Đánh giá chung về tình hình nghiên cứu

Một phần của tài liệu Hiệu quả giáo dục văn hóa học đường cho sinh viên các trường đại học ở hà nội hiện nay (Trang 36 - 41)

LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI

1.3. Đánh giá chung về tình hình nghiên cứu

1.3.1. Những vấn đề đã được nghiên cứu

Xây dựng VHHĐ và GDVHHĐ và là một vấn đề phức tạp, khó vì liên quan đến quan niệm, tâm lý, thói quen của con người. Vấn đề này được các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục, những người trực tiếp tiến hành giáo dục, xã hội và gia đình trong và ngoài nước ít nhiều quan tâm. Nhìn chung, các công trình chủ yếu trực tiếp hoặc gián tiếp nghiên cứu về hiệu quả giáo dục nói chung và hiệu quả trong giáo dục các vấn đề cụ thể trong đó có GDVHHĐ đã thống nhất được một số vấn đề cơ bản, một số khía cạnh của vấn đề được nghiên cứu kỹ, một số nội dung khác mới chỉ được đề cập mà chưa được giải quyết triệt để như:

- Các công trình nghiên cứu về văn hóa nói chung và văn hóa ngoại hiện trong các lĩnh vực cụ thể về cơ bản đã làm rõ vị trí, vai trò, chức năng và nội dung của văn hóa đối với sự phát triển bền vững. Đồng thời các công trình trên cũng đã chứng minh tầm quan trọng của việc kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc trong quá trình phát triển và hội nhập hiện nay, với mục đích nâng cao nhận thức, hình thành niềm tin và cổ vũ hành động xã hội tích cực phù hợp với yêu cầu của cộng đồng, sự tự giác của đối tượng.

- Dù tiếp cận với tư cách là một hoạt động hay một mặt công tác của các tổ chức, các nhà quản lý giáo dục, quản lý xã hội, VHHĐ cũng đã bước đầu được nhận diện và nghiên cứu. Hoạt động GDVHHĐ có mục đích là hình thành phẩm chất, năng lực, thái độ, hành vi đúng đắn, có văn hóa phù hợp với cộng đồng xã hội, phù hợp với xu thế phát triển chung cho đối tượng.

- Tuy cách diễn đạt có khác nhau nhưng đa số các tác giả đều thừa nhận hiệu quả hoạt động giáo dục nói chung hay giáo dục từng lĩnh vực cụ thể như chính trị, văn hóa, đạo đức, lối sống...cổ vũ hướng dẫn hành động phù hợp của đối tượng là sự tương quan giữa kết quả với mục đích và chi phí. Đặc biệt HQGDVHHĐ đã được đề cập và gợi mở hướng nghiên cứu cho tác giả trong luận án.

- Trong các công trình nghiên cứu, các nhà khoa học bước đầu đã đề ra cách phân loại, quan điểm và phương pháp đánh giá hiệu quả công tác giáo dục tư tưởng nói chung và giáo dục từng vấn đề, nhiệm vụ nói riêng nhằm hay đổi nhận thức, thái độ, hành vi ở đối tượng, đưa ra một số tiêu chí hoặc tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả công tác giáo dục ở nhận thức thái độ, hành vi cho đối tượng.

Đây không phải là nội dung nghiên cứu chính của luận án, nhưng kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học cũng giúp tác giả luận án có được hướng đi đúng, khoa học khi triển khai nội dung đề tài nghiên cứu về HQGDVHHĐ cho sinh viên trong các trường đại học ở Hà Nội hiện nay.

