CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ BÀN LUẬN
3.2. Xây dựng tiêu chuẩn đánh giá sự phát triển thể chất của học sinh
3.3.5. Bàn luận về việc xác định và kết quả ứng dụng một số giải pháp nhằm phát triển thể chất của học sinh trung học phổ thông chuyên các tỉnh Bắc miền Trung
3.3.5.1. Về kết quả xác định một số giải pháp nhằm phát triển thể chất của học sinh trung học phổ thông chuyên các tỉnh Bắc miền Trung.
Quản lý công tác GDTC là một trong những nội dung quan trọng, góp phần vào mục tiêu giáo dục toàn diện. Đấy là một quá trình sư phạm, hướng vào việc bồi dưỡng kiến thức vận động thể lực, ý chí, trau dồi đạo đức, tác phong và những yếu tố tinh thần khác nhằm hoàn thiện cơ thể, hình thành các kỹ năng, kỹ xảo vận động cơ bản của con người, phát triển các phẩm chất và khả năng thể lực, hình thành lối sống lành mạnh, kéo dài thời gian hoạt động của con người để con người thực hiện tốt nghĩa vụ lao động và bảo vệ Tổ quốc. Quản lý công tác GDTC là quản lý mục tiêu, nội dung, chương trình GDTC, quản lý hoạt động dạy và học của giáo viên - học sinh, quản lý việc kiểm tra, đánh giá kết quả rèn luyện thể chất của học sinh, quản lý các phương tiện, cơ sở vật chất và các điều kiện phục vụ công tác GDTC. Người
quản lý cần nắm vững cơ sở lý luận về quản lý giáo dục, quản lý công tác GDTC và các yếu tố ảnh hưởng đến công tác quản lý giáo dục thể chất, để vận dụng và đề ra những giải pháp tổ chức, quản lý phù hợp với thực tiễn khách quan, với mục đích, nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác GDTC trong nhà trường.
Thông qua tham khảo các nguồn tài liệu có liên quan, trên cơ sở kết quả khảo sát thực trạng công tác GDTC tại 08 trường THPT chuyên khu vực Bắc miền Trung, đồng thời căn cứ ý kiến các chuyên gia, quá trình nghiên cứu đã lựa chọn và xây dựng nội dung 08 giải pháp phát triển thể chất cho học sinh THPT chuyên, bao gồm:
Giải pháp 1: Giáo dục nâng cao nhận thức về vị trí của GDTC và thể thao trường học đối với mục tiêu phát triển thể chất (sức, khỏe, thể lực và những kiến thức có liên quan) và giáo dục đạo đức nhân cách, xây dựng lối sống khỏe mạnh vận động tích cực có kế hoạch cho học sinh.
Giải pháp 2: Đổi mới phương pháp dạy học thể dục theo hướng tích cực hóa, phát triển tính chủ động, sáng tạo của học sinh trong giờ học thể dục.
Giải pháp 3: Đa dạng hóa nội dung và hình thức hoạt động thể thao ngoại khóa theo hướng gắn chặt với dạy học nội khóa và bám sát mục tiêu GDTC.
Giải pháp 4: Xây dựng kế hoạch và điều hành công tác tự bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên.
Giải pháp 5: Đổi mới tổ chức dạy học thể dục theo phân loại sức khỏe, thể lực và năng khiếu của học sinh.
Giải pháp 6: Tăng cường hoạt động thi đấu - tổ chức thi đấu nhiều nội dung trên cơ sở tạo điều kiện cho mỗi học sinh tham gia.
Giải pháp 7: Cải tạo, mua sắm, trang bị bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, sân bãi dụng cụ phục vụ tập luyện.
Giải pháp 8: Thành lập, đưa vào hoạt động các CLB thể thao cho các đối tượng là cán bộ, giáo viên, học sinh các khối theo hình thức xã hội hoá dưới sự chỉ đạo của các nhà trường và các tổ chức Hội thể thao học sinh Việt Nam.
