Điều kiện tự nhiên tỉnh Thái Nguyên

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty cổ phần xi măng la hiên (Trang 44 - 47)

Chương 3: THỰC TRẠNG NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA CÔNG

3.1. Đặc điểm, địa bàn nghiên cứu

3.1.1. Điều kiện tự nhiên tỉnh Thái Nguyên

Thái Nguyên là một tỉnh ở vùng đông bắc, tiếp giáp với thủ đô Hà Nội và là tỉnh nằm trong quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội. Thái Nguyên là một trung tâm kinh tế - xã hội lớn của khu vực trung du và miền núi phía bắc. Thái Nguyên hiện đang được nghiên cứu để trở thành vùng kinh tế trọng điểm Bắc thủ đô Hà Nội. Thái Nguyên được coi là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn thứ 3 sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

3.1.1.2. Địa hình, thổ nhưỡng tỉnh Thái Nguyên

Thái Nguyên có nhiều dãy núi cao chạy theo hướng bắc-nam và thấp dần xuống phía nam. Cấu trúc vùng núi phía bắc chủ yếu là đa phong hóa mạnh, tạo thành nhiều hang động và thung lũng nhỏ. Phía bắc Thái Nguyên gồm rừng núi và đồng lầy. Về phía đông có những dãy núi cao nằm giữa những ngọn núi đá vôi ở phố Bình Gia. Về phía đông bắc, có cao nguyên Vũ Phái được giới hạn bởi những dãy núi đá vôi và có khu rừng núi ngăn chia Lâu Thượng và Lâu Hạ ở phương Nam.

phía tây bắc Thái Nguyên có thung lũng Chợ Chu bao gồm nhiều cánh đồng và những thung lũng nhỏ. Phía tây nam có dãy Tam Đảo dọc theo cao nguyên Văn Lang và cánh đồng Đại Từ. Tam Đảo có đỉnh cao nhất 1.591 m, các vách núi dựng đứng và kéo dài theo hướng tây bắc-đông nam. Ngoài dãy núi trên còn có dãy Ngân Sơn bắt đầu từ Bắc Kạn chạy theo hướng đông bắc-tây nam đến Võ Nhai và dãy núi Bắc Sơn cũng chạy theo hướng tây bắc-đông nam. Cả ba dãy núi Tam Đảo, Ngân Sơn, Bắc Sơn đều là những dãy núi cao che chắn gió mùa đông bắc.

Thái Nguyên là một tỉnh trung du miền núi nhưng địa hình lại không phức tạp lắm so với các tỉnh trung du, miền núi khác, đây là một thuận lợi của Thái Nguyên cho phát triển vật liệu xây dựng, công nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội nói chung so với các tỉnh trung du miền núi khác.

3.1.1.3. Điều kiện khí hậu, thời tiết, thuỷ văn tỉnh Thái Nguyên a. Khí hậu, thời tiết

Thái Nguyên mang những nét chung của khí hậu vùng đông bắc Việt Nam, thuộc miền khí hậu cận nhiệt đới ẩm, có mùa đông phi nhiệt đới lạnh giá, ít mưa, mùa hè nóng ẩm mưa nhiều. Khí hậu của Thái Nguyên chia làm 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông và nằm trong vùng ấm, có lượng mưa trung bình khá lớn.

b. Thuỷ văn

Thái Nguyên có Sông Cầu là con sông chính của tỉnh và gần như chia Thái Nguyên ra thành hai nửa bằng nhau theo chiều bắc nam. Sông chảy vào Thái Nguyên từ xã Văn Lãng, huyện Đồng Hỷ và đến địa bàn xã Hà Châu, huyện Phú Bình, sông trở thành ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang và sau đó hoàn toàn ra khỏi địa bàn tỉnh ở xã Thuận Thành, huyện Phổ Yên. Ngoài ra Thái Nguyên còn có một số sông suối khác nhưng hầu hết đều là phụ lưu của sông Cầu. Trong đó đáng kể nhất là sông Đu, sông Nghinh Tường và sông Công. Các sông tại Thái Nguyên không thuộc lưu vực sông Cầu là sông Rang và các chi lưu của nó tại huyện Võ Nhai, sông này chảy sang huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn và thuộc lưu vực sông Thương. Ngoài ra, một phần diện tích nhỏ của huyện Định Hóa thuộc thượng lưu sông Đáy. Ngoài đập sông Cầu, Thái Nguyên còn xây dựng một hệ thống kênh đào nhân tạo dài 52 km ở phía đông nam của tỉnh với tên gọi là Sông Máng, nối liền sông Cầu với sông Thương để giúp việc giao thông đường thủy và dẫn nước vào đồng ruộng được dễ dàng.

Thái Nguyên không có nhiều hồ, và nổi bật trong đó là Hồ Núi Cốc, đây là hồ nhân tạo được hình thành do việc chặn dòng sông Công. Hồ có độ sâu 35 m và diện tích mặt hồ rộng 25 km², dung tích của hồ ước tính từ 160 triệu - 200 triệu m³.

Hồ được tạo ra nhằm các mục đích cung cấp nước, thoát lũ cho sông Cầu và du lịch.

Hiện hồ đã có một vài khu du lịch đang được quy hoạch để trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia.

