Chương 2. ĐẢNG BỘ TỈNH BẮC NINH LÃNH ĐẠO ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA TRONG NHỮNG NĂM 2001 - 2008
2.2. Quá trình chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp của Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh
2.2.2. Phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác xã trong nông nghiệp
* Về phát triển kinh tế trang trại
Thực hiện phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh đã đề ra nhiều biện pháp cụ thể trong tổ chức thực hiện, trong đó đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại là một yếu tố có ý nghĩa quyết định.
Được sự quan tâm, sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, Đảng, ngành nông nghiệp, những năm qua kinh tế trang trại trong Tỉnh phát triển nhanh, đa ngành, hiệu quả theo hướng tập trung, chuyên môn hóa.
61
Năm 2008, Bắc Ninh có 1869 trang trại. Như vậy, so với năm 2001 số trang trại đã tăng lên gần 40%. Trong đó có 11 trang trại trồng trọt, 1169 trang trại chăn nuôi thủy sản và 690 trang trại kinh doanh tổng hợp. Các trang trại nuôi trồng thủy sản chiếm tỷ lệ lớn với trên 62% [4, tr.573]. Trang trại tập trung chủ yếu ở những địa phương có nhiều điều kiện đất đai, mặt nước thuận lợi để mở rộng quy mô sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản như các huyện Gia Bình, Lương Tài, Thuận Thành.
Các trang trại đã góp phần giải quyết việc làm cho một lực lượng lớn lao động nông thôn. Bình quân một trang trại sử dụng khoảng gần 7 lao động, trong đó số lao động thuê mướn thường xuyên có khoảng 2,06 lao động; lao động thuê mướn thời vụ quy đổi là 3.75 lao động. Trong đó, trang trại nuôi trồng thủy sản sử dụng nhiều lao động nhất.
Lực lượng lao động trong các trang trại chủ yếu là những lao động thủ công chưa qua đào tạo và làm những công việc giản đơn. Trình độ của lao động còn thấp với khoảng 90% lao động không có chuyên môn.
Kinh tế trang trại nhận được sự đầu tư từ kinh phí của Tỉnh cho những xây dựng cơ bản, hỗ trợ vốn... đây là những động lực thúc đẩy mô hình này phát triển. Tuy vậy, cho đến nay việc hình thành kinh tế trang trại vẫn chủ yếu dựa vào khai thác nội lực về vốn của các chủ trang trại. Các trang trại ngày càng được tăng cường đầu tư vốn và không ngừng mở rộng về quy mô. Năm 2001, tổng số vốn đầu tư của các trang trại là 17.352 triệu đồng, bình quân một trang trại có số vốn là gần 159 triệu đồng. Năm 2008, số vốn đầu tư cho các trang trại đã tăng lên gần 300 triệu cho một trang trại đặc biệt là các trang trại chăn nuôi. Nguồn vốn này chủ yếu là vốn tự có của các chủ trang trại chiếm khoảng trên 70% còn lại là vốn vay ưu đãi ngân hàng.
Giá trị kinh tế mang lại từ kinh tế trang trại cũng không ngừng tăng.
Năm 2008, giá trị bình quân một trang trại đạt khoảng 197 triệu đồng/ năm tăng khoảng 43 triệu đồng so với năm 2001. Nhiều hộ gia đình với mô hình
62
kinh tế trang trại đã vươn lên làm giàu và giải quyết việc làm cho lao động trong vùng như trang trại chăn nuôi gia cầm của gia đình ông Ngô Văn Chiến ở Đông Thọ, Yên Phong thu lãi gần 200 triệu đồng/năm; trang trại VAC tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Công Hùng ở Bình Dương, Gia Bình thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm [82, tr.7].
Kinh tế trang trại phát triển đã thúc đẩy sản xuất nông sản, thực phẩm hàng hóa phát triển. Hàng năm cung cấp hàng ngàn tấn rau quả, thực phẩm tươi sống và chất lượng cho thị trường trong và ngoài tỉnh đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Việc phát triển kinh tế trang trại đã khẳng định ưu thế hơn hẳn kinh tế hộ nông dân về khai thác tiềm năng đất đai, lao động, huy động nguồn vốn... Kinh tế trang trại đã thu hút một lực lượng lớn lao động dư thừa ở nông thôn. Kinh tế trang trại còn góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo ra các vùng sản xuất tập trung, làm tiền đề cho công nghiệp chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản, đưa công nghiệp và các ngành nghề dịch vụ vào nông thôn.
* Về phát triển kinh tế Hợp tác xã
Kinh tế hợp tác xã ở Bắc Ninh đã và đang có vị trí quan trọng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế; cơ cấu lao động đặc biệt trong nông nghiệp, nông thôn; góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và ổn định đời sống của đại bộ phận người lao động ở khu vực nông thôn. Kinh tế HTX đóng góp gần 7%
vào GDP của Tỉnh. Các loại hình HTX trong từng ngành, từng lĩnh vực đã tham gia tích cực vào quá trình sản xuất, dịch vụ và lưu thông hàng hóa.
