CHƯƠNG II THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT ĐIỀU CHỈNH THỎA THUẬN HẠN CHẾ CẠNH TRANH TRONG HỢP ĐỒNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM
2.2 Những bất hợp lý trong quy định điều chỉnh thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam 57 CHƯƠNG III : MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ THỎA THUẬN HẠN CHẾ CẠNH TRANH
Chế định về nhượng quyền thương mại trong Luật Thương mại 2005 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành của Việt Nam được ban hành gần đây chỉ quy định một cách chung nhất quyền và nghĩa vụ của các bên, đặc biệt nhấn mạnh đến nghĩa vụ cung cấp thông tin và hợp đồng nhượng quyền thương mại mẫu của bên nhượng quyền, chưa có các quy định về vấn đề áp dụng pháp luật cạnh tranh trong nhượng quyền thương mại. Do đó, các điều khoản hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại, cũng như các hành vi hạn chế cạnh tranh phát sinh trong quá trình hoạt động nhượng quyền thương mại sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật cạnh tranh. Tuy nhiên pháp luật cạnh tranh của Việt Nam hiện nay còn có một số bất hợp lý nếu được áp dụng trong hoạt động nhượng quyền thương mại.
Thứ nhất, bất hợp lý liên quan đến khoản 6 và 7 Điều 8 Luật cạnh tranh năm 2004. Các phân tích pháp luật cạnh tranh của Mỹ và Liên minh Châu Âu EU trong hoạt động nhượng quyền thương mại ở Phần 2 và 3 trên đây cho thấy các hạn chế cạnh tranh liên quan đến nghĩa vụ không cạnh tranh của bên nhận quyền, các hạn chế về khu vực kinh doanh, về khách hàng trong hợp đồng nhượng quyền thương mại thường được xem là không vi phạm pháp luật cạnh tranh. Thực chất các hạn chế cạnh tranh này, trong một chừng mực nhất định, là các thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm không cho doanh nghiệp khác (bên nhượng quyền khác, và bên nhận quyền khác) tham gia thị trường, phát triển kinh doanh hoặc loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên của thỏa thuận. Điều đó có nghĩa là những hạn chế này rơi vào trường hợp thỏa thuận hạn chế cạnh tranh quy định tại khoản 6 và 7 Luật cạnh tranh năm 2004, Điều 19, 20 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP, bị cấm, và không được miễn trừ theo quy định tại khoản 1 Điều 9 và khoản 1 Điều 10 Luật cạnh tranh năm 2004.
Theo lập luận của các tòa án ở Mỹ và Liên minh Châu Âu EU như đã trình bày, những hạn chế cạnh tranh dạng này trong thỏa thuận theo chiều dọc nói chung và trong hợp đồng nhượng quyền thương mại nói chung là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong thỏa thuận, khuyến khích và tạo động lực cho các bên đầu tư, phát triển kinh doanh. Nếu không cho phép những hạn chế cạnh tranh dạng này thì bên nhượng quyền sẽ không muốn chuyển giao quyền thương mại của mình, đồng thời bên nhận quyền cũng không dám bỏ vốn đầu tư ban đầu để mở cửa hàng nhượng quyền thương mại, qua đó, sẽ hạn chế hoạt động nhượng quyền thương mại ở Việt Nam.
Không những thế, nếu vận dụng máy móc quy định tại khoản 6 và 7 Điều 8 Luật cạnh tranh năm 2004 sẽ tạo nên mâu thuẫn giữa Luật cạnh tranh năm 2004 và pháp luật về nhượng quyền thương mại. Pháp luật về
nhượng quyền thương mại thường cho phép hợp đồng nhượng quyền thương mại quy định nghĩa vụ của bên nhận phải mua (hoặc thuê) nguyên vật liệu đầu vào, thiết bị cần thiết từ bên nhượng quyền hay bên thứ ba do bên nhượng quyền chỉ định để phù hợp với hệ thống nhượng quyền thương mại. Một ví dụ cụ thể của quy định này là việc Công ty Cà phê Trung Nguyên có thể buộc các cửa hàng cà phê Trung Nguyên phải mua cà phê của Công ty để chế biến, pha cà phê tại cửa hàng. Nghĩa vụ này là hợp lý nhằm đảm bảo bản sắc, chất lượng và uy tín của cả hệ thống nhượng quyền thương mại, được pháp luật về nhượng quyền thương mại cho phép. Tuy nhiên nghĩa vụ đó lại rơi vào khoản 6 và/hoặc khoản 7 Điều 8 Luật cạnh tranh năm 2004 và mặc nhiên bị cấm.
