SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Chương 3 GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ
3.1. Nhóm giải pháp chung nhằm nâng cao hiệu quả quản lý công tác xã hội đối với người khuyết tật
3.1.1. Giải pháp về cơ chế chính sách - Chính sách về tài chính
Để có nguồn lực kinh phí hỗ trợ cho hoạt động quản lý CTXH đối với NKT, ngoài nguồn kinh phí của trung ương hỗ trợ, nguồn kinh phí xã hội hóa (vận động các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ,.. trợ giúp NKT), Sở LĐTBXH cũng như
các trung tâm, cơ sở chăm sóc NKT cần lập kế hoạch cụ thể để có những đề xuất cũng như bổ sung về ngân sách cho các hoạt động quản lý và chăm sóc NKT. Cần dành riêng những khoản ngân sách cho các hoạt động quản lý như: đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý và NVCTXH; giám sát, kiểm tra cũng như để các trung tâm, cơ sở có ngân sách trong việc tuyển dụng hợp đồng người làm việc. Hiện nay các đề án của Chính phủ như: Đề án về trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020 (Đề án 1019) và Đề án về trợ giúp xã hội và PHCN cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng (Đề án 1215),.. cũng có những khoản ngân sách riêng dành cho các hoạt động giáo dục và đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, viên chức. Do đó Sở LĐTBXH cần chủ động trong việc đề xuất và tiếp cận những khoản ngân sách này và triển khai việc đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý một cách có hiệu quả. Ngoài ra, tỉnh Kon Tum cũng cần cân đối và dành riêng ngân sách cho các hoạt động đào tạo, tập huấn về lĩnh vực CTXH nói riêng và quản lý CTXH đối với NKT nói chung từ nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh (thời gian qua Sở LĐTBXH chỉ thực hiện các hoạt động này dựa vào nguồn kinh phí Trung ương là chủ yếu, nguồn ngân sách địa phương còn hạn chế). Đối với các trung tâm, cơ sở chăm sóc NKT, ngoài những khoản ngân sách được giao thì cũng cần phải chủ động huy động nhiều nguồn lực đóng góp của xã hội tạo nguồn ngân sách cho đơn vị, chuyển đổi hoạt động theo các mô hình tiên tiến hiện nay là cung cấp dịch vụ ngoài cộng đồng. Đặc biệt là cần phát huy vai trò tự lực của NKT, khơi dậy lòng tự trọng của NKT để họ phấn đấu, vươn lên tự bảo đảm cuộc sống, không ỷ lại vào các sự trợ giúp khác.
Theo đánh giá và phân tích, nhu cầu ngoài cộng đồng về việc chăm sóc NKT là rất lớn, nhu cầu cung cấp dịch vụ CTXH cho NKT là rất cần thiết nên UBND cấp huyện cần bố trí nguồn kinh phí để triển khai các hoạt động trợ giúp NKT trong cộng đồng.
- Chính sách về cơ chế nhân sự
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao và các văn bản quy định của cấp có thẩm quyền về đề án vị trí việc làm, các cơ quan, đơn vị cần rà soát lại đội ngũ
cán bộ, công chức và chức năng nhiệm vụ của các vị trí để bố trí nhân lực cho phù hợp. CTXH nói chung và quản lý CTXH cần phải có chuyên môn về CTXH, đồng thời đối với một NVCTXH sự trải nghiệm và kỹ năng làm việc với NKT là hết sức cần thiết, vì vậy cần bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc, có đạo đức nghề nghiệp và bảo đảm sự ổn định, để họ có thời gian tiếp cận kiến thức, vận dụng vào thực tiễn, hạn chế việc bố trí nhân sự không đúng chuyên môn và thay đổi nhân sự liên tục như thời gian qua. Đối với những người đã được bố trí làm CTXH, nếu có trình độ chuyên môn không phù hợp cần có kế hoạch đào tạo lại hoặc bồi dưỡng kiến thức về CTXH theo lộ trình của Đề án 32 về phát triển nghề CTXH.
Hiện nay mô hình của các trung tâm, cơ sở chăm sóc NKT đều hướng tới việc đa dạng hóa các dịch vụ và chú trọng nhiều hơn tới các yếu tố xã hội trong việc chăm sóc NKT. Trung tâm Bảo trợ và CTXH , Phòng CTXH đã được hình thành tại các trung tâm, cơ sở BTXH. Tuy nhiên hiệu quả của những đơn vị này còn chưa cao, do nguồn nhân lực trong lĩnh vực này còn hạn chế về cả số lượng và chất lượng. Đơn cử có những cơ sở có quyết định thành lập phòng CTXH nhưng không được giao biên chế ngạch CTXH, vì vậy nhân viên trong phòng hầu hết là hợp đồng, không có cơ hội tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên nên không đủ năng lực để can thiệp sớm, điều phối dịch vụ hoặc đưa ra những can thiệp CTXH, mà nhiệm vụ chính của họ chỉ là tiếp nhận hồ sơ, tìm kiếm thông tin và gia đình cho họ để đưa họ về.
