Thảo luận kết quả nghiên cứu

Một phần của tài liệu Tác động của đầu tư đến tăng trưởng kinh tế, hội tụ thu nhập tại Việt Nam (LA tiến sĩ) (Trang 119 - 127)

Chương 4. Kết quả nghiên cứu

4.3. Thảo luận kết quả nghiên cứu

Từ những kết quả ước lượng như trên, luận án xác định kết qua ước lượng là phù hợp dùng để phân tích đánh giá mức độ tác động của các biến trong mô hình đến tăng trưởng kinh tế và vấn đề hội tụ thu nhập ở Việt Nam.

Luận án nhận định như sau:

Thứ nhất: Trong dài hạn, hệ số các biến độc lập như: Đầu tư công, đầu tư tư nhân trong nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài, lao động và độ mở thương mại đều có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 5%. Trong đó chỉ có đầu tư công có tác động nghịch chiều đến tăng trưởng kinh tế. Trong ngắn hạn, chỉ có biến lao động và độ mở thương mại có tác động nghịch chiều đến tăng trưởng kinh tế và có ý nghĩa thống kê.

Thứ hai: Đầu tư công trong dài hạn có tác động nghịch chiều với tăng trưởng kinh tế. Điều này có thể được giải thích bởi thực trạng vấn đề đầu tư công ở Việt Nam:

Quyết định chấp thuận đầu tư thường được dựa trên các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội (có thể coi là không có giới hạn) và khả năng huy động vốn (do chủ đầu tư tự đề xuất và thường chưa được kiểm chứng) trong khi các tiêu chí về hiệu quả kinh tế - xã hội, trách nhiệm thu hồi vốn ... chưa được quy định chặt chẽ và chưa có hiệu lực ràng buộc pháp lý

Cơ chế phân bổ nguồn vốn của Việt Nam tuy đã theo xu hướng phân quyền như hầu hết các quốc gia trên thế giới theo đuổi hiện nay, nhưng lại không tạo ra được sự cân bằng giữa vốn đầu tư công giải ngân với sự đóng góp vốn ở cấp địa phương. Cơ chế hiện tại cho phép các tỉnh được phê duyệt các dự án đầu tư sau đó trình lên chính quyền trung ương để xin ngân sách.

Điều này vô hình chung khuyến khích các địa phương “vẽ” ra nhiều dự án để có thể xin được càng nhiều ngân sách càng tốt. Hệ quả là đầu tư công liên tục tăng cao.

Quy hoạch trung ương không được tốt cũng là nguyên nhân khiến cho các chính quyền địa phương dễ dàng xây dựng các dự án đòi hỏi vốn từ trung ương. Các quy hoạch khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển,… đều

theo hướng khuyến khích các địa phương phải có nhiều khu công nghiệp, có cảng hàng không, cảng biển cho riêng mình.

Việc thực thi các dự án của Việt Nam phần lớn là vẫn theo hình thức Nhà nước sở hữu 100% vốn. Với các dự án có thời gian ngắn, đơn giản thì hình thức sở hữu này đem lại hiệu quả. Nhưng với các dự án có thời gian dài hơn và phức tạp thì các nhà thầu dễ dàng qua mặt cơ quan quản lý cũng như các cơ quan giám sát nhằm đẩy giá thành dự án lên cao. Tình trạng các dự án đầu tư công của Việt Nam thường bị đội vốn lên rất nhiều lần là một minh chứng cho vấn đề này.

Vốn ngân sách mà trung ương cấp cho địa phương thiếu cơ chế giám sát. Quốc hội giám sát các dự án cấp quốc gia. Với các dự án cấp địa phương thì khâu giám sát thuộc về Hội đồng nhân dân các cấp. Do các cơ quan phê duyệt, thực thi và giám sát đều trực thuộc địa phương trong khi vốn cấp lại thuộc trung ương nên rất khó tránh khỏi việc các cấp này cấu kết với nhau để

“làm đẹp” kết quả dự án thay vì đảm bảo có được dự án có hiệu quả nhằm có thể xin được nhiều ngân sách hơn cho các dự án trong tương lai. Việc thiếu cơ chế giám sát độc lập bên ngoài khiến cho dự án đầu tư công ở các địa phương trở nên kém hiệu quả.

Do tình trạng đầu tư dàn trải, sai đối tượng hay cùng lúc triển khai quá nhiều các dự án vượt quá khả năng cân đối của nền kinh tế... nên rất nhiều công trình đầu tư dở dang, thời gian hoàn thành và đưa vào sử dụng bị kéo dài.... dẫn đến tình trạng đầu tư công kém hiệu quả. Xét về tổng thể, hiệu quả đầu tư của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam trong những năm vừa qua vẫn chưa xứng so với tiềm năng. Xét về từng dự án, còn không ít dự án đầu tư có hiệu quả thấp hoặc không có hiệu quả, không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế và xã hội, cá biệt có những dự án, nội dung đầu tư trùng lắp, chồng chéo,

hoặc gây cản trở, hoặc làm mất hiệu quả của các dự án đã được đầu tư trước đó.

