Tổng quan tình hình nghiên cứu về câu hỏi, xây dựng, sử dụng câu hỏi và việc rèn luyện kĩ năng xây dựng, sử dụng câu hỏi để dạy học ở Việt Nam việc rèn luyện kĩ năng xây dựng, sử dụng câu hỏi để dạy học ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Luận án rèn luyện kĩ năng xây dựng và sử dụng câu hỏi cho sinh viên khoa sinh đại học sư phạm để dạy học sinh học (Trang 20 - 24)

PHẦN HAI: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI

1.1. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.1.2. Tổng quan tình hình nghiên cứu về câu hỏi, xây dựng, sử dụng câu hỏi và việc rèn luyện kĩ năng xây dựng, sử dụng câu hỏi để dạy học ở Việt Nam việc rèn luyện kĩ năng xây dựng, sử dụng câu hỏi để dạy học ở Việt Nam

Từ những năm 70 của thế kỉ XX, các nhà giáo dục học Việt Nam mới chú tâm đến vấn đề kĩ thuật đặt câu hỏi. Nhiều tài liệu trong đó có các câu hỏi sử dụng trong khâu củng cố, hoàn thiện nâng cao kiến thức như của Trần Bá Hoành, Lê Đình Trung, Vũ Đức Lưu [67] [68] [69] [46]… Trong các tài liệu của các tác giả, câu hỏi được xây

dựng và sắp xếp theo từng chương hoặc phân loại các dạng bài tập theo từng nguồn kiến thức có tác dụng cho việc ôn luyện, mở rộng và khắc sâu kiến thức.

Khi tìm hiểu vấn đề xây dựng và sử dụng câu hỏi trong dạy học các môn học ở trường phổ thông, có khá nhiều các công trình nghiên cứu có liên quan. Mặc dù, từ xưa tới nay trong bất kỳ cách dạy học nào cũng đều phải sử dụng câu hỏi, nhưng điều đáng nói là câu hỏi được thiết kế và sử dụng như thế nào để có thể phát huy tính tích cực nhận thức của HS. Nhiều công trình nghiên cứu ở nước ta về thiết kế và sử dụng câu hỏi trong dạy học đã xuất hiện ở nhiều môn học, cấp học. Trong bộ môn Sinh học ở trường phổ thông, tất cả các tài liệu giáo khoa Sinh học từ lớp 6 cho đến lớp 12 đã được các tác giả thiết kế sẵn các câu hỏi ở cuối mỗi bài, mỗi chương. Những câu hỏi này giúp GV định hướng xác định mục tiêu bài học; và giúp HS hệ thống hoá những kiến thức trọng tâm của bài; cũng có thể sử dụng những câu hỏi này để củng cố, hoàn thiện kiến thức hay kiểm tra đánh giá mức độ nắm vững kiến thức của HS.

Với vai trò nhƣ một biện pháp dạy học, câu hỏi đã đƣợc nhiều tác giả đề cập tới nhƣ:

Tác giả Trần Bá Hoành, Đinh Quang Báo, Nguyễn Đức Thành, Trịnh Nguyên Giao trong tài liệu “Giáo trình lí luận dạy học sinh học đại cương ở trường phổ thông”

các năm (1979), (1996), (2007) [33] [6] [37] đề cập tới việc sử dụng câu hỏi trong phương pháp vấn đáp.

Tác giả Nguyễn Đức Thành (1989) [63], “Góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy các định luật di truyền” là công trình nghiên cứu sử dụng câu hỏi, bài tập vào quá trình dạy học các quy luật di truyền ở lớp 12. Tác giả đã sử dụng bài tập để giới thiệu nội dung của định luật trong khâu nghiên cứu tài liệu mới, và khâu củng cố, hoàn thiện tri thức; thông qua đó rèn luyện một số kĩ năng cơ bản giải bài tập di truyền. Các câu hỏi, bài tập được sử dụng để tích cực hoá nhận thức của HS theo con đường suy diễn lí thuyết.

Trong những năm gần đây, cũng có nhiều đề tài, tài liệu xuất bản của nhiều tác giả đề cập tới câu hỏi ở nhiều khía cạnh khác nhau trong đó có thể kể đến:

Đề tài “Sử dụng câu hỏi – bài tập để tích cực hoá hoạt động nhận thức của HS trong dạy học Sinh thái học lớp 11” của tác giả Lê Thanh Oai, Luận án Tiến sĩ Giáo dục học, ĐHSP Hà Nội 2003 [57]. Trong công trình này, tác giả đã tập trung vào việc nghiên cứu xác định các nguyên tắc, quy trình thiết kế và sử dụng câu hỏi, bài tập như một phương pháp để tổ chức hướng dẫn HS tự lực phát hiện kiến thức mới trong dạy học Sinh thái học ở trường phổ thông. Kết quả nghiên cứu này cũng là những định hướng quan trọng cho chúng tôi khi đề xuất quy trình sử dụng câu hỏi để dạy học cũng như quy trình rèn kĩ năng sử dụng câu hỏi cho SV.

