CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THU THUẾ THU NHẬP
2.2 THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THUẾ TNDN TẠI CỤC THUẾ TỈNH VĨNH LONG
2.2.1 Quy trình quản lý thu thuế TNDN tại Cục thuế Tỉnh Vĩnh Long
Từ giữa năm 2012 trở về trước, khi Cục Thuế và Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh chưa ký Quy chế phối hợp thì việc đăng ký kinh doanh và đăng ký cấp mã số thuế của Công ty, DN được tiến hành ở 2 cơ quan khác nhau; Sở Kế hoạch và đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, CQT cấp mã số thuế. Nhưng từ khi Quy chế phối hợp trên có hiệu lực thi hành thì số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và đầu tư cấp cũng chính là mã số thuế của Công ty, DN mới thành lập.
Bảng 2.1. Tình hình cấp mã số thuế cho NNT thuộc đối tượng nộp thuế TNDN
Đơn vị tính: Hồ sơ Năm
Chỉ tiêu 2011 2012 2013 2014 2015
Công ty TNHH 644 772 909 1.064 1.266
Công ty cổ phần 190 208 223 240 267
ĐT NN 14 16 17 18 23
DNTN 624 812 882 944 1.009
Hợp tác xã 48 58 69 74 78
Tổng cộng 1.520 1.866 2.100 2.300 2.643 (Nguồn: Cục thuế tỉnh Vĩnh Long )
* Quản lý hoá đơn, chứng từ
Việc tổ chức quản lý hoá đơn, chứng từ được thực hiện bởi Bộ phận ấn chỉ thuộc Phòng Hành chính - Quản trị - Tài vụ - Ấn chỉ.
Nhận và cấp phát hoá đơn: Cục Thuế nhận hoá đơn do Tổng cục Thuế cấp phát, chuyển cho các Chi cục Thuế và tổ chức bán hoá đơn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Từ thời điểm Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/20010 của Chính Phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có hiệu lực thì Cục Thuế đặt in hóa đơn và thực hiện cấp, bán hóa đơn cho tổ chức không phải là doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh. Công việc này do Bộ phận ấn chỉ thực hiện.
Quản lý in hoá đơn: Đối với NNT đặt in, tự in hóa đơn để sử dụng thì quản lý quá trình in hoá đơn, theo dõi việc thông báo phát hành, thông báo mất cháy hỏng, hủy hóa đơn. Theo dõi báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn của NNT. Xử lý vi phạm: Khi phát hiện có vi phạm trong quá trình in và sử dụng hoá đơn thì Cục Thuế xử lý theo quy định, nếu thấy có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Kiểm tra việc thực hiện chế độ phát hành, quản lý, sử dụng hoá đơn, chứng từ ở các cơ quan Thuế cũng như NNT, tổ chức xác minh hoá đơn và trả lời các cơ quan, các cấp, các ngành, các Chi cục Thuế trên địa bàn về các vấn đề liên quan đến hoá đơn.
* Xử lý tờ khai, chứng từ nộp thuế và xác định
Từ năm 2015 trở về trước việc kê khai thuế TNDN được thực hiện kê khai tạm tính theo Quý, thời hạn nộp tờ khai thuế TNDN là ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau. Nếu sau thời gian quy định mà các công ty, DN vẫn chưa nộp tờ khai thì CQT sẽ tiến hành thông báo đôn đốc nộp và các công ty, DN này sẽ bị xử phạt theo quy định của Luật Thuế.
Tại Cục Thuế tỉnh Vĩnh Long thực hiện kê khai qua mạng các tờ khai thuế TNDN được các Công ty, DN, hợp tác xã nộp qua mạng và sau đó các tờ khai này sẽ được chuyển cho Phòng Kê khai và kế toán thuế tiến hành nhập liệu và phân tích tờ khai
Chỉnh sửa tờ khai: Kê khai và Kế toán thuế nhập tờ khai vào máy tính và sửa các lỗi mà máy tính phát hiện ra, in danh sách đối tượng nộp thuế kê khai sai và liên hệ với đối tượng nộp thuế yêu cầu chỉnh sửa.
* Thanh tra, kiểm tra thuế
Công tác này do các phòng Thanh tra, Kiểm tra thuế thực hiện
- Phòng Kiểm tra thuế: Các phòng kiểm tra thuế sử dụng dữ liệu kê khai thuế của NNT trong hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành và những dữ liệu thông tin của NNT chưa được nhập vào hệ thống dữ liệu của ngành (nếu có) để kiểm tra tất cả các hồ sơ khai thuế; phân tích, đánh giá lựa chọn các cơ sở kinh doanh có rủi ro về việc kê khai thuế.
