CHƯƠNG 3: PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP VỀ DỊCH VỤ LOGISTICS NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH CỦA CÁC
3.3. Giải pháp tăng cường tác động dịch vụ logistics nhằm nâng cao hiệu quả HĐKD của các DNSX trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
3.3.2. Nhóm giải pháp đối với doanh nghiệp logistics và thị trường dịch vụ
3.3.1.5. Tăng cường sử dụng dịch vụ logistics chuyên nghiệp
Các DNSX sử dụng dịch vụ logistics tự đảm nhiệm (1PL) tức là tự tổ chức hoạt động logistics phục vụ cho HĐKD của mình chắc chắn đòi hỏi chi phí lớn, dẫn đến hiệu quả thấp, đặc biệt trong lĩnh vực cung ứng nguyên vật liệu và phân phối sản phẩm. Do vậy, ngày càng có nhiều công ty đa quốc gia chuyển từ tự tổ chức hoạt động logistics sang thuê dịch vụ logistics từ các công ty logistics chuyên nghiêp, còn đối với các công ty vừa và nhỏ việc sử dụng dịch vụ của các công ty logistics chuyên nghiệp là nhu cầu tất yếu [15].
Cùng với xu hướng thuê ngoài dịch vụ logistics từ các công ty logistics chuyên nghiệp và qua kết quả nghiên cứu (đã trình bày chi tiết ở mục 2.3.3 của luận án) cho thấy, trong thời gian tới, các DNSX trên địa bàn Quảng Bình cần tăng cường sử dụng dịch vụ logistics thuê ngoài (dịch vụ chuyên nghiệp) tiết kiệm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh và nâng cao hiệu quả HĐKD. Các dịch vụ cần thuê ngoài bào gồm, dịch vụ logistics đầu vào, dịch vụ logistics dầu ra và dịch vụ logistics khác (dịch vụ về vận tải, giao nhận, kho bãi và hải quan).
3.3.2. Nhóm giải pháp đối với doanh nghiệp logistics và thị trường dịch vụ logistics
3.3.2.1. Giải pháp phát triển dịch vụ logistics chuyên nghiệp
Giải pháp phát triển dịch vụ logistics chuyên nghiệp là cơ sở để các DNSX tăng cường sử dụng dịch vụ thuê ngoài nhằm giảm chi phí trong HĐKD, tập trung quản lý sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn.
Mục tiêu của giải pháp này nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thị trường, trong đó có nhu cầu của các DNSX. Điều này cũng giúp các doanh nghiệp logistics nâng cao vai trò của mình đối với sự phát triển kinh tế địa phương, doanh nghiệp, ngành logistics, đồng thời tiếp tục thiết lập mối quan hệ kinh tế hợp lý với khách hàng và đưa doanh nghiệp logistics trở thành một phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng của khách hàng. Muốn đạt tốt mục tiêu này các doanh nghiệp logistics cần thực hiện một số yêu cầu cốt lõi, đó là:
(1) Phải luôn phấn đấu nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng, giảm chi phí logistics cho các DNSX, tạo mối quan hệ chặt chẽ, lâu bền hơn với khách hàng. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp logistics phải luôn giữ chữ tín trong cung ứng các dịch vụ bằng chất lượng cao và giá rẻ hơn, chi phí logistics thấp hơn, tư vấn cho khách
hàng những giải pháp tốt hơn trong HĐKD. Hiện nay, các doanh nghiệp logistics ở Quảng Bình ở đều có lợi thế cạnh tranh giá rẻ mà chưa chú trọng đến dịch vụ giá trị gia tăng cũng như là kiến thức tư vấn cho khách hàng về quản trị logistics.
(2) Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng (GTGT) cung cấp cho các DNSX để tiến tới phát triển toàn diện dịch vụ logistics. Đặc biệt là các dịch vụ GTGT cả đầu vào và đầu ra là giải pháp hết sức cần thiết đối với các doanh nghiệp logistics Quảng Bình hiện nay. Tổ chức tốt các dịch vụ cung ứng cho khách hàng, nhất là các dịch vụ tiếp tục quá trình sản xuất trong khâu lưu thông gia tăng giá trị, sẽ giúp các DNSX tiết giảm kho bãi, nhân sự, phương tiện vận chuyển trong các công đoạn của dòng chu chuyển hàng hóa, sản xuất được rút ngắn, sản phẩm nhanh chóng có mặt trên thị trường, đáp ứng được ý tưởng kinh doanh hiện đại “đúng thời điểm”. Đối với các doanh nghiệp logistics ở khu kinh tế Cha Lo có nhiều lợi thế để tập trung phát triển các dịch vụ GTGT và cần được tập trung phát triển trong thời gian tới.
