Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ CÔNG TÁC XÃ HỘI
1.3. Các yếu tố tác động đến quản lý công tác xã hội đối với người khuyết tật
Trong mỗi nghề đều có những đặc điểm riêng tạo ra những đặc thù trong công việc. Mặc dù nghề nào cũng có những khó khăn nhất định tuy nhiên làm việc trong lĩnh vực chăm sóc đối tượng yếu thế đặc biệt là NKT luôn được đánh giá là một trong những lĩnh vực khó và chịu rất nhiều áp lực, nó không chỉ đòi hỏi tính chuyên môn sâu mà còn cần có trái tim, tình thương đối với NKT và gia đình họ. Áp lực này có thể đến từ khối lượng công việc, hạn chế kinh phí, không bảo đảm nguồn lực cũng như kiến thức kỹ năng trong lĩnh vực này mà còn hạn chế do đặc thù CTXH là một nghề mới ở Việt Nam.
Yếu tố nghề cũng còn ảnh hưởng nhiều tới khía cạnh quản lý do trong thời điểm hiện tại, mặc dầu đã dược công nhận là nghề nhưng biên chế không được tăng thêm trong khi tỷ lệ NKT đang có xu hướng gia tăng. Như vậy nghĩa là khối lượng và áp lực công việc không chỉ cho những nhân viên làm việc trực tiếp mà cả đội ngũ quản lý cũng chịu nhiều tác động.
1.3.2. Năng lực nhà quản lý
Nhà quản lý là chủ thể, đối tượng nghiên cứu chính trong đề tài này, do đó yếu tố năng lực của bản thân nhà quản lý sẽ là yếu tố cốt lõi ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả quản lý. Trong các hoạt động quản lý nói chung, nhà quản lý CTXH cần phải thực hiện các hoạt động như: hoạch định, lãnh đạo, tổ chức và kiểm tra. Đây đều là những hoạt động mang tính vĩ mô trong một tổ chức CTXH. Để có thể chèo lái con thuyền này hiệu quả hay nói cách khác vận hành được tổ chức tốt từ đó cung cấp những dịch vụ tốt nhất cho NKT, nhà quản lý CTXH cần phải nắm được những kỹ
năng và kiến thức quản lý tổng quát. Tuy nhiên trong lĩnh vực chăm sóc NKT liên quan đến các hoạt động CTXH rõ ràng sẽ thách thức hơn nhiều do nhà quản lý còn cần nắm vững những kiến thức về NKT và CTXH. Do đó nhà quản lý trong lĩnh vực này luôn cần phải nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn ở nhiều khía cạnh khác nhau. Bảo đảm năng lực ở cả 3 khía cạnh Chuyên môn quản lý – Chuyên môn CTXH - Chuyên môn về NKT sẽ là yếu tố tích cực bảo đảm hiệu quả của hoạt động quản lý CTXH đối với NKT.
1.3.3. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của nhân viên
Việc phát triển nghề CTXH chuyên nghiệp là cơ sở cho việc trợ giúp các nhóm đối tượng yếu thế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Do đó, để hướng tới chuyên nghiệp hoá nghề CTXH thì việc phát huy năng lực, vai trò của đội ngũ NVCTXH là yêu cầu hết sức cần thiết. Để thực hiện tốt công việc của mình khi được lãnh đạo giao, đội ngũ nhân viên xã hội cần phải được trang bị tốt về kiến thức, kỹ năng và có thái độ làm việc chuẩn mực, lòng đam mê nghề nghiệp.
NVCTXH đánh giá nhu cầu về khía cạnh xã hội của NKT. Đồng thời, họ cũng đóng vai trò là người quản lý trường hợp, hỗ trợ cung cấp những dịch vụ chất lượng. Bên cạnh đó, họ vừa là cầu nối giữa đối tượng với các nguồn lực hỗ trợ của xã hội và vừa là người có trách nhiệm kết nối với các nguồn lực xã hội với đối tượng để có được sự thống nhất nhằm đạt hiệu quả tối đa nguồn lực hỗ trợ cho đối tượng. Như vậy có thể nói NVCTXH sẽ thực hiện nhiều hoạt động chuyên môn trong việc hỗ trợ NKT. Do đó nếu năng lực họ hạn chế thì cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động quản lý CTXH do lãnh đạo giao nhiệm vụ nhưng lại không đủ năng lực để hoàn thành công việc, không hiểu ý lãnh đạo.
