CHƯƠNG II THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT ĐIỀU CHỈNH THỎA THUẬN HẠN CHẾ CẠNH TRANH TRONG HỢP ĐỒNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM
3.2 Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại ở Việt Nam
3.2.2 Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định về thỏa thuận phân phối và cung ứng độc quyền
Để bảo vệ bên yếu thế (bên nhận quyền) và điều hòa lợi ích chung của thị trường, các quy định chung của pháp luật về hợp đồng và pháp luật cạnh tranh cùng có thể được áp dụng để trừng phạt trực tiếp hoặc gián tiếp các hành vi áp đặt cung cấp sản phẩm. Trên thực tế, thỏa thuận phân phối và cung ứng độc quyền là một thỏa thuận hợp đồng nên nó phải tuân thủ tất cả các điều kiện do Bộ luật dân sự quy định. Bên cạnh đó, điều khoản này cũng chứa những nội dung có thể cản trở tự do cạnh tranh, nên cũng phải tuân theo các điều kiện do pháp luật cạnh tranh quy định .
Như vậy, để kiểm soát các thỏa thuận phân phối và cung ứng độc quyền cần kiểm soát thông qua các quy định của pháp luật hợp đồng.
Cũng như mọi loại thỏa thuận khác, điều khoản độc quyền cung cấp sản phẩm phải có nội dung và mục đích hợp pháp. Đây là các điều kiện được quy định tại điều 1108 Bộ luật dân sự Pháp và điều 122 Bộ Luật dân sự năm 2005 của Việt Nam.
Tại Việt Nam, Thông tư số 09 ngày 25/5/2006 hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại quy định bên nhượng quyền phải nêu rõ các trang thiết bị mà bên nhận quyền phải mua hoặc thuê để “phù hợp với hệ thống kinh doanh do bên nhượng quyền quy định”. Tuy nhiên, Thông tư này lại không có quy định nào về độc quyền cung cấp sản phẩm.
Vậy, phải chăng bên nhượng quyền có thể áp đặt cho bên nhận quyền mua bất kỳ sản phẩm nào và với bất kỳ số lượng nào? Pháp luật dân sự không cho chúng ta câu trả lời. Trên thực tế, đã thấy có những hợp đồng nhượng quyền thương mại quy định tất cả các bên nhận quyền chỉ bán các sản phẩm của bên nhượng quyền, mặc dù trên thị trường có những sản phẩm tương tự với giá cạnh tranh hơn. Mặc dù điều khoản độc quyền này không có hậu quả là một sự phân chia lớn các nguồn cung cấp hàng hóa trên thị trường (vì trong nhiều trường hợp bên nhượng quyền chiếm thị phần nhỏ), và như vậy không chịu sự trừng phạt của pháp luật cạnh tranh, nhưng nó lại ảnh hưởng đến lợi ích của bên nhận quyền và của khách hàng. Pháp luật thực định của Việt Nam chưa có những quy định điều chỉnh hiệu quả các loại thỏa thuận này.
Như vậy, trong hợp đồng nhượng quyền thương mại, điều khoản độc quyền không nên được coi như là một điều khoản nhằm mục đích bán hàng thông thường. Đúng là bên nhượng quyền (bên bán) mong muốn thu được một khoản tiền từ việc bán sản phẩm, còn bên nhận quyền (bên mua) muốn sở hữu hàng của bên nhượng quyền để bán lại. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của điều khoản độc quyền cung cấp trong nhượng quyền thương mại không phải là mua để bán lại, mà là nhằm đảm bảo tính đồng nhất của hệ thống. Nếu vượt ra ngoài mục đích này, điều khoản phải bị coi là vô hiệu vì không có mục đích chính đáng. Đây cũng là những lập luận thường xuyên được Tòa án Pháp áp dụng.
