CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ TÁC ĐỘNG DỊCH VỤ
1.3. Mở cửa thị trường dịch vụ logistics và những cơ hội, thách thức đối với các DNSX
1.3.4. Những cơ hội, thách thức đối với các DNSX khi mở cửa thị trường dịch vụ logistics
Logistics giữ vai trò cầu nối, liên kết, là động lực thúc đẩy lưu chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ trên phạm vi khu vực và toàn cầu. Mở cửa thị trường dịch vụ logistics theo cam kết với WTO và với ASEAN đã và đang tác động
mạnh đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam, từ đó sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn nhưng cũng tạo ra những thách thức không nhỏ đối với đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các DNSX trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
1.3.4.1. Mở cửa thị trường dịch vụ logistics, cơ hội đối với các DNSX
Thứ nhất, các DNSX có thể tiếp cận được những thị trường thế giới rộng lớn với những ưu đãi thương mại để tiêu thụ sản phẩm và cung ứng nguồn nguyên, nhiên liệu, thiết bị với giá cạnh tranh. Những ưu đãi thương mại theo cam kết với WTO và ASEAN như giảm thuế quan và phi thuế, quy chế đối xử tối huệ quốc (MFN), quy chế đối xử quốc gia (NT), quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP)…
Thứ hai, mở cửa thị trường dịch vụ logistics là cơ hội lớn để các DNSX khai thác và thụ hưởng các lợi ích từ sự phát triển các dịch vụ logistics mang lại, chẳng hạn, các DNSX sẽ được cung ứng đầu vào nhanh hơn, phân phối sản phẩm sản xuất ra thị trường kịp thời, chi phí logistics sẽ giảm nhờ sự cạnh tranh của thị trường dịch vụ này mang lại. Thể hiện điều này là các tập đoàn lớn trên thế giới như APL, Mitsui OSK, Maerk Logistics, NYK Logistics... là những tập đoàn hùng mạnh với khả năng cạnh tranh lớn, bề dày kinh nghiệm và nguồn tài chính khổng lồ với hệ thống mạng lưới đại lý dày đặc, hệ thống kho hàng chuyên dụng, dịch vụ khép kín trên toàn thế giới, mạng lưới thông tin rộng khắp, trình độ tổ chức quản lý cao, đã và đang từng bước xâm nhập, củng cố, chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Hơn nữa, với lợi thế về địa chính trị, Việt Nam có vị trí địa lý rất thuận lợi cho vận tải quốc tế, nằm ở khu vực chiến lược trong vùng Đông Nam Á. Bờ biển trải dài trên 3260 km, có nhiều cảng nước sâu, các sân bay quốc tế, hệ thống đường sắt xuyên quốc gia và mạng lưới giao thông là tiền đề quan trọng để phát triển và cạnh tranh lành mạnh đối với thị trường dịch vụ logistics.
Thứ ba, mở cửa thị trường dịch vụ logistics trong điều kiện toàn cầu hóa tạo cho các DNSX những cơ hội phát triển quan hệ đối tác, thị trường xuất khẩu được mở rộng, tiếp cận tốt hơn với các nguồn tài chính, tín dụng đa dạng cả ở trong lẫn ngoài nước. Đặc biệt, logistics cho phép thu hút vốn đầu tư nước ngoài, như nguồn vốn ODA cho phát triển cơ sở hạ tầng, các nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ hỗ trợ tăng cường tăng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội,... Nhờ đó sẽ tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho Việt Nam cũng như Quảng Bình, tạo điều kiện và động lực cho các DNSX hoạt động hiệu quả, phát triển vững chắc.
Thứ tư, mở cửa thị trường dịch vụ logistics cùng với sự phát triển mạnh mẽ
của khoa học công nghệ trên thế giới, các DNSX Việt Nam và Quảng Bình nói riêng có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với những thành tựu khoa học công nghệ mới, phương thức quản lý tiên tiến góp phần làm tăng năng suất lao động, hiệu quả và chất lượng tăng trưởng.
1.3.4.2. Những thách thức đối với các DNSX khi mở cửa thị trường dịch vụ logistics
Bên cạnh những cơ hội, mở cửa thị trường dịch vụ logistics cũng đưa lại những thách thức đối với các DNSX Việt Nam nói chung và của tỉnh Quảng Bình nói riêng.
Thứ nhất, các DNSX Việt Nam hưởng lợi từ việc mở cửa thị trường dịch vụ logistics còn thấp, chi phí logistics cao hơn so với doanh nghiệp của các nước tham gia cam kết. Bởi vì, muốn hạ thấp chi phí logistics và tăng cường lợi ích khi mở cửa thị trường dịch vụ logistics đòi hỏi hạ tầng logistics phải đảm bảo yêu cầu.