Xuất phát từ cơ sở lý luận và kết quả điều tra thực tiễn, luận án đã tổ chức thực nghiệm thí điểm tại trường THPT chuyên Lam Sơn - Thanh Hóa các giải pháp ngắn hạn trong năm học 2014 - 2015 (ứng với 9 tháng thực nghiệm) để từng bước hoàn thiện một số cơ chế chính sách và mô hình tổ chức hoạt động GDTC và ngoại khóa TD,TT trong nhà trường. Luận án đã xây dựng, ứng dụng thí điểm 06 giải pháp, đây là các giải pháp có tính triển khai cụ thể. Bao gồm:
Giải pháp 1: Giáo dục nâng cao nhận thức về vị trí của GDTC và thể thao trường học đối với mục tiêu phát triển thể chất (sức, khỏe, thể lực và những kiến thức có liên quan) và giáo dục đạo đức nhân cách, xây dựng lối sống khỏe mạnh vận động tích cực có kế hoạch cho học sinh.
Giải pháp 2: Đổi mới phương pháp dạy học thể dục theo hướng tích cực hóa, phát triển tính chủ động, sáng tạo của học sinh trong giờ học thể dục.
Giải pháp 3: Đa dạng hóa nội dung và hình thức hoạt động thể thao ngoại khóa theo hướng gắn chặt với dạy học nội khóa và bám sát mục tiêu GDTC.
Giải pháp 5: Đổi mới tổ chức dạy học thể dục theo phân loại sức khỏe, thể lực và năng khiếu của học sinh.
Giải pháp 6: Tăng cường hoạt động thi đấu - tổ chức thi đấu nhiều nội dung trên cơ sở tạo điều kiện cho mỗi học sinh tham gia.
Giải pháp 8: Thành lập, đưa vào hoạt động các CLB thể thao cho các đối tượng là cán bộ, giáo viên, học sinh các khối theo hình thức xã hội hoá dưới sự chỉ đạo của các nhà trường và các tổ chức Hội thể thao học sinh Việt Nam.
Ứng dụng các giải pháp nêu trên trước hết phải đảm bảo sự tăng cường quản lý và chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo về mặt quản lý nhà nước đồng thời phát huy những yếu tố phát triển TDTT có tính tác nghiệp chuyên ngành trong điều kiện và khả năng hiện có ở từng trường một cách cụ thể. Các giải pháp đề xuất và xây dựng phải được triển khai áp dụng một cách đồng bộ và triệt để. Triển khai tốt ở giải pháp này, nhưng không tốt ở giải pháp khác sẽ
không đạt được những kết quả như mong muốn. Mô hình tổ chức quản lý phong trào tập luyện TD,TT, cũng như công tác GDTC trong nhà trường sẽ giữ vai trò chủ đạo; ở những trường cơ sở sân bãi TDTT đã được xây dựng quy mô và ổn định, phong trào TDTT mạnh thành lập riêng các câu lạc bộ TDTT cho các đối tượng học sinh, giáo viên là cách làm có tính sáng tạo.
Đảm bảo sự quản lý về mặt nhà nước của ngành Giáo dục - Đào tạo trực tuyến và thường xuyên là một nguyên tắc đã được đề tài tập trung thực hiện.
3.3.5.2. Về kết quả ứng dụng một số giải pháp nhằm phát triển thể chất của học sinh trung học phổ thông chuyên các tỉnh Bắc miền Trung.
