ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu Hiệu quả của điều trị nội tiết đối với phụ nữ mãn kinh do phẫu thuật (Trang 94 - 97)

Tuổi trung bình của mẫu nghiên cứu là 47,46 (±2,19), điều này phù hợp vì nghiên cứu có tiêu chuẩn chọn vào là phụ nữ sau cắt hai buồng trứng 1 tháng. Đây là lứa tuổi gần đến tuổi mãn kinh tự nhiên, tuổi của bệnh nhân góp phần quyết định việc không bảo tồn buồng trứng.

Tuổi được chọn vào nghiên cứu là 45-55 tuổi vì đây là lứa tuổi dao động chung quanh tuổi mãn kinh, dưới 45 tuổi có khuynh hướng bảo tồn buồng trứng, ít có chỉ định cắt hai buồng trứng, chỉ cắt trong trường hợp nghi ngờ có ung thư (ung thư là tiêu chuẩn loại trừ), một số trường hợp hiếm khác như do u lạc nội mạc hoặc apxe phần phụ dính phức tạp vùng chậu không thể bảo tồn buồng trứng. Mặc dù người càng trẻ bị cắt hai buồng trứng càng cần điều trị nội tiết nhưng trong nghiên cứu này do hạn chế về thời gian trong khi các bệnh lí lành tính có chỉ định cắt hai buồng trứng trên phụ nữ trẻ ít nên giới hạn tuổi từ 45-55 tuổi. Mặt khác, phác đồ điều trị nội tiết mãn kinh hiện nay đối với phụ nữ dưới 45 tuổi có xu hướng dùng thuốc ngừa thai. Lứa tuổi trên 55 tuổi thường đã có triệu chứng mãn kinh.

Trong số 674 bệnh nhân sau mổ cắt tử cung và hai buồng trứng trong độ tuổi 45-55 đến tái khám sau mổ 1 tháng tại phòng khám phụ khoa chỉ có 290 bệnh nhân được chọn vào nghiên cứu, số bệnh nhân bị loại khỏi nghiên cứu tương đối cao lí do là vì: (1) ở thời điểm cắt tử cung và hai phần phụ bệnh nhân đã có rối loạn mãn kinh trước mổ, vì tuổi được chọn vào mẫu là 45-55 tuổi, do đó, số bệnh nhân từ 50-55 tuổi và chưa có rối loạn mãn kinh trước mổ chiếm tỉ lệ thấp; (2) Tại thời điểm sau mổ 1 tháng, đa số chưa có biểu hiện triệu chứng rối loạn mãn kinh, vì chỉ định điều trị nội tiết mãn kinh chỉ trên các phụ nữ có triệu chứng vận mạch hoặc tâm lí ở mức độ trung bình.

Nhóm tuổi 45-50 có tỉ lệ cao so với nhóm tuổi 51-55 vì tuổi mãn kinh trung bình của người Việt Nam là khoảng 48 tuổi [2, 7], trên 50 tuổi, tỉ lệ người còn kinh giảm đáng kể, tuy nhiên trong mẫu của chúng tôi vẫn có 1 bệnh nhân 55 tuổi chưa mãn kinh trước phẫu thuật cắt hai buồng trứng.

Với tuổi trung bình là 47,46, đa số bệnh nhân đang sống với chồng.

Các bệnh nhân được phân bổ khá bằng nhau ở các nhóm nội thành, tỉnh và nông thôn, có lẽ vì bệnh nhân ở tỉnh đến khám tại bệnh viện cũng chiếm một phần tương đương với bệnh nhân tại thành phố. BMI 22,9 là tương đối bình thường.

Đặc điểm lâm sàng tại thời điểm trước điều trị

Trong nghiên cứu của chúng tôi cho thấy trong nhóm đối tượng được chọn vào mẫu là phụ nữ thỏa tiêu chuẩn điều trị nội tiết thì triệu chứng bốc hỏa mức độ nặng và rất nặng xảy ra tương đối sớm hơn các triệu chứng khác,vấn đề này sẽ được trình bày chi tiết trong phần 4.2.3 bàn luận về nhu cầu điều trị của LPNTTT. Điều này phù hợp với y văn là đối với mãn kinh do phẫu thuật, tỉ lệ của rối loạn bốc hỏa cao hơn vàcó mức độ nặng hơn các phụ nữ khác, đặc biệt là trong năm đầu tiên cắt hai buồng trứng [15]. Cơ chế của bốc hỏa là do sự giảm đột ngột củaestrogen chứ không phải là do tình trạng estrogentrong máu thấp. Một bằng chứng cho điều này đó là các phụ nữ bị hội chứng Turner không bị bốc hỏa dù nồng độ estrogen/ máu thấp, nhưng những người này lại bị bốc hỏa nếu cho dùng liệu pháp nội tiết có estrogensau đó ngưng thuốc đột ngột.

Chính vì lí do này mà các phụ nữ mãn kinh do phẫu thuật có triệu chứng bốc hỏa xảy ra nhiều và nặng hơn các phụ nữ mãn kinh tự nhiên có thời gian chuyển tiếp dần sang mãn kinh[26]

Đối với rối loạn tâm lí, kết quả nghiên cứu này cho thấy tỉ lệ có rối loạn chiếm tỉ lệ thấp hơn nhóm rối loạn vận mạch, điều này có nghĩa là các rối loạn thuộc nhóm tâm lí xảy ra ít hơn hoặc trễ hơn nhóm rối loạn vận mạch. Kết quả 60% bệnh nhân có triệu chứng mệt mỏi sau mổ 1 thángcho thấy triệu chứng này có xu hướng xảy ra nặng hơn các triệu chứng khác trong nhóm. Điều này phù hợp vì cảm giác mệt mỏi là rối loạn thứ phát sau rối loạn vận mạch, khi người phụ nữ có bốc hỏa, đổ mồ hôi nhiều và rối loạn giấc ngủ sẽ dẫn đến hậu quả thứ phát đó là mệt

mỏi. Bên cạnh đó, triệu chứng mệt mỏi có thể do tác động của cuộc mổ, người phụ nữ chưa phục hồi hoàn toàn sức khỏe. Mặt khác, triệu chứng mệt mỏi có lẽ phần nào do tâm lí bị cắt tử cung và hai phần phụ, điều này là một mất mát về mặt tinh thần với phụ nữ Việt Nam nói riêng và phụ nữ Châu Á nói chung, người phụ nữ sợ bị nam hóa, hình tượng phụ nữ không còn, sợ bị chồng chê, thương hại…

Một phần của tài liệu Hiệu quả của điều trị nội tiết đối với phụ nữ mãn kinh do phẫu thuật (Trang 94 - 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(150 trang)