Lý luận về quản lý công tác xã hội đối với người khuyết tật

Một phần của tài liệu Quản lý công tác xã hội đối với người khuyết tật từ thực tiễn tỉnh kon tum (Trang 42 - 50)

Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ CÔNG TÁC XÃ HỘI

1.2. Lý luận về quản lý công tác xã hội đối với người khuyết tật

* Khái niệm quản lý

Xuất phát từ những góc độ nghiên cứu khác nhau, rất nhiều học giả trong và ngoài nước đã đưa ra giải thích không giống nhau về quản lý. Do vậy cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về quản lý. Đặc biệt kể từ thế kỷ 21, các quan niệm về quản lý lại càng phong phú. Các trường phái quản lý học đã đưa ra những định nghĩa về quản lý như sau:

Nhà khoa học nổi tiếng về quản lý là Tailor có nhận định: "Làm quản lý là bạn phải biết rõ: Muốn người khác làm việc gì và hãy chú ý đến cách tốt nhất, kinh tế nhất mà họ làm " .

Hard Koont: "Quản lý là xây dựng và duy trì một môi trường tốt giúp con người hoàn thành một cách hiệu quả mục tiêu đã định".

Peter F Druker: "Suy cho cùng, quản lý là thực tiễn. Bản chất của nó không nằm ở nhận thức mà là ở hành động; kiểm chứng nó không nằm ở sự logic mà ở thành quả, quyền uy duy nhất của nó là thành tích".

Fayel cũng là một nhà khoa học tiền bối về quản lý nhận định: "Quản lý là một hoạt động mà mọi tổ chức (gia đình, doanh nghiệp, chính phủ) đều có, nó gồm 5 yếu tố tạo thành là: Kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo, điều chỉnh và kiểm soát. Quản lý chính là thực hiện kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo điều chỉnh và kiểm soát ấy”. Trong định nghĩa quản lý Fayel đã trực tiếp chỉ ra rằng: Quản lý chính là lập kế hoạch, tổ chức, thực hiện, chỉ huy, tiến hành, kiểm soát; và nếu lý giải một cách đơn giản như vậy thì quản lý lại trở thành một hành động cụ thể mà mất đi bản chất thống nhất của nó. Định nghĩa quản lý nên phản ánh khách quan đặc trưng cơ bản của hoạt động quản lý, thể hiện bản chất quản lý, hay có thể nói, trong định nghĩa về quản lý nhất định phải đề cập đến bản chất của quản lý là theo đuổi năng suất, hiệu quả. Theo ông, quản lý không đơn giản chỉ là khái niệm, nó là sự thống nhất của ba yếu tố:

Thứ nhất, thông qua tập thể để thúc đẩy tính tích cực của cá nhân.

Thứ hai, điều hoà quan hệ giữa người với người, giảm mâu thuẫn các bên.

Thứ ba, tăng cường hợp tác hỗ trợ lẫn nhau, thông qua hỗ trợ để làm được những việc mà một cá nhân không thể làm được, thông qua hợp tác tạo ra giá trị lớn hơn giá trị cá nhân - giá trị tập thể.

Một khái niệm rất gẫn gũi với quản lý là lãnh đạo. Nhiều người đã lầm tưởng hai khái niệm này là như nhau, tuy nhiên quản lý và lãnh đạo là hai thuật ngữ khác nhau, thuộc 2 tầng hoạt động khác nhau song chúng có mối quan hệ thống nhất chặt chẽ với nhau. Hoạt động lãnh đạo tập trung vào việc đưa ra quyết sách, xác định mục tiêu, kế hoạch phấn đấu, vạch ra chính sách tương ứng và phương hướng lãnh

đạo khu vực, ban ngành, đơn vị tiến lên phía trước… Còn quản lý tập trung giữ vững và tăng cường hoạt động của tổ chức để bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu mà lãnh đạo đã xác định.

* Khái niệm công tác xã hội

Theo Hiệp hội Quốc gia NVCTXH Mỹ (NVCTXH) (NASW): CTXH là hoạt động nghề nghiệp giúp đỡ các cá nhân, nhóm hay cộng đồng nhằm nâng cao hay khôi phục tiềm năng của họ để giúp họ thực hiện chức năng xã hội và tạo ra các điều kiện xã hội phù hợp với các mục tiêu của họ (Zastrow, 1996: 5).

Theo Hiệp hội NVCTXH Quốc tế 7/2000 tại Montreal, Canada (IFSW), CTXH được định nghĩa như sau: “CTXH thúc đẩy sự thay đổi xã hội, giải quyết vấn đề trong mối quan hệ của con người, tăng năng lực và giải phóng cho người dân nhằm giúp cho cuộc sống của họ ngày càng thoải mái, dễ chịu. Vận dụng các lý thuyết về hành vi con người và hệ thống xã hội, CTXH tương tác vào những điểm giữa con người với môi trường của họ. Nhân quyền và công bằng xã hội là các nguyên tắc cơ bản của nghề”.

