Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ CÔNG TÁC XÃ HỘI
1.1. Người khuyết tật: Khái niệm, đặc điểm, nhu cầu
* Khái niệm khuyết tật
Có nhiều cách hiểu cũng như nhiều định nghĩa khác nhau về khuyết tật, tuy nhiên mỗi cách hiểu đều xét trên những mục đích và quan điểm khác nhau.
Từ “khuyết tật” có nguồn gốc từ “disability” trong tiếng Anh. Theo nguyên ngữ từ này có nghĩa là sự hàm ý hạn chế hoặc thiếu khả năng thực hiện một hoạt động gì đó do có khiếm khuyết.
Trong hệ thống “Phân loại Quốc tế về hoạt động chức năng, giảm khả năng và sức khỏe” (ICF) (năm 2001) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra định nghĩa khuyết tật như sau: “Khuyết tật là thuật ngữ chung chỉ tình trạng khiếm khuyết, hạn chế vận động và tham gia, thể hiện những mặt tiêu cực trong quan hệ tương tác giữa cá nhân một người (về mặt tình trạng sức khỏe) với các yếu tố hoàn cảnh của người đó (bao gồm yếu tố môi trường và các yếu tố cá nhân khác)” [31, tr. 26]. Với khái niệm này có thể hiểu “khuyết tật” chỉ đơn giản là bị khiếm khuyết mà không phải xác định nguyên nhân của một dạng khuyết tật.
* Khái niệm người khuyết tật
Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về NKT. Theo Công ước quốc tế về quyền của NKT - 2006 thì "NKT bao gồm những người có khiếm khuyết lâu dài về thể chất, trí tuệ, thần kinh hoặc giác quan mà khi tương tác với các rào cản khác nhau thì có thể cản trở sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của họ trong xã hội, trên một nền tảng công bằng như những người khác trong xã hội"
Trong phạm vi đề tài, tác giả sử dụng định nghĩa về NKT theo Luật NKT Việt Nam ban hành vào năm 2010. Đây là định nghĩa khá đầy đủ, tổng hợp được các cách hiểu khác nhau về khuyết tật và phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh Việt Nam, đó là: “NKT là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn” [25, tr. 10].
1.1.2. Đặc điểm của người khuyết tật
NKT đương nhiên là đối tượng thuộc nhóm yếu thế cần sự giúp đỡ của toàn xã hội, đây cũng là nhóm đối tượng đặc thù trong hoạt động CTXH. Họ gặp khó khăn về nhiều mặt trong cuộc sống, trong đó có khó khăn về học tập, việc làm, hôn nhân, bị kỳ thị... Những đặc điểm tâm lý cũng như thể chất của NKT luôn ảnh hưởng đến hoạt động trợ giúp họ. Sự khiếm khuyết về thể chất dẫn tới khả năng hoạt động chức năng của NKT có thể bị giảm sút, vì vậy họ gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong sinh hoạt, lao động, học tập… Chẳng hạn, do bị bệnh tật, khó khăn đi lại hoặc giao tiếp nên hoạt động học tập, lao động, giao lưu của NKT hạn chế hơn nhiều so với người không khuyết tật. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt về thể chất dẫn đến những cản trở trong sinh hoạt, lao động nên NKT thường bị ức chế về tinh thần dẫn đến bi quan, chán nản, tự ti hay cáu gắt, nóng nảy…Vì thế, NKT có đời sống nội tâm rất nhạy cảm và tế nhị. NKT cần sự đồng cảm, chia sẻ chứ không phải là sự thương hại của mọi người.
Trong quá trình tương tác xã hội, khi NKT tiếp xúc và nhận biết được thái độ kỳ thị hay những hành vi phân biệt đối xử của những người xung quanh xuất phát từ sự khác biệt bên ngoài của họ, NKT có thể đánh mất ý thức về con người thực sự của
mình, khiến cho họ hoài nghi về giá trị bản thân, tự nhìn nhận bản thân thông qua hình thể bên ngoài thay vì nhân cách bên trong. Điều đó có thể làm họ mất tự tin vào bản thân và có thái độ tiêu cực trong gặp gỡ, giao tiếp với mọi người. Vì vậy khi tiếp xúc với NKT cần chú ý đến hành vi, lời nói, cử chỉ để tránh hiểu lầm.
Bên cạnh đó, một số NKT với những suy nghĩ tiêu cực: Họ là gánh nặng của gia đình, của xã hội, của cộng đồng nên họ có tính tự ty cao, không tin vào bản thân, xa rời cộng đồng, việc tiếp cận khó khăn. Một số NKT có thái độ ỷ lại, trông chờ vào người khác hỗ trợ, điều này làm cho việc hỗ trợ NKT khắc phục khó khăn, vươn lên hòa nhập xã hội hết sức khó khăn.
