2.1. Cơ sở khoa học của đề tài
2.1.3. Tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước của hệ thống ISO 22000:2005
Báo cáo thống kê mới nhất (the ISO survey of certifications 2010) do tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế - ISO công bố cho thấy lượng tổ chức, doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý ISO 22000 tăng thêm 6.23% trong năm 2010 trên toàn thế giới. Đến cuối năm 2010, tổng số chứng chỉ các hệ thống quản lý được cấp là 1.457.912 chứng chỉ tại 178 quốc gia, trong đó có 1.109.905 chứng chỉ ISO 9001 và 250.972 chứng chỉ ISO 14001. Tăng nhiều nhất là chứng chỉ của hệ thống quản lý ISO 22000:2005 với 34% tăng thêm.
Tổng thư ký ISO ông Rob Treele nhận xét rằng: “với 1,5triệu tổ chức, doanh nghiệp đạt chứng chỉ ISO thể hiện sức hấp dẫn của các mô hình hệ thống quản lý và tiên phong chính là hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001. Bên cạnh đó việc áp dụng các mô hình hệ thống quản lý khác tiếp tục được các tổ chức, doanh nghiệp quan tâm triển khai để giải quyết các thách thức về những khía cạnh quản lý gặp phải” [20].
ISO 22000:2005 quy định các yêu cầu đối với hệ thống quản lý an toàn thực phẩm.
Tính đến cuối tháng 12 năm 2011, ít nhất 19.980 chứng chỉ ISO 22000:2005 đã được cấp ở 140 quốc gia và nền kinh tế, tăng thêm 2 quốc gia so với năm trước, với tốc độ tăng 8%
so với cùng kỳ năm 2010 (tương ứng tăng thêm 1.400 chứng chỉ).
Ba quốc gia có tổng số chứng chỉ ISO 22000 được cấp nhiều nhất là Trung Quốc, Hy Lạp và Romania, ba nước có tổng số chứng chỉ được cấp nhiều nhất năm 2011 là Trung Quốc, Ý và Romania [21].
Bảng 2.2: Bảng thống kê tóm tắt số liệu về tình hình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO năm 2011
Tên của tiêu chuẩn
Số chứng chỉ năm 2011
Số chứng chỉ năm 2010
Số lượng chứng chỉ tăng
Mức tăng %
ISO 9001 1.111.698 1.118.510 -6.812 -1%
ISO 14001 267.457 251.548 15.900 6%
ISO 50001 461 0
ISO/IEC 27001 17.509 15.626 1.883 12%
ISO 22000 19.980 18.580 1.400 8%
ISO/TS 16949 47.512 43.946 3.566 8%
ISO 13485 20.034 18.834 1.200 6%
TOTAL 1.484.651 1.467.044 17.607 1%
(Nguồn: Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO(2012)) 2.1.3.2. Tình hình áp dụng ISO 22000: 2005 tại Việt Nam [5], [7]
Trong những năm gần đây, kể từ khi được ban hành (9/2005 đến nay) ISO 22000:2005 đã được các tổ chức áp dụng nhằm thay thế hơn 20 tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm do các công ty, tổ chức riêng lẻ xây dựng nhằm để đánh giá các nhà cung cấp thực phẩm của họ.
Theo Hội Chất lượng TPHCM, hiện nay các doanh nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam chỉ mới áp dụng các tiêu chuẩn quản lý an toàn chất lượng thực phẩm trong quá trình sản xuất như: GMP, HACCP, ISO 9000. Do đó, việc áp dụng ISO 22000:2005 không chỉ giúp các doanh nghiệp chế biến thực phẩm nâng cao giá trị thương hiệu lên một bậc mà còn tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong thời hội nhập.
Hiện nay, nước ta chưa có quy định bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000:2005 đối với các doanh nghiệp thực phẩm. Tuy nhiên, trong tương lai có thể doanh nghiệp đã áp dụng HACCP sẽ phải chuyển đổi sang ISO 22000:2005 trong các trường hợp: Quy định của cơ quan có thẩm quyền bắt buộc phải áp dụng ISO 22000:2005, do thị trường, khách hàng yêu cầu hoặc khi doanh nghiệp muốn có chứng chỉ Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm mà tổ chức chứng nhận cấp theo ISO 22000:2005.
Cho dù không có quy định bắt buộc áp dụng, thì xu hướng lựa chọn ISO 22000:2005 đối với DN thực phẩm vẫn trở thành phổ biến. Bởi vì, bản thân tiêu chuẩn ISO 22000:2005 đã bao gồm các yêu cầu của HACCP, ngoài ra ISO 22000:2005 còn bao gồm các yêu cầu về một Hệ thống quản lý. Vì vậy, việc lựa chọn ISO 22000:2005 có thể giúp doanh nghiệp một cách toàn diện các khía cạnh và quá trình liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm.