CTXH tồn tại để cung cấp các dịch vụ xã hội mang tính hiệu quả và nhân đạo cho cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng và xã hội giúp họ tăng năng lực và cải thiện cuộc sống (Zastrow, 1999.).

Theo Liên đoàn Chuyên nghiệp Xã hội Quốc tế (IFSW) tại Hội nghị Quốc tế Montreal, Canada, vào tháng 7/2000: CTXH chuyên nghiệp thúc đẩy sự thay đổi xã hội, tiến trình giải quyết vấn đề trong mối quan hệ con người, sự tăng quyền lực và giải phóng cho con người, nhằm giúp cho cuộc sống của họ ngày càng thoải mái và dễ chịu. Vận dụng các lý thuyết về hành vi con người và các hệ thống xã hội.

CTXH can thiệp ở những điểm tương tác giữa con người và môi trường của họ.

Theo Nguyễn Thị Oanh (2004). Định nghĩa cổ điển: CTXH nhằm giúp cá nhân và cộng đồng tự giúp. Nó không phải là một hành động ban bố của từ thiện mà nhằm phát huy sứ mệnh của hệ thống thân chủ (cá nhân, nhóm và cộng đồng) để họ tự giải quyết vấn đề của mình.

Tác giả Bùi Thị Xuân Mai (2010) đưa ra một khái niệm về CTXH như sau:

CTXH là một nghề, một hoạt động chuyên nghiệp nhằm trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu và tăng cường chức năng xã hội, đồng thời thúc đẩy môi trường xã hội về chính sách, nguồn lực và dịch vụ nhằm giúp cá nhân, gia đình và cộng đồng giải quyết và phòng ngừa các vấn đề xã hội góp phần bảo đảm ASXH [21].

Để cụ thể hóa khái niệm trên, tại Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 (Đề án 32 của Thủ tướng Chính phủ) cũng khẳng định CTXH là góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa con người và con người. Hạn chế phát sinh các vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của thân chủ xã hội, hướng tới một xã hội lành mạnh, công bằng, hạnh phúc cho người dân và xây dựng nhân cách sống đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc mang tính thuần phong mỹ tục [27].

* Công tác xã hội đối với người khuyết tật

Từ định nghĩa về CTXH như trên thì có thể hiểu: CTXH đối với NKT là hoạt động chuyên nghiệp của NVCTXH giúp đỡ những NKT tăng cường hay khôi phục việc thực hiện các chức năng xã hội của họ, huy động nguồn lực, xác định những dịch vụ cần thiết để hỗ trợ NKT, gia đình và cộng đồng triển khai hoạt động chăm sóc trợ giúp họ một cách hiệu quả, vượt qua những rào cản, bảo đảm sự tham gia đầy đủ vào các hoạt động xã hội trên nền tảng sự công bằng như những người khác trong xã hội.

* Mục đích, vai trò của công tác xã hội đối với người khuyết tật

Từ cách hiểu về CTXH đối với NKT cũng như xem xét mục đích của CTXH nhận thấy mục đích và vai trò của CTXH đối với NKT là nhằm: Hỗ trợ cá nhân và gia đình NKT; Quản lý ca với NKT; Hỗ trợ xây dựng tổ chức của NKT; Tham gia vào việc xây dựng, phản biện chính sách, luật pháp đối với NKT; Biện hộ cho quyền và lợi ích của NKT. Như vậy, có thể nhìn nhận mục đích của CTXH đối với NKT bao gồm những hoạt động cụ thể như sau:

- Trợ giúp, khuyến khích, thúc đẩy và tăng cường việc thực hiện chức năng xã hội của cá nhân, nhóm, các tổ chức và các cộng đồng NKT bằng cách giúp họ, phòng ngừa, chữa trị và giảm nhẹ những đau buồn do khuyết tật mang lại và biết cách sử dụng các nguồn tài nguyên một cách hiệu quả.

- Tham gia vào việc hoạch định, xây dựng và thực thi các chính sách xã hội, các dịch vụ xã hội, các nguồn tài nguyên và các chương trình để đáp ứng những nhu cầu của NKT và hỗ trợ cho sự phát triển của họ.

- Theo đuổi những chính sách, dịch vụ, tài nguyên và chương trình thông qua công tác biện hộ trong phạm vi cơ sở hay trong phạm vi quản trị cơ sở hoặc hành động chính trị để tăng quyền lực cho NKT nhằm bảo đảm sự công bằng và sự tham gia đầy đủ của họ vào các hoạt động xã hội.