Đồng thời, NKT với những suy nghĩ tiêu cực: Họ là gánh nặng của gia đình, của xã hội, của cộng đồng nên họ có tính tự ty cao, không tin vào bản thân, xa rời cộng đồng, việc tiếp cận khó khăn. Một số NKT có thái độ ỷ lại, trông chờ vào người khác hỗ trợ, điều này làm cho việc hỗ trợ NKT khắc phục khó khăn, vươn lên hòa nhập xã hội hết sức khó khăn. Nhưng hiện nay có một số NKT có ý chí vươn lên hoàn cảnh, số phận của mình, họ có thể tự chủ được trong công việc và cuộc sống. Họ là người rất giàu về nghị lực để vượt qua khó khăn của tật nguyền. Với sự hỗ trợ thích hợp của gia đình và xã hội, một số NKT đã đạt được nhiều thành tích cao trong lao động và học tập, nhiều NKT trở thành tấm gương sáng, thành nguồn động lực cho nhiều người noi theo.
1.1.3. Nhu cầu của người khuyết tật
Nhu cầu của NKT là những đòi hỏi cần được đáp ứng để tồn tại và phát triển.
NKT cũng có những nhu cầu cơ bản như mọi người trong xã hội và nhu cầu là nguồn gốc thúc đẩy NKT hoạt động vươn tới những mục tiêu cho sự phát triển của bản thân.
Theo quan điểm của nhà tâm lý học A.Maslow, con người có 5 loại nhu cầu cơ bản được sắp xếp theo bậc thang từ thấp tới cao. Các nhu cầu có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Trước tiên, NKT cần được đáp ứng các nhu cầu ở mức thấp nhất. Sau đó mới tìm đến sự đáp ứng các nhu cầu ở bậc thang cao hơn.
+ Nhu cầu thể lý (sinh lý): Đây là các nhu cầu cần thiết để con người sống và tồn tại như: hô hấp, ăn, uống, tình dục, không khí sạch,.. khi các nhu cầu này được thỏa mãn, thì con người có xu hướng tìm kiếm cách đáp ứng nhu cầu ở bậc cao hơn.
+ Nhu cầu an toàn: Đây là những nhu cầu giúp con người có cuộc sống an toàn về thân thể, việc làm, tinh thần, sức khỏe, về kinh tế, pháp luật, về trật tự xã hội, không bị đe dọa,.. khi nhu cầu thể lý được thỏa mãn mà nhu cầu an toàn chưa được đáp ứng, thì các nhu cầu an toàn sẽ là động lực điều khiển hành động của con người. Con người mong muốn một thế giới bình yên, mọi sự mất ổn định đều làm cho người ta lo lắng, sợ hãi.
+ Nhu cầu giao lưu tình cảm: Đó là nhu cầu được yêu thương, được kết bạn, được giao tiếp, được tham gia vào các nhóm gắn bó về tình cảm. Đây là những nhu cầu giúp con người có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc, con người thấy được giá trị của mình qua tương tác với những người khác và họ cũng học được qua người khác hiểu và biết cách sống chung cùng người khác, biết hòa nhập với mọi người, với cộng đồng, với xã hội
+ Nhu cầu được quý trọng: Đây là nhu cầu được tôn trọng, kính mến, được tin tưởng,.. nó giúp con người sống bình đẳng tự tin vào khả năng, nhu cầu về vị thế, uy tín, tôn trọng phẩm giá, không bị coi thường, định kiến hoặc chối bỏ…
+ Nhu cầu tự thể hiện bản thân: Đây là nhu cầu về sự sáng tạo, thăng tiến, phát triển bản thân, nó giúp con người phấn đấu vươn lên, hoàn thiện bản thân, tìm kiếm sự hoàn hảo.
Trong cuộc sống, trước mắt con người luôn mong muốn thỏa mãn những nhu cầu bậc thấp, sau đó mới vươn tới những nhu cầu bậc cao. Các nhu cầu bậc càng cao bao nhiêu càng xuất hiện muộn bấy nhiêu trong sự phát triển của con người.
Nhu cầu càng cao bao nhiêu thì nó càng ít quan trọng bấy nhiêu đối với cuộc sống đơn thuần, nó dễ bị hoãn lại, nó thực sự chưa bức bách so với sự sống còn, thậm chí nó có thể bị lãng quên.
NKT có tất cả các nhu cầu như người bình thường, nhưng việc đáp ứng các nhu cầu đó thường gặp khó khăn nhất định, vì họ bị khiếm khuyết về trí tuệ, vận động,.. Ví dụ, người bình thường, khi đói có thể tự vận động tìm thức ăn để đáp ứng, khi khát tự tìm nước uống, còn NKT, đặc biệt là NKT nặng, khi đói muốn ăn, họ phải trông chờ vào sự trợ giúp của người khác. Tuy nhiên họ có thể phát tín hiệu như nhìn vào bát, nhìn vào cốc nước, mấp máy môi, phát ra tiếng kêu,.. Chỉ những người chăm sóc thường xuyên, có kinh nghiệm quan sát mới dễ dàng nhận biết thông tin đó để đáp ứng.
Thực tế cho thấy, hiện nay một số nhu cầu bậc cao của NKT ít có cơ hội để hiện thực hóa. Vì NKT gặp khó khăn trong việc học tập, tìm kiếm việc làm, tiếp cận các dịch vụ xã hội,.. NKT rất cần sự trợ giúp phù hợp từ gia đình, cộng đồng, xã hội để họ có thêm cơ hội đáp ứng các nhu cầu, để họ có cuộc sống bình thường, được phát triển và hòa nhập.