Quy định điều chỉnh về các thỏa thuận phân phối và cung ứng độc quyền

Một phần của tài liệu Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 48 - 54)

CHƯƠNG II THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT ĐIỀU CHỈNH THỎA THUẬN HẠN CHẾ CẠNH TRANH TRONG HỢP ĐỒNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM

2.1 Nội dung của pháp luật điều chỉnh thỏa thuận hạn chế cạnh

2.1.2 Quy định điều chỉnh về các thỏa thuận phân phối và cung ứng độc quyền

Cũng như pháp luật của nhiều nước khác trên thế giới, Mặc dù pháp luật của Việt Nam không cho rằng độc quyền phân phối và cung ứng sản phẩm không phải là một điều khoản chủ yếu của hợp đồng nhượng quyền thương mại, nhưng trong rất nhiều trường hợp bên nhượng quyền buộc bên nhận quyền phải mua sản phẩm của mình hoặc của một nhà cung cấp do mình chỉ định. Điều khoản độc quyền cung cấp có thể mang lại lợi ích cho cả bên nhận quyền lẫn bên nhượng quyền. Bên nhận quyền được đảm bảo rằng sẽ được cung cấp sản phẩm một cách thường xuyên, ổn định để phục vụ khách hàng. Còn bên nhượng quyền thì có thể bán cho tất cả các bên nhận quyền trong hệ thống các sản phẩm do mình hoặc do đối tác của mình sản xuất ra. Nhờ đó, bên nhượng quyền có thể bảo vệ được thương hiệu cũng như sự đồng nhất của chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Tuy nhiên, điều khoản độc quyền cung ứng và phân phối mang lại nhiều lợi ích hơn cho bên nhượng quyền, và gây nhiều bất lợi cho bên nhận quyền, cũng như có thể bóp méo tự do cạnh tranh. Trên thực tế, bên nhận quyền phải chịu hai bất lợi lớn. Thứ nhất, bên nhận quyền không được phép mua các sản phẩm tương tự của các nhà cung cấp khác. Thứ hai, bên nhận quyền rất khó đàm phán giá mua các sản phẩm này với bên nhượng

quyền, và trong một số trường hợp, còn phải bán lại sản phẩm theo các mức giá mà bên nhượng quyền ấn định, hoặc khuyến nghị, trong khi mình là một thương nhân độc lập. Ngoài ra, điều khoản độc quyền cung cấp sản phẩm còn có thể có ảnh hưởng đến tự do cạnh tranh trên thị trường nói chung.

Các thỏa thuận cung ứng và phân phối độc quyền trong hợp đồng nhượng quyền thương mại bao gồm: độc quyền cung ứng và phân phối trang thiết bị và độc quyền cung cung ứng và phân phối sản phẩm.

(1) Độc quyền cung cấp trang thiết bị

Ở Việt Nam, việc bên nhượng quyền áp đặt cho bên nhận quyền phải mua hoặc thuê các thiết bị của mình hoặc của người thứ ba do mình chỉ định không mặc nhiên bị coi là hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm. Thật vậy, Thông tư số 09 ngày 25/5/2006 hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại quy định rằng bên nhượng quyền phải nêu rõ trong bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại những trang thiết bị mà bên nhận quyền phải thuê hoặc mua. Điều này có nghĩa là bên nhượng quyền được phép yêu cầu bên nhận quyền mua các thiết bị của mình hoặc của nhà cung cấp do mình chỉ định. Trong trường hợp như vậy, bên nhượng quyền phải ghi rõ vào trong bản giới thiệu về hệ thống nhượng quyền thương mại.

Ở Pháp, so với pháp luật Việt Nam, pháp luật Pháp đặt ra các yêu cầu nghiêm ngặt hơn. Thật vậy, điều khoản độc quyền cung cấp trang thiết bị chỉ hợp pháp nếu nó nhằm duy trì sự đồng nhất của hệ thống và uy tín của thương hiệu, và bên nhận quyền không thể tìm được các sản phẩm tương tự trên thị trường. Trong thực tế, nhiều hợp đồng nhượng quyền thương mại đã bị hủy hoặc bị xác định lại bản chất bởi vì các điều khoản độc quyền cung cấp liên quan đến các sản phẩm không nhằm mục đích duy

trì sự đồng nhất của hệ thống và bên nhận quyền có thể tìm được các sản phẩm tương tự trên thị trường [6,tr1645].

(2) Độc quyền cung cấp sản phẩm

Trong hầu như tất cả các hợp đồng nhượng quyền thương mại ở Việt Nam cũng như ở Pháp đều có điều khoản độc quyền cung cấp sản phẩm, dịch vụ[24,tr547], theo đó bên nhượng quyền buộc bên nhận quyền phải mua sản phẩm của mình hoặc của nhà cung cấp do mình chỉ định. Điều khoản độc quyền có thể được tăng cường khi bên nhượng quyền áp đặt cho bên nhận quyền phải đạt được một doanh thu tối thiểu. Trong trường hợp đó, bên nhận quyền không những chỉ được mua sản phẩm của bên nhượng quyền, mà còn phải thực hiện chỉ tiêu mà bên nhượng quyền áp đặt, nếu không sẽ có nguy cơ bị chấm dứt hợp đồng.

