II. CÁC LOẠI HÌNH CỘNG ĐỒNG TỘC NGƯỜI
2.1. Các bộ lạc và các nhóm họ hàng của chúng
Cộng đồng bộ lạc cũng như cộng đồng tộc người khác được hình thành trên một lãnh thổ nhất định giữa những người có quan hệ kinh tế với nhau, nói cùng một thứ tiếng và có những đặc điểm văn hóa sinh hoạt nhất định. Song khác với các cộng đồng tộc người của những thời kỳ lịch sử muộn hơn, thứ nhất đây là những cộng đồng tộc người ban đầu được hình thành trên cơ sở của quan hệ huyết thống (thực hoặc giả), tức là bao gồm những người cùng nguồn gốc, hoặc nhất thiết phải coi mình có liên hệ với nhau bởi nguồn gốc như thế. Thứ hai là trong mình nó không có giai cấp hoặc phân hóa giai cấp chưa đáng kể, nói đúng hơn không có giai cấp đối
5 . Brôm- lây - tộc người và dân tộc học khoa học, Mạc Tư Khoa 1973 (tiếng Nga).
kháng. Do đó mà nền văn hóa cộng đồng tộc người là thống nhất, đặc điểm tộc người và xã hội của văn hóa có sự trùng nhau.
1. Bộ lạc ở giai đoạn sớm hơn
Trên cơ sở nghiên cứu so sánh các nguồn tài liệu dân tộc học, khảo cổ học, nhiều nhà khoa học cho rằng ngay trước khi bộ lạc xưa nhất được thành lập đã tồn tại những nhóm lãnh thổ của những người đoàn kết chặt chẽ với nhau thông qua hoạt động kinh tế chung, đã chia ra làm hai bán phần mà trong nội bộ từng bán phần sự kết hôn và quan hệ nam nữ bị cấm ngặt và quan hệ hôn nhân được diễn ra giữa hai bán phần với nhau. Những bán phần đó, dân tộc học gọi là ''Bào tộc'' ( nghĩa đen là anh em). Còn tổ chức liên quan tới hai bán phân trong xã hội nguyên thủy được gọi là tổ chức lưỡng hợp. Phong tục chỉ kết hôn với những người thuộc bào tộc khác gọi là ''ngoại hôn".
Sau đó, Bào tộc xưa nhất lại phân chia thành những nhóm nhỏ hơn cũng mang tính chất ngoại hôn, được gọi là các thị tộc. Thị tộc (giai đoạn đầu là mẫu hệ) trở thành hạt nhân của tổ chức xã hội kinh tế ban đầu của xã hội loài người.
Có thể bộ lạc là cộng đồng tộc người xưa nhất của kiểu người hiện đại hình thành do kết quả của sự phân chia bầy người nguyên thủy ra làm hai bộ phận ngoại hôn hoặc là do kết quả của sự hòa hợp lại hai tập thể độc lập.
Mỗi bộ lạc có tên gọi riêng, có lãnh thổ riêng, có phông tục, lẽ nghi riêng, có những truyền thống về nguồn gốc của mình và những truyenf thống tộc người khác.
Bộ lạc nói bằng một thổ ngữ của một ngôn ngữ là đặc trưng của cả nhóm bộ lạc có họ hàng với nhau.
Bên cạnh bộ lạc, trong thời kỳ chế độ công xã nguyên thủy, các nhóm bộ lạc bao gồm một số bộ lạc sống trên những lãnh thổ láng giềng, nói bằng thổ ngữ cùng một ngôn ngữ và có nhiều đặc điểm văn hóa chung, đã bắt đầu hình thành sớm. Trong dân tộc học được gọi là ''liên bộ lạc'' hay ''hệ bộ lạc'' và có thể đây chỉ là một trong những biến thái theo giai đoạn của các cộng đồng tộc người - ngôn ngữ.
