Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp quy định điều kiện đối với người tham gia bán hàng đa cấp theo Điều 19. Điều kiện đối với người tham gia bán hàng đa cấp:
“Người tham gia bán hàng đa cấp là cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Những trường hợp sau không được tham gia bán hàng đa cấp:
1. Người đang chấp hành hình phạt tù hoặc có tiền án về các tội sản xuất, buôn bán hàng giả, quảng cáo gian dối, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa dối khách hàng, các tội về lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản.
2. Người nước ngoài không có Giấy phép lao động tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền cấp.”[9].
Với quy định trên, pháp luật về BHĐC ở Việt Nam không cấm cán bộ, công chức tham gia vào mạng lưới bán hàng. Quy định này đã mở rộng đối tượng được tham gia vào mạng lưới BHĐC của doanh nghiệp BHĐC và cũng là quy định muốn tạo điều kiện cho cán bộ công chức có thêm công việc mới có thể làm ngoài giờ hành chính để tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống vật chất của bản thân và gia đình. Tuy nhiên, việc pháp luật về BHĐC không cấm cán bộ, công chức tham gia vào mạng lưới bán hàng chưa hẳn đã là hợp lý vì những lí do sau đây:
Thứ nhất, xuất phát từ đặc trưng của phương thức BHĐC là bán hàng trực tiếp từ cá nhân đến cá nhân dựa trên cơ sở khai thác mối quan hệ giữa con người với con người nên cán bộ, công chức (những người ít nhiều có nhiều uy tín, địa vị, có mối quan hệ rộng) rất dễ thành công và khi đã được doanh nghiệp BHĐC trả tiền thưởng, tiền hoa hồng thì họ có thể sẽ ra giúp đỡ doanh nghiệp, điều này dẫn tới các hiện tượng tiêu cực trong công việc của các cán bộ, công chức. Hơn nữa, cán bộ, công chức một khi đã tham gia vào mạng lưới BHĐC thì có thể họ sẽ giới thiệu hoặc chào bán hàng hóa cho cán bộ công chức cấp dưới, trường hợp này chắc hẳn cấp dưới của họ khó có thể từ chối. Thậm chí, họ có thể chào bán sản phẩm ngay tại công sở của mình, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới công việc chung, khiến người cán bộ, công chức tham gia mạng lưới BHĐC khó có thể toàn tâm toàn ý phục vụ công việc mà Nhà nước giao phó và có thể gây mất lòng tin cho công chúng.
Thứ hai, việc cho phép cán bộ, công chức tham gia vào mạng lưới BHĐC có thể làm cho môi trường kinh doanh nói chung và hoạt động BHĐC nói riêng có nguy cơ không lành mạnh và đây là lí do mà pháp luật về doanh nghiệp cấm cán bộ, công chức thành lập và quản lý doanh nghiệp. Nghĩa là
pháp luật về doanh nghiệp không cho phép cán bộ công chức trực tiếp hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp đồng thời không được làm người quản lý và điều hành doanh nghiệp để bảo đảm cho môi trường kinh doanh lành mạnh, tránh các hiện tượng tiêu cực trong kinh doanh.
Trách nhiệm của người tham gia BHĐC, được quy định theo Điều 23 Nghị định 42/2014/NĐ-CP quy định trách nhiệm của người tham gia bán hàng đa cấp như sau:
1. Xuất trình thẻ thành viên trước khi giới thiệu hàng hóa hoặc tiếp thị bán hàng.
2. Cung cấp đầy đủ những thông tin về doanh nghiệp và hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp của doanh nghiệp khi bảo trợ một người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp.
3. Thông tin trung thực, chính xác về hàng hóa được chào bán.
4. Tuâ n thủ quy định trong quy tắc hoạt động, Chương trình trả thưởng của doanh nghiệp.
5. Trường hợp không tuân thủ các quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định này và Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều này và gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc người tham gia bán hàng đa cấp khác, người tham gia bán hàng đa cấp có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra theo quy định của pháp luật.
6. Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.[9].
Những hành vi bị cấm đối với người tham gia BHĐC cũng được quy định tại Khoản 2 Điều 5 của Nghị định 42/2014/NĐ-CP.
Pháp luật về BHĐC cấm người tham gia BHĐC yêu cầu người muốn tham gia BHĐC phải trả một khoản tiền nhất định nào, dưới bất kì hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới BHĐC.
Pháp luật cũng cấm người tham gia cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia BHĐC để dụ dỗ người tham gia khác tham gia BHĐC.
Việc tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị khách hàng, hội thảo…phải được doanh nghiệp ủy quyền bằng văn bản. Cấm lợi dụng chức vụ quyền hạn, địa vị xã hội để yêu cầu người khác tham gia vào mạng lưới BHĐC hoặc mua hàng kinh doanh theo phương thức BHĐC.
Nhìn chung những quy định mới về cấm người tham gia BHĐC đã đáp ứng được phần nào những điểm nóng nổi cộm của BHĐC hiện nay.