Trong thực tế, để tránh các quy định của pháp luật cạnh tranh, bên nhượng quyền thường không đặt tên cho các điều khoản của mình là “độc quyền cung cấp”, mà thường sử dụng các tên như “điều khoản quota”,

“điều khoản khối lượng mua tối thiểu”, hoặc “điều khoản chỉ tiêu”. Thông qua các điều khoản này, bên nhượng quyền áp đặt cho bên nhận quyền phải mua một lượng hàng nhất định của mình hoặc của nhà cung cấp do mình chỉ định. Các điều khoản này thường đi kèm với các điều khoản độc quyền, nhưng chúng cũng có thể tồn tại mà không có các điều khoản độc quyền.

Bên nhận quyền tự do mua và bán lại các sản phẩm cạnh tranh. Tuy nhiên, sự tự do này trên thực tế chỉ là hình thức. Số lượng hàng hóa bị áp đặt càng nhiều thì tự do của bên nhận quyền càng ít.

Bảo vệ các bên trong hợp đồng không phải là mục đích chính của pháp luật cạnh tranh, bởi nhiệm vụ hàng đầu của nó là bảo vệ thị trường.

Nhưng thông qua các chế tài đối với các hành vi cản trở tự do cạnh tranh, pháp luật canh tranh có tác dụng gián tiếp điều hòa hợp đồng.

Tại Pháp, các điều L. 410-1 và tiếp theo của Bộ luật thương mại Pháp cấm mọi cam kết, thỏa thuận hoặc điều khoản hợp đồng có nội dung hoặc có hậu quả “hạn chế việc tiếp cận thị trường hoặc tự do cạnh tranh của các doanh nghiệp khác”[24, tr549] và “phân chia các thị trường và các nguồn cung cấp”[24,tr550].

Tại Liên minh châu Âu EU, Điều 81-1 của Hiệp ước thành lập Cộng đồng châu Âu, nay là Điều 101 của Hiệp ước Rome[21] cấm các thỏa thuận nhằm: “hạn chế hoặc kiểm soát sản xuất, các đầu ra của sản phẩm, phát triển kỹ thuật, đầu tư; phân chia các thị trường hoặc các nguồn cung cấp”.

Tuy nhiên, các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có thể được hưởng miễn trừ theo các quy định của Nghị định số 330/2010 của Ủy ban châu Âu ngày 20/04/2010 về áp dụng Điều 101, đoạn 3 Hiệp ước Rome[21]. Các hợp đồng nhượng quyền thương mại cũng chịu sự điều chỉnh của các văn bản này nếu chúng chứa các điều khoản độc quyền.

Tại Việt Nam, Luật cạnh tranh năm 2004 cũng có những quy định tương tự. Thỏa thuận cung cấp sản phẩm thuộc nhóm các thỏa thuận “phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ” và

“hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hoá, dịch vụ”. Các thỏa thuận này sẽ bị cấm nếu “các bên tham gia thoả thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên”. Tuy nhiên, ngay cả khi thị phần kết hợp trên thị trường liên quan đạt trên 30% thì các thỏa thuận này vẫn có thể được hưởng miễn trừ theo quy định tại Điều 10, nếu với mục đích nhằm hạ giá thành có lợi cho người tiêu dùng, chúng “hợp lý hoá cơ cấu tổ chức, mô hình kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh doanh”, hoặc “thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hoá, dịch vụ”. Miễn trừ cũng được áp dụng nếu điều khoản độc quyền nhằm “thúc đẩy việc áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn chất lượng, định

mức kỹ thuật của chủng loại sản phẩm”, hoặc “tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Như vậy, không có khác biệt căn bản giữa các hệ thống pháp luật của Việt Nam, của Pháp và của Liên minh châu Âu, ngoại trừ việc trong luật của Liên minh châu Âu, ngưỡng thị trường được ấn định ở mức 10% của thị trường có liên quan đối với các thỏa thuận giữa các đối thủ cạnh tranh hiện đang tồn tại hoặc tiềm năng. Ngưỡng này là 15% khi các doanh nghiệp không phải là các đối thủ cạnh tranh hiện đang tồn tại cũng không phải là các đối thủ cạnh tranh tiềm năng (hay còn gọi là các thỏa thuận giữa các doanh nghiệp không cạnh tranh với nhau). Thông thường các hợp đồng phân phối và hợp đồng nhượng quyền thương mại chứa các thỏa thuận giữa các doanh nghiệp không cạnh tranh với nhau. Hiện nay, tại Việt Nam, chưa có tranh chấp nào được giải quyết tại tòa án liên quan đến các điều khoản hạn chế cạnh tranh trong các hợp đồng nhượng quyền thương mại. Vì thế, có thể phân tích một số vụ tranh chấp ở Pháp và châu Âu để thấy rõ hơn các quy định của pháp luật cạnh tranh đã được áp dụng như thế nào trong thực tế. Tranh chấp thứ nhất được giải quyết năm 1986 bởi Tòa án Tư pháp châu Âu và tranh chấp thứ hai được giải quyết năm 1987 bởi Hội đồng cạnh tranh Pháp.

