2.1. Chủ thể kinh doanh hoạt động bán hàng đa cấp
2.1.1. Điều kiện đăng ký kinh doanh bán hàng đa cấp
Theo định nghĩa BHĐC là hoạt động tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm thông qua các NPP, khi một cá nhân đăng kí tham gia với tư cách NPP họ sẽ nhận được hoa hồng không chỉ từ doanh thu của họ mà còn từ các cá nhân họ tuyển dụng được cùng tham gia hoạt động BHDDC (theo cách gọi thông thường cá nhân tuyển dụng gọi là cấp trên là Upline và người cấp dưới là Downline) thì hoạt động BHĐC bao gồm 4 nhóm đối tượng chính đó là:
doanh nghiệp, sản phẩm dịch vụ, khách hàng và các NPP. Đối với đối tượng là các doanh nghiệp tổ chức BHĐC, pháp luật đã nêu rõ đó là các doanh nghiệp có tiến hành hoạt động kinh doanh bán lẻ theo phương thức đa cấp (Khoản 1 Điều 3 Nghị định 42/2004/NĐ-CP). Các doanh nghiệp (thường gọi là công ty mẹ - Mother company) đăng ký về mặt pháp luật để kinh doanh dưới hình thức BHĐC. Doanh nghiệp này chịu trách nhiệm về mặt pháp lý và có vai trò:
- Cung cấp sản phẩm dịch vụ cho các NPP trong hệ thống đa cấp để đưa sản phẩm dịch vụ đó tới tay người tiêu dùng.
- Tự xác định mô hình kinh doanh đa cấp để tiến hành kinh doanh. Mô hình này có tính quyết định tới sự hấp dẫn và mức chi trả hoa hồng cho các NPP. Nó cũng là cơ sở quan trọng nhất của hình thức BHĐC.
- Chịu trách nhiệm đào tạo và quản lý các NPP để họ hoạt động tốt và hiệu quả đúng pháp luật.
Bán hàng đa cấp du nhập vào Việt Nam từ năm 1998 đến năm 2008 đã có rất nhiều doanh nghiệp BHĐC hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam với các mặt hàng kinh doanh phổ biến như: Mỹ phẩm, đồ uống dinh dưỡng, thực phẩm, máy ozone, máy massage, nồi cơm điện…Sự xuất hiện và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp BHĐC đã trở thành hiện tượng ở nhiều thành phố lớn ở Việt Nam. Năm 1998, doanh nghiệp đầu tiên sử dụng phương thức này vào kinh doanh là Incomex (bán sản phẩm chăm sóc cho sức khỏe), tiếp đến là Thế Giới Mới (thực phẩm dinh dưỡng), Sinh Lợi (máy chăm sóc sức khỏe), Lô Hội (thực phẩm dinh dưỡng), Vision (thực phẩm dinh dưỡng) [6].
Để quản lý hoạt động BHĐC, pháp luật đã xây dựng hành lang pháp lý giúp các doanh nghiệp tổ chức BHĐC có cơ sở để thực hiện BHĐC theo khuôn khổ pháp luật.
Luật Doanh nghiệp năm 2005 ghi nhận quyền tự chủ kinh doanh, chủ động tìm kiếm thị trường, khách hàng để cấu thành nên chủ quyền của doanh nghiệp. Trên tinh thần đó, pháp luật về quản lý hoạt động BHĐC đã thừa nhận quyền được tổ chức BHĐC với tư cách là một hình thức của quyền tự chủ trong tổ chức phân phối, tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có quyền sử dụng phương thức này để tiêu thụ sản phẩm do họ hoặc do người khác sản xuất.
Như vậy, chủ thể kinh doanh muốn được kinh doanh hoạt động BHĐC thì trước hết phải là doanh nghiệp, có giấy phép đăng kí kinh doanh. Kèm theo đó phải đăng kí thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh doanh BHĐC tại Cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Công Thương).
Trước hết chúng ta nhìn lại Nghị định 110/2005/NĐ-CP quy định doanh nghiệp BHĐC phải ký quỹ 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn một tỷ đồng Việt Nam tại một ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam.