1.3.4. Nguồn kinh phí và trình độ phát triển kinh tế - xã hội
Kinh phí là một yếu tố rất quan trọng và thiết thực. Các hoạt động của CTXH trước hết phải xuất phát từ cái “Tâm” nhưng nếu không có kinh phí để thực hiện những hoạt động cụ thể thì hiệu quả đạt công việc nói chung và hiệu quả quản lý nói riêng sẽ không cao. Nguồn kinh phí dành cho việc trợ giúp NKT được trích từ ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ kinh phí từ
các tổ chức phi chính phủ, nguồn lực kinh phí từ cộng đồng và gia đình NKT. Tuy nhiên, nguồn kinh phí cho hoạt động CTXH đối với NKT còn hạn chế.
NKT là đối tượng yếu thế, gặp nhiều khó khăn về thể xác và tinh thần nên các hình thức và phương án hỗ trợ họ cần nhiều thời gian, kinh phí. Vì thế, rất cần có kinh phí hỗ trợ dồi dào, đầy đủ thì các hoạt động CTXH tiến hành dễ dàng và hiệu quả cao. Ví dụ như hoạt động hoạch định trong lĩnh vực quản lý là rất cần thiết nhưng các hoạt động hoạch định sẽ ít khả thi và khó triển khai nếu như không có nguồn kinh phí hỗ trợ.
Trình độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng là yếu tố tác động tới công tác quản lý CTXH đối với NKT bởi trình độ KT-XH phát triển ở địa phương đó sẽ giúp cho các nhà quản lý có tư duy quản lý mới, nhanh nhạy và sáng tạo. Bên cạnh đó nguồn lực về tài chính kỹ thuật cao sẽ phục vụ cho quá tình quản lý và thực thi chuyên môn tốt hơn. Mặc dù ở nước ta trong thời gian qua kinh tế - xã hội phát triển, có nhiều thuận lợi, đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm các nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Nhiều mục tiêu chủ yếu đã được thực hiện, có bước phát triển mới cả về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất. Kinh tế tăng trưởng nhanh. Chất lượng cuộc sống của người dân ngày một được nâng cao hơn, sự chuyển mình rõ rệt về các mặt kinh tế – văn hóa – xã hội. Song chính sự phát triển nhanh chóng ấy đã dẫn đến hàng loạt những vấn đề nảy sinh liên quan đến sức khỏe của người dân, trong đó có NKT.
1.3.5. Chính sách
Ngay cả khi yếu tố chuyên môn của nhân viên và năng lực quản lý tốt thì cơ chế chính sách vẫn là điều kiện thiết yếu để hỗ trợ các hoạt động quản lý CTXH đạt được hiệu quả cao. Đặc biệt trong các cơ quan tổ chức công lập, cơ chế chính sách sẽ là định hướng quan trọng cho các hoạt động quản lý. Có một cơ chế chính sách thông thoáng, rõ ràng, tạo điều kiện thì khi triển khai các hoạt động quản lý sẽ được thông suốt. Ví dụ hoạt động Hoạch định và Kiểm tra cần có chính sách định hướng rõ ràng thì triển khai rất tốt. Ngoài ra các hoạt động tổ chức nhân sự nếu có chính sách mở thì cũng tạo điều kiện để nhà quản lý hoàn thành tốt công việc của mình.