Về tác động của các giải pháp đến sự phát triển thể chất của học sinh THPT chuyên:
Sau 9 tháng ứng dụng các giải pháp phát triển thể chất mà luận án đã lựa chọn và xây dựng, tố chất thể lực chung của học sinh (khối 11 thí điểm tại trường THPT chuyên Lam Sơn - Thanh Hóa) đã có sự khác biệt rõ rệt qua các giai đoạn kiểm tra tại các thời điểm trước và sau thực nghiệm (với ttính > tbảng ở ngưỡng xác suất P < 0.05). Mặc dù luận án đã sử dụng phương pháp thực nghiệm so sánh tự đối chiếu, nhưng thực chất là theo dõi dọc trên một nhóm trong thời gian 9 tháng (ứng với 1 năm học). Kết quả đã xác định được sự khác biệt về tố chất thể lực chung trong thời gian áp dụng các giải pháp lựa chọn (mặc dù chỉ có sự khác biệt về các test thể lực chung giữa trước và sau thực nghiệm, còn các yếu tố về hình thái và chức năng thì kết quả so sánh cho thấy mặc dù có sự tăng trưởng, nhưng không có sự khác biệt rõ rệt sau thời gian thực nghiệm 9 tháng ở ngưỡng xác suất P > 0.05), điều này cũng cho thấy các chỉ số hình thái, chức năng cũng chịu sự tác động của các giải pháp, tuy nhiên cần phải có thời gian thực nghiệm dài hơn (vì đây là các yếu tố mang tính di truyền, đặc biệt là chỉ số chiều cao đứng). Kết quả so sánh giữa nhóm thực nghiệm và nhóm học sinh không phải là đối tượng thực nghiệm (bao gồm nhóm học sinh không tập luyện ngoại khóa hoặc tự tập luyện ngoại
khóa) đã cho thấy có sự khác biệt rõ rệt về thể lực chung giữa 2 nhóm này (ở ngưỡng xác suất P < 0.05).
Qua đó có thể khẳng định, dù có tập luyện ngoại khóa TD,TT, nhưng học sinh tham gia tập luyện với các phương thức tổ chức chặt chẽ, khoa học, có tổ chức dưới sự hướng dẫn thường xuyên của giáo viên thì sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt hơn so với hình thức học sinh tự tập luyện hoặc là không tập luyện. Có thể lý giải kết quả này là nhờ tham gia tập luyện trong môi trường tập thể, không khí vui nhộn, đông đảo bạn bè lại được các giáo viên người đóng vai trò tổ chức, chỉ đạo và hướng dẫn tận tình mà học sinh biết phát huy vai trò tự giác, tích cực trong tập luyện. Từ đó, các năng lực vận động được tích lũy, ổn định và ngày càng phát triển nhanh theo chiều hướng tích cực.
Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh, tập luyện ngoại khóa các môn thể thao lâu dài sẽ cải thiện được mối quan hệ nhịp điệu giữa các trung khu thần kinh vỏ não và khu võ đại não…, nâng cao tính linh hoạt, tính cân bằng và cường độ của quá trình thần kinh. Giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, các nhà sinh lý học Nga đã khám phá tập luyện ngoại khóa các môn võ thuật còn cải thiện được chức năng hệ tuần hoàn, lúc yên tĩnh huyết áp, mạch đập đều có trị số giảm. Khoa Sinh lý học tại Học viện TDTT Bắc Kinh đã nghiên cứu 161 VĐV võ thuật thanh thiếu niên cho thấy, mạch đập lúc yên tĩnh có hiện tượng mạch chậm và huyết áp thấp (mạch: 50 lần/phút, huyết áp: 100/68 mmHg), dung tích sống trung bình đạt 4200ml/phút. Đặc điểm biến đổi chức năng hô hấp của VĐV võ thuật là nhu cầu ôxy tương đối cao, sự cung cấp năng lượng (ATP) chủ yếu bằng con đường đường phân yếm khí, cho nên tập luyện môn võ thuật có thể nâng cao khả năng yếm khí cơ thể.