Thứ hai, bất hợp lý liên quan đến quy định về ràng buộc bán kèm. Theo khoản 5 Điều 8 Luật cạnh tranh năm 2004, khoản 2 Điều 18 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP, nếu bên nhượng quyền có thị phần trên thị trường liên quan từ 30% trở lên thì quy định bắt buộc bán kèm trong hợp đồng nhượng quyền thương mại bị cấm theo khoản 2 Điều 9, nhưng có thể được miễn trừ theo khoản 1 Điều 10 Luật cạnh tranh năm 2004, vì ràng buộc bán kèm trong nhượng quyền thương mại thường có mục đích hợp lý hóa mô hình kinh doanh (điểm a khoản 1 Điều 10), và/hoặc thúc đẩy việc áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn chất lượng, định mức kỹ thuật của chủng loại sản phẩm (điểm c khoản 1 Điều 10). Không những thế, Nghị định số 35/2006/NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động nhượng quyền thương mại cho phép bên nhượng quyền có quyền từ chối chuyển giao quyền thương mại nếu bên dự kiến nhận quyền (i) chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn lựa chọn của bên nhượng quyền, hay (ii) không đồng ý sẽ tuân thủ các nghĩa vụ của bên nhận quyền theo hợp đồng nhượng quyền thương mại mẫu. Như vậy, khi bên nhượng quyền khi có thị phần lớn, có khả năng chi phối bên nhận quyền (tức bên nhận quyền ở vào vị thế yếu hơn so với bên nhượng
quyền khi giao kết hợp đồng nhượng quyền thương mại), bên nhượng quyền có thể áp đặt những ràng buộc bán kèm, dù bất hợp lý, trong khi bên nhận quyền thường không có sự lựa chọn khả thi nào khác. Và các ràng buộc bán kèm bất hợp lý đó vẫn có thể không vi phạm chế định thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong Luật cạnh tranh 2004 vì bên nhượng quyền sẽ viện dẫn điểm a và c, khoản 1 Điều 10 Luật cạnh tranh năm 2004 để biện minh cho hạn chế cạnh tranh đó.
Ngoài ra, khi bên nhượng quyền có thị phần trên thị trường liên quan từ 30% trở lên thì nó được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật cạnh tranh 2004. Do đó, hành vi bán kèm của bên nhượng quyền sẽ vi phạm khoản 5 Điều 13 Luật cạnh tranh năm 2004, khoản 2 Điều Nghị định số 116/2005/NĐ-CP, và bị cấm nếu sản phẩm được bán kèm “không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng” hay “nằm ngoài phạm vi cần thiết để thực hiện hợp đồng”. Đối tượng của hợp đồng nhượng quyền thương mại chính là quyền thương mại của bên nhượng quyền, hay “cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền”. Do đó, ví dụ nếu Công ty Cà phê Trung Nguyên buộc bên nhận quyền phải mua cà phê Trung Nguyên để chế biến và pha cà phê thì ràng buộc bán kèm đó là cần thiết, liên quan đến đối tượng hợp đồng. Tuy nhiên, giả sử Công ty Cà phê Trung Nguyên có vị trí thống lĩnh thị trường trên thị trường liên quan, và khi chuyển giao quyền thương mại, Công ty này buộc các bên nhận quyền phải trang bị hệ thống chấp nhận thanh toán bằng thẻ ngân hàng, đồng thời phải mua mua thiết bị (máy đọc thẻ) và ký hợp đồng thanh toán thẻ với duy nhất Ngân hàng Ngoại thương, thì ràng buộc đó có liên quan đến đối tượng của hợp đồng nhượng quyền thương mại hay không, có cần thiết để thực hiện hợp đồng nhượng quyền
thương mại hay không khi vẫn tồn tại những quy định tương tự nhưng ít hạn chế cạnh tranh hơn, ví dụ như vẫn có thể bắt buộc trang bị hệ thống thanh toán bằng thẻ ngân hàng, nhưng bên nhận quyền có quyền giao kết với bất kỳ ngân hàng nào được phép phát hành và thanh toán thẻ quốc tế theo quy định của Ngân hàng Nhà nước? Như vậy, khi bên nhượng quyền có vị trí thống lĩnh thị trường, có thể xuất hiện tình trạng hành vi bắt buộc bán kèm của bên nhượng quyền vi phạm khoản 5 Điều 13 Luật cạnh tranh năm 2004, nhưng lại được phép theo quy định của pháp luật về nhượng quyền thương mại, đặc biệt là khi việc giải thích khái niệm “không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng” và khái niệm “phù hợp với hệ thống kinh doanh do bên nhượng quyền quy định” không có sự đồng nhất.
Chương III
MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN
CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ THỎA THUẬN HẠN CHẾ CẠNH TRANH TRONG HỢP ĐỒNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI
Ở VIỆT NAM