LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
1.2. Nghiên cứu về hiệu quả và hiệu quả giáo dục văn hoá học đường
1.2.1. Nghiên cứu về hiệu quả và hiệu quả giáo dục
Theo các nhà ngôn ngữ học, khái niệm hiệu quả được hiểu là : kết quả như yêu cầu của việc làm mang lại. Trong từ điển Le Petit Lasousse: “Hiệu quả là kết quả đạt được trong việc thực hiện một nhiệm vụ nhất định” [144, tr 57].
Trong ngôn ngữ Anh, effective (hiệu quả) được giải ngữ là saccessful in peodueing a desired ar intended xesult (thành công trong việc tạo ra một kết quả được mong đợi hoặc đạt mục đích). Trong khi đó các nhà quản lý hành chính lại cho rằng: Hiệu quả là mục tiêu chính của khoa học hành chính, là sự so sánh giữa các chi phí đầu tư với các giá trị đầu ra, sự tăng tối đa lợi nhuận và tối thiểu chi phí, là mối tương quan giữa sử dụng nguồn lực và tỷ lệ đầu ra đầu vào. Như vậy, hiệu quả là một phạm trù so sánh giữa chi phí (các nguồn lực) và kết quả thu được. Vấn đề hiệu quả được quan tâm cả trong lĩnh vực sản xuất vật chất và sản xuất tinh thần. Trong kinh tế học, hiệu quả là một khái niệm cơ bản và được phân định khá rạch ròi với khái niệm kết quả và chất lượng. Kết quả là toàn bộ sản phẩm mà quá trình sản xuất tạo ra, bao gồm cả số lượng và chất lượng, trong đó chất lượng là những tính chất của sản phẩm mà có thể đem đến sự thoả mãn nhu cầu của người sử dụng.
Các nhà khoa học Liên Xô dựa vào luận đề của V.I.Lênin về hiệu quả công tác nói chung là “…có khả năng thu được kết quả nhiều nhất, vững chắc nhất mà lại ít tốn sức nhất”[80, tr.79] để xây dựng khái niệm hiệu quả giáo dục “… là sự tương quan giữa kết quả tác động tư tưởng đã đạt được so với những mục tiêu xây dựng giác ngộ cộng sản chủ nghĩa và phẩm hạnh cộng sản chủ nghĩa của con người” [132, tr. 299].
Nhiều nhà nghiên cứu phương Tây cũng quan tâm đến tiêu chí và phương pháp đánh giá hiệu quả giáo dục. Trong đó, tiêu chí đánh giá chủ yếu dựa vào sự hiểu biết, thái độ và hành vi của đối tượng. Trong một công trình nghiên cứu về lý thuyết tuyên truyền “Propaganda”, tác giả đã chỉ ra 4 phương pháp (measure the effects of the propaganda) để đo hiệu quả tuyên truyền, bao gồm: nghiên cứu thực nghiệm có kiểm soát (controlled experiment), phân tích dữ liệu thống kê (content analysis), quan sát thực tiễn (practicipant observers) và phỏng vấn nhóm nhắc lại (panel interview – repeated interview) [139]
Trong cuốn giáo trình Quản trị kinh doanh tổng hợp trong các doanh nghiệp, tác giả Ngô Đình Giao cho rằng: Hiệu quả là một phạm trù phản ánh chất lượng hoạt động sản xuất, kinh doanh và được xác định bởi tỷ số giữa kết quả đạt được với chi phí bỏ ra để đạt kết quả đó. Hiệu quả kinh tế được biểu hiện qua phạm trù hiệu quả kinh doanh [37, tr 408]. Tác giả Nguyễn Văn Tạo, trong bài viết “Nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp trong kinh tế thị trường” đăng trên Tạp chí Thương mại [104, tr 25-27] cho rằng hiệu quả kinh doanh không chỉ là sự so sánh giữa chi phí đầu vào và kết quả nhận được ở đầu ra, mà là việc hoàn thành mục tiêu, nếu không đạt được mục tiêu, không thể có hiệu quả và để hoàn thành mục tiêu cần phải sử dụng nguồn lực một cách hợp lý nhất, không nhất thiết phải giảm nguồn lực nếu quy trình sản xuất đã hoàn thiện.