Mặc dù chưa bàn trực tiếp đến hiệu quả GDVHHĐ nhưng kết quả nghiên cứu của các công trình nêu trên là cơ sở lý luận vững chắc để tác giả luận án tiếp tục đi sâu nghiên cứu bản chất, giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm nâng cao HQGDVHHĐ cho sinh viên các trường đại học đào tạo các ngành kỹ thuật ở Hà Nội hiện nay. Nhưng do tiếp cận ở các góc độ khác nhau và nghiên cứu về các nội dung khác nhau nên kết quả nghiên cứu của các công trình, tài liệu nói trên còn một số vấn đề chưa được làm rõ hoặc chưa thống nhất như sau:

Thứ nhất, do góc độ tiếp cận, mục đích, đối tượng và phạm vi nghiên cứu khác nhau nên khái niệm VHHĐ với nội dung, cấu trúc ở mỗi tác giả, mỗi công trình lại có quan niệm khác nhau. Nội dung, hình thức truyền bá, giáo dục chủ yếu về văn hóa nói chung và xây dựng VHHĐ ở nhiều cấp học nói chung đã được nghiên cứu, nhưng chưa đầy đủ, các nhà nghiên cứu chưa đưa ra được bộ tiêu chí cho từng cấp học dẫn đến chưa gắn kết GDVHHĐ với các hoạt động khác của giáo dục, giáo dục tư tưởng - chính trị trong nhà trường. Chưa có công trình nào nghiên cứu một cách cơ bản, hệ thống về hiệu quả GDVHHĐ. Tuy

thống nhất quan niệm hiệu quả là sự tương quan giữa kết quả với mục đích và chi phí nhưng chưa đi sâu làm rõ các yếu tố cấu thành hiệu quả cũng như vị trí, vai trò, mối liên hệ giữa chúng... Một số công trình đánh giá hiệu quả ở chủ thể và đối tượng, có công trình chỉ đánh giá ở đối tượng, có công trình đánh giá cả ở nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục tư tưởng, thái độ, kỹ năng.

Thứ hai, hầu hết các công trình chưa khảo sát khía cạnh kinh tế của hoạt động giáo dục VHHĐ một cách đầy đủ, có hệ thống. Đặc biệt, chưa bám sát khái niệm hiệu quả là sự “so sánh”, “tương quan” giữa kết quả với mục đích và chi phí nên không chỉ ra được sự khác biệt giữa thực trạng hiệu quả, thực trạng chất lượng hay kết quả của hoạt động giáo dục.

Thứ ba, các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục nói chung và giáo dục văn hóa học đường nói riêng chưa được xác định rõ, hoặc nếu có thì chưa thực sự là giải pháp riêng cho từng đối tượng, phạm vi nghiên cứu .

Thứ tư, các công trình nghiên cứu về giáo dục trong các trường đại học thường tách thành hai mảng riêng biệt là giáo dục chuyên môn, kỹ năng và giáo dục tư tưởng - chính trị trong đó GDVHHĐ chỉ được xem là một chuyên đề. Đến nay, chưa có công trình nào nghiên cứu toàn diện về GDVHHĐ cho sinh viên các trường đại học nói chung và hiệu quả GDVHHĐ cho sinh viên các trường đào tạo khối kỹ thuật ở Hà Nội hiện nay nói riêng.

1.3.2. Những vấn đề luận án cần tiếp tục nghiên cứu

Trên cơ sở kế thừa các kết quả đã nghiên cứu, với mục đích đã xác định, luận án tiếp tục nghiên cứu làm rõ các vấn đề sau:

- Hệ thống hoá, hoàn thiện khái niệm VHHĐ, GDVHHĐ, xác định rõ vai trò của GDVHHĐ trong trường đại học, làm cơ sở để xây dựng khái niệm, tiêu chí đánh giá hiệu quả GDVHHĐ cho sinh viên trong các trường đại học ở Việt Nam.

