Những năm gần đây, NKT và các vấn đề liên quan đến NKT nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia, học giả trong và ngoài nước. Trong phạm vi nghiên cứu luận văn này, tác giả lựa chọn và phân tích một số công trình nghiên cứu, bài viết, tạp chí tiêu biểu.
Thứ nhất, các nghiên cứu về pháp luật, chính sách xã hội đối với người khuyết tật
Việc bảo đảm quyền của NKT đã trở thành một trong những yêu cầu quan trọng để bảo đảm công bằng, vì con người và phát triển bền vững của quốc gia.
Chính vì thế, có nhiều công trình nghiên cứu về khung pháp lý nhằm bảo đảm quyền của NKT, có thể kể đến một số công trình tiêu biểu sau:
TS. Trần Thái Dương (2014), Trường Đại học Luật Hà Nội đã nghiên cứu về những điểm khác biệt giữa pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế, đặc biệt là những quy định của Công ước về quyền của NKT trong việc bảo đảm quyền tiếp cận công lý, quyền được trợ giúp pháp lý của NKT, từ đó đề xuất một số ý kiến nhằm hoàn thiện pháp luật, thực hiện trọn vẹn nghĩa vụ quốc gia khi Việt Nam phê chuẩn và trở thành thành viên chính thức của Công ước [12].
TS. Trần Thị Thúy Lâm (2013) đã có bài viết phân tích và đánh giá thực trạng pháp luật Việt Nam hiện hành về dạy nghề cho NKT trên các phương diện: Chính sách đối với cơ sở dạy nghề, NKT học nghề và giáo viên dạy nghề cho NKT; đồng thời đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả việc học nghề đối với NKT cả ở phương diện hoàn thiện pháp luật và biện pháp tổ chức thực hiện [19].
Tác giả Nguyễn Hồng Ngọc - Vụ các vấn đề xã hội, Văn phòng Quốc hội đã có bài viết phân tích và đánh giá thực trạng pháp luật Việt Nam hiện hành về thúc đẩy hòa nhập dành cho NKT và Người cao tuổi tại Việt Nam qua việc thực hiện các quyền của NKT và Người cao tuổi. Trên cơ sở đánh giá việc thực hiện các quyền của NKT, tác giả chỉ ra những hạn chế, nguyên nhân, kiến nghị với Chính phủ và địa phương các nội dung nhằm thực hiện tốt các chính sách đối với NKT.
Ngoài ra, còn có các đề tài luận văn, luận án ngành luật học nghiên cứu về vấn đề lý luận và thực tiễn để bảo đảm cho quyền của NKT được thực hiện của tác giả Nguyễn Thị Báo (2008), Hoàn thiện pháp luật về quyền của NKT ở Việt Nam hiện nay [3]; Đỗ Minh Nghĩa (2012), “Bảo vệ quyền nhân thân của người lao động dưới góc độ pháp luật lao động” [23]; …
Thứ hai, các nghiên cứu lý luận phục vụ đào tạo công tác xã hội đối với người khuyết tật
Về vấn đề nghiên cứu lý luận phục vụ đào tạo CTXH đối với NKT, chúng ta có thể kể đến một số công trình tiêu biểu sau:
Công trình nghiên cứu của TS. Hà Thị Thư (2012) đã trình bày một cách tổng quát nhất về CTXH đối với NKT, các mô hình hỗ trợ, các phương pháp tiếp cận, các chương trình chính sách của nhà nước đối với NKT, vai trò của NVCTXH đối với NKT, các kỹ năng làm việc với NKT. Đây là giáo trình đào tạo CTXH ở hệ trung cấp nghề [34].
PGS. TS Nguyễn Thị Kim Hoa (2014) cũng đã nghiên cứu và xây dựng giáo trình đào tạo CTXH với NKT ở bậc Đại học và Sau đại học với ba nội dung chính. Đó là tổng quan về NKT; trải nghiệm khuyết tật và các kỹ năng thực hành CTXH [16].
Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Hà Nội (9/2011), có tham luận
"Mô hình CTXH đối với NKT ở Úc" gửi Hội thảo về đổi mới CTXH trong nền kinh tế thị trường, tác giả chia sẻ kinh nghiệm: CTXH đối với NKT nói chung và với trẻ khuyết tật nói riêng ở Úc được phát triển theo đúng định hướng nghề chuyên môn ở quốc gia này, và dựa trên các định hướng chung về CTXH trên thế giới. Các điều kiện về mặt chính sách xã hội, dịch vụ xã hội, lịch sử phát triển nghề CTXH và cách nhìn nhận vấn đề khuyết tật là những yếu tố thuận lợi cho hoạt động nghề nghiệp này. Ngoài ra, định hướng xây dựng một xã hội hòa nhập là điều kiện hết sức quan trọng có tác động trở lại với phát triển nghề CTXH nói chung và phát triển CTXH nói riêng [38].
Ngoài ra, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐTBXH còn xây dựng tài liệu hướng đến cung cấp cho cán bộ xã hội những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong công tác trợ giúp cho NKT, tăng cường các chức năng xã hội của NKT để họ có thể hòa nhập cộng đồng một cách bền vững [6].
