Chương 3. MỘT SỐ NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM LỊCH SỬ
3.1. Một số nhận xét
3.1.1. Những thành tựu và nguyên nhân
* Những thành tựu
Là một Tỉnh đi lên từ sản xuất nông nghiệp, sau hơn 10 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Tỉnh, sự nỗ lực của nông dân trong Tỉnh, nông nghiệp Bắc Ninh đã có những tiến bộ đáng kể. Từ nền nông nghiệp sản xuất nhỏ, manh mún, độc canh đã dần từng bước chuyển sang nền nông nghiệp theo hướng CNH, HĐH.
Một là, nông nghiệp trở thành một ngành kinh tế trọng yếu, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực trong Tỉnh.
Tỉnh ủy Bắc Ninh luôn xác định rõ tầm quan trọng của việc phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó quan trọng nhất là đảm bảo an ninh lượng thực. Các nghị quyết của các Đại hội đại biểu đảng bộ Tỉnh luôn xác định vấn đề sản xuất lương thực là nhiệm vụ trọng tâm, là mục tiêu tiên quyết để ổn định tình hình kinh tế xã hội và đời sống nhân dân trong Tỉnh. Điều này xuất phát từ chính yêu cầu khách quan và những điều kiện của Bắc Ninh.
Nông nghiệp luôn là ngành kinh tế chủ đạo của Tỉnh. Nông nghiệp đảm bảo nhu cầu lương thực cũng như nhu cầu thực phẩm cho dân cư trong Tỉnh.
Vì vậy, nông nghiệp phát triển sẽ đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của nhân dân về lương thực, thực phẩm.
Bắc Ninh có trên 80% dân số sống ở khu vực nông thôn vì vậy nông nghiệp là địa bàn để người dân tạo ra thu nhập cho bản thân. Mặc dù nền công nghiệp của Tỉnh trong những năm qua đã phát triển với tốc độ nhanh với sự xuất hiện ngày càng nhiều các khu công nghiệp nhưng trong thời gian trước
78
mắt, vấn đề giải quyết việc làm, ổn định đời sống nhân dân còn phụ thuộc vào ngành nông nghiệp khi ngành chuyển mạnh hơn nữa theo hướng CNH, HĐH.
Trong thời gian qua, những chủ trương, chính sách của Tỉnh ủy Bắc Ninh đã cụ thể hóa, quán triệt và vận dụng chủ trương, chính sách của Đảng vào tình hình thực tiễn của địa phương chính vì vậy đã đưa nông nghiệp bước vào thời kì mới. Ngành nông nghiệp đã đảm bảo được an ninh lương thực trong Tỉnh, không xảy ra hiện tượng đói giáp hạt như những năm trước. Mặc dù diện tích trồng lúa có xu hướng giảm nhưng nhờ áp dụng tiến bộ KHKT mà sản lượng và năng suất vẫn không ngừng tăng. Vần đề lương thực được đảm bảo là một điều kiện thuận lợi để nông dân trong Tỉnh tìm ra những hướng đi mới nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất.
Hai là, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn có sự chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa.
Công cuộc phát triển nông nghiệp theo con đường CNH, HĐH đã thúc đẩy sự chuyển biến trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp. Nhận thức rõ vấn đề đó, các Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh luôn coi trọng đến chủ trương thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Đó là chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa tỷ trọng của chăn nuôi, thủy sản ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong nông nghiệp, cung ứng sản phẩm nông nghiệp cho đô thị và xuất khẩu.
Sự chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp được đặt ra cấp thiết xuất phát từ chỗ nông nghiệp Bắc Ninh còn ở tình trạng độc canh lạc hậu.
Muốn đưa nông nghiệp phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất cần phải thay đổi để tạo ra những chuyển biến tích cực. Tỉnh ủy Bắc Ninh đã tập trung chỉ đạo bằng nhiều biện pháp như hỗ trợ du nhập giống mới, hỗ trợ phát triển các vùng chăn nuôi tập trung những giống bò, lợn... có năng suất cao. Nhờ vậy đã tác động đến sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp.
79
Từ năm 1997 đến 2008, cơ cấu giá trị tổng sản phẩm ngành nông nghiệp có sự chuyển biến đáng kể: trồng trọt giảm từ 66% xuống còn 58,7%;
chăn nuôi, thủy sản tăng từ 21% lên 37,5%; dịch vụ nông nghiệp giảm từ 13%
xuống 3,8%.