Về tất cả các tham số cơ bản của các cộng đồng liên bộ lạc nói chung đều là những khối giống nhau, gần nhau nhiều hơn là thống nhất, đặc biệt, chúng thường không có ngôn ngữ chung cho tất cả các bộ phận hợp thành.
Về phương diện tộc người - xã hội tức xét về chức năng chính quyền của tổ chức bộ lạc, thì ở người thổ dân châu Úc không có thủ lĩnh bộ lạc, không có hội đồng bộ lạc, không có tổ chức bộn lạc thường trực nào khác. Những tổ chức và chức năng của bộ lạc như vậy chỉ xuất hiện ở giai đoạn phát triển của chế độ công xã nguyên thủy.
2. Bộ lạc ở giai đoạn muộn
Tổ chức bộ lạc ở giai đoạn quá độ từ xã hôi không có giai cấp sang xã hội có giai cấp thường rất phức tạp, người Irôqua ở Bắc Mỹ là một ví dụ điển hình.
Theo tài liệu các nhà dân tộc học Mỹ L. Moócgan và đã được Ăngghen miêu thuật trong cuốn ''nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước'' (1884), người Irôqua bao gồm một số bộ lạc chính là nhóm Irôqua, Eri, Gu tôn. Mỗi bộ lạc có lãnh thổ riêng, tên gọi riêng, có thổ ngữ riêng, tôn giáo riêng, thần thoại riêng, nghi lễ sùng bái riêng. Khác với bộ lạc người thổ dân châu Úc, ở người Irôqua có các hội đồng bộ lạc bao gồm thủ lĩnh quân sự và các tù trưởng mà các tác giả phương Tây gọi là ''Xa hem''.
Theo Ăng ghen thì những đặc điểm của các bộ lạc Irôqua là những đặc điểm nói chung của các tổ chức bộ lạc thuộc giai đoạn phát triển muộn trong xã hội nguyên thủy.
Khoảng thế kỷ XVI, các bộ lạc Irôqua gồm Xênêca, Cayue, Ononda, Ononda và Mogauki hợp thành một liên minh bộ lạc, về sau có thêm bộ lạc Tucarôra ra nhập thêm vào liên minh này. Liên minh này được xây dựng trên cơ sở sự bình đẳng hoàn toàn và độc lập của tất cả mọi bộ lạc tham gia. Cơ quan phụ trách của liên minh là một hội đồng liên minh gồm 50 ''Xa hem'' bình đẳng về địa vị. Các phiên họp của hội đồng được tổ chức trước các công chúng tới tụ tập, song chỉ có các thành viên của hội đồng là có ý kiến quyết định. Ngoài ra hội đồng có hai thủ lĩnh quân sự với thẩm quyền và quyền hành như nhau.
Giữa tộc người - hệ bộ lạc (hay Liên bộ lạc) vớ liên minh bộ lạc có sự khác nhau. Liên minh bộ lạc xét về mặt cơ cấu xã hội là một tổ chức mang tính chất hành chính, mà các nhà dân tộc học Liên Xô Brômlây gọi là cộng đồng tộc người - xã hội, còn hệ bộ lạc (hay Liên bộ lạc) là một cộng đồng tộc người(6).
Các hệ bộ lạc còn khác các liên minh bộ lạc ở chỗ hệ bộ lạc có quy mô lớn hơn:
một liên minh bộ lạc chỉ bao gồm một phần của hệ bộ lạc và một liên minh bộ lạc có thể bao gồm những bộ lạc thuộc những hệ bộ lạc khác nhau.
Như trên cơ sở hệ bộ lạc Irôqua hình thành ba liên minh khác nhau. (1) Liên minh người Irôqua. (2) Liên minh người Turôn. (3) Liên minh các bộ lạc trung gian.
Hoặc liên minh người Cômansi gồm những đại biểu của ba hệ bộ lạc: Hệ người Cômansi nói ngôn ngữ SôSon, hệ người Ayôp nói ngôn ngữ Xin và hệ người Cayôp nói ngôn ngữ Atapaxcơ....