* Quản lý công tác xã hội

Theo Kidneigh: "Quản lý CTXH là một tiến trình chuyển đổi chính sách xã hội thành các dịch vụ xã hội... trong một tiến trình hai chiều: (1) chuyển đổi chính sách thành các dịch vụ xã hội cụ thể và (2) dùng kinh nghiệm để khuyến nghị sửa đổi điều chỉnh chính sách" (Skidmore, 1990).

Vậy quản lý CTXH có thể hiểu là một tiến trình hành động liên tục của NVCTXH trong việc sử dụng các kiến thức, kỹ năng quản lý để chuyển đổi các chính sách xã hội thành các dịch vụ xã hội. Nó bao gồm hoạt động của những người lãnh đạo tổ chức và tất cả những nhân viên trong tổ chức để hoàn thành mục đích chung của tổ chức. Tiến trình căn bản bao gồm các yếu tố: quản lý, tổ chức, lãnh đạo và kiểm tra.

* Khái niệm quản lý công tác xã hội đối với người khuyết tật

Trên cơ sở nghiên cứu các quan niệm về quản lý công tác xã hôi, chúng ta có thể hiểu: Quản lý CTXH đối với NKT là một tiến trình hoạt động bao gồm lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch và kiểm tra các hoạt động CTXH trong quá trình trợ giúp NKT.

Tính chuyên môn của quản lý CTXH đối với NKT được thể hiện ở những khía cạnh sau:

- Về chủ thể: Là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị được phân cấp thẩm quyền quản lý Nhà nước và chịu trách nhiệm về kết quả điều hành theo quy định pháp luật.

- Về khách thể: Là công chức, viên chức, người lao động,...những người dưới quyền chịu trách nhiệm thực thi nhiệm vụ theo sự kiểm soát quản lý của chủ thể và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ chức trách được giao theo quy định pháp luật.

- Về đối tượng: Là các hoạt động liên quan đến quản lý kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo, kiểm tra,…

Quá trình quản lý phải tuân thủ theo nguyên tắc của CTXH, mà ở đó cần nhấn mạnh: Tôn trọng nhu cầu và thực tại của thân chủ; Bảo đảm quyền và sự tham gia của NKT, hay gia đình họ vào mọi quá trình dù là lên kế hoạch hay giám sát, tổ chức thực hiện; Tính công khai, dân chủ cần bảo đảm, song bảo đảm tính riêng tư, bí mật thông tin của NKT vẫn được bảo toàn.

Mọi hoạt động trong chu trình quản lý từ xây dựng kế hoạch tới triển khai hay giám sát kiểm tra,…cần chú ý tới nhu cầu và nguyện vọng của NKT và gia đình họ và sử dụng các phương pháp CTXH cá nhân, nhóm và cộng đồng để đáp ứng nhu cầu của NKT một cách nhân văn, nhân đạo.

Quản lý CTXH đối với NKT cũng cần chú ý tới việc quản lý huy động các nguồn lực và phát triển các nguồn lực bền vững phục vụ cho công tác chăm sóc nuôi dưỡng NKT. Việc huy động nội lực của NKT và gia đình họ cần được kết hợp với việc phát huy sức mạnh và nguồn lực từ cộng đồng bên ngoài để bảo đảm có nền tảng cơ sở vật chất, nguồn tài chính cũng như nguồn nhân lực cho công tác chuyên môn.

1.2.2. Các hoạt động quản lý công tác xã hội đối với người khuyết tật Các hoạt động quản lý CTXH đối với NKT bao gồm:

1.2.2.1. Lập kế hoạch quản lý công tác xã hội đối với người khuyết tật

Nội dung của lập kế hoạch CTXH đối với NKT trên địa bàn tỉnh Kon Tum, luận văn trong mỗi trường hợp tuy có sự khác nhau về các nội dung chi tiết, song

xét về mặt cơ cấu, thành phần thì nội dung của quản lý đều có chung ít nhất 4 thành phần cơ bản:

+ Mục tiêu của kế hoạch CTXH đối với NKT;

+ Biện pháp/hoạt động để đạt được mục tiêu CTXH đối với NKT;

+ Nguồn lực thực hiện kế hoạch CTXH đối với NKT;

+ Người, cơ quan triển khai và thời gian thực hiện kế hoạch CTXH đối với NKT.

