Ngôn ngữ là một trong những đặc trưng chủ yếu của bất kỳ tộc người nào, là đặc trưng quan trọng nhất để phân biệt tộc người này với tộc người khác. Trong một
xã hội chỉ cần một ngôn ngữ là có thể thực hiện được chức năng giao tiếp của con người ta với nhau. Chính vì thế những khác biệt về ngôn ngữ đã tạo ra một bức rào ngăn cách rất căn bản và trên một chừng mực nào đó không thể phá vỡ nổi ''sự không thể hiểu lẫn nhau đối với sự giao tiếp giữa những con người thuộc những tộc người khác nhau. Hơn thế nữa, khác với những yếu tố phân biệt tộc người khác, hoạt động của bức rào ngăn cách đó diễn ra ngoài ý muốn của con người và con người nói chung, không thể xem thường nó được. Những trở ngại khách quan do bức rào ngăn cách đó tạo ra thì ngày càng bị các yếu xã hội tâm lý làm cho tăng lên.
Ngôn ngữ chẳng những là điều kiện hình thành cộng đồng người mà còn là kết quả của sự hình thành tộc người nữa, nhất là ở những tộc người được hình thành từ những nhóm cư dân nói các thứ tiếng khác nhau.
Việc phá vỡ bức rào ngôn ngữ tất yếu sẽ dẫn tới chỗ chấm dứt chức năng phân biệt và cách li tộc người của ngôn ngữ. Chính vì thế, nếu một nhóm người thay đổi ngôn ngữ của mình thì dần dần (thường là vào thế hệ thứ hai hoặc thứ ba họ sẽ mau chóng chuyển thuộc sang tộc người khác).
Là một phương tiện thông tin quan trọng nhất, ngôn ngữ đồng thời cũng hoàn thành chức năng tín hiệu rất quan trọng, vì nó mang tư cách của một dấu hiệu quy ước, nói lên rằng những người sử dụng nó thuộc nhóm này hay nhóm khác.
Tuy nhiên, ngôn ngữ không phải là đặc trưng duy nhất, trên thế giới có hiện tượng một ngôn ngữ được nhiều tộc người sử dụng, chẳng hạn có khoảng hơn hai chục tộc người nói tiếng Tây Ba Nha và nhiều tộc người nói tiếng Anh. Những tộc người nói cùng một ngôn ngữ, phần đông là có cùng một nguồn gốc là những ngôn ngữ thuộc một dòng hay một nhóm ngôn ngữ thuộc cùng một ngữ hệ do kết quả của sự phân hóa tộc người hoặc cũng có trường hợp do sự tiếp xúc lâu dài đưa đến hiện tượng chuyển hóa ngôn ngữ là kết quả của hòa hợp hoặc đồng hóa quá trình thống nhất tộc người.
Khi đề cập tới thuộc tính phân biệt tộc người của ngôn ngữ, trong giới học thuật dân tộc học còn nêu lên một vấn đề là tính phân biệt tộc người của ngôn ngữ không phải trong tất cả mọi giai đoạn của quá trình tộc người lịch sử đều giống nhau. Trong
thời đại của công xã nguyên thủy, mặc dầu ngôn ngữ là một yếu tố quan trọng để đoàn kết các bộ lạc về mặt tộc người, nhưng lúc đó ngôn ngữ chưa đóng một vai trò phân biệt tộc người quan trọng nhất. Cùng với quá trình chuyển sang xã hôi có giai cấp và việc hình thành những khối cộng đồng tộc người lớn hơn như cộng đồng bộ tộc thì vai trò của ngôn ngữ ngày càng tăng lên, sự củng cố ngôn ngữ bằng văn tự giúp nhiều cho quá trình này. Còn đối với cộng đồng tộc người dân tộc, với sự phổ biến của ngôn ngữ văn học kéo theo quá trình tiêu chuẩn hóa ngôn ngữ nói đã có vai trò lớn lao đối với sự thống nhất của khối cộng đồng người.
Sự hình thành tộc người và cộng đồng ngôn ngữ có quan hệ tương hỗ với nhau là một quá trình đồng thời.