Vụ thứ nhất liên quan đến tranh chấp giữa công ty Pronuptia de Paris de Francfort-sur-le-Main, một chi nhánh của công ty Pháp cùng tên và bên nhận quyền tại Đức. Theo các quy định của ba hợp đồng ký năm 1980, bên nhận quyền phải cam kết chỉ bán các sản phẩm gắn với tên thương mại và nhãn hiệu Pronuptia de Paris trong các cửa hàng do bên nhượng quyền chỉ định; mua của bên nhượng quyền 80% số váy cưới, váy dạ hội cũng như các phụ kiện và các đồ dùng phục vụ lễ cưới, phần còn lại phải mua của các nhà cung cấp do bên nhượng quyền chỉ định. Bên nhận quyền cũng cam kết phải bán sản phẩm theo giá mà bên nhượng quyền đề xuất. Không hài lòng

với kết quả kinh doanh, bên nhận quyền đã không trả phí kỳ vụ cho bên nhượng quyền, và kiện bên nhượng quyền đòi Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu vì chứa các điều khoản vi phạm các nguyên tắc tự do cạnh tranh. Sau rất nhiều tranh cãi ở cấp sơ thẩm và phúc thẩm, vụ việc được đưa lên xét xử tại Tòa án tối cao Liên bang Đức (Bundesgerichtshof). Do đây là tranh chấp liên quan đến việc thực hiện các hợp đồng chứa các nội dung có tác động đến thương mại nội khối, nên Tòa án tối cao Đức đã thỉnh thị Tòa án Tư pháp châu Âu. Đối với điều khoản độc quyền cung cấp sản phẩm, Tòa án Tư pháp châu Âu có nhận định rằng “các điều khoản phân chia thị trường giữa bên nhượng quyền và các bên nhận quyền hoặc giữa các bên nhận quyền với nhau là các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo điều 85, đoạn 1”. Tuy nhiên, Tòa cũng lưu ý rằng điều khoản độc quyền cung cấp sản phẩm có thể được hưởng miễn trừ nếu “cần thiết để bảo vệ uy tín của hệ thống”.

Vụ thứ hai liên quan đến một hợp đồng nhượng quyền thương mại bán quần áo trẻ em mang nhãn hiệu Z, theo đó bên nhượng quyền áp đặt bên nhận quyền nhiều nghĩa vụ, trong đó có độc quyền lãnh thổ và độc quyền cung cấp sản phẩm. Các điều khoản này đã bị Hội đồng cạnh tranh Pháp[19] coi là vi phạm pháp luật cạnh tranh. Theo Hội đồng, đúng là bên nhượng quyền đã buộc các bên nhận quyền phải tuân thủ các quy định về đảm bảo sự đồng nhất của hệ thống (và như vậy buộc phải mua sản phẩm của bên nhượng quyền), về hình ảnh của nhãn hiệu (và như vậy phải bài trí cửa hàng theo yêu cầu của bên nhượng quyền), nhưng “bên nhượng quyền không chứng minh được rằng sản phẩm của mình là duy nhất và không thể tìm thấy các sản phẩm tương tự trên thị trường và mình là doanh nghiệp duy nhất có thể thực hiện các dịch vụ bài trí cửa hàng kiểu này”. Vụ việc sau đó được Tòa phúc thẩm Paris xử chung thẩm. Tòa phúc thẩm cũng đồng tình với Hội đồng cạnh tranh và quyết định rằng “ngay cả khi bị hạn

chế ở cách bài trí cửa hàng cho phù hợp với hình ảnh của nhãn hiệu của bên nhượng quyền thì điều khoản này cũng đã có thể có hậu quả hạn chế tự do cạnh tranh”[20].

Như vậy, pháp luật Pháp dường như đã có những quy định chặt chẽ hơn pháp luật Việt Nam và pháp luật của Liên minh Châu Âu EU. Điều khoản độc quyền cung cấp sản phẩm chỉ hợp pháp nếu nó cần thiết để bảo vệ bí quyết kinh doanh, sự đồng nhất của hệ thống và không thể tìm thấy trên thị trường các sản phẩm đồng loại thay thế[13].

Một phần của tài liệu Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 48 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(77 trang)