Đối tượng kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp và hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp

Một phần của tài liệu Pháp luật việt nam hiện hành về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp (Trang 54 - 58)

2.3.1. Đối tượng kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp Trong quá khứ, mô hình BHĐC gắn liền với kinh doanh hàng hóa, sử dụng mạng lưới người tham gia để đưa hàng trực tiếp đến người tiêu dùng.

Hiện nay, với sự phát triển của lĩnh vực dịch vụ, mô hình BHĐC có thể được sử dụng để tiếp thị các dịch vụ, theo đó người tham gia sẽ thực hiện các hoạt động tiếp thị, xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng. Trong pháp luật về BHĐC ở Việt Nam thì loại hình cung ứng dịch vụ thông qua phương thức đa cấp bắt đầu được thừa nhận và xem xét tới trong quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định 42/2014/NĐ-CP:

“Mọi loại hình dịch vụ hoặc các loại hình kinh doanh khác không phải là mua bán hàng hóa, không được tiến hành kinh doanh theo phương thức kinh doanh đa cấp, trừ trường hợp pháp luật cho phép”[9].

Như vậy, doanh nghiệp chỉ được cung ứng dịch vụ thông qua phương thức BHĐC trong trường hợp pháp luật cho phép. Quy định này dường như còn rất mơ hồ, điều này sẽ làm khó cho các cơ quan quản lý khi xem xét tới việc cấp phép hoạt động cho các doanh nghiệp tổ chức BHĐC trong lĩnh vực

dịch vụ. Tuy nhiên, các nhà làm luật hạn chế loại hình dịch vụ trong phương thức BHĐC bởi lẽ trên thực tế thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp kinh doanh đa cấp đối với dịch vụ như đào tạo, du lịch, sim thẻ điện thoại…mà không đăng kí, không chịu sự quản lý, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền về quản lý hoạt động BHĐC. Những vi phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp đối với dịch vụ được xử lý thông qua Bộ Luật Hình Sự, khi mà hậu quả của hoạt động kinh doanh đa cấp để lại đã quá lớn, ảnh hưởng tới đông đảo người tham gia. Điển hình là các vụ việc liên quan tới các doanh nghiệp như Golden Rock (2006), Colony Invest (2007), MB24 (2012)[15].

Ngoài ra, đặc thù của hoạt động kinh doanh đa cấp đối với dịch vụ là việc sản phẩm dịch vụ chỉ xuất hiện khi có giao kết giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng dịch vụ.Vì vậy, các sản phẩm dịch vụ không xuất hiện trong các giao dịch của mạng lưới BHĐC. Do đó, về mặt biểu hiện, hoạt động kinh doanh đa cấp đối với dịch vụ có nhiều điểm tương tự đối với mô hình kim tự tháp là một mô hình kinh doanh đa cấp lừa đảo.

Về quy định giới hạn hàng hóa được phép kinh doanh theo phương thức đa cấp tuy đã có bổ sung về loại hàng hóa không được lưu thông là hàng đang bị áp dụng biện pháp khẩn cấp buộc thu hồi hoặc ngừng lưu thông nhưng lại chưa chỉ ra rõ ràng hàng hóa nào được phép lưu thông và loại trừ các trường hợp kinh doanh có điều kiện hoặc nhạy cảm. Quy định như vậy vừa thừa lại vừa không đủ.

2.3.2. Hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp

Với những ưu thế trong tổ chức kinh doanh so với các hình thức kinh doanh thương mại truyền thống như không cần chi phí lớn cho đầu tư cửa hàng, quảng cáo và dễ gây phong trào bột phát “người người tham gia, nhà nhà tham dự” vào hệ thống kinh doanh đa cấp khiến doanh thu bán hàng tăng đột biến, BHĐC đã thu hút đông đảo người quan tâm và muốn tham gia vào

hệ thống. Tuy nhiên không phải bất kỳ ai muốn tham gia vào hệ thống BHĐC đều được pháp luật cho phép.Cụ thể tại Điều 3 Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động BHĐC đã chỉ rõ người tham gia BHĐC. Như vậy, một trong những điều kiện ràng buộc để có thể tham gia vào mạng lưới BHĐC đó là người muốn tham gia phải ký kết hợp đồng với doanh nghiệp BHĐC. Theo đó, hợp đồng đồng tham gia BHĐC là thỏa thuận xác lập mối quan hệ giữa người muốn tham gia BHĐC và doanh nghiệp BHĐC trong hoạt động BHĐC.

Nội dung chính của hợp đồng là những thỏa thuận liên quan đến hoạt động BHĐC và những điều khoản bắt buộc phải có theo quy định tại Khoản 5 Thông tư 24/2014/TT-BCT như quy định về tên, địa chỉ trụ sở, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp BHĐC; thông tin về người tham gia BHĐC, các thông tin về hàng hóa; cách thức tính tiền hoa hồng, tiền thưởng; quyền và nghĩa vụ của hai bên; các trường hợp chấm dứt và thanh lý hợp đồng.