Mục đích của quy định trên là trong trường hợp doanh nghiệp ngừng hoạt động BHĐC, khoản tiền ký quỹ sẽ được dùng để chi trả tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc tiền mua lại hàng hóa từ người tham gia. Doanh nghiệp BHĐC chỉ được rút toàn bộ số tiền ký quỹ khi thỏa mãn hai điều kiện là: khi chấm dứt hoạt động BHĐC và không có bất kì khiếu nại nào từ phía người tham gia BHĐC liên quan đến việc chi trả hoa hồng, tiền thưởng hoặc tiền mua lại hàng hóa. Tất cả các quy định trên cho thấy, pháp luật đã có nhiều nỗ lực để bảo vệ quyền của người tham gia là những chủ thể có vị trí yếu thế trong quan hệ với doanh nghiệp. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi thực trạng BHĐC trong những năm qua cho thấy đã có nhiều hành vi bất chính của doanh nghiệp gây ra thiệt hại quá lớn cho người tham gia.
Vấn đề ký quỹ được quy định tại Điều 17 Nghị định 110/2005/NĐ-CP đã bộc lộ những bất cập sau:
Thứ nhất, mức tiền ký quỹ tối thiểu 1 tỉ đồng được đưa ra đã không còn phù hợp với hiện tại. Trên thực tế, các doanh nghiệp BHĐC đều có vốn điều lệ thấp, do đó mức ký quỹ phổ biến là 1 tỉ đồng. Xét về mục đích sử dụng, tiền ký quỹ của doanh nghiệp BHĐC là khoản đảm bảo để chi trả tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc mua lại hàng hóa từ người tham gia trong trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động BHĐC mà không còn khả năng chi trả. Tuy nhiên, hiện tại với mức doanh thu từ hoạt động BHĐC của các doanh nghiệp phổ biến từ hàng chục tỉ cho đến hàng trăm tỉ hoặc thậm chí hàng nghìn tỉ thì số tiền ký quỹ 1 tỷ đồng là quá thấp so với mục đích đề ra ban đầu.
Thứ hai, quy định về sử dụng và rút tiền ký quỹ tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 17 Nghị định 110/2005/NĐ-CP được trích dẫn ở trên tạo ra sự mâu thuẫn: Một khi doanh nghiệp phải sử dụng đến tiền ký quỹ cho các hoạt động được nêu tại Khoản 2 thì có nghĩa là doanh nghiệp đó không còn khả năng để chi trả cho các hoạt động đó nếu như không sử dụng tiền ký quỹ. Điều này
đồng nghĩa với việc sẽ dẫn tới khiếu nại, khiếu kiện liên quan tới quyền lợi của người tham gia. Như vậy, doanh nghiệp sẽ không được phép rút tiền ký quỹ theo quy định tại Khoản 3 để sử dụng.
Thứ ba, quy định tại Nghị định 110/2005/NĐ-CP chưa điều chỉnh trường hợp doanh nghiệp đã nộp khoản tiền ký quỹ nhưng không được cấp giấy chứng nhận đăng kí tổ chức BHĐC. Trong trường hợp này, doanh nghiệp không thể rút tiền ký quỹ nếu áp dụng đúng quy định của Nghị định 110/2005/NĐ-CP.
Trước những bất cập đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2004/NĐ-CP để thay thế cho Nghị định số 100/2005/NĐ-CP sau gần 10 năm thực hiện và theo Điều 29 Nghị định 42/2004/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp quy định:
- Doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải ký quỹ một khoản tiền tương đương 5%vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 5 tỷ đồng (năm tỷ đồng) tại một ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Ngân hàng nơi doanh nghiệp ký quỹ xác nhận bằng văn bản việc ký quỹ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp.
- Khoản tiền ký quỹ là khoản tiền đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp đối với người tham gia bán hàng đa cấp.
- Tài khoản tiền ký quỹ được ngân hàng phong tỏa trong suốt thời gian hoạt động của doanh nghiệp và chỉ được rút, sử dụng khi có văn bản đồng ý của Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
- Trường hợp ngân hàng nơi doanh nghiệp ký quỹ cho rút hoặc sử dụng khoản tiền ký quỹ của doanh nghiệp khi chưa có văn bản đồng ý của Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về hoạt động ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
- Doanh nghiệp bán hàng đa cấp được hưởng lãi suất trên khoản tiền ký quỹ theo thỏa thuận với ngân hàng.
- Trong trường hợp có sự thay đổi liên quan tới các nội dung cơ bản của văn bản xác nhận ký quỹ, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm tiến hành thay đổi văn bản xác nhận ký quỹ và thông báo cho Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Từ điểm mới nêu trên đã mang lại hiệu quả cho việc quản lý như:
Thứ nhất, tăng giá trị ký quỹ đồng nghĩa với việc phù hợp với thực tế hoạt động của doanh nghiệp BHĐC.