Đề tài “Xây dựng và sử dụng câu hỏi trắc nghiệm khách quan MCQ để nâng cao chất lượng dạy học bộ môn Di truyền ở các trường Cao đẳng Sư phạm” của tác giả Vũ Đình Luận, Luận án Tiến sĩ Giáo dục học, ĐHSP Hà Nội, 2005 [47]. Đây là công trình đi sâu nghiên cứu về việc xây dựng, sử dụng câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn (MCQ) trong dạy học bộ môn Di truyền học ở trường Cao đẳng Sư phạm.

Tài liệu “Dạy học và phương pháp dạy học trong nhà trường” của tác giả Phan Trọng Ngọ, NXB ĐHSP Hà Nội 2005 [50]. Trong Chương 6 của tài liệu này, tác giả đã dành một mục để đề cập tới phương pháp vấn đáp và kĩ thuật đặt câu hỏi. Tác giả nhấn mạnh vai trò của phương pháp vấn đáp trong việc tổ chức quá trình dạy học, cho rằng yếu tố quyết định sự thành công của phương pháp vấn đáp chính là hệ thống câu hỏi, cách hỏi và thời điểm hỏi của GV. Tác giả cũng đưa ra 4 gợi ý khi đặt câu hỏi, 10 điều cần chú ý đối với GV khi sử dụng câu hỏi trên lớp. Đây cũng là những gợi ý quan trọng cho chúng tôi khi thiết kế quy trình xây dựng câu hỏi.

Tài liệu “Những vấn đề cơ bản về chương trình và quá trình dạy học”, NXB Giáo dục, 2005 [15] của tác giả Nguyễn Hữu Châu. Trong tài liệu này, tác giả đã trình bày một số kĩ thuật dạy học trong đó có kĩ thuật đặt câu hỏi với các nội dung cụ thể như mục đích của việc đặt câu hỏi; phân loại câu hỏi; xử lí các câu trả lời của HS; xử lí các câu hỏi của HS. Trong đó đặc biệt chú ý là nội dung cải tiến kĩ thuật đặt câu hỏi với quy trình gồm 5 bước: Đặt câu hỏi; Dừng lại để cho HS có thời gian xem xét câu hỏi và suy nghĩ câu trả lời; Gọi tên HS; Nghe câu trả lời; Cho ý kiến đánh giá về câu trả lời. Từ quy trình này, tác giả cũng đưa ra 5 gợi ý để cải tiến kĩ thuật đặt câu hỏi (cần chuẩn bị trước các câu hỏi; đặt câu hỏi một cách tự nhiên, thân thiện; câu hỏi phải đặt cho cả lớp; tránh lặp lại các câu hỏi, cần phân bố đều câu hỏi cho HS). Quy trình với những bước chi tiết và những gợi ý khá cụ thể. Tuy nhiên, theo chúng tôi đó mới là những kĩ thuật sử dụng câu hỏi trên lớp khi đã có hệ thống câu hỏi. Tác giả chưa đi sâu vào hướng dẫn từng bước để có thể thiết kế được câu hỏi trước khi có bước tiếp theo là sử dụng câu hỏi.

Thêm vào đó còn có một số dự án và hội thảo khoa học liên quan đến việc sử dụng các kĩ thuật đặt câu hỏi được triển khai ở Việt Nam những năm vừa qua.

Thứ nhất là Chương trình dạy học cho tương lai của Intel (Teach to the Future) được triển khai từ năm 2000 khởi điểm tại 2 trường Đại học: ĐHSP Hà Nội và ĐHSP Thành phố Hồ Chí Minh sau đó được mở rộng ra nhiều tỉnh thành khác. Chương trình này có sức lan tỏa lớn, đã có nhiều GV trao đổi về kĩ thuật xây dựng, sử dụng câu hỏi và đưa ra những sản phẩm được thực hiện với HS. Với mục đích đưa công nghệ thông tin vào dạy học dưới dạng các dự án, chương trình này đã đề cập tới 3 loại câu hỏi:

Câu hỏi khái quát (Essential question) là loại câu hỏi cần sử dụng hiểu biết từ nhiều

bài học trong một môn học hoặc từ nhiều môn học khác nhau để trả lời; Câu hỏi bài học (Lesson question) là loại câu hỏi chỉ có thể trả lời được sau khi đã học xong một bài học; Câu hỏi nội dung (Conten question) là loại câu hỏi để tìm hiểu những đơn vị kiến thức của một bài học. Trong đó, hai loại câu hỏi đầu nhằm hướng hướng vào trọng tâm của bài học, chương hoặc phần; là những loại câu hỏi xuyên qua nội dung, định hướng vào các ý quan trọng, kích thích sự sáng tạo của người học với nhiều câu trả lời khác nhau. Loại câu hỏi thứ ba liên quan tới các định nghĩa, sự nhận biết và gợi nhớ thông tin. Đó là những câu hỏi trực tiếp vào các nội dung học tập, không đòi hỏi nhiều tư duy sáng tạo ở HS.