1.2. Tiêu chí lãnh thổ tộc người
Chỉ sự lập luận lô gich thông thường cũng cho phép ta đi đến một kết luận là muốn có sự hình thành một tập đoàn người nói cùng một thứ tiếng, thì tất cả các thành viên của tập đoàn người đó cần phải sống trong một thời gian dài có những mối quan hệ nhất định và thiện thực với nhau, những mối quan hệ này xuất hiện chỉ trong trường hợp các nhóm người đó phải sống trong một lãnh thổ nhất định. Lãnh thổ chung còn là điều kiện đảm bảo sự phát triển các mối quan hệ kinh tế và các mối quan hệ khác giữa các bộ phận của tộc người. Chính lẽ đó mà cộng đồng lãnh thổ là điều kiện bắt buộc của quá trình xuất hiện của bất kỳ một cộng đồng tộc người nào.
Mối quan hệ biện chứng tác động qua lại giữa tộc người và lãnh thổ không chỉ được thực hiện ra như là tiền đề và điều kiện cho sự hình thành và tồn tại của tộc người và y nghĩa vai trò của nó ngày một tăng tiến trong quá trình tộc người, đồng thời những đặc điểm địa ly tự nhiên sinh thái cũng đề lại dấu ấn sâu sắc trong hoạt động kinh tế và sáng tạo văn hóa của tộc người. Những yếu tố riêng biệt trong các giai đoạn quá khứ tồn tại lâu dài của lịch sử đã tạo nên mảng văn hóa sinh thái của cư dân hay một bộ phận tộc người nhiều khi còn đảm nhận cả chức năng phân biệt tộc người khi có môi trường tiếp xúc tộc người.
Chuyển từ cuộc sống nửa định cư sang cuộc sống định cư, lãnh thổ được thể hiện như là đất đai, tổ tiên, nóp chứa đựng những vật thiêng của bộ lạc, là môi trường
sống thể hiện quyền sở hữu và sử dụng của thành viên bộ lạc. Đã cột chặt bộ lạc vào lãnh thổ nên đã khơi dậy những cuộc chiến đấu của bộ lạc bảo vệ đất đai của tổ tiên khi có ngoại xâm.
Giai đoạn quá độ chuyển sang xã hội có giai cấp, chỗ ở của cư dân dần dần bị xáo trộn, y nghĩa của lãnh thổ tộc người tăng lên, quan hệ huyết thống biến mất và được bù lại bằng sự tăng lên của vai trò hợp nhất của tiếng nói, của cộng đồng lãnh thổ, đưa đến những cộng đồng tộc người - xã hội lớn hơn ra đời, trước hết trên cơ sở những nhóm tộc người - bộ lạc thân thuộc (mà địa bàn lãnh thổ là láng giềng của nhau, đặc điểm văn hóa nhiều nét giống nhau, có những huyền thoại chung và nói những thổ ngữ thuộc cùng một ngôn ngữ). Đó là liên minh bộ lạc.
Khi Nhà nước ra đời trở thành cộng đồng tộc người về mặt lãnh thổ - chính trị, nên việc phân chia quốc gia về mặt hành chính dựa trên nguyên tắc lãnh thổ đã hợp nhất hoặc phân chia con người thuộc các tộc người theo nơi cư trú, đã biến các tộc người trở thành vật phụ thuộc vào lãnh thổ - chính trị. Trong các biên giới lãnh thổ - chính trị khác nhau, nhà nước đã nhào nặn lại các bộ phận tộc người cấu thành của nó trong mối quan hệ chung về những lợi ích kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và những mối quan hệ chung khác, tạo ra ở từng nhóm thành viên của cộng đồng nhiều yếu tố chung thống nhất đưa đến quá trình thống nhất tộc người (cố kết, hòa hợp, đồng hóa) diễn ra mạnh mẽ, làm xuất hiện những nhóm cộng đồng tộc người lớn hơn.