1.3.6. Yếu tố nhận thức của xã hội
Có thể nói yếu tố này là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới công tác quản lý CTXH đối với NKT. Như đã đề cập không ít lần trong luận văn này về thái độ kỳ thị của cộng đồng đối với NKT. Nếu như xã hội có nhận thức đúng đắn sẽ có những đầu tư thích đáng cho công tác này không chỉ ở khái niệm vật chất tài chính mà cả khía cạnh con người, nhân lực làm việc trong lĩnh vực này. Nếu như gia đình và cộng đồng nhận thức đúng đắn sẽ giúp cho công tác chuyển hướng chăm sóc ở cộng đồng sẽ dễ dàng hơn và có sự hợp tác của gia đình và cộng đồng trong suốt quá trình can thiệp.
Mặc dù hiện nay nhận thức của xã hội về NKT, công tác trợ giúp NKT và Quản lý CTXH như các hoạt động trợ giúp xã hội, hệ thống pháp luật, chính sách ASXH cũng được dần dần hoàn thiện. Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn một số hạn chế sau: Thiếu tính chuyên nghiệp dẫn đến chất lượng, hiệu quả chuyển giao các chính sách, dịch vụ ASXH đến nhóm người yếu thế còn chậm; Công tác truyền thông chưa được quan tâm dẫn đến sự tham gia của cá nhân, gia đình và cộng đồng vào quá trình giải quyết vấn đề chưa cao, cũng như sự kết nối nguồn lực giữa cá nhân, gia đình và cộng đồng còn thấp dẫn đến ngân sách Nhà nước phải chi trả; Phương thức can thiệp giải quyết vấn đề còn mang tính chữa trị hơn phòng ngừa; Sự có mặt của dịch vụ ASXH chủ yếu tập trung ở một số lĩnh vực chính. Việc tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực chưa thật sự chặt chẽ và phù hợp với chuyên môn đào tạo và yêu cầu của công việc, số người được đào tạo về CTXH một số nơi không bố trí đúng vị trí chuyên môn của hoạt động trợ giúp xã hội (Bùi Thị Xuân Mai. 2014).
Qua thực tế, việc nhận thức về nghề CTXH trong các cấp, ngành và người dân chưa cao. Đội ngũ nhân sự CTXH trong thực tế còn quá ít trong khi nhu cầu rất lớn.
Sự công nhận của xã hội chưa đầy đủ, nguồn đầu vào còn khó khăn. Điều này khiến không ít sinh viên tốt nghiệp đi làm nhưng chưa thực sự tự tin về nghề của mình.
Mặt khác, quy định đạo đức nghề nghiệp đối với NVCTXH bước đầu mới được hình thành. Đặc biệt, về thẩm quyền nghề nghiệp còn là khái niệm mơ hồ. Chưa có
tổ chức có uy tín đứng ra để cấp giấy phép hành nghề cũng như tổ chức thi lấy chứng chỉ hành nghề cho NVCTXH. Trong khi đó, CTXH có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, bảo vệ quyền con người, nhân phẩm, giá trị con người, công bằng và bình đẳng xã hội, thúc đẩy và xây dựng một xã hội hài hòa vì hạnh phúc của các cá nhân trong xã hội. Mục đích của CTXH là hỗ trợ cho ASXH bằng cách giúp đỡ những người không thể tự đạt được an sinh. CTXH cũng quan tâm đến cả đối tượng có nguy cơ nảy sinh các vấn đề xã hội.
Kết luận chương 1
Chương 1 đã phân tích một số vấn đề lý luận về NKT và các hoạt động quản lý CTXH với NKT để làm cơ sở cho việc triển khai điều tra nghiên cứu ở chương 2.
Kết quả nghiên cứu ở chương 1 đã làm rõ được những vấn đề lý luận về quản lý CTXH đối với NKT với 4 hoạt động quản lý CTXH chính là lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra CTXH đối với NKT.