Thứ ba, các nghiên cứu về các hoạt động thực hành công tác xã hội đối với người khuyết tật
Các đề tài luận văn thạc sĩ ngành CTXH trong những năm gần đây có xu hướng chuyên sâu nghiên cứu về thực trạng của CTXH đối với NKT tại các trung tâm bảo trợ, tại cộng đồng. Từ đó, vận dụng các phương pháp CTXH với cá nhân, phương pháp CTXH với nhóm để thúc đẩy hoạt động trợ giúp cho NKT mang tính
chuyên nghiệp hơn như: Đề tài của Phùng Thị Thu Duyên (2014) "Vận dụng những kiến thức, kỹ năng CTXH nói chung và CTXH với NKT nói riêng trong can thiệp, trợ giúp một NKT cụ thể" [11]; Nguyễn Huy (2015), "Quản lý CTXH đối với NKT từ thực tiễn tỉnh Quảng Nam" [18]; Trần Thanh Hồng (2015), "Quản lý CTXH đối với người tâm thần từ thực tiễn Trung tâm Xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu" [17].
Xuất phát từ yêu cầu thực tế đó, Khoa Xã hội học –Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp các giảng viên nòng cốt giảng dạy CTXH đối với NKT của các trường Đại học hiện triển khai chương trình đào tạo CTXH tại Hà Nội để biên soạn cuốn sách chuyên khảo “Công tác xã hội với người khuyết tật ” với sự tài trợ của Tổ chức hỗ trợ NKT do PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Hoa (chủ biên). Cuốn sách được biên soạn phục vụ cho công tác nghiên cứu, công tác đào tạo đại học và sau đại học chuyên ngành CTXH đối với NKT tại các trường đào tạo CTXH trong cả nước [16].
Th.S Nguyễn Thụy Diễm Hương và Th.S Tạ Thị Thanh Thủy (trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh) cũng có bài viết nhấn mạnh đến việc thực hành CTXH đối với NKT có thể sử dụng các phương pháp “Tăng quyền lực”, “Dựa trên quyền” và “Điểm mạnh” để có thể làm tăng năng lực cho NKT, giúp cho họ tham gia vào xã hội, đồng thời chống lại những rào cản do phân biệt đối xử và thành kiến gây nên [15].
Các nghiên cứu đã dần mở ra nhiều hướng tiếp cận mới trong vấn đề thực hành CTXH đối với NKT, góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận về CTXH đối với NKT.
Thứ tư, các báo cáo khoa học về người khuyết tật và các hoạt động trợ giúp đối với người khuyết tật
Nghiên cứu về NKT luôn là mối quan tâm của cộng đồng quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng. Vì thế, trong những năm qua, có nhiều báo cáo khoa học
nghiên cứu về NKT và các hoạt động trợ giúp họ trong đời sống xã hội, tiêu biểu như:
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thực hiện một cuộc nghiên cứu vấn đề việc làm của NKT dựa trên cơ sở giới vào năm 2010 và đã đưa ra “Báo cáo khảo sát về Đào tạo nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật tại Việt Nam”. Báo cáo này cung cấp một cách nhìn tổng thể về các tổ chức của NKT, các tổ chức đại diện cho NKT và các dịch vụ đào tạo nghề, việc làm và phát triển doanh nghiệp cho NKT, đặc biệt tập trung vào các tổ chức của phụ nữ khuyết tật và các dịch vụ dành riêng cho phụ nữ khuyết tật [30].
“Báo cáo thường niên năm 2013 về hoạt động trợ giúp người khuyết tật Việt Nam” của Ban điều phối các hoạt động hỗ trợ NKT Việt Nam (NCCD). Báo cáo đã tổng kết những hoạt động và kết quả chủ yếu về hỗ trợ NKT đã triển khai trong năm của các Bộ, ngành, cơ quan chức năng, tổ chức xã hội với sự điều phối của NCCD, đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và định hướng cho các hoạt động hỗ trợ NKT trong năm 2014 của các cơ quan, tổ chức thành viên NCCD. [2]
Thứ năm, các hội thảo, dự án liên quan đến hỗ trợ cho người khuyết tật
Trong những năm qua có nhiều hội thảo, dự án nghiên cứu các hoạt động hỗ trợ cho NKT được tổ chức. Tiêu biểu một số hội thảo, dự án như sau:
“Hội thảo Quốc tế về Công ước quyền người khuyết tật và vai trò của các Hội người khuyết tật” do Bộ Ngoại giao chủ trì vào ngày 10/12/2013. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án về “Tăng cường năng lực bảo đảm các quyền con người của Việt Nam” do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ. Qua quá trình trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn của các Hiệp hội NKT trong toàn quốc đã cho thấy Công ước về quyền NKT đã mở ra một cách nhìn nhận, tiếp cận mới của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng đối với NKT. Công ước thúc đẩy
việc bảo đảm NKT được thụ hưởng các quyền và tự do cơ bản như tất cả mọi người.