(3) Phát triển vận tải đa phương thức nhằm mục tiêu tiết kiệm chi phí logistics và nâng cao chất lượng dịch vụ. Hiện nay, hầu hết các DNSX ở tỉnh chưa khai thác được lợi ích từ các công ty vận tải đa phương thức đang hoạt động ở tỉnh, chưa kết hợp được các loại phương tiện vận tải hiện có trong cung ứng dịch vụ. Ở vùng Bắc Trung Bộ gồm Quảng Bình chưa có trung tâm logistics vận hành để có thể thực hiện sự kết nối các loại phương tiện vận tải. Tất cả những điều này đã làm cho chi phí logistics của doanh nghiệp nội cao hơn các doanh nghiệp trong khu vực, dẫn đến hàng hóa xuất nhập khẩu của Lào và các vùng Đông Bắc Thái Lan chủ yếu về cảng Thái Lan và cảng Myanma là chính.
(4) Đẩy mạnh dịch vụ đóng gói, phân loại hàng hóa cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại khu Kinh tế ChaLo và các cảng trong tỉnh. Xu thế hợp tác, chuyên môn hóa cao và mở cửa thị trường dịch vụ logistics các nhà sản xuất kinh doanh có xu hướng sử dụng các dịch vụ thuê ngoài thay vì bản thân doanh nghiệp tự cung cấp như: đóng gói, bao bì, ký mã hiệu, nhãn mác cho hàng hóa, kể cả vận chuyển, kê khai hải quan. Do vậy, các doanh nghiệp logistics cần được chuyên môn hóa, phát triển đa dạng các dịch vụ trước và sau cảng và cửa khẩu, phát triển các trung tâm logistics nhằm cung cấp cho khách hàng những dịch vụ chất lượng cao, GTGT lớn.
Đối với các chủ hàng sẽ giải quyết được khó khăn về kho bãi, khắc phục được yếu kém trong điều phối hàng hóa, giảm được chi phí thực hiện các dịch vụ trước khi hàng hóa xuất khẩu.
(5) Cung cấp dịch vụ logistics về kiểm kê, phân phối hàng hóa đến đúng địa chỉ tiếp nhận cho các DNSX. Các doanh nghiệp logistics cung cấp khách hàng dịch vụ kiểm kê, phân phối hàng hóa sẽ giúp DNSX tính đúng lượng dự trữ cần thiết, đảm bảo tiến độ sản xuất kinh doanh, tránh được tình trạng thiếu hụt hàng hóa hay tồn đọng sản phẩm quá mức dự trữ cần thiết. Dịch vụ này có nhiều tiềm năng phát triển đối với hàng hóa xuất nhập khẩu vận chuyển ở vùng Bắc Trung Bộ. Để phát triển các loại dịch vụ này đòi hỏi phải hiện đại hóa và mở rộng hệ thống phân phối, các trung tâm phân phối hàng hóa trong tỉnh.
3.3.2.2. Giải pháp phát triển thị trường và các nhà chuyên cung cấp dịch vụ logistics (LSD)
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp logistics trong khu vực đã mạnh dạn đầu tư phát triển các dịch vụ logistics thông qua việc nghiên cứu các dịch vụ mới, quảng cáo, tiếp thị các dịch vụ đang được cung ứng cho khách hàng. Nhằm ổn định và mở rộng thị trường dịch vụ logistics đòi hỏi các doanh nghiệp logistics tỉnh Quảng Bình phải tập trung thực hiện các biện pháp sau:
(1) Phân khúc thị trường là một công việc rất quan trọng, bởi vì mỗi chủng loại mặt hàng khác nhau thì lại cần phải thiết kế một chuỗi cung ứng dịch vụ logistics khác nhau, làm như vậy, doanh nghiệp mới tối ưu hóa được quy trình, tiết kiệm chi phí và thời gian.
(2) Thực hiện đa dạng hóa dịch vụ cung cấp cũng là một trong những hoạt động marketing cần thiết để tiến hành thiết kế hệ thống cung ứng phù hợp, nhất là những mặt hàng triển lãm, hội chợ, tạm nhập tái xuất,… đó là những mặt hàng mà nếu có hệ thống logistics thì sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
(3) Mở rộng mối quan hệ với các văn phòng đại diện và tổ chức kinh tế nước ngoài tại Việt Nam để dễ dàng hơn trong việc quảng bá hình ảnh với các đối tác nước ngoài.
