Cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp

Một phần của tài liệu Pháp luật việt nam hiện hành về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp (Trang 58 - 61)

“Cơ quan Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương có trách nhiệm giúp Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động BHĐC trong phạm vi cả nước trong các nội dung:

- Cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC.

- Thu, quản lý và sử dụng lệ phí, lệ phí cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC theo quy định của pháp luật.

- Thông báo việc cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC tới các Sở Công Thương nơi doanh nghiệp tổ chức hoạt động BHĐC.

- Lưu trữ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC.

- Hướng dẫn, phối hợp với các Sở Công Thương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động BHĐC.

- Trực tiếp kiểm tra, giám sát hoạt động BHĐC khi cần thiết, xử lý theo thẩm quyền hoặc thông báo, chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động BHĐC.

- Xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan đến việc bảo đảm trật tự trong tổ chức hoạt động BHĐC, bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHĐC, Người tiêu dùng và giữ ổn định kinh tế - xã hội.

- Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật”[9]

Sở Công Thương có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động BHĐC tại địa phương trong các nội dung:

“- Thanh tra, kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền hoạt động BHĐC tại địa phương.

- Xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật.

- Báo cáo Bộ Công Thương về việc tiếp nhận hồ sơ thông báo hoạt động của doanh nghiệp BHĐC tại địa phương.

- Báo cáo theo định kỳ hàng năm với Bộ Công Thương về kết quả kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý hoạt động BHĐC trên địa bàn.

- Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật”[9].

Sở dĩ pháp luật về quản lý hoạt động BHĐC có sự thay đổi về cơ quan quản lý theo Nghị định số 42/2014/NĐ-CP nhằm thay thế cho Nghị định 110/NĐ-CP và Thông tư 19/2005/ TT-BTM là do trên thực tế trong quá trình cấp giấy chứng nhận đăng ký tổ chức BHĐC mỗi Sở Công Thương lại có những đánh giá khác nhau khi xem xét các điều kiện cấp giấy đăng ký tổ chức BHĐC theo quy định tại Điều 14, Nghị định 110/2005/NĐ-CP. Một chương trình bán hàng của doanh nghiệp BHĐC có thể được Sở Công Thương tại một tỉnh công nhận nhưng lại không được Sở Công Thương tỉnh khác công nhận.

Trong hầu hết các trường hợp, Sở Công Thương tại các địa phương nơi doanh nghiệp đó thông báo mở rộng hoạt động BHĐC sẽ chấp nhận cho doanh nghiệp tổ chức hoạt động BHĐC trên địa bàn quản lý của mình khi doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các thủ tục thông báo. Điều này có thể sẽ gây bất lợi cho một lượng lớn người tham gia vào mạng lưới BHĐC của doanh nghiệp đó khi thực hiện theo chương trình bán hàng đã được Sở Công Thương nơi cấp giấy đăng ký tổ chức BHĐC công nhận.

Quy định mới về Cơ quan Quản lý nhà nước đối với hoạt động BHĐC đã thay đổi toàn diện về hoạt động quản lý cấp giấy chứng nhận đăng ký tổ chức BHĐC.

Thứ nhất, thẩm quyền cấp phép được chuyển về Bộ Công Thương nhằm thống nhất quản lý hoạt động BHĐC trong cả nước. Việc tập trung quản lý tại Bộ Công Thương sẽ giúp tránh được bất cập còn tồn tại ở Nghị định 110/2005/NĐ-CP. Đồng thời, quy định này hạn chế được các lỗ hổng trong công tác quản lý cấp giấy chứng nhận đăng ký tổ chức BHĐC, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình mở rộng hoạt động BHĐC của mình ra các địa phương khác.

Thứ hai, các yêu cầu về hồ sơ cũng được sửa đổi nhằm giảm thiểu gánh nặng cho doanh nghiệp, đặc biệt là yêu cầu liên quan tới các đối tượng là người nước ngoài tham gia quản lý doanh nghiệp.

Trên cơ sở đánh giá tác động đã nêu trên, tác giả nhận thấy quy định mới về Cơ quan Quản lý hoạt động BHĐC tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với những yêu cầu cấp thiết từ thực tế đặt ra.

Một phần của tài liệu Pháp luật việt nam hiện hành về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp (Trang 58 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(75 trang)