Các tác giả Lê Văn Lẫm, Vũ Đức Thu (2000) đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò hướng dẫn và tầm ảnh hưởng sâu sắc đến học sinh, sinh viên trong hoạt động tập luyện ngoại khóa TD,TT của giáo viên TDTT: “Học sinh, sinh viên có nhận thức sâu sắc đối với ý nghĩa của TDTT, tự giác luyện tập thì
90% trong số họ chịu ảnh hưởng của giáo viên TDTT… Những VĐV ưu tú nước ta đều trải qua giáo dục ban đầu của thầy giáo TDTT ở các cấp học từ tiểu học đến Đại học…” [36, tr. 84]. Vì vậy, hiệu quả tích cực thông qua tập luyện ngoại khóa TD,TT không thể không nhắc đến vai trò dẫn dắt của giáo viên, HLV TD,TT. Cùng với quan điểm này, tác giả Lưu Quang Hiệp cho rằng: “Hoạt động thể thao một cách thường xuyên có hệ thống sẽ tạo ra những ảnh hưởng tác động đến sự phát triển thể chất và thể tạng của con người” [30, tr. 48]. Theo các tác giả Maximenko A.M (2001); B.C. Kyznhétxốp và Xôkhôlốp (2000) [77, tr. 79]: “Tiến hành tập thể dục một cách lâu dài, có hệ thống và theo dõi chặt chẽ việc tăng dần lượng vận động, cơ thể sẽ xuất hiện những biến đổi tốt về mặt sinh hóa”.
Kết quả nghiên cứu của đề tài cũng có những điểm khá trùng hợp với các tác giả khác như Nguyễn Mạnh Liên (1993) [37]; Nguyễn Xuân Sinh (1993) [51]; Lương Thị Ánh Ngọc (2011) [43]; Nguyễn Đức Thành (2013) [52], Huỳnh Trọng Khải (2001) [34], Mai Thị Thu Hà(2014) [27]… đều cho rằng: Tập luyện ngoại khóa TD,TT có tổ chức chặt chẽ dù là tập với các hình thức nào cũng đều có ảnh hưởng tốt đến sự phát triển thể chất. Còn tập luyện ngoại khóa TD,TT không được tổ chức chặt chẽ sẽ không đảm bảo phát triển đáng kể về thể chất cho học sinh, không những thế có những chỉ số như vòng bụng, chạy bền, chạy nhanh không có sự cải thiện mà còn giảm sút rõ rệt.
Tác giả Nguyễn Ngọc Việt (2010) [71, tr. 95] nhận định: Trong tất cả các hình thức tập luyện ngoại khóa thì hình thức tập luyện ngoại khóa có hướng dẫn của giáo viên với các môn tự chọn của học sinh, sinh viên là hiệu quả nhất… Thông qua hoạt động thể thao ngoại khóa có hướng dẫn đã góp phần khắc phục được tình trạng thiếu hụt vận động, tác động tích cực đến thể lực và tầm vóc của học sinh. Tập luyện ngoại khóa TDTT thể hiện được một số yêu cầu như một giờ học nội khóa đó là hoạt động có chủ đích, có định hướng rõ ràng của đối tượng tập luyện.
Đặc biệt nghiên cứu của các tác giả Trần Kim Cương (2008) [22], Nguyễn Đức Thành (2013) [52] khi so sánh giữa những sinh viên tập luyện ngoại khóa theo hình thức tự phát với những sinh viên tập luyện ngoại khóa theo hình thức Câu lạc bộ TD,TT đơn thuần và những sinh viên tập luyện ngoại khóa theo hình thức Câu lạc bộ TDTT hoàn thiện đã khẳng định rằng, hình thức tập luyện ngoại khóa TD,TT trong các Câu lạc bộ TD,TT hoàn thiện cho hiệu quả cao nhất đối với sự phát triển thể chất của sinh viên một số trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn thành phố Huế.
Từ các kết quả nghiên cứu như đã trình bày ở mục 3.3, khi so sánh đặc điểm tố chất thể lực chung của học sinh THPT chuyên khối 11 qua các giai đoạn tập luyện (trước và sau thực nghiệm) đều có khác biệt. Qua đó thấy đặc điểm chung của học sinh quá trình tập luyện vẫn phát triển bình thường theo quy luật, các tiêu chí nghiên cứu về tố chất thể lực chung đều phát triển nhờ quy luật tăng trưởng phát dục và ảnh hưởng tốt của quá trình tập luyện có hệ thống, phù hợp với quy luật sinh học của con người.