3.1.1.4. Tình hình phân bổ và sử dụng đất đai tỉnh Thái Nguyên

Tỉnh Thái Nguyên có tổng diện tích là 356.282 ha. Cơ cấu đất đai gồm các loại sau:

- Đất núi chiếm 48,4% diện tích tự nhiên, có độ cao trên 200 m, hình thành do sự phong hóa trên các đá Macma, đá biến chất và trầm tích. Đất núi thích hợp cho việc phát triển lâm nghiệp, trồng rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng kinh doanh nhưng cũng thích hợp để trồng cây ăn quả, một phần cây lương thực cho nhân dân vùng cao.

- Đất đồi chiếm 31,4% diện tích tự nhiên chủ yếu hình thành trên cát kết, bột kết phiến sét và một phần phù sa cổ kiến tạo. Đây là vùng đất xen giữa nông và lâm nghiệp. Đất đồi tại một số vùng như Đại Từ, Phú Lương... ở từ độ cao 150 m đến 200 m có độ dốc từ 50 đến 200 phù hợp đối với cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm, đặc biệt là cây chè (trà) (một đặc sản của Thái Nguyên)

- Đất ruộng chiếm 12,4% diện tích đất tự nhiên, trong đó một phần phân bố dọc theo các con suối, rải rác, không tập trung, chịu sự tác động lớn của chế độ thủy văn khắc nghiệt (lũ đột ngột, hạn hán...) khó khăn cho việc canh tác.

Trong tổng quỹ đất 356.282 ha, đất đã sử dụng là 246.513 ha (chiếm 69,22%

diện tích đất tự nhiên) và đất chưa sử dụng là 109.669 ha (chiếm 30,78% diện tích tự nhiên). Trong đất chưa sử dụng có 1.714 ha đất có khả năng sản xuất nông nghiệp và 41.250 ha đất có khả năng sản xuất lâm nghiệp.

3.1.1.5. Tình hình khoáng sản tỉnh Thái Nguyên

Thái Nguyên nằm trong vùng sinh khoáng Đông Bắc Việt Nam, thuộc vành đai sinh khoáng Thái Bình Dương. Hiện có 34 loại hình khoáng sản, phân bố tập trung ở các huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai, Phú Lương, Đại Từ... Khoáng sản ở Thái Nguyên có thể chia thành 4 nhóm:

- Nhóm nhiên liệu

Bao gồm than mỡ, than đá, phân bố tập trung ở Phú Lương, Đại Từ:

+ Than mỡ: chất lượng tương đối tốt, có trữ lượng tiềm năng khoảng 15 triệu tấn, trong đó trữ lượng thăm dò khoảng 8,5 triệu tấn (lớn nhất Việt nam) tập trung chủ yếu ở các mỏ Phấn Mễ, Làng Cẩm, Âm Hồn.

+ Than đá: có trữ lượng tìm kiếm và thăm dò khoảng 90 triệu tấn (lớn thứ 2 trong cả nước sau khu mỏ than Quảng Ninh) tập trung chủ yếu ở các mỏ Khánh Hoà, Bá Sơn, Núi Hồng.

- Nhóm khoáng sản kim loại

Bao gồm kim loại đen như sắt, mangan, ti tan và kim loại mầu như chì, kẽm, đồng, niken, nhôm, thiếc, vonfram, altimoan, vàng, thuỷ ngân...

- Kim loại đen

+ Sắt: có tới 41 mỏ và điểm quặng, có trữ lượng khoảng trên 50 triệu tấn, hàm lượng Fe: 58,8-61,8%, được xếp vào loại chất lượng tốt, phân bố chủ yếu ở Đồng Hỷ.

+ Titan: có 21 mỏ và điểm quặng, phân bố chủ yếu ở bắc Đại Từ, tổng trữ lượng thăm dò đạt xấp xỉ 18 triệu tấn.

+ Ngoài ra Thái Nguyên còn có nhiều mỏ và điểm quặng mangan-sắt, trữ lượng thăm dò khoảng 5 triệu tấn.

- Kim loại mầu

+ Thiếc, vonfram là khoáng sản có nhiều tiềm năng ở Thái Nguyên. Mỏ thiếc ở Phục Linh, Núi Pháo (Đại Từ) tổng trữ lượng khoảng 13.600 tấn. Vonfram ở khu vực Đá Liền có qui mô lớn với trữ lượng khoảng 28.000 tấn.

+ Chì-kẽm ở Làng Hích, Thần Sa (Võ Nhai) và Đại Từ, qui mô các điểm mỏ nhỏ, phân bố không tập trung, trữ lượng ước khoảng 12 triệu tấn.

+ Ngoài ra trên địa bàn tỉnh ở nhiều nơi còn tìm thấy vàng, đồng, niken, thuỷ ngân…trữ lượng các loại này tuy không lớn nhưng rất có ý nghĩa về mặt kinh tế.

- Nhóm khoáng sản phi kim loại

Có pyrit, barit, phôtphorit, graphit… trong đó đáng chú ý nhất là phôtphorit với tổng trữ lượng đạt khoảng 60.000 tấn.

- Nhóm khoáng sản vật liệu xây dựng

+ Sét xi măng có trữ lượng khoảng 84,6 triệu tấn. Ngoài ra Thái Nguyên còn có sét làm gạch ngói; cát dùng để sản xuất thuỷ tinh thông thường; cát, sỏi dùng cho xây dựng.

+ Nguồn đá carbonnat bao gồm đá vôi xây dựng, đá vôi làm xi măng có ở nhiều nơi. Riêng đá vôi xây dựng có trữ lượng xấp xỉ 100 tỉ m3.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty cổ phần xi măng la hiên (Trang 44 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)