Cơ chế giám sát hiện nay thiếu những bộ phận chuyên trách. Trên nguyên tắc, Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện nhiệm vụ này.

Tuy nhiên, hầu hết các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân lại không phải là đại biểu chuyên trách và bản thân các địa biểu cũng không có các cơ quan trợ giúp hữu hiệu. Vì lẽ đó, khả năng giám sát có phần không được trọn vẹn. Ngoài ra các hoạt động giám sát cộng đồng còn yếu do các dự án đầu tư công vẫn còn thiếu công khai. Chưa có quy định rõ ràng về quyền và trách nhiệm của cộng đồng trong việc tiếp cận thông tin để có thể giám sát đối với các hoạt động đầu tư công một cách hiệu quả nhất. Hoạt động giám sát thiếu hiệu quả được xem là một nguyên nhân quan trọng khiến cho các dự án trở nên kém hiệu quả.

Kết quả nghiên cứu này trái với các nghiên cứu trước đây ở Việt Nam như: Trần Nguyễn Ngọc Anh Thư và Lê Hoàng Phong (2014); Tô Trung Thành (2012); Sử Đình Thành (2011). Tuy nhiên sự khác biệt của nghiên cứu này cũng có thể được giải thích bởi sự khác biệt trong phương pháp nghiên cứu và dữ liệu nghiên cứu. Tuy nhiên kết quả nghiên cứu này lại phù hợp với các nghiên cứu trên thế giới như: Deverajan et al (1996); Le và Suruga (2005), Kongphet và Masaru (2012), Sử Đình Thành và Nguyễn Minh Tiến (2014)…

Thứ ba: Trong dài hạn, các yếu tố như đầu tư tư nhân trong nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài, lao động và độ mở thương mại có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Kết luận này khẳng định vai trò quan trọng của các yếu tố đến tăng trưởng kinh tế. Trong đó, mức độ tác động mạnh nhất là lao động sau đó là độ mở thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư tư

nhân trong nước. Tuy nhiên, mức độ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đầu tư trực tiếp nước ngoài cao gấp gần 2.8 lần so vối đầu tư tư nhân trong nước. Đây là điều thể hiện nội lực của nền kinh tế Việt Nam còn kém, chưa khai thác hết các tiềm năng hiện có của mình. Mặc dù vậy, vai trò của đầu tư tư nhân trong nước rất quan trọng đối với quá trình phát triển của quốc gia, có đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. Kết quả phù hợp với các nghiên cứu của Wei (2008), Sử Đình Thành và Nguyễn Minh Tiến (2014)…

Thứ tư: Trong ngắn hạn, lao động và độ mở thương mại có tác động nghịch chiều đến tăng trưởng kinh tế. Điều này có thể được lý giải như sau:

Dân số Việt Nam gần đạt ngưỡng trên 90 triệu người. Với dân số này, hiện nay Việt Nam đang đứng thứ 13 trên thế giới về dân số và thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Về lực lượng lao động, cả nước có trên 55 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động, chiếm khoảng 60% tổng dân số.

Trong đó, lực lượng lao động của khu vực nông thôn chiếm 71,3%.

Tuy nhiên, số người trong độ tuổi lao động đông không có nghĩa là thị trường lao động Việt Nam đáp ứng đủ nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp. Bởi số lao động có tay nghề, có chất lượng của nước ta đang còn rất hạn chế. Sự chênh lệch về chất lượng nguồn lao động ở khu vực nông thôn và thành thị là quá lớn, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế chung của cả nước. Trong khi đó, lượng lao động từ nông thôn đến thành thị tìm việc làm là rất lớn. Nhưng mục đích chính của những lao động này lên thành phố không phải để học nghề, học việc mà tham gia vào các công việc mang tính chất thời vụ, buôn bán hoặc làm những công việc không đòi hỏi kinh nghiệm, tay nghề.

Nguồn lao động dồi dào, tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta trong những năm gần đây liên tục tăng, nhưng các doanh nghiệp vẫn trong tình trạng thiếu lao động. Nguyên nhân là do lao động Việt Nam chỉ mới đáp ứng được nhu cầu về số lượng, chưa đáp ứng được nhu cầu về chất lượng. Điều này không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp và còn khiến cho người lao động tự làm mất cơ hội việc làm cho bản thân.

Bên cạnh đó, số lượng sinh viên ra trường ngày càng nhiều, tuy nhiên chất lượng đào tạo của các trường còn hạn chế, chưa tiếp cận thực tế. Do vậy, với lỗ hổng kiến thức, các sinh viên này khó có cơ hội có việc làm tốt ngay được, mà phải cần học lại ngành nghề khác, hoặc khi được nhận vào thì phải được đào tạo lại.