Nhận thức được tầm quan trọng của các HTX trong nông nghiệp, Tỉnh ủy Bắc Ninh đã chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Luật HTX nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như phát huy vai trò HTX. Kết luận số 76- KL/TU của Tỉnh ủy Bắc Ninh tháng 9 năm 2004 đã xác định nhiệm vụ cụ thể đối với các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể trong thực hiện Luật HTX:
63
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động làm chuyển biến nhận thức về các quan điểm phát triển kinh tế tập thể của Nghị quyết hội nghị lần thứ 5 BCHTW Đảng khóa IX; tiếp tục tuyên truyền Luật HTX sửa đổi.
2. Tập trung củng cố, hoàn thiện HTX hiện có. Nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, rà soát, phân loại các HTX để có biện pháp hỗ trợ kịp thời các HTX yếu vươn lên. Đẩy mạnh phát triển các HTX mới trên cơ sở nhu cầu và tự nguyện của nông nhân nhất là những HTX chuyên ngành, mô hình kinh tế như kinh tế trang trại, thủy sản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
3. Bổ sung quy định hỗ trợ kinh phí tập thể và HTX nông nghiệp về vốn, đầu tư kĩ thuật, giống và tiêu thụ sản phẩm. Mở rộng liên kết kinh tế giữa nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp trong phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
4. Hướng dẫn nông dân tổ chức các tổ sản xuất và HTX hoạt động theo Luật sửa đổi. Tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng cán bộ một cách hợp lí đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn [102, tr.3].
Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, các HTX trong Tỉnh đã được chuyển đổi theo Luật HTX sửa đổi. Đến năm 2008, Bắc Ninh đã có 566 HTX nông nghiệp, tăng 1 HTX so với năm 2006. Trong đó 528 HTX chuyển đổi (chiếm 93,4%) và 38 HTX thành lập mới (chiếm 6,6%). Số lao động trong các HTX nông nghiệp là trên 10 nghìn người, chủ yếu là lao động nông nghiệp với khoảng 90%.
Hoạt động của các HTX đã chuyển sang làm chức năng dịch vụ cho kinh tế hộ như: các HTX làm đất (khoảng trên 100 HTX), HTX giống cây trồng, HTX dịch vụ thủy lợi, HTX dịch vụ bảo vệ thực vật, HTX dịch vụ cung ứng vật tư, HTX dịch vụ tiêu thụ sản phẩm... Trong số đó, các HTX như dịch vụ thủy lợi, bảo vệ thực vật đã hoàn thành rất tốt chức năng của mình và đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành nông nghiệp.
64
Trong hoạt động, các HTX đã xác định rõ chức năng chủ yếu là làm dịch vụ cho kinh tế hộ nên các HTX đã phân định được chức năng quản lý kinh tế của HTX và chức năng quản lý nhà nước của chính quyền cấp xã, giảm bớt những công việc làm thay chức năng chính quyền, tập trung vào đổi mới cải tiến quản lý. Các HTX đã tiến hành kiểm kê vốn quỹ, làm rõ công nợ, thực hiện quy chế dân chủ công khai kinh tế nội bộ, xóa bỏ bao cấp, giảm chi phí quản lý trên đơn vị diện tích, thực hiện cơ chế gắn mọi nguồn thu của HTX vào kết quả hoạt động dịch vụ.
Trong hoạt động kinh doanh, các HTX đã bảo đảm nguyên tắc thu đủ, bù chi, vừa tạo điều kiện phục vụ tăng trưởng chung của cộng đồng không chi kinh doanh thuần túy vì lợi nhuận. Vì vậy mặc dù không còn giữ vai trò trực tiếp điều hành sản xuất nhưng HTX nông nghiệp đã bước đầu phát huy được vai trò hỗ trợ kinh tế hộ phát triển.
HTX nông nghiệp đang đóng vai trò tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Hoạt động của HTX cũng góp phần tạo việc làm, thu nhập và ổn định đời sống của đại bộ phận người dân, người lao động ở khu vực nông thôn. Các HTX nông nghiệp đã tổ chức dịch vụ, phục vụ cho khoảng 70% dân số trong Tỉnh với vai trò đặc biệt quan trọng đặc biệt là các chức năng như chuyển giao KHKT, tổ chức các dịch vụ chính yếu của sản xuất nông nghiệp.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, Bắc Ninh còn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lí HTX. Riêng năm 2007, chi cục HTX và Phát triển nông thôn đã mở 14 lớp tập huấn cho ban quản trị, ban kiểm soát, kế toán HTX; 10 lớp tập huấn ngành nghề và kinh tế trang trại với 1.360 học viên tham dự. Ngoài ra, Tỉnh còn tổ chức cho cán bộ HTX tham dự các hội chợ, triển lãm ngành nghề nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức [103, tr.7].
65
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn nhiều HTX chưa đổi mới nội dung hoạt động theo Luật HTX, chưa làm tốt khâu dịch vụ, thiếu vốn, khả năng cạnh tranh thấp, đội ngũ cán bộ quản lí còn hạn chế về trình độ, năng lực quản lí nên chưa đáp ứng được tốt nhu cầu của các hộ trong điều kiện nền kinh tế nông nghiệp đang chuyển dần sang hướng kinh tế hàng hóa.