Thứ hai, xây dựng được cơ chế hoàn chỉnh từ sử dụng cho đến việc thực hiện ký quỹ, sử dụng tiền ký quỹ cho đến rút tiền ký quỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp BHĐC và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc sử dụng đúng mục đích khoản tiền ký quỹ.
Tác giả xin phép được đưa ra nghiên cứu của mình về việc nâng mức tiền ký quỹ từ 1 tỷ đồng/doanh nghiệp lên 5 tỷ đồng/doanh nghiệp như sau:
Theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh, trong năm 2013, doanh thu từ hoạt động BHĐC của 45/60 doanh nghiệp BHĐC còn đang hoạt động là 4.060 tỷ đồng. Tỷ lệ hoa hồng tiêu chuẩn trung bình của các doanh nghiệp là khoảng 40% so với doanh thu. Sử dụng các con số thống kê hiện tại để xác định chi phí và lợi ích của quy định mới thì được kết quả như sau:
* Số tiền ký quỹ theo Nghị định 110/2005/NĐ-CP:
40×1= 40 tỷ đồng.
* Số tiền ký quỹ theo Nghị định 42/2014/NĐ-CP:
40×5= 200 tỷ đồng.
Số tiền ký quỹ này sẽ được sử dụng để bồi thường trong các trường hợp phát sinh tranh chấp giữa doanh nghiệp BHĐC với người tham gia mạng lưới và người tiêu dùng.
Tổng giá trị giao dịch giữa doanh nghiệp BHĐC và người tiêu dùng chính là tổng doanh thu của các doanh nghiệp đó: 4.060 tỷ đồng.
Tổng giá trị giao dịch giữa doanh nghiệp BHĐC và người tham gia mạng lưới chính là số tiền thưởng và hoa hồng: 4.060×40% = 1.624 tỷ đồng.
Giả sử có 5% (là mức dự phòng thấp nhất trong các bài toán tài chính) trong các giao dịch giữa doanh nghiệp BHĐC với người tiêu dùng và người tham gia mạng lưới phát sinh tranh chấp, giá trị tranh chấp phát sinh là:5%×(4.060 + 1.624) = 284 tỷ đồng.
Vậy nên, theo tác giả thì mặc dù làm phát sinh chi phí đáng kể cho doanh nghiệp nhưng giá trị ký quỹ vẫn chưa tương xứng với giá trị tranh chấp phát sinh. Tuy nhiên, tính đến gánh nặng về tài chính của doanh nghiệp cũng như sự chênh lệch đã được thu hẹp đáng kể giữa giá trị ký quỹ và giá trị tranh chấp phát sinh, tác giả cho rằng lựa chọn mức ký quỹ 5 tỷ đồng là hợp lý.
Đối với điều kiện về vốn pháp định thì Nghị định 42/2014/NĐ-CP đã quy định rất rõ và theo Điều 8 thì được quy định như sau:
“Vốn pháp định của doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành bán lẻ theo phương thức đa cấp là 10 tỷ đồng”[9].
Đây là quy định mà trước đây chưa hề có trong các văn bản pháp lý liên quan tới quản lý hoạt động BHĐC.
Thực tế công tác quản lý hoạt động BHĐC thời gian qua cho thấy có nhiều trường hợp doanh nghiệp BHĐC đã được cấp giấy đăng ký tổ chức BHĐC nhưng không hoạt động hiệu quả. Các doanh nghiệp này đều có quy mô rất nhỏ với mức vốn điều lệ khoảng 1 đến 2 tỷ đồng.
Do đặc thù của hoạt động BHĐC, việc phát triển mạng lưới lớn hay nhỏ đều phụ thuộc vào khả năng của những thành viên tham gia mạng lưới BHĐC. Doanh nghiệp đóng vai trò hỗ trợ công tác phát triển mạng lưới của các thành viên chủ chốt này như việc cung cấp tài liệu, ký hợp đồng với người
tham gia mạng lưới, cung cấp địa điểm làm việc cho người tham gia mạng lưới, cung ứng hàng hóa cho hệ thống. Do đó, trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp với năng lực tài chính hạn hẹp sẽ không đáp ứng được yêu cầu phát triển của hệ thống, dẫn đến hạn chế trong quá trình phát triển mạng lưới cũng như bán hàng của người tham gia. Việc này sẽ khiến người tham gia rời bỏ mạng lưới, chuyển sang tham gia vào mạng lưới của các doanh nghiệp khác hoạt động hiệu quả hơn.
