Chương 2 THỰC TRẠNG QUẢN LÝ CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
2.2. Thực trạng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa
2.3.2. Những hạn chế, yếu kém của công tác quản lý chi ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện Hậu Lộc
2.3.2.1. Những hạn chế, yếu kém của công tác quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản
*) Hạn chế trong lập kế hoạch vốn đầu tư XDCB:
Kế hoạch vốn đầu tư XDCB hàng năm của huyện được xây dựng chưa thực sự khoa học, chặt chẽ.
- Vốn đầu tư được bố trí còn phân tán, dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm và chưa quan tâm đúng mức đến một số lĩnh vực cần thiết (cải thiện vệ sinh môi trường,…) do đó hiệu quả chưa cao.
- Trong phân bổ vốn đầu tư vẫn còn một số nội dung chưa phân bổ chi tiết.
Ví dụ như trong bố trí vốn đầu tư cải tạo nâng cấp các tuyến đường giao thông hay kiên cố hóa kênh mương: chưa chi tiết cho từng tuyến đường, tuyến kênh.
- Vẫn còn hiện tượng bố trí kế hoạch vốn đầu tư cho các công trình mà chưa xác định chắc chắn được hiệu quả KT-XH sau đầu tư .
- Vẫn còn hiện tượng bố trí ghi kế hoạch vốn cho các công trình không thuộc nhiệm vụ chi của NS huyện (công trình của các ngành công an, quân sự, …)
*) Hạn chế trong cấp phát vốn đầu tư XDCB:
- Nợ giá trị khối lượng XDCB hoàn thành chưa có nguồn vốn thanh toán còn lớn. Số liệu đến 31/12/2012, tổng giá trị khối lượng XDCB hoàn thành chưa thanh toán: 103.560 triệu đồng, trong đó: các công trình do huyện làm chủ đầu tư: 42.358 triệu đồng; công trình do xã, phường làm chủ đầu tư: 61.172 triệu đồng.
- Công tác lập, thẩm định, phê duyệt tổng dự toán công trình XDCB nhiểu trường hợp còn chưa chính xác: vẫn còn những dự án có dự toán tính tăng khối lượng so với thiết kế.
- Một số dự án tốc độ triển khai còn chậm, không đảm bảo hoàn thành theo đúng kế hoạch dẫn đến chuyển tiếp, kế hoạch đầu tư của huyện trong năm không hoàn thành.
- Bộ máy quản lý chi đầu tư XDCB còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, chưa có cán bộ chuyên trách và thực sự nắm vững chuyên môn về mảng đầu tư XDCB.
- Công tác kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư XDCB của phòng Giao dịch KBNN tuy đã có những chuyển biến nhưng vẫn bộc lộ một số hạn chế:
+ Vẫn còn tồn tại một số trường hợp cấp phát chưa đảm bảo đúng theo chế độ quy định, còn thiếu sót về hồ sơ, thủ tục.
+ Việc cải cách thủ tục hành chính tuy đã được tiến hành nhưng tốc độ còn
chậm; các quy định có liên quan đến thủ tục, hồ sơ thanh toán chưa được niêm yết công khai; việc xem xét, giải quyết hồ sơ thanh toán đôi khi vẫn cứng nhắc, không đảm bảo về mặt thời gian, gây khó khăn cho chủ đầu tư.
+ Việc phối kết hợp giữa KBNN, phòng TC-KH huyện đôi khi còn thiếu chặt chẽ. Việc thực hiện chế độ báo cáo của KBNN cho cơ quan tài chính còn chậm, chưa theo đúng quy định.
*) Hạn chế trong quyết toán vốn đầu tư XDCB:
- Một số công trình, hạng mục công trình XDCB hoàn thành nhưng việc thực hiện lập báo cáo quyết toán để gửi lên các cơ quan có thẩm quyền còn chậm về mặt tiến độ thời gian. Đến thời điểm 31/12/2012 còn trên 30 công trình, hạng mục công trình hoàn thành nhưng chưa thực hiện lập quyết toán theo đúng thời gian quy định, trong đó chủ yếu là các công trình do xã, phường làm chủ đầu tư.
- Chất lượng báo cáo quyết toán chưa thực sự đảm bảo, vẫn còn tình trạng sai sót, không theo đúng quy định.
- Việc thẩm định, phê duyệt quyết toán của phòng TC-KH huyện và các phòng ban chuyên môn có liên quan vẫn còn tình trạng có những trường hợp sai sót và chậm quyết toán.
2.3.2.2. Những hạn chế, yếu kém của công tác quản lý chi thường xuyên
*) Hạn chế trong lập dự toán chi thường xuyên:
- Việc lập và thảo luận dự toán, đặc biệt là ở các đơn vị cơ sở còn mang tính hình thức, có nội dung còn chi áp đặt, chưa thực sự dân chủ.
- Trình độ xây dựng dự toán của một số đơn vị sử dụng NS còn bộc lộ những hạn chế: không bám sát các căn cứ theo quy định đã được hướng dẫn; không đảm bảo về phương pháp, nội dung và thời gian; xây dựng dự toán chưa sát với thực tế, chưa thực sự chi tiết.