ISO 22000:2005 có cấu trúc giống như ISO 9001:2000 và được dựa trên nền tảng của 7 nguyên tắc HACCP và các yêu cầu chung của hệ thống quản lý chất lượng, rất thuận tiện cho việc tích hợp với hệ thống ISO 9001:2000. Vì vậy, với những doanh nghiệp Việt Nam đã áp dụng HACCP, ISO 9001:2000 sẽ rất thuận lợi khi triển khai ISO 22000:2005.
ISO 22000:2005 đưa ra một khung cho các tổ chức ở bất cứ nơi đâu trên thế giới để áp dụng hệ thống HACCP của Codex (Phương pháp phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn) cho an toàn thực phẩm một cách hài hòa, không có sự thay đổi theo nước hay theo thực phẩm có liên quan.
Tiêu chuẩn ISO 22000:2005 được thiết kế cho mọi loại hình tổ chức trong chuỗi thực hiện xây dựng và áp dụng hệ thống QLATTP, bao gồm: nhà sản xuất nguyên liệu cho đầu vào, nhà sản xuất sơ cấp, chế biến thức ăn, các hoạt động vận chuyển, lưu kho và nhà thầu; các cơ sở bán lẻ cùng các tổ chức liên quan như nhà sản xuất thiết bị, nguyên liệu đóng hộp, chất tẩy rửa, phụ gia và các chất thành phẩm. Và đặc biệt, đối tượng mà Bộ tiêu chuẩn này hướng tới là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong khi đó, ở Việt Nam số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng trên 96%
tổng số doanh nghiệp trên toàn quốc, đóng góp khoảng 26% tổng sản phẩm xã hội, 78%
tổng mức bán lẻ. Vì vậy, triển khai áp dụng ISO 22000:2005 là rất phù hợp với các doanh nghiệp này, với chi phí không quá cao mà lại có tấm vé thông hành cho việc kinh doanh ngày càng phát triển trên thị trường toàn cầu và tham gia vào dây chuyền cung cấp thực phẩm vượt ra ngoài biên giới lãnh thổ quốc gia.
Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những khó khăn khi áp dụng Bộ tiêu chuẩn ISO 22000:2005. Vì Bộ tiêu chuẩn ISO 22000: 2005 là một Bộ tiêu chuẩn còn mới. Hiện nay, ở Việt Nam các doanh nghiệp thực phẩm mới áp dụng HACCP, ISO 9001: 2000. Việc triển khai ISO 22000 vẫn là vấn đề gặp phải nhiều khó khăn như:
- ISO 22000: 2005 vẫn là Bộ tiêu chuẩn tự nguyện, ở nước ta chưa có quy định bắt buộc áp dụng. Do vậy, các doanh nghiệp vẫn chưa thấy được sự cấp thiết phải triển khai Bộ tiêu chuẩn ISO 22000: 2005 ở doanh nghiệp của mình.
- Vì vậy, mặc dù áp dụng ISO 22000:2005 là xu hướng trong tương lai. Nhưng hiện tại, ở Việt Nam, vẫn còn rất ít doanh nghiệp áp dụng. Do vậy, chưa có bài học thực tế ở Việt Nam nào cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này cần thêm thời gian để tìm hiểu, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và cách thức triển khai áp dụng ISO 22000:2005.
- Bộ tiêu chuẩn ISO 22000:2005 vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Vì vậy, vấn đề nguồn lực để triển khai còn gặp phải nhiều hạn chế. Đặc biệt, là vấn đề về cán bộ, chuyên gia về ISO 22000:2005 còn vừa thiếu, vừa yếu. Hiện nay, việc đào tạo nguồn nhân lực về ISO 22000:2005 đang được triển khai trên diện rộng.
- Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp phải rất nhiều khó khăn ở vấn đề đầu tư vốn, nguồn lực, thiết bị, cũng như về mặt bằng nhà xưởng... để đưa ISO 22000: 2005 vào thực tế sản xuất. Với nguồn kinh phí các doanh nghiệp có hạn, hơn nữa việc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư về thời gian, tìm kiếm được đơn vị tư vấn tốt và phải có thái độ nghiêm túc trong vấn đề này. Do đó, nhiều doanh nghiệp chưa có điều kiện chuyển đổi, triển khai ISO 22000: 2005.
- Một vấn đề nữa, là sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước đối với việc triển khai Bộ tiêu chuẩn ISO 22000:2005 ở các doanh nghiệp là chưa thích đáng. Chưa có sự phân biệt nào giữa các doanh nghiệp áp dụng và không áp dụng ISO 22000:2005. Vì vậy, chưa tạo được động lực cho các doanh nghiệp trong công cuộc triển khai áp dụng ISO 22000 :2005.
- Nhận thức của người dân về vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung và ISO 22000:2005 nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, thu nhập của đại bộ phận người dân Việt Nam vẫn ở mức thấp. Do vậy, họ vẫn chưa thực sự quan tâm đến thực phẩm an toàn hoặc có quan tâm thì vẫn bị ảnh hưởng bởi vấn đề giá cả. Trong khi, những loại thực phẩm đảm bảo chất lượng, áp dụng đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn trong quá trình sản xuất lại có giá cao hơn và gặp phải khó khăn trong việc tiêu thụ ở thị trường nội địa.