Chính vì vậy, việc đưa ra yêu cầu về vốn pháp định là nhằm chọn lựa các doanh nghiệp có năng lực tài chính ở một mức độ nhất đinh, đảm bảo hiệu quả và ổn định của mạng lưới BHĐC sau này. Đây là một điểm rất tích cực của Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
Theo như quy định này, vốn pháp định của doanh nghiệp BHĐC được quy định như một điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đăng ký tổ chức BHĐC. Quy định này sẽ tác động tới 2 đối tượng đó là: Doanh nghiệp mong muốn đăng ký tổ chức hoạt động BHĐC và các doanh nghiệp hiện đang có hoạt động BHĐC mà có số vốn điều lệ thấp hơn 10 tỷ.
* Đối với đối tượng thứ nhất, theo đánh giá của tác giả thì một doanh nghiệp muốn thực hiện tổ chức BHĐC sẽ phải tính đến nhiều loại chi phí như nhập hàng hóa, xây dựng chương trình bán hàng, mô hình trả thưởng, chương trình đào tạo, in ấn các tài liệu marketing, cung cấp địa điểm, cơ sở vật chất cho người tham gia mạng lưới sử dụng trong các hoạt động hội thảo, đào tạo hoặc phát triển mạng lưới.
Giả sử một doanh nghiệp BHĐC cung cấp 5 mặt hàng, có kế hoạch phát triển hệ thống 5.000 người tham gia trong năm đầu tiên, giá trị hàng nhập là 200.000đồng/đơn vị, giá trị in ấn tài liệu về đào tạo và marketing là 200.000 đồng/ bộ. Doanh nghiệp tuyển dụng 10 nhân viên hỗ trợ với mức lương trung bình 10 triệu đồng/người/tháng. Doanh nghiệp thuê văn phòng để phục vụ
hoạt động của cả nhân viên hỗ trợ và người tham gia mạng lưới có diện tích 300m vuông, mức thuê 1500 USD/ tháng. Chi phí cho trang thiết bị và cơ sở vật chất là 1 tỷ đồng.
Như vậy, dự tính chi phí cho các hoạt động hết sức cơ bản trong năm đầu tiên của doanh nghiệp rơi vào khoảng 9,3 tỷ đồng. Mức chi phí dự tính này còn chưa bao gồm nhiều hoạt động hoặc các khoản mục chi phí khác của doanh nghiệp, do đó mức quy định vốn pháp định là 10 tỷ cũng chỉ để bù đắp cho chi phí của doanh nghiệp trong quá trình mới tham gia thị trường.
* Đối với đối tượng thứ hai, là các doanh nghiệp hiện đang hoạt động nhưng có vốn điều lệ thấp hơn so với quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp thì theo tác giả cho rằng:
Thứ nhất,khi Nghị định số 42/2014/NĐ-CP được ban hành để thay thế Nghị định số 11/2005/NĐ-CP thi các doanh nghiệp đã được cấp giấy đăng ký trước đó vẫn sẽ tiếp tục hoạt động. Do đó, quy định vốn điều lệ là 10 tỷ sẽ làm ảnh hưởng tới đối tượng này. Chỉ khi thực hiện thủ tục gia hạn giấy chứng nhận đăng ký tổ chức BHĐC, doanh nghiệp mới phải thực hiện thủ tục thay đổi vốn điều lệ cho phù hợp với quy định mới. Như vậy, doanh nghiệp có đủ thời gian để thực hiện việc thay đổi này.
Thứ hai, như tính toán ở trên, các doanh nghiệp BHĐC đang hoạt động hiệu quả có chi phí đầu tư cơ bản rất lớn. Do đó, tài sản của doanh nghiệp đương nhiên sẽ lớn hơn 10 tỷ đồng. Vậy nên ngay cả trong trường hợp phải thay đổi mức vốn điều lệ trong đăng ký kinh doanh thì doanh nghiệp cũng có thể dễ dàng chứng minh mình đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với mức vốn điều lệ mới mà không phát sinh thêm khoản đầu tư nào.
Như vậy, rõ ràng việc quy định về vốn pháp định 10 tỷ đồng sẽ giúp đảm bảo vận hành hiệu quả và ổn định của mạng lưới BHĐC trong khi không làm phát sinh gánh nặng cho doanh nghiệp.