Về trồng trọt: ngành trồng trọt vẫn là ngành sản xuất chính, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, những năm gần đây đã có sự chuyển dịch dần sang sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Bắc Ninh thực hiện đa dạng hóa cây trồng, tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích cây lương thực, tăng diện tích cây công nghiệp ngắn ngày, cây rau màu... Do vậy, diện tích giữa các nhóm cây trồng có sự thay đổi đáng kể. Diện tích trồng lúa đặc biệt là những diện tích có năng suất thấp đã giảm. Năm 2008 so với năm 1997, diện tích trồng lúa đã giảm đi gần 2000 ha. Diện tích các loại cây công nghiệp ngắn ngày, cây rau màu tăng nhanh đặc biệt là cây rau màu vụ đông.
Bên cạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ và cơ cấu giống cũng thay đổi rõ rệt. Diện tích lúa xuân muộn, lúa mùa sớm, cây vụ đông tăng nhanh. Ngoài ra, các tiến bộ kĩ thuật mới đã được tăng cường ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng nông sản đã làm tăng giá trị sản lượng của trồng trọt.
Về chăn nuôi: trong hơn 10 năm qua, chăn nuôi có bước phát triển nhanh chóng và có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng lợi thế và tiềm năng của các vùng trong Tỉnh, phát triển theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp. Sự chuyển dịch này thể hiện ở chỗ đưa vào sản xuất và tăng nhanh các con giống lai đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngành chăn nuôi được đẩy mạnh theo hướng chăn nuôi công nghiệp với hàng nghìn hộ nông dân nuôi gia cầm với quy mô 100 con trở lên; hàng trăm hộ chăn nuôi lợn lai, bò nhập ngoại... Ngành chăn nuôi được từng bước xây dựng thành ngành kinh tế hàng hóa quan trọng trong nông nghiệp nhằm cung cấp thịt, trứng, sữa cho các khu
80
công nghiệp, các đô thị trong Tỉnh cũng như hướng tới xuất khẩu để tăng thêm giá trị của nông nghiệp.
Về thủy sản: ngành thủy sản có mức độ tăng trưởng cao nhất gần 20%/năm nhờ chuyển dịch mạnh cơ cấu sản xuất và ứng dụng tiến bộ công nghệ mới vào sản xuất. Đến nay trong Tỉnh đã hình thành những vùng nuôi thủy sản tập trung quy mô lớn, các cơ sở sản xuất giống đã cung cấp những giống con có chất lượng tốt như tôm càng xanh, cá rô phi đơn tính...đáp ứng nhu cầu con giống. Ngành thủy sản đã tạo ra một khối lượng hàng hóa lớn cung cấp cho thị trường trong Tỉnh và các vùng lân cận như Hà Nội, Bắc Giang.
Về lâm nghiệp: Bắc Ninh có diện tích rừng nhỏ. Những năm qua, lâm nghiệp có sự chuyển biến mạnh theo hướng tăng cường công tác quản lí và bảo vệ rừng. Với các chính sách như giao đất, giao rừng, phủ xanh đất trống, đất hoang ... đã làm tăng diện tích rừng. Tỉnh còn kết hợp chăm sóc, trồng rừng với phát triển du lịch sinh thái nhằm tăng cường hiệu quả của kinh tế lâm nghiệp, tận dụng được lợi thế về rừng.
Cùng trong quá trình nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, đã xuất hiện những vùng nông nghiệp chuyên canh, vùng tập trung, vùng nguyên liệu gắn với một số nhà máy chế biến, dần dần hình thành mối liên kết nông nghiệp - công nghiệp chặt chẽ đảm bảo sự phát triển ổn định cho cả công nghiệp và nông nghiệp.
Ba là, nông nghiệp Bắc Ninh đã có sự kết hợp nhiều mô hình tổ chức sản xuất.
Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng: phát triển nền nông nghiệp với nhiều thành phần kinh tế. Tỉnh ủy Bắc Ninh luôn xác định phải tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia vào sản xuất nông nghiệp.
Về kinh tế hộ và kinh tế trang trại:
Kinh tế hộ là một đơn vị tự chủ sản xuất, kinh doanh và là những đơn vị sản xuất cơ sở trong nông nghiệp. Hiện nay, Bắc Ninh có gần 200.000 hộ
81
nông dân. Trong thời gian qua, hộ lao động nông thôn đã có sự chuyển dịch cơ cấu ngành, nghề theo hướng tích cực đó là xu hướng chuyển dịch các hộ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kết hợp đa dạng các ngành nghề . Nhiều hộ gia đình có thu nhập hàng năm khá cao nhờ phát triển nông nghiệp kết hợp với phát triển các nghề thủ công như dệt vải, làm hàng mây tre đan xuất khẩu.