Nhiều nhà khoa học trong nước đã quan tâm nghiên cứu về tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác tư tưởng, công tác giáo dục theo các góc độ khác nhau nhưng đều đề cập đến sự thay đổi nhận thức và hành động ở đối tượng sau khi có tác động của giáo dục. Trong tuyển tập “Một số vấn đề về công tác tư tưởng”, tác giả Đào Duy Tùng cho rằng: tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả công tác tư tưởng là ở nhận thức và hành động nhưng không phải mọi hành động tích cực của con người đều là kết quả của giáo dục. Ở bình diện xã hội đó là kết quả hình thành đường lối chính trị, kinh tế và văn hóa tinh thần của xã hội ; mức độ quán triệt, truyền bá đường lối; mức độ chi phối của hệ tư tưởng, bầu không khí tâm lý xã hội lành mạnh; kết quả xây dựng con người mới XHCN. Trong mỗi nhiệm vụ chính trị cụ thể, tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả là: nhận thức chính trị; nhiệt tình cách mạng, ý thức trách nhiệm; tri thức chuyên môn; hành động cụ thể và mức độ chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của mỗi người. Ngoài ra, còn có thể đánh giá tiêu chuẩn cho từng bộ phận trong công tác tư tưởng [120, tr. 133-153].
Trong cuốn Nghiệp vụ công tác tuyên giáo do Ban Tuyên giáo Trung ương xuất bản năm 2008, các tác giả cho rằng: hiệu quả công tác tư tưởng được đánh giá thông qua những chuyển biến về nhận thức, tư tưởng, thái độ của các giai cấp, tầng lớp và toàn xã hội, thể hiện ở kết quả kinh tế, chính trị, xã hội, phong trào theo các mức độ: lâu dài, trước mắt, trực tiếp [5, tr.15 ].
Bàn về hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tác giả Vũ Ngọc Am trong cuốn “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ đảng viên cơ sở” khẳng định đánh giá hiệu quả giáo dục chính trị tư tưởng là một vấn đề rất khó, phải cân nhắc, xem xét toàn diện. Cần phân biệt kết quả và hiệu quả, mặc dù hiệu quả của công tác giáo dục chính trị tư tưởng trước hết là kết quả, phải lấy kết quả để tính hiệu quả, nhưng hiệu quả lại không đồng nhất với kết quả. Hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng biểu hiện ở trình độ nhận thức, tính tự giác cách mạng, tinh thần hăng say, tận tụy trong hành động cách mạng của cán bộ, đảng viên và quần chúng. Trong đó, hành động và hành vi của mỗi người trong thực tế là thước đo, là tiêu chuẩn quyết định tính hiệu quả của công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Khi đánh giá hiệu quả phải xem xét, căn cứ việc áp dụng đổi mới hình thức và phương pháp thực hiện sao cho có hiệu quả mà lại giảm chi phí, phải tính toán đến tất cả những chi phí vật chất một cách tiết kiệm nhất. Hiệu quả tỷ lệ nghịch với các chi phí vật chất của hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng. Nếu kết quả đạt được mà chi phí quá lớn, không thể nói là hiệu quả cao [ 1, tr.131-140]. Theo Trần Thị Anh Đào, cơ sở đánh giá hiệu quả là sự thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của đối tượng sau khi được tác động tư tưởng [33, tr.39]. Tác giả Hà Học Hợi cho rằng, hiệu quả công tác tư tưởng được đánh giá bằng cả sự cố gắng của chủ thể và những chuyển biến về nhận thức, tư tưởng của đối tượng, thể hiện trong kết quả kinh tế, chính trị, xã hội và các phong trào hành động cách mạng của quần chúng nhân dân. Tác giả đưa ra ba tiêu chí đánh giá hiệu quả: mức độ tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận; mức độ nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng; sự chuyển biến của nhận thức thành phong trào quần chúng qua mức độ tích cực, tự giác, số lượng người tham gia, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ [54, tr. 27].