Thực tế, cơ sở hạ tầng logistics của Việt Nam nói chung, của Quảng Bình nói riêng vẫn còn lạc hậu, chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ và kết nối làm hạn chế khai thác lợi ích từ việc mở cửa thị trường dịch vụ này. Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải là yếu tố then chốt của cơ sở hạ tầng logistics. Mặc dù được Nhà nước và tỉnh Quảng Bình đầu tư phát triển, nâng cấp nhưng chất lượng của hệ thống này là không đồng đều và còn nhiều hạn chế, có những chỗ chưa đảm bảo về mặt kỹ thuật và có nhiều tuyến đường đang xuống cấp nghiêm trọng, chẳng hạn ở Quảng Bình, tuyến đường quốc lộ 12 lên cửa khẩu quốc tế ChaLo kết nối quốc lộ 1A chưa đáp ứng nhu cầu về vận tải hàng hóa, chi phí logistics tăng cao. Khả năng bảo trì và phát triển đường bộ còn thấp, đường không được thiết kế để vận chuyển container, các đội xe tải chuyên dùng hiện đã cũ kỹ, năng lực vận tải đường sắt vận dụng không hiệu quả do chưa được hiện đại hóa, chi phí không chính thức còn cao.
Thứ hai, việc lựa chọn nhà cung cung cấp dịch vụ logistics của một bộ phận các DNSX nước ta vẫn còn lúng túng, không hiệu quả. Điều này thể hiện, một số DNSX vẫn thuê nhà cung cấp dịch vụ logistics trong nước có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, hoạt động manh mún và thiếu tính chuyên nghiệp; trong khi đó lại không thuê các nhà cung cấp nước ngoài hùng mạnh, có kinh nghiệm, hiện đại (như APL, Mitsui OSK, Maerk Logistics, NYK Logistics...) với chi phí rẽ hơn, hoạt động hiệu quả hơn.
Thứ ba, môi trường pháp lý cho sự hoạt động và phát triển các dịch vụ logistics còn nhiều hạn chế và bất cập, làm cho các DNSX nước ta sử dụng dịch vụ
logistics từ các nhà cung cấp nước ngoài còn gặp khó khăn. Bởi vì, các quy định pháp luật, bộ máy tổ chức thực hiện đến các chế tài áp dụng hình thành môi trường pháp lý điều chỉnh sự phát triển thị trường dịch vụ logistics ở nước ta còn sơ khai. Ở Việt Nam và ở các tỉnh, thành phố chưa có một cơ quan quản lý nhà nước về mặt chuyên môn, có chức năng quản lý thống nhất các loại dịch vụ logistics.
Thứ tư, nhu cầu của các DNSX về nhân lực logistics chưa được đáp ứng bởi do thiếu hụt nguồn nhân lực logistics được đào tạo bài bản và có trình độ quản lý logistics. Trong khi đó các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành kinh tế, ngoại thương, hàng hải, giao thông vận tải cũng chỉ đào tạo chung các kiến thức cơ bản về nghiệp vụ cung ứng, ngoại thương và vận tải. tài liệu về loại hình dịch vụ này cũng chưa nhiều và các chuyên gia được đào tạo chuyên nghiệp trong lĩnh vực này vẫn còn quá ít so với yêu cầu phát triển. Dịch vụ logistics Việt Nam nói chung và ở Quảng Bình nói riêng thời gian gần đây đã phát triển khá nhanh càng làm cho nguồn nhân lực logistics trở nên thiếu hụt trầm trọng lại càng trầm trọng hơn.
Thứ năm, logistics mang lại lợi ích to lớn đối với từng DNSX nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro. Trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều biến động lớn, một sự không hiểu rõ chính sách, luật lệ, thủ tục, sự khác biệt về tiêu chuẩn kỹ thuật, khung khổ pháp lý và cách thức làm ăn tại thị trường và các đối tác nước ngoài cùng với nhận thức về logistics và ngành dịch vụ logistics của các cơ quan quản lý Nhà nước đến các ngành, địa phương, các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế chưa đầy đủ, chưa tương xứng với vị trí quan trọng của nó là những thách thức lớn đối với các DNSX Việt Nam cũng như ở tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn hiện nay.
Rõ ràng, hội nhập kinh tế quốc tế là cần thiết và tất yếu để phát triển trong một môi trường toàn cầu hoá. Đó là một quá trình đan xen của những cơ hội và thách thức như phân tích trên. Do vậy, các DNSX Việt Nam nói chung và của Quảng Bình nói riêng cần nhận thức rõ về quá trình này, nắm chắc các cam kết và lộ trình hội nhập để đón nhận thời cơ một cách chủ động và có hiệu quả cao.