Hàng năm các Phòng Kiểm tra thuộc Cục Thuế kiểm tra sơ bộ tất cả các loại hồ sơ khai thuế. Phân tích, đánh giá, lựa chọn các cơ sở kinh doanh có rủi ro về thuế để lập danh sách phải kiểm tra theo quy định của ngành.
Nội dung kiểm tra tại cơ quan thuế: Kiểm tra việc ghi chép phản ánh các chỉ tiêu trong hồ sơ khai thuế. Trường hợp phát hiện NNT không ghi chép, phản ánh đầy đủ các chỉ tiêu trong hồ sơ khai thuế, cán bộ kiểm tra thuế phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan Thuế ra thông báo yêu cầu NNT bổ sung các chỉ tiêu chưa phản ánh trong hồ sơ khai thuế; Kiểm tra các căn cứ tính thuế để xác định số thuế phải nộp;
số tiền thuế được miễn, giảm; số tiền hoàn thuế... Nếu có những vấn đề vướng mắc
mà NNT không giải trình, bổ sung thêm thông tin tài liệu hoặc trong thời hạn theo thông báo của cơ quan Thuế,
NNT giải trình, bổ sung thêm thông tin tài liệu nhưng không chứng minh được số thuế khai là đúng thì cán bộ kiểm tra thuế báo cáo Thủ trưởng cơ quan Thuế ra quyết định ấn định thuế hoặc tiến hành kiểm tra tại trụ sở NNT.
- Phòng Thanh tra thuế: Phòng Thanh tra thuế có nhiệm vụ xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra NNT hàng năm; Tiếp nhận yêu cầu và hồ sơ đề nghị thanh tra NNT của Phòng Kiểm tra thuế và các Chi cục Thuế chuyển đến; Tổ chức thu thập thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế của NNT thuộc đối tượng thanh tra; Tổ chức thực hiện công tác thanh tra thuế theo chương trình kế hoạch thanh tra của Cục Thuế; thanh tra các trường hợp do phòng Kiểm tra thuế, các Chi cục đề nghị và chuyển hồ sơ; hoặc theo yêu cầu của cơ quan thuế cấp trên và cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo quy định đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về thuế phát hiện được khi thanh tra thuế; đôn đốc tổ chức cá nhân vi phạm thực hiện nộp tiền thuế, tiền phạt theo đúng quyết định xử lý;
* Xử lý hoàn thuế và kiểm tra, thanh tra hoàn thuế
Công tác này do phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ NNT, Kê khai và Kế toán thuế, các Phòng Kiểm tra thuế phối hợp thực hiện.
Tiếp nhận hồ sơ: Phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ NNT tiếp nhận hồ sơ, ghi vào sổ theo dõi và chuyển cho Phòng Kê khai và Kế toán thuế ngay trong ngày.
Kiểm tra hồ sơ và xác định số thuế được hoàn: Phòng Kê khai và Kế toán thuế kiểm tra thủ tục, hồ sơ hoàn thuế, kiểm tra đối tượng, trường hợp và các số liệu trên hồ sơ. Phân loại đối tượng hoàn thuế và kiểm tra xác định số thuế được hoàn, xác định số thuế được hoàn (đối chiếu các số liệu liên quan với số thuế đề nghị hoàn) nếu có sai lệch thì phải trình Lãnh đạo Cục Thuế để ra thông báo cho đối tượng nộp thuế biết để giải trình, bổ sung, nếu không giải trình được thì Cục Thuế thông báo chưa đủ căn cứ để hoàn thuế.
Sau đó xác định số thuế TNDN được hoàn trình Lãnh đạo Cục Thuế quyết
định. Đối với đối tượng phải kiểm tra trước khi hoàn thuế, Phòng Kê khai và Kế toán thuế chuyển hồ sơ sang Phòng Kiểm tra thuế để tiến hành kiểm tra, dựa vào kết quả kiểm tra, thanh tra, quyết định xử lý vi phạm và việc thực hiện quyết định đó của đối tượng nộp thuế (nếu có) để trình Lãnh đạo Cục Thuế ra quyết định hoàn thuế theo số thuế được hoàn xác định sau kiểm tra. Đối với hồ sơ hoàn thuế do Chi cục gửi lên thì Phòng Tổng hợp - Nghiệp vụ - Dự toán thực hiện thẩm định hồ sơ và trình Lãnh đạo Cục Thuế ra quyết định.