Kinh tế trang trại: đây được xem là nhân tố mới, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Phát triển kinh tế trang trại là hướng đi đúng, hợp quy luật, thúc đẩy khai thác tiềm năng, phát huy nội lực để phát triển nông thôn theo hướng CNH, HĐH, góp phần tạo ra nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, gắn phát triển công nghiệp với nông nghiệp. Hiện nay Bắc Ninh có trên 18000 trang trại và đang có xu hướng tăng lên với tốc độ nhanh. Kinh tế trang trại đã góp phần khai thác diện tích đất nông nghiệp một cách có hiệu quả, sử dụng tốt lợi thế trong sản xuất và quản lí, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thu hút thêm lao động, tạo thêm việc làm, thu nhập cho các hộ, tạo tiền đề vững chắc để phát triển nông thôn trong Tỉnh.
Về hợp tác xã: các HTX trong Tỉnh đã được đổi mới mạnh mẽ theo Luật HTX. Các HTX đã thực hiện tốt các khâu như cung ứng giống, làm đất, thủy lợi, bảo vệ thực vật góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa các tiến bộ kĩ thuật vào sản xuất, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp như kênh mương tưới tiêu, phân phối điện... Kinh tế HTX đã khai thác tiềm năng về lao động, tay nghề, vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo địa phương.
Kết quả đạt được trong thời gian qua đã khẳng định vị thế của kinh tế tập thể trong nền kinh tế nhiều thành phần.
Các hình thức liên doanh, liên kết: các thành phần kinh tế khác như nhóm hộ, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn đang có xu hướng phát triển theo hướng tích tụ các điều kiện sản xuất tạo điều kiện phát triển sản xuất
82
hàng hóa quy mô lớn. Đây là loại hình liên doanh, liên kết được áp dụng sáng tạo ở Bắc Ninh trong thời gian qua.
Các hộ liên kết với nhau để sản xuất một loại sản phẩm như ngô, dâu, chăn nuôi.
Các hộ liên kết với nhau cùng làm đất, cung ứng vật tư.
Liên doanh giữa các công ty với HTX trong sản xuất.
Hình thức liên kết này đã thúc đẩy nông nghiệp phát triển vững chắc hơn. Các sản phẩm nông nghiệp đã được gắn với thị trường tiêu thụ, sản xuất các loại nông sản theo hướng hàng hóa, đem lại sự yên tâm cũng như lợi ích cho nông dân.
Bốn là, nông nghiệp Bắc Ninh đã từng bước hình thành những vùng chuyên canh lớn.
Hình thành những vùng chuyên canh cung cấp nguyên liệu là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy các ngành công nghiệp - dịch vụ trên địa bàn Tỉnh phát triển. Ngoài ra còn tạo ra động lực thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa.
Trong những năm qua, Bắc Ninh đã có nhiều chính sách thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng tập trung. Một bộ phận không nhỏ nông dân trong Tỉnh đã đổi mới cơ cấu sản xuất, tạo ra nhiều mô hình sản xuất đạt giá trị cao. Hiện nay, Tỉnh đã có gần 20% diện tích đạt tiêu chuẩn cánh đồng 50 triệu. Nhiều vùng sản xuất hàng hóa lớn đã hình thành như
Lúa nếp ở Tiên Du, Từ Sơn với diện tích gần 300 ha.
Dưa chuột xuất khẩu ở Quế Võ, Tiên Du, Gia Bình với diện tích 500 ha.
Hoa cao cấp ở Từ Sơn diện tích hàng trăm ha.
Khoai tây ở Quế Võ.
Những vùng sản xuất tập trung đã làm tăng giá trị nông nghiệp trên một ha diện tích đồng thời tạo ra một vùng sản xuất hàng hóa tập trung góp phần
83
nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp cũng như thuận lợi cho việc áp dụng các tiến bộ kĩ thuật mới vào sản xuất.
Năm là, nông nghiệp Bắc Ninh được tăng cường cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật trong sản xuất và chế biến nông sản.
Cơ giới hóa khâu sản xuất là một nội dung quan trọng của công nghiệp hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Trong trồng trọt: những năm qua, việc thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã được tăng cường. Đến 2008, tỷ lệ làm đất bằng máy đã đạt gần 70% diện tích canh tác, tỷ lệ vận chuyển bằng máy đạt gần 70%;
100% lúa được tuốt bằng máy.
Trong chăn nuôi: ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi theo hình thức công nghiệp và bán công nghiệp được hình thành. Các trang trại chăn nuôi đã trang bị máy móc vào khâu sản xuất như máy ấp trứng, máy thái rau, máy bơm nước...
