vùng chăn nuôi bò thịt, bò sữa.
* Về nuôi trồng thủy sản
Nghề nuôi trồng thủy sản được xác định là mũi nhọn đột phá trong chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
58
Những năm qua mặc dù sản xuất nông nghiệp có những biến động bất lợi làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của các ngành trồng trọt, chăn nuôi tuy nhiên ngành nuôi trồng thủy sản vẫn luôn ổn định và phát triển, diện tích, năng suất, sản lượng không ngừng tăng.
Về diện tích: do có chính sách phù hợp nên những năm qua ở Bắc Ninh số diện tích đất chuyển đổi từ ruộng trũng sang nuôi trồng thủy sản được nhân rộng. Thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Tỉnh, Bắc Ninh đã hỗ trợ chuyển dịch vùng trũng sang nuôi thủy sản, cụ thể:
Khuyến khích các địa phương có diện tích đất trũng sản xuất lúa hiệu quả thấp xây dựng quy hoạch chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản và phát triển mô hình kinh tế trang trại, VAC... Những nơi có dự án khả thi được cấp có thẩm quyền phê duyệt được hưởng các mức hỗ trợ:
1. Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí điều tra, khảo sát, thiết kế, lập dự án. Hỗ trợ 100% kinh phí cho việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất khi quy hoạch.
2. Hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng các dự án trong vùng quy hoạch gồm: xây dựng cống chính, trạm bơm cục bộ, đường điện chính, trạm điện.
3. Các hộ có diện tích trong vùng dự án từ 200m3 trở lên được cho phép xây dựng nhà bảo vệ không kiên cố.
4. Khuyến khích các hộ chuyển đổi ruộng đất trong vùng dự án, hỗ trợ 100% lệ phí chuyển đổi ruộng đất [101, tr.4].
Những chính sách khuyến nông của Tỉnh đã làm cho ngành nuôi trồng thủy sản phát triển với tốc độ nhanh. Bắc Ninh đã chuyển đổi một số lượng lớn diện tích đất trũng, đất cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản:
59
Bảng 2.1: Diện tích chuyển từ ruộng trũng sang nuôi trồng thủy sản Đơn vị: ha
Năm 2001 2002 2004 2005 2008
Diện tích chuyển đổi 944 1100 1745 1900 2013 Nguồn: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh
Như vậy, trong 7 năm diện tích đất chuyển đổi từ ruộng trũng cấy lúa bấp bênh sang nuôi trồng thủy sản đã tăng 2,13 lần, riêng năm 2001 đã chuyển đổi được 285ha. Các huyện trong Tỉnh đang tích cực lập quy hoạch và triển khai thực hiện các dự án chuyển đổi sản xuất ở vùng trũng và có trên 1100 hộ nhận khoán nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt là tại những huyện đất trũng như Lương Tài đã chuyển đổi 380 ha, Gia Bình chuyển đổi 275 ha. Đây là một bước đi đúng hướng góp phần làm tăng giá trị sản phẩm trên một ha đất canh tác.
Chính vì vậy, diện tích nuôi trồng thủy sản không ngừng tăng với tốc độ nhanh. Năm 2002, toàn Tỉnh có 2920 ha; năm 2005 là 4500 ha và đến năm 2008 đã tăng lên 5177 ha. Đến năm 2008, Bắc Ninh đã xây dựng được 97 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại khắp các huyện trong Tỉnh. Trong đó, diện tích nuôi cá chiếm tỷ lệ lớn khoảng trên 90% diện tích nuôi trồng với các giống cá có năng suất, chất lượng cao như cá rô phi đơn tính, các chim trắng, cá chép lai... dần thay thế các loại cá có năng suất thấp. Bên cạnh đó, Tỉnh còn tích cực đưa các loại thủy sản có giá trị hàng hóa cao vào sản xuất như tôm càng xanh, ba ba... với diện tích ngày càng được mở rộng.
Về năng suất và sản lượng: những năm qua, nuôi trồng thủy sản cũng chịu tác động lớn từ thời tiết thất thường như mưa lớn trong các năm 2004 làm ngập gần 1000 ha ao cá; mưa lớn vào trung tuần tháng 7 năm 2005 làm ngập lụt hơn 1000 ha nuôi trồng thủy sản đã làm thất thoát và giảm sản lượng thủy sản nhưng nhờ thực hiện thâm canh tăng năng suất, thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường sống và phòng trị bệnh cho đàn thủy sản, áp dụng các
60
tiến bộ KHKT và đưa các giống mới vào sản xuất đã góp phần làm cho năng suất không ngừng tăng. Năm 2005, sản lượng thủy sản đạt 17,5 ngàn tấn, tăng 23,3% so với năm 2004; năm 2007, sản lượng đạt 21,86 ngàn tấn, tăng 6,87%
so với năm 2005 và năm 2008, sản lượng đạt 23,4 ngàn tấn [4, tr.572]. Năng suất năm 2008 đạt 37,8 tạ/ha. Thị trường tiêu thụ thủy sản được mở rộng và ổn định.
Như vậy, ngành chăn nuôi, thủy sản đã có sự tiến bộ đáng kể, cung cấp thực phẩm phục vụ nhu cầu nhân dân trong Tỉnh, chế biến xuất khẩu và cung cấp cho thị trường trong nước. Có được những thành tựu trên là do sự lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy, các cấp, các ngành cùng với việc nhân dân đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kĩ thuật, ứng dụng các tiến bộ KHKT về giống, thức ăn, kĩ thuật chăn nuôi và công tác thú y.
Tuy vậy, sự phát triển của chăn nuôi, thủy sản là chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh. Sản phẩm chăn nuôi chất lượng chưa cao, các cơ sở chế biến còn ít, công nghệ còn lạc hậu, tiêu thụ nội địa là chính, tỷ trọng và giá trị xuất khẩu còn thấp. Chăn nuôi chủ yếu quy mô nhỏ, kinh nghiệm và kĩ thuật nuôi của nhân dân còn hạn chế, năng suất, sản lượng, hiệu quả chăn nuôi chưa cao. Các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giống, thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản và chế biến sản phẩm chăn nuôi hiệu quả thấp, chưa gắn với nhu cầu thị trường.