Thứ hai là Dự án Việt – Bỉ - Nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng GV tiểu học và trung học cơ sở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam được tiến hành từ (1999 đến 2010). Trong tài liệu “Dạy và học tích cực – Một số kĩ thuật và phương pháp dạy học” [11] và “Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng” [12] của dự án này, các kĩ thuật đặt câu hỏi được lồng ghép vào trong các kĩ thuật và phương pháp dạy học khác.

Tài liệu cũng đã chỉ ra một số kĩ thuật thiết kế câu hỏi, một số lưu ý khi sử dụng câu hỏi trong lớp học nhưng chưa đưa ra một quy trình hướng dẫn cụ thể về việc xây dựng và sử dụng câu hỏi để dạy học.

Thứ ba là Dự án giáo dục THCS vùng khó khăn nhất được triển khai từ năm 2008 – 2014 cũng dành một nội dung quan trọng nhằm bồi dưỡng GV THCS vùng khó khăn những phương pháp và kĩ thuật dạy sao cho người học học tích cực. Trong tài liệu “Học tích cực” của dự án này, GV đã được bồi dưỡng về cách đặt câu hỏi theo cấp độ nhận thức từ các câu hỏi tư duy ở mức thấp (biết, hiểu, áp dụng) đến các câu hỏi đòi hỏi ở cấp độ tư duy bậc cao (phân tích, tổng hợp, đánh giá, sáng tạo) theo thang phân loại của Bloom.

Trong số các hội thảo khoa học gần đây, thì đáng chú ý là hội thảo khoa học

“Dạy học với câu hỏi hiệu quả” do trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức vào tháng 12/2010 với nhiều bài viết xoay quanh vấn đề đặt và sử dụng câu hỏi hiệu quả để phát triển năng lực người học [28] [44] [48] [74]... Những nội dung này đã định hướng rất nhiều cho chúng tôi trong việc đề xuất các quy trình rèn luyện kĩ năng xây dựng và sử dụng câu hỏi cho SV để tổ chức bài dạy Sinh học.

Như vậy, đặt câu hỏi để dạy học đã được nhiều nhà khoa học, nhà giáo dục học quan tâm nghiên cứu. Những nghiên cứu trên đây đã đề cập đến các khía cạnh khác nhau về lí luận cũng như việc sử dụng câu hỏi theo hướng tích cực hóa hoạt động của HS trong dạy học.

Đối với việc rèn luyện kĩ năng xây dựng và sử dụng câu hỏi để dạy học thì ở Việt Nam, như đã trình bày, đã có nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu câu hỏi với vai

trò như biện pháp dạy học. Tuy nhiên, nếu xét về khía cạnh làm thế nào để hướng dẫn cho GV và SV – những GV tương lai có kĩ năng xây dựng câu hỏi, kĩ năng sử dụng câu hỏi để tổ chức các hoạt động học tập cho HS thì có rất ít công trình nghiên cứu về vấn đề này. Hầu hết những nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở giới hạn đề tài luận văn Thạc sĩ. Trong số các đề tài quan tâm nghiên cứu vấn đề rèn luyện kĩ năng xây dựng và sử dụng câu hỏi có thể kế đến đề tài “Bồi dưỡng kĩ năng xây dựng câu hỏi, bài tập cho GV trong giảng dạy phần Di truyền học THPT” của tác giả Trần Văn Kiên (1996) [42]. Trong đề tài này, tác giả đã đề xuất quy trình rèn luyện kĩ năng xây dựng câu hỏi, bài tập gồm 9 bước. Trong nghiên cứu của mình, tác giả chưa đưa ra quy trình xây dựng câu hỏi, chưa có các biện pháp rèn luyện kĩ năng, hệ thống các bài tập rèn luyện còn chưa nhiều, mặt khác đối tượng là GV dạy phổ thông mà không phải là SV.

Có thể khẳng định rằng, đặt câu hỏi được coi là một trong những công cụ kĩ thuật thông dụng và đắc lực, là cốt lõi của quá trình dạy học. Song đa số các nghiên cứu chỉ đề cập đến việc xây dựng và sử dụng câu hỏi mà chưa đi vào quy trình rèn luyện kĩ năng hoặc nếu có thì cũng chưa nghiên cứu một cách hệ thống và sâu sắc việc làm thế nào để rèn luyện nâng cao kĩ năng xây dựng câu hỏi và sử dụng câu hỏi để tổ chức bài dạy. Vì thế, nghiên cứu của chúng tôi sẽ tập trung làm rõ hơn cơ sở lí luận của việc xây dựng và sử dụng câu hỏi trong dạy học bộ môn Sinh học, xác định thực trạng về kĩ năng xây dựng và sử dụng câu hỏi của SV sư phạm và GV dạy Sinh học ở một số trường phổ thông. Trên cơ sở đó đề xuất quy trình và biện pháp rèn luyện kĩ năng xây dựng và sử dụng câu hỏi cho SV ĐHSP để tổ chức bài dạy môn Sinh học.

Một phần của tài liệu Luận án rèn luyện kĩ năng xây dựng và sử dụng câu hỏi cho sinh viên khoa sinh đại học sư phạm để dạy học sinh học (Trang 20 - 24)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(172 trang)