Có thể nói, công trình nghiên cứu tiêu biểu nhất về hiệu quả công tác tư tưởng, công tác giáo dục hiện nay là cuốn “Nguyên lý công tác tư tưởng”, tập 2 do Lương Khắc Hiếu chủ biên. Đây là công trình nghiên cứu hệ thống và sâu sắc về hiệu quả công tác tư tưởng và công tác giáo dục. Tác giả đã đưa ra khái niệm
hiệu quả công tác tư tưởng là: sự tương quan giữa kết quả đạt được do tác động tư tưởng mang lại với mục đích của công tác tư tưởng được đặt ra và với chi phí để đạt được kết quả đó trong một điều kiện xã hội nhất định. Về phân loại, công tác tư tưởng có hiệu quả chung (toàn xã hội) và hiệu quả cụ thể; hiệu quả lâu dài và hiệu quả trước mắt; hiệu quả tinh thần và hiệu quả thực tiễn [47, tr. 280-281].
Ngoài đưa ra khái niệm hiệu quả tác giả Lương Khắc Hiếu còn đưa ra các tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác tư tưởng bao gồm hai nhóm: tiêu chí tinh thần và tiêu chí thực tiễn. Hai nhóm tiêu chí này được đánh giá ở bình diện toàn xã hội và ở bình diện cụ thể (một nội dung, một nhiệm vụ, một hình thức, một phương tiện, một nhóm đối tượng). Ở bình diện xã hội, tiêu chí tinh thần là tính khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; khả năng vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chính sách vào thực tiễn cách mạng; mức độ truyền bá, thâm nhập, chiếm lĩnh của Chủ nghĩa Mác- Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách, pháp luật trong đời sống tinh thần cá nhân và xã hội; trình độ, năng lực, phương pháp tư duy lý luận của các nhóm đối tượng và của toàn xã hội. Tiêu chí thực tiễn bao gồm: tính tích cực lao động - sản xuất, tính tích cực hoạt động chính trị - xã hội, tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc; quy mô tính chất các phong trào hành động cách mạng của quần chúng. Ở bình diện cá nhân, tiêu chí tinh thần là nhận thức và niềm tin, tiêu chí thực tiễn là tính tích cực hành động của con người. Cũng đồng tình với quan điểm nêu trên, trong cuốn “Công tác tư tưởng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá”, tác giả Trần Thị Anh Đào cho rằng: hiệu quả công tác tư tưởng là sự tương quan giữa kết quả mà công tác tư tưởng đạt được so với mục đích của công tác tư tưởng được xác định từ trước trong một điều kiện xã hội nhất định và với một chi phí nhất định. [33, tr.38]. Hiệu quả tỷ lệ nghịch với mục đích và chi phí nhưng nếu không chi phí gì hoặc xác định mục đích quá thấp cũng không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Lương Ngọc Vĩnh trong luận án Tiến sĩ chuyên ngành công tác tư tưởng đưa ra định nghĩa về hiệu quả công tác giáo dục Chính trị tư tưởng : Là sự tương quan giữa kết quả lĩnh hội tri thức chính trị, hình thành niềm tin chính trị và tính tích cực chính trị - xã hội ở đối tượng sau tác động giáo dục của chủ thể
với mục đích đã xác định và sử dụng hợp lý các nguồn lực để đạt kết quả đó trong những điều kiện cụ thể. [129, tr. 52]