Chương 2
THỰC TRẠNG QUẢN LÝ CÔNG TÁC XÃ HỘI ĐỐI VỚI NGƯỜI KHUYẾT TẬT TẠI TỈNH KON TUM
2.1. Đặc điểm, điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum ảnh hưởng đến quản lý công tác xã hội đối với người khuyết tật
Kon Tum là một tỉnh miền núi, nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, có vị trí địa lý nằm ở ngã ba Đông Dương, phần lớn nằm ở phía Tây dãy Trường Sơn, là tỉnh giáp Lào, Campuchia, có vị trí chiến lược rất quan trọng về quốc phòng - an ninh và hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh trên hành lang kinh tế Đông - Tây. Kon Tum được thành lập lại vào tháng 8 năm 1991; Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 9.690,46 km2. Toàn tỉnh có 10 huyện, thành phố với 102 xã, phường, thị trấn, 874 thôn, làng, tổ dân phố; trong đó: có 61 xã và 50 thôn, làng thuộc diện đặc biệt khó khăn được đầu tư Chương trình 135 năm 2016. Có hai huyện thụ hưởng Nghị quyết 30a của Chính phủ2 và 3 huyện mới được Chính phủ cho hưởng cơ chế của Nghị quyết 30a3, có 13 xã biên giới4. Dân số toàn tỉnh có 495.876 người, trong đó DTTS chiếm 53,25% tổng dân số toàn tỉnh, với 28 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 7 dân tộc tại chỗ (gồm các dân tộc Xơ Đăng, Bah Nar, Gia Rai, Giẻ Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hre), có 4 tôn giáo chính (gồm: Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao đài).
Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều ban hành tại Quyết định 1567/QĐ-UBND, ngày 26/12/2016 của UBND tỉnh Kon Tum, trên địa bàn tỉnh có 28.990 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 23,03%, trong đó hộ nghèo DTTS 26.908 hộ, chiếm 41,39% so với tổng số hộ nghèo; hộ cận nghèo toàn tỉnh 8.359 hộ, chiếm tỷ lệ 6,64%, trong đó, hộ cận nghèo DTTS là 7.106 hộ, chiếm tỷ lệ 10,93% so với tổng số hộ DTTS toàn tỉnh. Phần lớn đồng bào DTTS sống ở vùng sâu, vùng xa, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn nhất là vào mùa mưa, có hơn 66,2% dân cư sinh sống ở vùng nông thôn. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 13,18%/năm. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế của tỉnh vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 13,6 triệu đồng (718 USD) năm 2010 lên 32,7 triệu đồng (1.554 USD) năm 2016.
2(): Huyện Kon Plong, huyện Tu Mơ Rông
3():Huyện Đăk Glei, huyện Kon Rẫy, huyện Sa Thầy
4():Huyện Sa Thầy có 2 xã là Mô Rai, Rờ Kơi và năm 2013 mới chia tách thêm 3 xã: Ia Tơi, Ia Dal, Ia Dom từ xã Mô Rai (huyện Sa Thầy) giáp với CamPuChia; huyện Ngọc Hồi có 5 xã là Sa Loong, Bờ Y, Đăk xú, Đăk Dục, Đăk Nông; huyện Đăk Glei có 3 xã là Đăk Nhoong, Đăk Long, Đăk Blô giáp với Lào.
Các dân tộc bản địa ở Kon Tum thường sống thành từng làng. Trong làng ông trưởng làng (Già làng) cùng các bô lão có uy tín lớn và giữ vai trò điều hành mọi sinh hoạt tập thể, ai nấy đều nghe và làm theo. Mỗi làng có nhà rông cao vút và đẹp đứng nổi bật giữa làng. Đó là trụ sở của làng, nơi các Già làng tề tựu bàn việc công, nơi dân làng hội họp, nơi thanh niên chưa vợ ngủ đêm, nơi tiến hành các nghi lễ phong tục của cộng đồng, nơi tiếp khách lạ vào làng,.. Các DTTS Kon Tum, có nơi ở nhà dài, có nơi làm nhà nhỏ, nhưng đều chung tập quán ở nhà sàn. Thường thì các nhà trong làng được xếp thành hình tròn xung quanh nhà Rông. Mỗi nhà có từ 10 đến 20 người gồm các thế hệ, có quan hệ thân thuộc với nhau. Các cặp vợ chồng dù vẫn sống chung dưới một mái nhà, nhưng đã độc lập với nhau về kinh tế.