- Cụ thể hoá lý luận chung về HQGDVHHĐ vào một đối tượng cụ thể là sinh viên các trường đại học đào tạo các ngành kỹ thuật ở Hà Nội hiện nay. Bổ sung, phát triển lý luận về hiệu quả hoạt động giáo dục tư tưởng, giáo dục các lĩnh vực khác của đời sống xã hội như kinh tế, chính trị, pháp luật, giao thông, giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc …; phân loại, các yếu tố tác động, tiêu chí và những vấn đề có tính nguyên tắc trong đánh giá hiệu quả giáo dục ở từng lĩnh vực để làm rõ thêm nội hàm khái niệm HQGDVHHĐ.

- Khảo sát, tổng kết thực tiễn GDVHHĐ và HQGDVHHĐ để khẳng định, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận đã nghiên cứu. Đề xuất khuyến nghị và giải pháp có tính cần thiết và tính khả thi để nâng cao HQGDVHHĐ cho sinh viên.

Trong các vấn đề nêu trên, việc nghiên cứu thực trạng và đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả GDVHHĐ cho sinh viên các trường đại học đào tạo các ngành kỹ thuật ở Hà Nội hiện nay có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đặc biệt là giáo dục đại học.

Tiểu kết chương 1

Trong chương 1, luận án tập trung vào tổng lược và đánh giá nội dung các công trình khoa học có liên quan đến đề tài. Quá trình thu thập tổng hợp, nghiên cứu, phân tích các tài liệu đã tham khảo cho thấy hầu như các công trình, tài liệu đều tập trung vào nghiên cứu những vấn đề văn hóa, VHHĐ, nội dung, cấu trúc vai trò của VHHĐ đối với sự phát triển của nhà trường, sự cần thiết phải xây dựng và thực hiện VHHĐ, quan niệm về hiệu quả và các tiêu chí đánh giá hiệu quả trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Nội dung, cấu trúc và vai trò của VHHĐ trong trường đại học được đề cập và phân tích dưới nhiều góc độ khác nhau cho thấy mối quan tâm của các nhà khoa học về những nội dung này. Đây là cơ sở quan trọng để chúng tôi tiếp tục nghiên cứu về VHHĐ và giáo dục VHHĐ cho sinh viên ở các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Quá trình thu thập tổng hợp, nghiên cứu, phân tích các tài liệu đã tham khảo cho thấy hầu như các công trình, tài liệu đều tập trung vào nghiên cứu những vấn đề văn hóa, VHHĐ, vai trò của VHHĐ đối với sự phát triển của nhà trường. VHHĐ có vai trò quan trọng trong việc củng cố và xây dựng những phẩm chất tốt đẹp cho sinh viên, qua đó góp phần xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh và đạt hiệu quả cao. Có rất ít công trình nghiên cứu bàn về vấn đề giáo dục văn hóa học đường cho sinh viên trong trường đại học, thực trạng và giải pháp. Song chưa có công trình nào tổng kết đánh giá về hiệu quả giáo dục VHHĐ cho sinh viên. Vì vậy, đánh giá HQGDVHHĐ cho sinh viên các trường đại học ở Hà Nội hiện nay là một đề tài mới, có ý nghĩa khoa học cả về lý luận và thực tiễn.

Với việc chỉ ra những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, có thể khẳng định, đề tài luận án đã xác định được một hướng đi riêng, không trùng lặp với các công trình khoa học đã nghiên cứu trước đây. Luận án sẽ phải xây dựng khung lý thuyết với các nội dung: khái niệm hiệu quả và hiệu quả GDVHHĐ, tiêu chí đánh giá hiệu quả GDVHHĐ, thực trạng hiệu quả GDVHHĐ trong các trường đại học đào các ngành kỹ thuật ở Hà Nội. Kết quả của thực trạng sẽ giúp luận án xác định những vấn đề cần giải quyết và là cơ sở khoa học để luận giải, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục văn hoá học đường trong các trường đại học ở Hà Nội hiện nay.

Chương 2

Một phần của tài liệu Hiệu quả giáo dục văn hóa học đường cho sinh viên các trường đại học ở hà nội hiện nay (Trang 36 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(201 trang)
w