Tầm quan trọng của lãnh thổ đối với tộc người còn được thể hiện ở chỗ việc mở rộng lãnh thổ trong quá trình hình thành tộc người hoặc sự xâm phạm của những nhóm nhỏ vào những vùng xa xôi hẻo lánh tách biệt về điều kiện địa ly lãnh thổ và cả sự tiếp xúc của họ với những tộc người đang sống ở đó làm xuất hiện những nhóm địa phương khác nhau về văn hóa và sinh hoạt, về thổ ngữ, thậm chí cả về y thức tự giác tộc người như xuất hiện tên gọi của nhóm, thậm chí sự cách biệt về lãnh thổ những tộc người mới.
Các yếu tố địa ly của lãnh thổ cũng tác dụng đến nhiều thành tố của tộc người, chẳng hạn trong lĩnh vực văn hóa.
Khí hậu ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, quần áo, nhà ở, thành phần của các loại cây trồng và chu kỳ công việc đồng áng hàng năm đến phương tiện vận tải của các thời gian trong năm. Thổ nhưỡng, địa hình, thủy văn có ảnh hưởng đến tính chất của lao động, đến loại hình cư trú của nông thôn. Thực vật và động vật trên lãnh thổ đã quy định vật liệu, quần áo, hình dáng nhà cửa (bằng gỗ, lau sậy trong vùng đồng cỏ). Khoáng chất ảnh hưởng đến văn hóa vật chất của tộc người (vật liệu xây dựng, nguyên liệu chế biến công cụ và nhiều nghành nghề thủ công khác).
Đặc điểm địa ly sinh thái cũng ghi lại dấu ấn trong cả lĩnh vực văn hóa tinh thần của tộc người như chu kỳ công việc đồng áng, tập quán, lễ nghi, hội hè, truyền thuyết, thơ ca thậm chí cả trong ý thức tự giác tộc người (biểu tượng về quê hương xứ sở).
Tuy nhiên trong lịch sử của tộc người cộng đồng lãnh thổ có thể bị yếu đi hoặc mất đi. Nguyên nhân có thể là do hậu quả của các cuộc chiến tranh hủy diệt, của dịch bệnh, vì hoàn cảnh lao động và đời sống cực nhọc của những tộc người phải chịu cảnh áp bức giai cấp và dân tộc. Đặc biệt trong chế độ thực dân và nhân tố quan trọng hơn cả là quá trình hòa hợp và đồng hóa, nhất là các tộc người nhỏ bị hòa tan vào các tộc người lớn, thông qua diễn biến một cách tự nhiên lâu dài hay cưỡng bức.
Lãnh thổ vừa là môi trường sống vừa là cái không thể thiếu được để các thành tố khác cấu thành tộc người xuất hiện và tồn tại.
1.3. Tiêu chí cộng đồng kinh tế
Hoàn toàn rõ ràng là muốn cho một tập thể người lớn được hình thành nói cùng một thứ tiếng, thì cần phải tiếp xúc thực tế với nhau về kinh tế. Tài liệu dân tộc học cụ thể đã chỉ ra một cách xác đáng rằng tất cả mọi tộc người ít nhất là trong thời kỳ hình thành của nó, phải bao gồm những tập thể người liên hệ với nhau về kinh tế.
Ngay ở thổ dân châu Úc, còn duy trì nhiều đặc điểm của phương thức sinh hoạt là đặc trưng của chế độ công xã nguyên thủy. Đơn vị xã hội kinh tế cơ bản trước khi chủ nghĩa thực dân châu Âu xâm lược là cái gọi là những nhóm địa phương. Mỗi nhóm sống du cư trong phạm vi lãnh thổ nhất định, mà sách báo dân tộc học gọi là ''khu vực kiếm ăn''. Mấy chục nhóm địa phương cấu thành một bộ lạc.
Các bộ lạc sống hòa bình và các nhóm láng giềng thường tổ chức những cuộc săn bắn chung. Các nhóm địa phương và các bộ lạc láng giềng hoặc đôi khi cả những nhóm xa nnhau thường tới thăm nhau trong điều kiện cùng sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên như hái lượm, hoa quả, cây củ... ăn được chỉ có trên lãnh thổ của một số bộ lạc. Việc viếng thăm như vậy còn thường thấy trong những dịp lễ hội lớn (như lễ thành đinh) của bộ lạc chẳng hạn.