Hoàn thuế: Phòng Kê khai và Kế toán thuế lập lệnh chi NSNN trình Lãnh đạo Cục Thuế hoàn thuế căn cứ theo hồ sơ của Phòng Kê khai và Kế toán thuế và Phòng Tổng hợp - Nghiệp vụ - Dự toán trình lên, gửi cho các Phòng, các Chi cục thuế và đối tượng nộp thuế có liên quan để thực hiện hoàn thuế.
Chứng từ chi hoàn thuế gửi Kho bạc Nhà nước Tỉnh để tiến hành hoàn thuế.
* Quản lý thu nợ thuế
Phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế theo dõi ứng dụng, tổ chức thực hiện công tác quản lý nợ thuế, đôn đốc thu tiền thuế nợ và cưỡng chế thu tiền thuế nợ.
- Đối với khoản nợ từ 01 đến 30 ngày, kể từ ngày hết hạn nộp thuế, công chức quản lý nợ thực hiện đôn đốc thu nộp bằng hình thức gọi điện thoại, nhắn tin, gửi thư điện tử cho NNT hoặc người đại diện theo pháp luật của NNT;
- Đối với khoản nợ từ ngày thứ 31 trở lên, kể từ ngày hết hạn nộp thuế, Phòng Quản lý nợ thực hiện quy trình thực hiện:
+ Lập thông báo tiền thuế nợ và tiền phạt chậm nộp.
+ Trình lãnh đạo cơ quan Thuế phê duyệt.
- Đối với khoản tiền thuế nợ trên 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế;
khoản tiền thuế nợ đã quá thời hạn gia hạn nộp thuế; NNT có hành vi phát tán tài sản, bỏ trốn: phòng, đội quản lý nợ lập thông báo về việc sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế, đồng thời thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế để đảm bảo thu đủ số tiền thuế nợ vào Ngân sách nhà nước.
* Xử lý miễn, giảm thuế
Tiếp nhận hồ sơ: Phòng Tuyên truyền & Hỗ trợ NNT tiếp nhận hồ sơ, ghi vào sổ theo dõi và chuyển cho phòng Kê khai & Kế toán thuế ngay trong ngày.
Kiểm tra hồ sơ và xác định số thuế được miễn giảm: Phòng Kê khai và Kế toán thuế kiểm tra thủ tục, hồ sơ miễn giảm thuế, kiểm tra đối tượng, trường hợp và các số liệu trên hồ sơ, xác định số thuế được miễn, giảm. Trường hợp có sai lệch thì phải trình lãnh đạo Cục Thuế để ra thông báo cho đối tượng nộp thuế biết để giải trình, bổ sung, nếu không giải trình được thì Cục Thuế thông báo chưa đủ căn cứ để miễn, giảm thuế.
Sau đó xác định số thuế TNDN được miễn, giảm trình lãnh đạo Cục quyết định. Phòng Kê khai và Kế toán thuế chuyển hồ sơ sang Phòng Kiểm tra thuế để tiến hành kiểm tra, dựa vào kết quả kiểm tra, thanh tra, quyết định xử lý vi phạm và việc thực hiện quyết định đó của đối tượng nộp thuế (nếu có) để trình lãnh đạo Cục ra quyết định miễn, giảm thuế theo số thuế được miễn, giảm xác định sau kiểm tra.
* Quản lý hồ sơ đối tượng nộp thuế
Công việc này do Phòng Kê khai và Kế toán thuế và bộ phận Lưu trữ thuộc Phòng Hành chính - Quản trị - Tài vụ - Ấn chỉ thực hiện.
Phòng Kê khai và Kế toán thuế lập và quản lý hồ sơ của đối tượng nộp thuế, gồm: đăng ký thuế, thông báo thuế, các hồ sơ và quyết định miễn, giảm thuế, hoàn thuế, quyết toán thuế, biên bản kiểm tra, thanh tra, quyết định xử lý kiểm tra, các báo cáo tài chính của doanh nghiệp... Sau 1 năm chuyển bộ phận Lưu trữ thuộc Phòng Hành chính - Quản trị - Tài vụ - Ấn chỉ.