Hội thảo “Thúc đẩy cộng đồng: Tăng quyền cho người khuyết tật” được diễn ra vào ngày 26/3/2015 tại Hà Nội. Hội thảo nhằm giới thiệu dự án Rights Now!, đánh giá thực trạng thực thi quyền của người khuyết tật sau khi Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật được phê chuẩn tại Việt Nam, đồng thời cũng là cơ hội để chia sẻ kỹ năng, công cụ, kinh nghiệm và tài liệu hỗ trợ nâng cao năng lực cho Hội/nhóm/tổ chức của hoặc vì người khuyết tật Việt Nam trong tương lai.
Chương trình do MIUSA (tổ chức vận động quốc tế Hoa Kỳ), DREDF (Quỹ Bảo vệ và Giáo dục Quyền của NKT), IFES (Quỹ quốc tế về hệ thống bầu cử Hoa Kỳ), USICD (Hội đồng Quốc tế về NKT) và Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) đồng tổ chức.
Hội thảo khoa học với chủ đề: “Quản lý trường hợp với NKT tại Việt Nam”
do Khoa CTXH của Học viện khoa học xã hội Việt Nam tổ chức vào ngày 22/10/2015. Đây là hội thảo khoa học mang nhiều ý nghĩa khi nội dung nghiên cứu, thảo luận hướng đến vấn đề “Quản lý trường hợp với NKT” – đây là hướng đi mới hỗ trợ NKT đang được triển khai ở nhiều địa phương theo Thông tư 01/TT-Bộ LĐTB &XH về công tác Quản lý trường hợp với NKT nhưng còn nhiều khó khăn như khó khăn về kinh phí, nguồn nhân lực, nhận thức của chính quyền địa phương các cấp về công tác này. Đồng thời, thông qua các bài báo cáo của các chuyên gia và phần hỏi - đáp, thảo luận đã gợi mở những định hướng nghiên cứu cho học viên cao học, nghiên cứu sinh lựa chọn để làm chủ đề, phát triển nghiên cứu của đề tài luận văn cao học.
Ngày 18/7/2015, Học viện Khoa học xã hội đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học với chủ đề: “Cơ sở lý luận và thực tiễn ngành CTXH với NKT” do TS. Hà Thị Thư – Phó Trưởng khoa Khoa CTXH làm diễn giả. Trong bài thuyết trình của mình, diễn giả đã đề cập và làm rõ một số vấn đề về thực tiễn ngành CTXH đối với NKT, diễn giả đã làm rõ một số nội hàm khái niệm cơ bản liên quan đến NKT, CTXH đối với NKT có những đặc thù nhất định so với hoạt động CTXH chung.
Thứ sáu, các công trình nghiên cứu về quản lý công tác xã hội
Có thể nói nghiên cứu về quản lý công tác xã hội là loại đề tài mới. Trước đây, các cơ sở đào tạo sau đại học về công tác xã hội chưa giao cho các học viên thực hiện loại đề tài này.
Năm 2016, Học viện Khoa học xã hội đã giao cho các học viên cao học ngành Công tác xã hội liên kết với Học viện xã hội Châu Á Philippin khóa 1 thực hiện một số đề tài về quản lý công tác xã hội. Chẳng hạn, học viên Đặng Thị Phấn đã thực hiện đề tài:“Quản lý công tác xã hội đối với người có công với cách mạng từ thực tiễn tỉnh Ninh Thuận”. Trong luận văn này, tác giả Đặng Thị Phấn giải quyết các vấn đề sau đây:
- Nghiên cứu những vấn đề lý luận về quản lý công tác xã hội, quản lý công tác xã hội đối với người có công với cách mạng.
- Đi sâu vào tìm hiểu, đánh giá thực trạng đời sống của người có công với cách mạng, thực trạng quản lý công tác xã hội đối với người có công với cách mạng cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý công tác xã hội đối với người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
- Dựa trên cơ sở phân tích đánh giá, tìm hiểu các thực trạng, các yếu tố ảnh hưởng để đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý công tác xã hội đối với người có công với cách mạng [24].
Trong các luận văn về đề tài quản lý công tác xã hội cũng có nội dung tương tự.
Các kết quả nghiên cứu của các đề tài về quản lý công tác xã hội của các học viên khóa 1, lớp cao học Công tác xã hội liên kết với Học viện xã hội Châu Á Philippin là những tài liệu tham khảo rất hữu ích cho tôi thực hiện đề tài Quản lý công tác xã hội đối với người khuyết tật từ thực tiễn tỉnh Kon Tum.
Qua quá trình tổng quan một số công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài, có thể thấy rằng NKT luôn là mối quan tâm của cộng đồng quốc tế và của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Tuy vậy, tiếp cận từ góc nhìn CTXH đối với NKT còn hạn chế về số lượng và chất lượng, đặc biệt tại tỉnh Kon Tum, một địa phương có số lượng NKT không nhiều nhưng đa số có hoàn cảnh khó khăn còn trên 23% hộ nghèo và
có trên 53% dân số của tỉnh là người Dân tộc thiểu số. Đó cũng là một trong những lý do chính để tôi thực hiện nghiên cứu về vấn đề này.