Điều này không thể hiện được vai trò của NVCTXH trong việc trợ giúp NKT, khuyến nghị các cơ sở chăm sóc cần chú trọng tới việc nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua việc đào tạo kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ này để thực sự mang lại hiệu quả cao. Việc trước tiên phải tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và NVCTXH tại các cơ quan, đơn vị và công chức LĐTBXH cấp xã,.. (việc tổ chức các khóa đáo tạo CTXH cấp cao do Cục Bảo trợ xã hội tổ chức là hình thức phù hợp, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý CTXH, cần được phát huy và mở rộng đối tượng ở cấp huyện), đồng thời làm tốt công tác truyền thông để nâng cao nhận thức toàn xã hội về vị trí, vai trò của nghề CTXH.
Bên cạnh đó cần đề xuất với các cơ quan chức năng bố trí biên chế theo đề án vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị; tuyển dụng, bổ nhiệm những người đủ tiểu chuẩn vào ngạch viên chức CTXH theo Thông tư liên tịch số 30/2015/TTLT- BLĐTBXH-BNV; Từng bước hình thành đội ngũ Cộng tác viên CTXH cấp xã theo Thông tư số 07/2013/TT- BLĐTBXH ngày 24/5/2013 của Bộ LĐTBXH, trong đó ưu tiên những người đủ tiêu chuẩn là người DTTS tại chỗ, vì họ am hiểu phong tục, tập quán và ngôn ngữ địa phương; ưu tiên phụ nữ trong số những người có cùng trình độ. Từng bước kiện toàn hệ thống tổ chức, bộ máy những người làm CTXH từ tỉnh đến cơ sở xã, phường; đội ngũ cộng tác viên CTXH; hình thành các nhóm tự lực của NKT bao gồm những người có cùng sở thích, nguyện vọng, cùng địa bàn dân cư,.. để hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau hòa nhập cộng đồng.
Bên cạnh đó cũng cần có một tổ chức uy tín đứng ra đào tạo cấp giấy phép hành nghề cũng như tổ chức thi lấy chứng chỉ hành nghề cho NVCTXH. Từng bước nâng cao chất lượng, vị trí, vai trò của nghề CTXH trong xã hội. Có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với những người làm CTXH để họ có thể toàn tâm, toàn ý, trách nhiệm với công việc. Vì đây là công việc có tính chất đặc thù, vất vả, có cả nguy hiểm khi làm việc với thân chủ là bệnh nhân tâm thần, người nghiện ma túy,..
3.1.2. Nhóm giải pháp nâng cao nhận thức về công tác xã hội
Công tác tuyên truyền cần được chú trọng hơn nữa; mặc dù CTXH đã được chính thức công nhận là một nghề vào năm 2010, tuy nhiên các mô hình chăm sóc NKT vẫn còn dựa nhiều vào các mô hình truyền thống. Với những mô hình này, việc chăm sóc NKT dựa nhiều vào yếu tố nuôi dưỡng gắn với chăm sóc sức khỏe là chính. Do đó đa số cán bộ chưa có kinh qua theo chuyên ngành CTXH . Đó cũng là một trong những lý do khiến nhận thức của cán bộ trong lĩnh vực này về CTXH còn hạn chế, từ đó cũng khiến các hoạt động về quản lý CTXH cũng chưa đạt được hiệu quả cao. Để nâng cao nhận thức đối với đội ngũ quản lý CTXH trong lĩnh vực này là tổ chức trao đổi, chia sẻ thông tin trong các cuộc họp giao ban cấp Sở hàng quý hay tổng kết hằng năm, để hiểu rõ hơn về những khó khăn và thuận lợi trong quản lý CTXH, đặc biệt là quản lý CTXH đối với NKT. Việc tổ chức gặp mặt, tọa đàm
nhân Ngày CTXH hàng năm (25/3) cũng là dịp để đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề CTXH và nâng cao hiệu quả quản lý CTXH nói chung.
Các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong bất cứ lĩnh vực nào cũng cần phải mang lại hiệu quả thực sự chứ không đơn thuần là tuyên truyền cho có lệ. Do đó đội ngũ lãnh đạo từ cấp cao nhất cũng cần thực hiện tốt các hoạt động này. Bên cạnh đó cần tăng cường tuyên truyền về CTXH đối với NKT trong cộng đồng, đặc biệt là cán bộ cấp cơ sở, đối với gia đình và bản thân NKT, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền như qua các phương tiện thông tin địa chúng (đài, báo, internet,..), qua pa nô, áp phích, các cuộc họp, hội nghị,.. theo từng nhóm đối tượng (lãnh đạo, nhân dân và NKT). Cụ thể:
Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành về Công ước quốc tế, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,..
về NKT để thấy được vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với NKT. Hình thức tổ chức có thể thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trao đổi, chia sẻ thông qua các cuộc họp, hội thảo, hội nghị hoặc bằng văn bản,..
Tuyền truyền nâng cao nhận thức cho Nhân dân về các quyền của NKT nhằm tạo sự đồng cảm, chia sẻ, hỗ trợ NKT; tránh sự kỳ thị, phân biệt đối xử với NKT. Hình thức tuyên truyền qua loa phát thanh không dây của địa phương (thôn, làng, tổ dân phố) là phù hợp nhất. Ngoài ra có thể tuyên truyền qua pa nô, tờ rơi, họp tổ dân phố,..
Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho NKT để giúp họ thấy được trách nhiệm của mình với gia đình, xã hội và cộng đồng. Giúp họ tự tin phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng. Hình thức tuyên truyền đối với NKT cần đa dạng theo từng nhóm dạng tật, giúp họ có nhận thức tích cực, phát huy điểm mạnh, hòa nhập tốt với cộng đồng.
Bên cạnh đó cũng cần nhân rộng các điển hình về NKT tiêu biểu khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống hòa nhập cộng đồng. Tổ chức tuyên dương,
khen thưởng các tổ chức có nhiều đóng góp trợ giúp cho NKT và cần đưa hệ thống pháp luật về NKT vào chương trình đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.
3.1.3. Giải pháp nâng cao năng lực quản lý về công tác xã hội đối với người khuyết tật
Để nâng cao năng lực quản lý CTXH nói chung và quản lý CTXH đối với NKT nói riêng bảo đảm năng lực ở cả 3 khía cạnh: Chuyên môn quản lý – Chuyên môn CTXH - Chuyên môn về NKT, bảo đảm thực hiện hiệu quả của hoạt động quản lý CTXH đối với NKT, Sở LĐTBXH cần rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý hiện nay, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trung và dài hạn trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt và bố trí nguồn lực để đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý CTXH. Kế hoạch đào tạo phải gắn với qui hoạch cán bộ quản lý thay thế bảo đảm xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý CTXH kế cận đáp ứng được nhiệm vụ được phân công trong từng giai đoạn, nhằm phát triển nghề CTXH trên địa bàn tỉnh mang tính chuyên nghiệp vào năm 2020 và những năm tiếp theo.
- Trước mắt tập trung các khóa tập huấn nâng cao năng lực ngắn hạn, tập trung vào các chủ đề chuyên sâu và những khóa tập huấn dài hạn cung cấp khối kiến thức căn bản và chuyên sâu về CTXH. Hiện nay khối kiến thức về CTXH theo đề án 32, đề án 1019 mới dừng lại ở khối kiến thức cơ bản về NKT và CTXH nói chung, kiến thức về quản lý CTXH còn rất hạn chế. Trong cả chương trình đào tạo CTXH cấp cao 3 tháng do Cục Bảo trợ xã hội chủ trì cũng chỉ có duy nhất một môn học về Quản trị CTXH được đưa vào giảng dạy. Đối tượng được tham gia cũng rất hạn chế, nên tỉnh cần bố trí nguồn lực để liên kết với các cơ sở đào tạo chuyên sâu về CTXH có uy tín tổ chức những lớp tập huấn riêng trong lĩnh vực quản lý CTXH đối với NKT cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, có như vậy đội ngũ quản lý mới có thể nâng cao trình độ trong lĩnh vực đặc thù này.
Các trung tâm, cơ sở chăm sóc NKT cần bám sát với chủ trương và kế hoạch của Cục Bảo trợ xã hội và Sở để lập kế hoạch đào tạo cụ thể. Như vậy sẽ không bị động trong việc bố trí cán bộ tham gia vào các khóa đào tạo. Trong kế hoạch đào
tạo cũng cần dự kiến sắp xếp và bố trí công việc hợp lý để bảo đảm các hoạt động thông suốt ngay cả khi cử cán bộ đi đào tạo. Có như vậy đội ngũ cán bộ tham gia các khóa đào tạo mới tập trung vào việc học tập đạt hiệu quả. Ngoài ra với những cơ sở quá khó khăn trong việc cử cán bộ đi học thì lãnh đạo cần đẩy mạnh hoạt động kiểm huấn trong cơ quan.
Hiện nay việc đào tạo nghiệp vụ CTXH nói chung trong đó có lĩnh vực quản lý CTXH chủ yếu là cán bộ cấp Sở, các Trung tâm bảo trợ xã hội, Trung tâm CTXH; lãnh đạo cấp huyện gần như chưa được đào tạo. Do vậy cần có cơ chế chính sách để đội ngũ cán bộ quản lý cấp huyện tham gia nhiều hơn vào các khóa tập huấn về CTXH và quản lý CTXH.
Bên cạnh đó cần đa dạng hóa các phương pháp đào tạo và giảng dạy. Gắn giảng dạy trên lớp với thực hành thực tiễn. Do lĩnh vực CTXH và quản lý CTXH trong lĩnh vực chăm sóc NKT còn mới mẻ, do đó việc được đi thăm quan các mô hình kết hợp với lý thuyết sẽ rất hiệu quả. Về chương trình đào tạo cần sát với thực tiễn, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Về lâu dài cần quy hoạch và đưa ra tiêu chuẩn chức danh bổ nhiệm những người có chuyên môn đào tạo về CTXH vào vị trí lãnh đạo, quản lý CTXH như ngành giáo dục, y tế,.. nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực đã được đào tạo; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý CTXH.