Pháp luật cũng đã cơ bản tạo được nền tảng pháp lý cho mối quan hệ giữa doanh nghiệp BHĐC với người tham gia bằng hợp đồng tham gia BHĐC. Hợp đồng này không là hợp đồng lao động theo pháp luật lao động, không là hợp đồng mua bán hàng hóa theo pháp luật dân sự hoặc pháp luật thương mại bởi chức năng cơ bản của hợp đồng tham gia BHĐC đó là:

“(i) Công cụ pháp lý để tổ chức mạng lưới BHĐC; doanh nghiệp đã sử dụng nó để xác lập tư cách cho người tham gia nhằm hình thành nên mạng lưới đa cấp.

(ii) Hợp đồng BHĐC là công cụ để doanh nghiệp thực hiện chiến lược phân phối, tiêu thụ hàng hóa mà doanh nghiệp đang kinh doanh. Bằng hợp đồng, doanh nghiệp đã trao cho người tham gia quyền được tiến hành các hoạt động tiếp thị, bán lẻ hàng hóa của mình và cam kết phân chia lợi ích cho người tham gia. Điều này cho thấy rằng, hợp đồng BHĐC không trực tiếp thực hiện chức năng mua bán hàng hóa. Người tham gia sẽ không là người

lao động và không là người mua hàng hóa cho doanh nghiệp. Lúc này, họ có tư cách độc lập với doanh nghiệp và hợp đồng được coi là căn cứ duy nhất để xác lập và điều chỉnh quan hệ giữa họ với doanh nghiệp”[21].

Các nhà làm luật của Việt Nam đã thực sự nỗ lực xây dựng cơ sở pháp lý ổn định, chắc chắn và an toàn cho hợp đồng BHĐC. Tính phổ biến, khả năng lan rộng của mạng tiếp thị đa cấp và cách thức tiêu thụ hàng hóa đặc thù của phương thức này đã đặt ra cho pháp luật nhiều vấn đề phải giải quyết để vừa có thể tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp mà vẫn phải giải quyết đề vừa có thể tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp mà vẫn phải đảm bảo trật tự thị trường, bảo vệ lợi ích chính đáng cho các chủ thể.

Có thể thấy hợp đồng BHĐC là một trong những công cụ quản lý BHĐC, theo đó cả doanh nghiệp và người tham gia BHĐC phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, phù hợp với quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tham gia hay thậm chí là phớt lờ quy định của pháp luật để không thực hiện việc ký kết hợp đồng với người tham gia BHĐC.Điển hình như trường hợp của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thiên Ngọc Minh Uy.

Quy trình để một khách hàng chính thức trở thành chuyên viên kinh doanh của Công ty là khách hàng đó phải ký một bản hợp đồng BHĐC với công ty này. Về bản chất, chuyên viên kinh doanh sẽ trở thành người đi bán các sản phẩm mà Thiên Ngọc Minh Uy được phép phân phối theo đăng ký kinh doanh. Đồng thời cùng việc ký kết hợp đồng BHĐC, phía Công ty Thiên Ngọc Minh Uy sẽ giới thiệu với khách hàng một chương trình khuyến mại cực khủng mang tên “Long Phụng Hòa Ca”. Quyền lợi khách hàng được hứa hẹn khi tham dự chương trình này vô cùng hấp dẫn. Chỉ cần đưa được 6 người nữa tham gia chương trình khuyến mại, chuyên viên kinh doanh sẽ được

thưởng 500 nghìn đồng. Con số này sẽ lũy tiến dần lên, đến khi có đủ 18 người tham gia sau thời điểm chuyên viên kinh doanh đã ký hợp đồng thì chuyên viên kinh doanh được thưởng tới 12 triệu đồng. Khi chuyên viên kinh doanh bỏ tiền mua sản phẩm, Thiên Ngọc Minh Uy lập tức dùng dấu đỏ đóng dòng chữ“Long Phụng Hòa Ca” vào hợp đồng BHĐC vừa ký giữa 2 bên.

Trong điều IV của bản hợp đồng này lại có điều khoản “Đối với những khách hàng mua vào thời điểm khuyến mãi hoặc những chương trình mang tính kích cầu sẽ không được đổi – trả theo quy định trên”. Đồng thời, trong đơn đặt hàng máy lọc nước Ozone của khách hàng vừa mua tiếp tục được Thiên Ngọc Minh Uy đóng dấu “Tham gia hoạt động không trả hàng”. Khi mọi quy trình này hoàn tất, khách hàng đã bị “trói” chặt, buộc phải “chạy đua” lôi kéo những người khác đến mua hàng để mong nhận được phần thưởng như khuyến mại của Thiên Ngọc Minh Uy đưa ra hoặc chịu nuốt “cục đắng” mất tiền dù trong hợp đồng, chuyên viên kinh doanh được quyền trả lại sản phẩm trong vòng 30 ngày và khách hàng là người tiêu dùng trực tiếp được trả lại hàng sau 5 ngày đã mua[27].

Chính sự vi phạm của doanh nghiệp đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tham gia, gây mất lòng tin của công chúng đối với doanh nghiệp kinh doanh đa cấp. Chính vì không có một khuôn mẫu hay chuẩn mực nhất định dành cho hợp đồng BHĐC nên các doanh nghiệp đã lợi dụng để tạo ra các điều khoản trói buộc người tham gia như ví dụ trên. Như vậy, dù có quy định về quyền chấm dứt hợp đồng của người tham gia thì họ cũng không thể thực hiện được bởi tâm lý mất tiền thì phải theo.

Một phần của tài liệu Pháp luật việt nam hiện hành về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp (Trang 54 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(75 trang)