Tại Pháp, để có hiệu lực, điều khoản độc quyền cung cấp sản phẩm phải tuân thủ hai điều kiện cơ bản. Thứ nhất, bên nhượng quyền phải chứng minh độc quyền sản phẩm là cần thiết để bên nhận quyền có thể khai thác được mô hình kinh doanh theo đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật, và để duy trì sự đồng nhất cũng như uy tín của hệ thống. Thứ hai, không thể tìm thấy trên thị trường những sản phẩm thay thế đảm bảo chất lượng theo các quy định của bên nhượng quyền. Điều này có nghĩa là nếu trên thị trường có những sản phẩm tương tự sản phẩm của bên nhượng quyền, thì bên nhượng quyền không được buộc bên nhận quyền chỉ mua và bán lại sản phẩm của mình.
Phán quyết ngày 2/7/2002 của Tòa tối cao Pháp cho thấy điều này.
Cụ thể, công ty Intercaves đã ký ba hợp đồng trao cho bên nhận quyền quyền phân phối độc quyền các sản phẩm tại thành phố Lorient khu vực phía Lanester và Languidic Hennebont. Lấy lý do bên nhận quyền chưa thanh toán đủ tiền hàng, bên nhượng quyền thông báo sẽ tạm dừng giao hàng. Về phần mình, bên nhận quyền đã kiện bên nhượng quyền ra tòa án đòi hủy hợp đồng. Sau rất nhiều tranh cãi, vụ việc được đưa lên xét xử tại Tòa tối cao Pháp. Tòa Tối cao đã đồng tình với bản án của cấp phúc thẩm tuyên hủy hợp đồng vì điều khoản độc quyền cung cấp sản phẩm “không cần thiết để duy trì sự đồng nhất và uy tín của hệ thống” và “xét bản chất của các sản phẩm đối tượng của hợp đồng, hoàn toàn có thể tìm thấy các sản phẩm cùng loại cùng chất lượng trên thị trường”[22,tr54].
Như vậy, theo nguyên tắc tự do giao kết, các bên trong hợp đồng nhượng quyền thương mại được tự do ấn định các nội dung trong thỏa thuận của mình. Tại Việt Nam, pháp luật dân sự và pháp luật thương mại không có quy định nào cấm các thỏa thuận độc quyền sản phẩm. Ở Pháp, quyền tự do này phải được thực hiện trong các giới hạn nhất định. Bên nhượng quyền, được coi là bên mạnh thế trong hợp đồng, không được lạm
dụng thế mạnh của mình để buộc bên nhận quyền phải mua sản phẩm của mình hoặc của nhà cung cấp do mình chỉ định. Thực tiễn xét xử tại Pháp đã cho thấy trong nhiều trường hợp, thẩm phán áp dụng các quy định chung của pháp luật dân sự để trừng phạt các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Giải pháp này có ưu điểm là thẩm phán sẽ không phải xem xét xem liệu thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng nhượng quyền thương mại có phải là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hay không, và nếu đó là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh thì thỏa thuận đó có thuộc trường hợp được miễn trừ hay không (một công việc không hề dễ dàng và mất nhiều thời gian). Việc áp dụng các quy định của pháp luật hợp đồng này cũng phát huy hiệu quả đối với các thỏa thuận nhỏ, thuộc phạm vi miễn trừ của pháp luật cạnh tranh. Như vậy, pháp luật hợp đồng, thông qua việc bảo vệ bên yếu thế, đã gián tiếp bảo vệ thị trường khỏi các hành vi bóp méo tự do cạnh tranh. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp bên nhượng quyền chứng minh được rằng điều khoản độc quyền sản phẩm là cần thiết để đảm bảo sự đồng nhất của hệ thống và không có các sản phẩm thay thế trên thị trường. Lúc này, các quy định của pháp luật cạnh tranh sẽ được áp dụng và có thể sẽ gián tiếp giúp giải phóng một bên trong hợp đồng khỏi sự phụ thuộc vào bên kia.