Cơ giới hóa đã góp phần giải phóng sức lao động thủ công và tăng hiệu quả trong sản xuất thâm canh, tăng năng suất lao động và chất lượng của sản phẩm nông nghiệp.
Việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và chế biến nông sản thực phẩm cũng từng bước được tăng cường. Các ứng dụng công nghệ sinh học trong việc sử dụng chế phẩm sinh học diệt trừ sâu hại, thay thế thuốc hóa học độc hại đã giúp cho việc tổ chức sản xuất những vùng rau an toàn đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng cũng như bảo vệ môi trường sinh thái. Công nghệ nuôi thủy sản giống mới cũng được triển khai ở những vùng chuyển đổi tập trung trong Tỉnh, tập trung ở các huyện như Lương Tài, Quế Võ...
Sáu là, hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật trong nông nghiệp được tăng cường.
Hơn 10 năm qua, cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ ngành nông nghiệp của Tỉnh được tăng cường và mở rộng. Thực tiễn phát triển nông nghiệp cho
84
thấy để nông nghiệp có thể phát triển toàn diện, phát huy được tiềm năng cần có những điều kiện, tiền đề cơ sở vật chất. Trong những năm 1997 - 2008, một nguồn lực quan trọng của nền kinh tế đã được tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, vấn đề ngân sách nhà nước có vai trò quan trọng nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng cường khả năng phòng, chống thiên tai, bảo vệ sản xuất và đời sống, cải thiện cảnh quan nông thôn.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự đóng góp của nhân dân trong Tỉnh, hệ thống các công trình thủy lợi được quan tâm đầu tư thích đáng với số vốn không ngừng tăng lên. Nhờ vậy, hệ thống thủy lợi đã đảm bảo được điều hòa nước cho sản xuất nông nghiệp. Bắc Ninh có nhiều trạm bơm với công suất lớn như Kênh Vàng, Tam Tảo, Phú Lân... Hệ thống kênh mương được kiên cố hóa lên tới hàng ngàn km đã phát huy hiệu quả, đảm bảo tưới, tiêu cho diện tích canh tác.
Hệ thống các nhà máy chế biến các sản phẩm nông nghiệp cũng được đầu tư như nhà máy chế biến thức ăn gia súc, nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu...đã làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp.
* Nguyên nhân của những thành tựu
Những thành tựu về nông nghiệp mà Bắc Ninh đạt được trong thời gian qua là kết quả tổng hợp của rất nhiều nguyên nhân:
Thứ nhất, Đảng bộ Tỉnh Bắc Ninh đã vận dụng sáng tạo chủ trương của Trung ương Đảng để đề ra những chủ trương, biện pháp phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Chính phủ và các cấp, các ngành, Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong Tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển nông nghiệp.
85
Đảng bộ Tỉnh đã nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết nhất trí trong nội bộ. Đã vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội VII, VIII, IX và X của Đảng cũng như nghị quyết Đại hội XV, XVI, XVII Đảng bộ Tỉnh vào thực tiễn phát triển nông nghiệp.
Trên cơ sở đánh giá đúng vị trí, vai trò của kinh tế nông nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế xã hội theo hướng CNH, HĐH, Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh đã lựa chọn đúng các vấn đề mấu chốt, có tính chiến lược cho từng giai đoạn. Trên cơ sở đó đã xây dựng các mục tiêu, đề ra nhiệm vụ và giải pháp cụ thể và tập trung đầu tư, chỉ đạo thống nhất, có trọng điểm hướng tới mục tiêu chung. Từ đó, tạo ra sự chuyển biến rõ nét ở những khâu, lĩnh vực chủ yếu trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra đòn bẩy tác động đến sự phát triển chung của toàn ngành nông nghiệp.
Đảng bộ Tỉnh cũng đã phát huy những bài học kinh nghiệm trong giai đoạn trước, huy động được mọi nguồn lực của địa phương về cả nhân lực, tài lực, sức mạnh tổng hợp của nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn.
Thứ 2, Đảng bộ Tỉnh đã phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ đặc biệt là vai trò của Hội Nông dân được phát huy mạnh mẽ.
Với sự quan tâm của Tỉnh ủy, vai trò của Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh luôn được củng cố, đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, xóa đói giảm nghèo.
Hội Nông dân Tỉnh đã có nhiều biện pháp thúc đẩy nông nghiệp phát triển như:
Phối hợp với Trung tâm khuyến nông hàng năm tổ chức trên 200 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho hàng ngàn lượt hội viên về kĩ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; kĩ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm...