Sự cần thiết của Pháp luật điều chỉnh thỏa thuận hạn chế cạnh

Một phần của tài liệu Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 41 - 44)

CHƯƠNG I: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ THỎA THUẬN HẠN CHẾ CẠNH TRANH TRONG HỢP ĐỒNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI

1.4 Sự cần thiết của Pháp luật điều chỉnh thỏa thuận hạn chế cạnh

Thứ nhất, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của các chủ thể Tự do kinh doanh luôn bao hàm trong nó quyền tự do hợp đồng. Các chủ thể tham gia thị trường hoàn toàn có thể chủ động trong việc liên kết, thiết lập và thực hiện các chiến lược kinh doanh của mình một cách hiệu quả. Nhà nước và pháp luật không những không can thiệp mà còn phải xây dựng các cơ chế bảo hộ cho hoạt động nói trên.

Trong hoạt động nhượng quyền thương mại, do đối tượng của hợp đồng là các quyền liên quan đến sở hữu trí tuệ nên bên nhượng quyền luôn yêu cầu bên nhận quyền phải thực sự trung thành với lợi ích của mình bằng cách không được thực hiện các hành vi nhằm cố ý mang lại lợi ích cho đối thủ cạnh tranh của bên nhượng quyền đồng thời bên nhận quyền cũng yêu cầu bên nhượng quyền không được nhượng quyền cho người thứ ba trong một phạm vi lãnh thổ nhất định. Cho nên, khi xây dựng các điều khoản trong hợp đồng nhượng quyền các bên đều hướng đến những mục đích xác định nhằm loại bỏ khỏi thị trường đối thủ cạnh tranh của các bên, hạn chế các bên không nằm trong hệ thống tham gia vào thị trường…chính các điều khoản ấy có nguy cơ đe dọa sự tự do, quyền và lợi ích chính đáng của

người khác. Vì vậy, cần phải có sự điều chỉnh của pháp luật đối với các thỏa thuận liên quan đến hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại.

Thứ hai, tạo sự cân xứng về các lợi ích mà pháp luật bảo vệ.

Hoạt động nhượng quyền thương mại được xem là một trong những phương thức kinh doanh an toàn và hiệu quả đối với các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường. Do vậy, hoạt động nhượng quyền thương mại ngày càng phát triển mạnh mẽ và bùng nổ tại những thị trường mới. Bên cạnh những ưu điểm của mình, hoạt động nhượng quyền thương mại cũng đặt bên nhượng quyền trước những nguy cơ mất uy tín, thương hiệu, mất quyền sở hữu các quyền thương mại đồng thời bên nhượng quyền còn có thể chịu rủi ro của việc “ngư ông đắc lợi” tức là một hoặc một số doanh nghiệp (như bên nượng quyền) phải mất nhiều chi phí đầu tư ban đầu để cải tiến, quảng cáo, thiết lập thị trường xây dựng thương hiệu…trong khi một số doanh nghiệp (bên nhận quyền hoặc các đối thủ cạnh tranh của bên nhượng quyền) chỉ ăn theo không tốn chi phí đầu tư ban đầu, mà lại được hưởng lợi từ sự đầu tư ban đầu của bên nhượng quyền. Có thể lấy ví dụ về hệ thống cửa hàng cà phê Trung Nguyên, thương hiệu này đã có khoảng 1000 cửa hàng nhượng quyền thương mại trong và ngoài nước, nhưng cũng đã có đến vài trăm cửa hàng Trung Nguyên giả mà chưa có biện pháp xử lý.

Điều này khiến cho bên nhượng quyền phải chia sẻ lợi nhuận và không còn động lực để đầu tư phát triển, do vậy, bên nhượng quyền phải được phép thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo quyền lợi của mình bằng cách yêu cầu bên nhận quyền phải chấp nhận một số hạn chế nhất định về địa điểm kinh doanh, không bán các sản phẩm cùng loại của đối thủ cạnh tranh, không được cạnh tranh với bên nhượng quyền…

Về nguyên tắc, các thỏa thuận gây hạn chế cạnh tranh cần được kiểm soát và loại trừ. Tuy nhiên, xuất phát từ tính chất tương đối phức tạp và đặc biệt của hoạt động nhượng quyền, pháp luật cần thừa nhận và bảo vệ một số thỏa thuận nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ nhượng quyền. Pháp luật cần cho phép các bên thỏa thuận, ghi nhận một số điều khoản ràng buộc mang tính hạn chế cạnh tranh đặc biệt khi điều khoản đó là cần thiết nhằm duy trì tính đồng bộ của hệ thống nhượng quyền và quyền kiểm soát hợp lý của bên nhượng đối với các quyền sở hữu trí tuệ của mình. Nếu không cho phép những hạn chế cạnh tranh đó thì bên nhượng quyền sẽ không muốn chuyển giao quyền thương mại của mình, đồng thời bên nhận quyền cũng không dám bỏ vốn đầu tư ban đầu để mở cửa hàng nhượng quyền thương mại, qua đó sẽ hạn chế sự phát triển của hoạt động nhượng quyền.

Thứ ba, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Để có thể phát triển được hệ thống nhượng quyền thương mại, các chủ thể buộc phải ghi nhận những điều khoản trong hợp đồng với những tính chất đặc biệt ràng buộc lẫn nhau trong một quá trình nhất định.

Về nguyên tắc, các điều khoản hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại được coi là quyền và nghĩa vụ của các bên. Tuy nhiên, sự thừa nhận đối với các thỏa thuận nhượng quyền thương mại có tính chất hạn chế cạnh tranh chỉ dừng lại ở một giới hạn nhất định. Vì vậy, pháp luật phải đạt được sự cân bằng, hợp lý giữa các quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và đặc thù của hoạt động nhượng quyền thương mại nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của bên nhượng quyền đối với các tài sản sở hữu trí tuệ của mình đồng thời cũng cân nhắc đến các trường hợp bên nhượng quyền lạm dụng quyền này để thực hiện các hành vi hạn chế cạnh tranh, xâm hại đến môi trường cạnh tranh.

Một phần của tài liệu Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 41 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(77 trang)