Với đội ngũ lao động như vậy, thì khi các doanh nghiệp, đơn vị tuyển vào, lúc ban đầu họ cần phải huấn luyện, đào tạo lại thì mới có khả năng đáp ứng tốt công việc, từ đó về lâu dài thì lực lượng lao động này mới có đóng góp vào giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, đơn vị, từ đó đóng góp và tăng trưởng kinh tế nói chung của đất nước.

Về độ mở thương mại, Việt Nam từ khi mở cửa, đặt biệt quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, các hoạt động giao thương quốc tế đã diễn ra mạnh mẽ. Bên cạnh đó, nhà nước với chủ trương công nghiệp hóa và hiện đại hóa nền kinh tế đã khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển đất nước. Muốn vậy, phải có quá trình nhập khẩu các tài sản, tư liệu sản xuất có giá trị lớn phục vụ cho quá trình sản xuất, tốn nhiều ngoại tệ và nợ công tăng trên. Trong một thời gian dài, Việt Nam luôn nằm trong trạng thái nhập siêu. Do vậy trong ngắn hạn, các tài sản này chưa thể hiện đóng góp, thậm chí gây thiếu hụt ngoại tệ, mất cân đố tài khoản vãng lai, gây lạm phát cho nền kinh tế, từ đó chưa có đóng góp, thậm chí tác động ngược chiều trong ngắn hạn cho tăng

trưởng nền kinh tế. Tuy nhiên về lâu dài, các tài sản này sẽ mang giá trị gia tăng, tăng hiệu quả sản xuất, góp phần đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Thứ năm: Các tỉnh ở Việt Nam đang có xu hướng hội tụ thu nhập bình quân đầu người, tức là khoảng cách giàu nghèo ngày càng hẹp lại, điều này phù hợp với lý thuyết tăng trưởng tân cổ điển của Solow (1956). Trong đó đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng vai trò tích cực nhất đến vấn đề hội tụ, sau đó đến đầu tư công và đầu tư tư nhân trong nước. Như vậy, nghiên cứu chỉ ra vấn đề quan trọng và có ý nghĩa là đầu tư công cực kỳ quan trọng cho việc phát triển kinh tế hơn là tăng trưởng vì nghiên cứu đã chỉ ra, mặc dù có tác động âm đến tăng trưởng kinh tế nhưng có tác động tích cực nhất đến giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các tỉnh ở Việt Nam. Do vậy vấn đề là các nhà làm chính sách phải xem xét đến tính hiệu quả của các dự án đầu tư công để nguồn đầu tư này là “công cụ kiến tạo” cho sự phát triển, tức là đầu tư công vào những dự án có tính hiệu quả cao, tạo kết cấu hạ tầng cho các vùng khó khăn, từ đó sẽ vừa đóng góp tích cực vào tăng trưởng vừa giảm khoảng cách giàu nghèo thông qua chính sách đầu tư công hướng đến những vùng có điều kiện khó khăn hơn, đề từ đó lôi kéo, tạo điều kiện cho các nguồn đầu tư khác đầu tư vào các vùng này, tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sự tăng trưởng chung của cả nước.

Tóm tắt chương 4

Chương 4 đã nêu khái quát thực trạng vấn đề tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua, mô tả về mối quan hệ giữa đầu tư và tăng trưởng cũng như các vấn đề khác như xuất khẩu, lao động….Đặc biệt, nội dung chương cũng phản ánh sâu sắc vấn đề bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam, phân tích những nguyên nhân, cũng như chỉ ra mối quan hệ giữa tăng trưởng và bất bình đẳng trong thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam.

Trong chương 4, luận án tiến hành chạy mô hình hồi quy để tìm kết quả nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, trong dài hạn đầu tư tư nhân trong nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài, lao động và độ mở thương mại có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, trong đó đầu tư trực tiếp nước ngoài có đóng góp mạnh nhất vào tăng trưởng. Tuy nhiên, đầu tư công lại có tác động âm đến tăng trưởng kinh tế. Trong ngắn hạn thì chưa có bằng chứng để kết luận vì các hệ số ước lượng không có ý nghĩa thống kê ngoại trừ yếu tố lao động và độ mở thương mại tác động nghịch chiều đến tăng trưởng kinh tế.

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, giữa các vùng ở Việt nam cũng đang có xu hướng hội tụ thu nhập bình quân đầu người. Trong đó, các nguồn đầu tư đều có tác động một cách tích cực đến tốc độ hội tụ thu nhập giữa các vùng, đóng góp nhiều nhất vào việc hội tụ thu nhập giữa các vùng đó là đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư công.

CHƯƠNG 5

Một phần của tài liệu Tác động của đầu tư đến tăng trưởng kinh tế, hội tụ thu nhập tại Việt Nam (LA tiến sĩ) (Trang 119 - 127)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(185 trang)