Trong thực tế, nội dung của mỗi phần đều được xác định trong một thể thống nhất, hoàn chỉnh và có liên quan chặt chẽ với nhau. Mục tiêu của kế hoạch CTXH đối với NKT phải được xác định phù hợp với khả năng thực hiện và nguồn lực con người và vật chất có thể huy động và sử dụng. Nội dung của các biện pháp thực hiện kế hoạch CTXH đối với NKT phải căn cứ vào mục tiêu đã xác định và phù hợp với trình độ, năng lực của người thực hiện,..

1.2.2.2. Tổ chức công tác xã hội đối với người khuyết tật

Sau khi phác thảo xong kế hoạch kế hoạch CTXH đối với NKT, nhà quản lý cần phải làm cho những ý tưởng này trở thành thực tế. Hiểu biết về tổ chức là yêu cầu vô cùng thiết yếu để thực thi được điều đó. Tổ chức là tiến trình thiết lập một cấu trúc về các mối quan hệ giúp cho mọi người có thể thực hiện các kế hoạch đã đề ra và thoả mãn các mục tiêu của tổ chức. Thực hiện hiệu quả chức năng tổ chức giúp các nhà quản lý phối hợp tốt hơn các nguồn lực của tổ chức. Sự thành công của tổ chức phụ thuộc phần lớn vào khả năng sử dụng các nguồn lực này một cách có kết quả và hiệu quả.

Tổ chức CTXH đối với NKT là một trong những chức năng của quản lý, liên quan đến các hoạt động thành lập nên các bộ phận trong tổ chức, bao gồm các khâu (các bộ phận chức năng) và các cấp (cao, trung và cơ sở) để đảm nhận những hoạt động cần thiết, xác lập các mối quan hệ và nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm giữa các bộ phận đó. Hay nói một cách tổng quát thì tổ chức CTXH đối với NKT là một hoạt động bao gồm việc thiết lập cơ cấu tổ chức bộ máy, tổ chức nhân sự và tổ chức công việc để thực hiện kế hoạch, chương trình CTXH đối với NKT.

1.2.2.3. Chỉ đạo công tác xã hội đối với người khuyết tật

Sau khi hoàn thành việc lập kế hoạch, thiết kế cơ cấu tổ chức, sắp xếp đội ngũ nhân viên, các nhà quản lý cần thực hiện chức năng chỉ đạo đối với tổ chức. Chỉ đạo CTXH đối với NKT bao gồm các hoạt động nhằm thúc đẩy mọi người thực hiện những công việc cần thiết để hoàn thành mục tiêu về CTXH đối với NKT.

Chúng ta biết rằng mọi tổ chức đểu bao gồm con người. Và chỉ đạo là phần công việc của nhà quản lý để định hướng và phối hợp hoạt động của những người đó. Khi nhà quản lý động viên nhân viên, hướng dẫn các hoạt động của người khác, lựa chọn kênh truyền thông hữu hiệu nhất, hoặc giải quyết các mâu thuẫn giữa các thành viên, họ đang lãnh đạo. Sự đa dạng và phức tạp trong lực lượng lao động càng cao thì khả năng định hướng các giá trị văn hoá, truyền thông các mục tiêu và động viên nhân viên là chìa khoá để giúp các nhà quản lý thành công.

Những nhà lãnh đạo/chỉ đạo CTXH đối với NKT cần bố trí thời gian, cơ hội và động viên toàn thể nhân viên tham gia vào các hoạt động riêng lẻ và hoạt động theo nhóm một cách liên tục để thực hiện thành công kế hoạch CTXH đối với NKT.

1.2.2.4. Kiểm tra công tác xã hội đối với người khuyết tật Kiểm tra công tác xã hội đối với NKT là nhằm:

+ Bảo đảm kết quả đạt được phù hợp với mục tiêu đề ra trong kế hoạch/chương trình CTXH đối với NKT.

+ Bảo đảm các nguồn lực của cơ quan được sử dụng một cách hữu hiệu để thực hiện kế hoạch/chương trình CTXH đối với NKT.

+ Xác định và dự đoán những chiều hướng chính và những thay đổi cần thiết trong thực hiện kế hoạch/chương trình CTXH đối với NKT.

+ Phát hiện kịp thời những vấn đề phát sinh và những đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện kế hoạch/chương trình CTXH đối với NKT để sửa sai.

+ Cơ chế kiểm tra phải được thiết kế căn cứ trên cơ sở kế hoạch/chương trình CTXH đối với NKT; việc kiểm tra phải bảo đảm tính khách quan.

Kiểm tra công tác xã hội đối với NKT cần đảm bảo các nguyên tắc sau:

+ Việc kiểm tra phải bảo đảm tính khách quan;

Một phần của tài liệu Quản lý công tác xã hội đối với người khuyết tật từ thực tiễn tỉnh kon tum (Trang 42 - 50)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(109 trang)
w