Mặc dầu kinh tế của các nhóm hay ở các bộ lạc ở châu Úc là kinh tế tự nhiên, song giữa các nhóm riêng biệt đã có sự trao đổi. Ở người Úc sự trao đổi có tính chất quần thể đã khá phát triển - vật trao đổi là vũ khí, công cụ đá, các đồ dùng khác.
Cũng như nhiên liệu chỉ có trên một địa phương trên lục địa châu Đại Dương. Chẳng hạn như đã lửa, đá quắc dít, đá điôđit.... chỉ có ở các dãy núi đát đỏ Ba Zan hoặc tre nứa, các vị thuốc... chỉ có ở vùng nhiệt đới Bắc Châu Đảo.
Các con đường trao đổi truyền thống thường xuyên, các địa điểm đổi chác mua bán hay các trung tâm đổi chác có thể gọi là ''các chợ'' đã xuất hiện. Hàng hóa được trao đổi không chỉ bằng trực tiếp mà còn được chuyển từ bộ lạc này sang bộ lạc khác xa hơn. Một số bộ lạc qua nhiều thế hệ trở thành người cung cấp hoặc chế biến thành phẩm mà họ có thể trao đổi được với các bộ lạc khác.Người thổ dân châu Úc chưa biết dùng tiền, mà chỉ dưới hình thức vật đổi vật.
Từ những tài liệu nêu trên và nhiều tài liệu khác nữa cho ta biết rằng, ở người Ôxtơlia và Taxmani, loại hình tộc người bộ lạc và các nhóm thị tộc của chúng mới ở giai đoạn sơ khai, nhưng lúc đó chúng đã bao gồm những tập thể người (các nhóm địa phương) liên hệ với nhau về kinh tế. Sự tiếp xúc giữa những người thuộc ngững nhóm khác nhau trong khi săn bắt, hái lượm, trao đổi... rõ ràng là thúc đẩy việc hình thành và đoàn kết lại các tộc người xưa nhất. Một điều rõ ràng là sự phát triển các mối liên hệ kinh tế là một trong những nguyên nhân quan trọng của sự hợp thành tộc người.
Trong các loại hình tộc người phát triển cao hơn của sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa - thì trong lịch sử xã hội loài người những mối liên hệ đó tiếp tục mở rộng và được củng cố. Đóng vai trò lớn trong quá trình đó là những công việc tập thể (tưới
nước, tiêu nước, giao thông vận tải, xây dựng...), mạng lưới trao đổi mở rộng phát triển, thị trường trao đổi mở rộng phát triển, sự phân công kinh tế giữa các vùng miền xuất hiện... đã gắn bó cư dân một vùng hoặc các vùng lại với nhau, quá trình thống nhất tộc người diễn ra mạnh mẽ, các tộc người mới, mức độ cố kết bền vững ngày một ổn định lần lượt ra đời thay thế cho nhau.
Song, hiện tượng thường xảy ra trong quá trình tiến hóa của các loại hình cộng đồng tộc người, nhất là ở những cộng đồng lớn là sự phát triển của những mối liên hệ kinh tế và tộc người giữa những nhóm cư dân khác nhau diễn ra theo chiều hướng khác nhau: giữa tộc người và quan hệ kinh tế chung xuất hiện sự tách biệt, như những nhóm thiên cư đến những vùng xa xôi cách biệt với địa bàn lãnh thổ - tộc người ban đầu, mất mối quan hệ với các nhóm khác của bản tộc, mà ngày nay ta thấy rất rõ trên phức đồ của tộc người trên thế giới... Vậy sự có mặt của mối liên hệ về kinh tế, mặc dầu là một trong những điều kiện cần thiết phải có sự xuất hiện của mỗi một tộc người, song ngày nay nó không thể được coi là đặc trưng của một số tộc người cụ thể nào đó.