Qua một số khái niệm về hiệu quả, nhất là khái niệm được xây dựng dưới góc độ chuyên ngành công tác tư tưởng, đều xem hiệu quả vừa là mục tiêu, vừa là thước đo đánh giá trình độ, năng lực của chủ thể, mức độ chuyển biến về nhận thức, thái độ, hành vi của đối tượng và những chi phí cần thiết để đạt mục đích đề ra. Vì vậy, khi xem xét đánh giá một hoạt động (công tác, chương trình, lĩnh vực...) trong một thời kỳ, một giai đoạn đã qua hay xây dựng kế hoach, mục tiêu, nhiệm vụ cho một thời kỳ, một giai đoạn mới bao giờ người ta cũng phải căn cứ vào hiệu quả của quá trình trước đó
Ngoài ra, các nhà khoa học còn chỉ ra 6 đặc điểm của việc đánh giá hiệu quả công tác tư tưởng và khẳng định hiệu quả công tác tư tưởng luôn nằm ở đối tượng và chỉ có thể đánh giá ở đối tượng. Khi đánh giá hiệu quả công tác tư tưởng cần phải quán triệt quan điểm toàn diện và quan điểm lịch sử - cụ thể. Để đánh giá hiệu quả cần xác định kết quả của quá trình tác động tư tưởng. Muốn đánh giá kết quả có thể sử dụng các phương pháp định lượng như: phỏng vấn (câu hỏi đóng), bảng hỏi (câu hỏi đóng), điều tra, thống kê và các phương pháp định tính như: phỏng vấn (câu hỏi mở), bảng hỏi (câu hỏi mở), thảo luận nhóm, quan sát, phân tích nội dung.
1.2.2. Nghiên cứu về hiệu quả giáo dục văn hóa học đường
Hiệu quả GDVHHĐ là nội dung chưa được nghiên cứu nhiều, cần được nghiên cứu một cách hệ thống, nghiêm túc. Trong quá trình triển khai nội dung luận án, tác giả có thể không bao quát được toàn bộ tài liệu, nhưng có thể nói những tài liệu nghiên cứu về hiệu quả giáo dục văn hóa học đường rất ít. Có thể kể đến một vài hội thảo bàn về VHHĐ và ít nhiều đề cập đến HQGDVHHĐ như trong tuyển tập Báo cáo Hội nghị Sinh viên nghiên cứu Khoa học lần thứ 8 Đại học Đà Nẵng năm 2012. Trong số các tham luận khoa học, HQGDVHHĐ được nhắc đến nhưng chưa được nghiên cứu kỹ, nghiên cứu một cách hệ thống. Ví dụ tham luận Thực trạng và giải pháp nâng cao văn hóa học đường cho sinh viên trường đại học Ngoại ngữ - đại học Đà Nẵng của nhóm tác giả Tăng Thị Hà Vân, Đinh Thúy Vy, Lớp 10CNA 04, Khoa tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHĐN. Trên tạp chí Lý luận chính trị và truyền thông của Học viện Báo
chí và Tuyên truyền số tháng 3/2015 có bài viết: “Giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục văn hóa học đường cho sinh viên hiện nay” của Trần Thị Tùng Lâm, trong đó HQGDVHHĐ bước đầu được phân tích và nhận diện và đưa ra một số giải pháp mang tính định hướng cũng như cụ thể nhằm nâng cao HQGDVHHĐ cho sinh viên .
Trong trường đại học hiện nay, xây dựng và GDVHHĐ là mục tiêu phấn đấu lâu dài, là nền tảng để xây dựng và phát triển thương hiệu của mỗi trường.
Mặt trái của kinh tế thị trường, tâm lý tiêu cực trong xã hội hiện nay… đang tác động mạnh mẽ đến môi trường giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng.
Thực tế đó cũng đang là lực cản đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ở nước ta. Chính vì thế, việc nghiên cứu thực trạng và đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả GDVHHĐ là việc làm cấp bách; đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp GDVHHĐ là một vấn đề khá phức tạp, đòi hỏi nhiều tâm huyết, trí tuệ, thời gian và công sức.