- Vẫn còn hiện tượng dàn trải trong bố trí chi thường xuyên, phương án phân bổ còn cứng nhắc, bị động, phụ thuộc vào các chỉ tiêu của UBND tỉnh về tỷ lệ điều tiết, định mức phân bổ NS; việc phân bổ còn mang nặng tính bình quân ở một số lĩnh vực (như định mức chi cho các phòng, ban đơn vi QLHC), chưa bám sát với thực tiễn thực hiện nhiệm vụ.
*) Hạn chế trong chấp hành dự toán chi thường xuyên:
- Việc thực hiện nguyên tắc chi theo dự toán ở một số đơn vị còn gặp nhiều khó khăn, xuất phát từ nguyên nhân phương án phân bổ dự toán chưa hợp lý, chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn nên trong quá trình thực hiện còn xuất hiện tình trạng mục thừa, mục thiếu, phải điều chỉnh, bổ sung.
- Việc thực hiện dự toán chi thường xuyên tại các phòng ban đơn vị tuy đã có nhiều tiến bộ song vẫn còn tình trạng bổ sung dự toán nhiều lần trong năm.
- Trên một số lĩnh vực, công tác quản lý chi thường xuyên chưa đạt hiệu quả.
Hiệu quả KT-XH của các khoản chi thường xuyên của NSNN chưa thực sự được quan tâm.
Chi sự nghiệp môi trường: khoản chi này hàng năm đều tăng, nhưng bên cạnh đó số thu tương ứng từ lệ phí môi trường có tăng nhưng ở mức thấp và không đáp ứng được nhu cầu chi.
- Vẫn còn tình trạng lãng phí trong chi thường xuyên: Thể hiện ở lĩnh vực chi tiêu hành chính vượt mức quy định (mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc không đúng tiêu chuẩn, chế độ; chi điện, nước, xăng xe, điện thoại, tổ chức lễ hội, ngày kỷ niệm còn chưa hợp lý, lãng phí); việc quản lý và sử dụng đất đai, trụ sở làm việc tại một số đơn còn không đúng mục đích, vượt tiêu chuẩn định mức; vẫn còn tình trạng hợp đồng lao động ngoài định mức biên chế và thừa biên chế (như ở ngành giáo dục, khối hành chính sự nghiệp).
- Việc quản lý chi thường xuyên chủ yếu dựa vào hệ thống định mức đã có sẵn nên đôi khi chưa sát với nhu cầu thực tế; còn tình trạng chỗ thừa, chỗ thiếu;
hiệu quả không cao.
- Vẫn còn tình trạng NS huyện chi hỗ trợ cho các đơn vị ngành dọc đóng trên địa bàn, không thuộc nhiệm vụ chi của NS địa phương (chi cho công an, viện kiểm sát, tòa án, kho bạc, phòng thống kê)
- Công tác thanh tra, kiểm tra tài chính, NS đã được tiến hành những chưa thường xuyên và đầy đủ, mới chủ yếu được thực hiện ở một số đơn vị, hiệu quả đạt được chưa cao, chưa kiên quyết xử lý đối với những trường hợp có sai phạm.
- Công tác kiểm soát chi của phòng Giao dịch KBNN huyện với những khoản chi thường xuyên vẫn còn tình trạng chưa theo đúng quy định; việc cải cách thủ tục hành chính còn chậm; trong giải quyết công việc có lúc còn cứng nhắc, gây khó khăn cho các đơn vị sử dụng NS.
Việc thực hiện chế độ thông tin báo cáo của KBNN cho phòng TC-KH huyện chưa được đầy đủ, kịp thời như quy định.
- Việc thực hiện khoán chi quản lý hành chính và giao quyền tự chủ về tài chính: Mặc dù đã được triển khai thực hiện đến toàn bộ các đơn vị trực thuộc, tuy nhiên quá trình thực hiện còn nhiều lúng túng và hiệu quả chưa cao, các đơn vị chưa khai thác hết các điều kiện thuận lợi và tiềm năng về cơ sở vật chất, con người của từng đơn vị.
*) Hạn chế trong quyết toán và kiểm toán các khoản chi thường xuyên:
- Chất lượng báo cáo quyết toán của các đơn vị sử dụng NS chưa cao, việc thực hiện báo cáo còn chậm về mặt thời gian, không đúng với hệ thống mẫu biểu.
- Việc xem xét, thẩm định và phê duyệt quyết toán đôi khi còn mang tính hình thức, với các khoản chi không đúng quy định, khi bị phát hiện chỉ dừng lại ở mức độ xử lý, rút kinh nghiệm mà không dùng biện pháp xuất toán.
- Chưa quan tâm đến việc phân tích, đánh giá số liệu quyết toán để làm cơ sở cho việc đề xuất những điều chỉnh trong xây dựng định mức phân bổ NS, định mức chi tiêu cho cơ quan tài chính cấp trên và đặc biệt là rút ra những bài học kinh nghiệm cho các kỳ NS tiếp theo.