CHƯƠNG I: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ THỎA THUẬN HẠN CHẾ CẠNH TRANH TRONG HỢP ĐỒNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI
1.2 Khái quát về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại
1.2.3 Đặc điểm của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại
Để hiểu về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại thì trước tiên cần phải nhận diện các thỏa thuận này thông qua những đặc trưng pháp lý của các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại hay nói cách khác đó là các đặc điểm của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại.
Qua việc tìm hiểu, các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại có các đặc trưng pháp lý sau đây:
Thứ nhất, chủ thể của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại là các doanh nghiệp hoạt động độc lập, cùng trên thị trường liên quan và cùng tham gia vào hoạt động nhượng quyền.
Chủ thể của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại là các doanh nghiệp, trong đó một bên được gọi là bên nhượng quyền sở hữu thương hiệu, bí quyết kinh doanh, hệ thống phân phối sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ..., bên còn lại là bên nhận quyền phải trả một khoản phí nhất dịnh hay số % doanh thu của mình cho bên nhượng
quyền để đổi lại bên này sẽ được bên nhượng quyền cho phép sử dụng thương hiệu, hệ thống tiếp thị, mô hình kinh doanh...
Bên nhượng quyền và bên nhận quyền trong các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại phải là các doanh nghiệp cùng trên “thị trường liên quan”. Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật cạnh tranh năm 2004 thì:
“Thị trường liên quan bao gồm thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan. Thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thể cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả. Thị trường địa lý liên quan là một khu vực địa lý cụ thể trong đó có những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau với các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực lân cận”.
Các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại phải là các doanh nghiệp hoạt động độc lập với nhau, không phải là các doanh nghiệp liên quan của nhau theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Sẽ không coi là doanh nghiệp độc lập nếu đó là các doanh nghiệp cùng trong một tập đoàn kinh doanh, là thành viên cùng trong một tổng công ty...
Thứ hai, bên nhượng quyền và bên nhận quyền đã có sự “thỏa thuận” để hạn chế cạnh tranh.
Mang đặc điểm của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, theo đó ,ở thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại, bên nhượng quyền và bên nhận quyền đã có sự bày tỏ ý chí trước bên còn lại và cũng mong muốn chủ thể phía bên kia chấp nhận ý chí của mình về các nội dung liên quan đến hạn chế cạnh tranh.
Sự thỏa thuận này là kết quả của quá trình đàm phán, thương lượng của bên nhượng quyền với bên nhận quyền liên quan đến một nội dung cụ
thể như thỏa thuận về giá bán hàng hóa/cung ứng dịch vụ, điều khoản về phân chia khu vực kinh doanh, điều khoản hạn chế số lượng đầu vào và đầu ra của sản phẩm... Như vậy, đã có sự thống nhất ý chí giữa hai bên để cùng đưa ra nội dung các thỏa thuận.
Thứ ba, mục đích của sự thỏa thuận là nhằm hạn chế cạnh tranh giữa các bên tham gia hệ thống nhượng quyền thương mại.
Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại như ở đặc điểm trên đã nêu, đó là sự thống nhất ý chí giữa các bên nhượng quyền và bên nhận, ngoài việc nhằm bảo vệ trực tiếp lợi ích của bên nhượng quyền, các thỏa thuận này đồng thời loại bỏ quyền của bên nhận quyền đồng thời ngăn cản, kìm hãm các doanh nghiệp tiềm năng khác không tham gia vào thỏa thuận.
Có thể thấy, đối với điều khoản ấn định giá bán hàng hóa/cung ứng dịch vụ, với lý do nhằm đảm bảo tính thống nhất của cả hệ thống, bên nhượng quyền đưa ra các quy định nhằm loại bỏ sự cạnh tranh về giá của các bên nhận quyền trong toàn hệ thống. Hay điều khoản quy định về việc bên nhận quyền yêu cầu bên nhượng quyền chỉ được nhượng quyền cho một bên nhận quyền duy nhất trong một phạm vi nhất định nhằm tránh nguy cơ phải đối mặt với các đối thủ cạnh tranh mạnh hơn mình. Hoặc để duy trì tính đặc trưng và uy tín của mạng lưới nhượng quyền, bên nhượng quyền không chỉ có trách nhiệm cung cấp cho bên nhận quyền bí quyết và kỹ thuật chế biến, nấu nướng, mà còn cung cấp cả nghĩa vụ mua nguyên liệu từ bên nhượng quyền hoặc bên thứ ba do bên nhượng quyền chỉ định.
Việc đặt ra các tiêu chuẩn đối với hàng hóa, dịch vụ là đối tượng của hợp đồng nhượng quyền nhìn chung là có lợi cho người tiêu dùng và có thể làm cho thị trường hoạt động một cách hiệu quả hơn. Nó giúp người tiêu dùng có nhiều thông tin, giúp họ đưa ra các quyết định chính xác hơn về sản phẩm mà họ dự định mua đồng thời tiêu chuẩn đó làm cho cung cầu thị
trường cân bằng nhanh hơn và lợi ích công nghệ mới được sử dụng hiệu quả cao hơn nhưng điều đó cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng gia nhập thị trường của các chủ thể không được chỉ định bởi bên nhượng quyền.
Thứ tư, về hình thức biểu hiện của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại.
Luật mẫu về cạnh tranh của Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc quy định hình thức của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có thể bất kể là bằng miệng hay bằng văn bản, chính thức hay không chính thức. Luật cạnh tranh của Việt Nam cũng như của nhiều quốc gia khác không đề cập đến hình thức biểu hiện của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, mà chỉ xác định là các thỏa thuận hạn đó nhằm hạn chế cạnh tranh. Nói cách khác, Luật cạnh tranh của Việt Nam không nói tới thỏa thuận hạn chế cạnh tranh phải thể hiện bằng văn bản, bằng miệng, bằng hành vi cụ thể hay bất cứ một hình thức nào khác. Như vậy theo quy định của pháp luật Việt Nam thì hình thức biểu hiện ra bên ngoài của các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh không được coi là tiêu chí bắt buộc đối với các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.
Điều 285 Luật thương mại 2005 quy định hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập thành văn bản hoặc các hình thức pháp lý có giá trị tương đương.
Như vậy, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại được ghi nhận trong các điều khoản của hợp đồng nhượng quyền thương mại. Chính vì vậy, thỏa thuận này sẽ được thể hiện dưới hình thức bằng văn bản. Điều này phù hợp với tình hình hoạt động nhượng quyền thương mại ở Việt Nam hiện nay vì đây là hoạt động khá phức tạp đối với các doanh nghiệp Việt Nam, chỉ bằng hình thức văn bản mới có thể ghi thỏa thuận của các bên một cách rõ ràng, cụ thể từ đó xác
định được đâu là các thỏa thuận có nội dung hạn chế cạnh tranh. Giúp nhà nước quản lý tốt hơn các thỏa thuận dạng này.