Đánh giá mức độ tác động của các giải pháp đến sự phát triển phong trào tập luyện TD,TT ngoại khoá sau thời gian thực nghiệm.
Trường THPT Chuyên Lam Sơn - Thanh Hóa có 03 tổ chức đoàn thể xã hội bao gồm: Đảng bộ, Công đoàn, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; 11 tổ chuyên môn (trong đó gồm 01 tổ thể dục - quốc phòng). Với nhiệm vụ nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác GDTC trong mục tiêu đào tạo giáo dục của nhà trường, trong quá trình thực hiện luận án đã xây dựng những kiến nghị, kế hoạch xây dựng và cải tạo cơ sở vật chất, đảm bảo dụng cụ học tập, và được sự quan tâm của Ban giám hiệu và các đơn vị chức năng, điều kiện đảm bảo cho học tập môn học thể dục và phát triển phong trào TDTT trong toàn trường đã có tăng về số lượng và nâng cao được chất lượng.
Cụ thể là trong năm học 2014 - 2015, nhà trường đã cho sửa chữa, nâng cấp và xây dựng khu nhà tập GDTC, cải tạo một số sân bãi tập luyện như: sân
cầu lông và đường chạy 60 m, đã tạo điều kiện để tổ bộ môn thể dục lên kế hoạch và giám sát chất lượng mua sắm dụng cụ thể thao đáp ứng phục vụ cho công tác giảng dạy và phát triển trong phong trào thể thao của học sinh. Đồng thời, nhà trường cũng có chế độ khen thưởng, động viên về vật chất và học tập đối với các VĐV đội tuyển và VĐV đạt thành tích cao.
Do vậy, sau thời gian thực nghiệm, luận án nhận thấy nhu cầu mở các lớp năng khiếu, xây dựng mô hình các câu lạc bộ thể thao và tổ chức hướng dẫn tập luyện ngoại khoá của học sinh trường THPT Chuyên Lam Sơn - Thanh Hóa tăng cao, cũng như số người tập luyện ngoại khoá các môn thể thao, rèn luyện thân thể đã tăng đáng kể và trở thành phong trào trong cán bộ, giáo viên và học sinh, việc tập luyện các môn thể thao tự chọn nhằm nâng cao sức khoẻ đã trở thành nhu cầu hàng ngày của học sinh.
Các giải thi đấu thể thao trong học sinh đã tăng lên đáng kể ở cấp trường, khối, lớp, câu lạc bộ với các loại hình thi đấu giao hữu giữa các đơn vị trong và ngoài trường, giải thi đấu truyền thống một số môn thể thao, thi đấu giao lưu giữa các câu lạc bộ... Tổ bộ môn thể dục đã kết hợp chặt chẽ với các giáo viên chủ nhiệm, Hội phụ huynh học sinh, Công đoàn, Đoàn thành niên, các Chi đoàn thuộc các khối tiến hành tổ chức, quản lý các hoạt động thi đấu thể thao ngoại khóa và xây dựng thành kế hoạch thi đấu hàng năm. Đồng thời đáp ứng những điều kiện sân bãi, dụng cụ và tổ chức trọng tài các giải đó. Hoạt động thi đấu của học sinh đã được sự quan tâm của lãnh đạo nhà trường, và đã góp phần xây dựng đời sống văn hoá - thể thao lành mạnh trong đồng đảo đội ngũ học sinh các khối, lớp.
Trong quá trình tổ chức ứng dụng các nhóm giải pháp, kết quả về số lượng các đội tuyển, câu lạc bộ thể thao, các lớp năng khiếu tự chọn của cán bộ, giáo viên và học sinh các khối, lớp, cũng như số lượng hội viên tham gia sinh hoạt, tập luyện thường xuyên tại các câu lạc bộ này (ngoài số học sinh nhóm thực nghiệm) đã tăng lên đáng kể so với thời điểm trước thực nghiệm.
Kết quả thu được như trình bày tại bảng 3.36 và bảng 3.37.