1.4. Tiêu chí đặc điểm văn hóa - sinh hoạt của tộc người
Được liệt vào những đặc trưng quan trọng nhất để phân biệt tộc người là những đặc điểm văn hóa mà mỗi tộc người sáng tạo và vun đắp lên trong quá trình phát triển lịch sử của mình và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tổng thể những đặc điểm liên hệ với nhau đó cấu thành cái mà trong dân tộc học gọi là ''Truyền thống tộc người''. Những truyền thống đó được hình thành trong các thời kỳ, giai đoạn lịch sử khác nhau, gắn liền với hoàn cảnh kinh tế, xã hội và địa ly sinh thái của từng tộc người, nhưng sau khi xuất hiện tồn tại lâu dài trở nên bền vững ngay cả khi cuộc sống của tộc người thay đổi mạnh mẽ.
Về đặc trưng văn hóa tộc người cần phải được coi là tổng thể những đặc điểm truyền thống của văn hóa cả trong lĩnh vực văn hóa vật chất và cả trong lĩnh vực văn hóa tinh thần hình thành trong quá khứ và cả y thức tự hào về những giá trị văn hóa nữa. Ngày nay, người ta xác định mình thuộc thành phần dân tộc người này hay khác
chủ yếu không phải vì họ sống ở nhà kiểu giống nhau, ăn mặc quần áo cùng kiểu, ưa thích những món ăn như nhau hoặc hát những bài hát như nhau, mà chính là vì họ là những người nắm giữ di sản văn hóa của tộc người mình, là những người tiếp tục những nỗ lực sáng tạo tiến bộ của tộc người trong các lĩnh vực khác nhau của hoạt động kinh tế, xã hội và văn hóa.
Đặc thù của bộ mặt văn hóa là tiêu chuẩn giới hạn của tộc người được hình thành lâu dài trong lịch sử cộng cư trên một lãnh thổ tộc người và có những mối liên hẹ với nhau về kinh tế. Về sau do những biến thiên của lịch sử có trong các tộc người sống xen kẽ với nhau trên một địa vực hoặc nhiều bộ phận của một tộc người bị xé nhỏ cư trú trên những địa bàn khác nhau sống gần gũi láng giềng với tộc người khác, nhưng họ vẫn duy trì những nét văn hóa độc đáo của tộc người mình, vì thế mà ta thấy rằng trên thực tế là có những dân tộc cùng sống chung trên một lãnh thổ, có cơ sở kinh tế chung và nói cùng một thứ tiếng nói, nhưng không thể có hai tộc người lại có những đặc trưng văn hóa hoàn toàn như nhau (nhất là trong lĩnh vực nếp sống, tập quán gia đình, tập quán xã hội và trong lĩnh vực văn hóa tinh thần thì sự khác biệt được duy trì bền vững nhất, luôn là giới hạn tộc người khó vượt qua). Nếu một tộc người bị mất đặc trưng văn hóa của mình, sẽ không còn tồn tại như một tộc người riêng biệt nữa. Sớm muộn sẽ biến khỏi vũ đài lịch sử, vì về mặt văn hóa, nó đã hoàn toàn hòa hợp với các tộc láng giềng.
Như vậy, chính đặc trưng văn hóa cần phải được coi là đặc trưng cơ của bất cứ một tộc người cơ bản nào, đặc trưng ấy cho phép ta trong mọi trường hợp phân biệt tộc người đó với các tộc người khác. Thực chất, thậm chí cả ngôn ngữ - cái được coi là một nhân tố chủ yếu xác định tộc người, cũng phải liên hệ chặt chẽ với văn hóa tộc người nói bằng ngôn ngữ đó, vì văn hóa tinh thần luôn được thể hiện rất rõ ràng trong tiếng mẹ đẻ, thậm chí người ta còn gọi ngôn ngữ là hình thức tồn tại của văn hóa và coi ngôn ngữ là một trong những yếu tố của văn hóa.
1.5. Ý thức tự giác tộc người
Nói chung các nhà nghiên cứu đều có nhận xét là ý thức tự giác tọc người là một tính chất quan trọng nhất của cộng đồng tộc người.