(4) Mở rộng địa bàn hoạt động bằng việc nghiên cứu thị trường, khảo sát tìm tòi và học hỏi kinh nghiệm để xây dựng mạng lưới đại lý của doanh nghiệp.
(5) Củng cố và xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh.
Ngoài ra, để phát triển thị trường, hình thành nên các nhà cung ứng dịch vụ logistics chuyên nghiệp, ngoài sự nỗ lực phát triển của chính doanh nghiệp thì cần tranh thủ sự hỗ trợ các điều kiện chính quyền địa phương, sự ủng hộ và sử dụng dịch vụ của các DNSX.
3.3.2.3. Phát triển các loại hình doanh nghiệp logistics có khả năng cạnh tranh ở tỉnh Quảng Bình
Doanh nghiệp logistics của Quảng Bình cũng như ở vùng Bắc Trung Bộ hiện nay quy mô và năng lực còn nhiều hạn chế, khả năng cạnh tranh thấp. Do vậy, các doanh nghiệp logistics cần thực hiện là liên doanh, liên kết, thiết lập các doanh nghiệp liên doanh, hoặc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài. Theo cam kết mở cửa thị trường đối với lĩnh vực dịch vụ logistics, nhiều hình thức dịch vụ cho phép nhà đầu tư nước ngoài thành lập liên doanh với đối tác trong nước với các tỷ lệ góp vốn khác nhau. Việc thiết lập các doanh nghiệp liên doanh, liên kết có yếu tố nước ngoài sẽ đem lại nhiều lợi thế đối với doanh nghiệp trong nước như các cơ hội học hỏi kinh nghiệm quản lý, phương pháp quản lý hệ thống logistics hiện đại, sự hỗ trợ đắc lực về tài chính, công nghệ, cơ sở vật chất, kỹ năng và thêm vào đó là mở rộng các mối quan hệ kinh doanh và tiếp cận thị trường mới. Do vậy, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cần ủng hộ, quan tâm tạo mọi điều kiện phát triển các loại hình doanh nghiệp logistics, giúp các doanh nghiệp logistics chủ động phát triển kinh doanh, tăng cường quá trình liên doanh và liên kết với các đối tác trong và ngoài nước.
3.3.2.4. Giải pháp nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của các dịch vụ logistics (1) Khắc phục những yếu kém của các doanh nghiệp logistics trong tỉnh:
Khắc phục những hạn chế về nguồn nhân lực, quy mô, hiệu quả kinh doanh, củng cố hệ thống đại lý và tiến đến thiết lập hệ thống mạng lưới khu vực, tiến tới thiết lập mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành logistics và giữa các doanh nghiệp logistics với các chủ hàng nhằm tăng sức cạnh tranh với các đối thủ là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Nguồn lực đối với các doanh nghiệp là yêu tố cốt lõi, vì vậy, doanh nghiệp, Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong tỉnh cần phối hợp trong việc hỗ trợ doanh nghiệp để tập huấn và hướng dẫn các quy trình, lĩnh vực hoạt động, dịch vụ logistics cho đội ngũ cán bộ logistics của doanh nghiệp. Để cung ứng dịch vụ logistics hiệu quả, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, bản thân doanh nghiệp cần có chính sách phát triển các nguồn lực nội tại. Đây chính là nền tảng vững chắc đối với doanh nghiệp của tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn hiện nay.
(2) Tăng cường khả năng hợp tác, liên kết các hoạt động logistics giữa các doanh nghiệp trong khu vực:
Thị trường dịch vụ logistics sẽ có sự cạnh tranh mạnh mẽ, trong khi hầu hết các doanh nghiệp ở vùng Bắc trung Bộ (gồm có Quảng Bình) hoạt động nhỏ lẻ
manh mún, hoàn toàn độc lập với nhau thì liên kết được xem như là biện pháp quan trọng để tồn tại và phát triển. Sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp sẽ giúp các chủ thể kinh doanh tiết kiệm được chi phí trong khi vẫn có khả năng cung ứng dịch vụ chất lượng cao, giúp cho dịch vụ logistics trong khu vực từng bước phát triển, qua đó khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của các địa phương ở vùng Bắc Trung Bộ.
(3) Các doanh nghiệp logistics ở Quảng Bình cần khai thác tiềm năng và lợi thế sẵn có như: có vị trí địa lý thuận lợi, có đủ loại hình giao thông, cảng nước sâu Hòn La, có ngành công nghiệp Xi măng và vật liệu xây dựng phát triển,... nhằm tạo dựng lợi thế cạnh tranh riêng biệt cho mình.