Đa số các dân tộc theo truyền thống mẫu hệ, phụ nữ tự do lựa chọn người yêu và chủ động việc hôn nhân. Sau lễ cưới, chàng trai về ở nhà vợ, không được thừa kế tài sản. Trái lại, con gái lấy chồng lần lượt tách khỏi cha mẹ ra ở riêng, được phân chia một phần tài sản. Con cái đều theo họ mẹ (một số nơi con trai theo họ cha).
Ngoài xã hội, đàn ông đóng vai trò quan trọng hơn, nhưng trong nhà phụ nữ có ưu thế hơn. Ngày nay, cùng với sự phát triển về kinh tế- xã hội, các phong tục, tập quán của người DTTS Kon Tum có thay đổi, tiến bộ hơn, nhưng chỉ tập trung ở nơi gần trung tâm, thành thị.
Với những đặc điểm trên, quản lý CTXH đối với NKT cũng có những khó khăn nhất định như: việc bất đồng ngôn ngữ; trình độ học vấn thấp; việc chăm sóc và trợ giúp NKT về ăn, ở, sinh hoạt rất bất tiện (vì ở nhà sàn, thường dưới sàn nhà nuôi trâu, bò nên mất vệ sinh); những khiếm khuyết của NKT được cho là ý Giàng nên ít quan tâm chữa trị, phục hồi,..
Hiện nay, CTXH đã được quan tâm và từng bước phát triển, một số đối tượng yếu thế đã được thụ hưởng các chính sách như: người cao tuổi, NKT, trẻ mồi côi, trẻ bị bỏ rơi... song quản lý CTXH đối với NKT của tỉnh Kon Tum vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.
2.2. Tình hình về người khuyết tật tại tỉnh Kon Tum
Theo Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Luật NKT và kế hoạch triển khai Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2013-2020 (Báo cáo số 174/BC-SLĐTBXH, ngày 07/7/2015 của Sở LĐTBXH tỉnh Kon Tum, Phụ lục 2), trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 5.335 NKT, trong đó gồm: 988 NKT đặc biệt nặng, 3.263 NKT nặng và 1.084 NKT nhẹ (số liệu này chưa phản ánh đầy đủ số NKT, vì chưa tổ chức được cuộc điều tra toàn tỉnh; các địa phương chủ yếu thống kê số NKT là đối tượng bảo trợ xã hội, NKT đang hưởng trợ cấp xã hội, chưa thống kê được đầy đủ những đối tượng NKT khác như thương binh, người đang hưởng trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp tai nạn lao động, khuyết tật nhẹ ...).
Đa số NKT sống tại cộng đồng cùng với gia đình, dòng họ (chiếm trên 98%), chỉ có 71 NKT đang nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh; NKT đang nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội chủ yếu là NKT đặc biệt nặng, không nơi nương tựa, hoàn cảnh khó khăn, thuộc gia đình hộ nghèo. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 4.251 NKT nặng và đặc biệt nặng được hưởng chính sách xã hội theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NKT; đạt gần 80% so với tổng số NKT của tỉnh.
Các nhu cầu của NKT chưa được đáp ứng đầy đủ, có khoảng 82,7% NKT được tiếp cận dịch vụ y tế (mua thẻ bảo hiểm y tế theo quy định) so với chỉ tiêu đặt ra là 60%; 22% trẻ em từ sơ sinh đến dưới 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật (chỉ tiêu là 60%); 113 trẻ em và NKT được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp các dụng cụ trợ giúp (chỉ tiêu là 600 người); 56,3% trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục (chỉ tiêu là 60%); có 17 NKT (chỉ tiêu là 300 người) trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp; hầu hết các công trình là trụ sở cơ quan nhà nước; bến xe; cơ sở