CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ LOGISTICS
1.2. Phát triển dịch vụ Logistics trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế
Hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình giao lưu, hợp tác, gắn kết nền kinh tế của quốc gia này với các quốc gia khác hoặc tổ chức kinh tế khu vực hội nhập với toàn cầu. Đây là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế của mỗi quốc gia trên thế giới.
Trong hội nhập quốc tế, hợp tác quốc tế là giai đoạn phát triển cao mà mỗi quốc gia sẽ tham gia vào quá trình áp dụng, xây dựng các quy tắc và luật lệ của cộng đồng.
Khi đó các thành viên sẽ chịu sự ràng buộc theo các quy định chung của cả khối kinh tế, nhưng vẫn đảm bảo sự phù hợp và đạt lợi ích cho quốc gia của mình.
1.2.2. Khái niệm về phát triển dịch vụ Logistics trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế
Dịch vụ Logistics trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế là việc nâng cao chất lương dịch vụ Logistics nội địa và gắn kết dịch vụ Logistics trong thị trường nội địa với thị trường quốc tế, vừa đảm bảo tuân thủ các cam kết, điều ước quốc tế, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp nói riêng, cho nền kinh tế quốc dân nói chung.
Phát triển dịch vụ Logistics của một quốc gia trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế là việc quốc gia đó tiến hành cải cách, thực hiện các biện pháp, thi hành các luật định và chính sách để nâng cao quy mô và chất lượng dịch vụ logistics trong
nước, sao cho dịch vụ logistics ngày càng lớn mạnh và có khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp logistics quốc tế.
1.2.3. Sự cần thiết phải phát triển dịch vụ Logistics trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế
a. Đối với nền kinh tế
Nền kinh tế thế giới trước sự phát triển theo xu hướng toàn cầu hóa, khu vực hóa khiến vai trò của logistics trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Thứ nhất, dịch vụ Logistics giúp nền kinh tế quốc dân có thể phát triển một cách liên tục và đồng bộ. Bởi logistics là chuỗi các hoạt động xuyên suốt, có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau, hình thành nên mối liên kết kinh tế và thông tin liên tục trong suốt quá trình sản xuất, phân phối và lưu thông hàng hóa.
Thứ hai, Logistics tác động trực tiếp đến khả năng và mức độ hội nhập của nền kinh tế. Quốc gia nào có hoạt động logistics phát triển, hệ thống logistics quốc gia có khả năng kết nối với hệ thống logistics toàn cầu sẽ giúp quốc gia đó tiếp cận được với nhiều thị trường và người tiêu dùng tiềm năng trên thế giới. Thêm vào đó, chi phí logistics thấp còn có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia, đồng thời người tiêu dùng trong nước cũng có cơ hội được tiêu dùng các sản phẩm có xuất xứ nước ngoài.
Thứ ba, thúc đẩy hoạt động logistics phát triển góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Năng lực cạnh tranh quốc gia là tổng hợp các thể chế, chính sách, luật pháp và nhân tố quyết định mức độ hiệu quả và tính năng suất của một quốc gia. Nền kinh tế có hiệu quả là nền kinh tế có năng lực khai thác và sử dụng triệt để các nguồn lực có hạn. Logistics là công cụ liên kết các hoạt động trong chuỗi giá trị toàn cầu (GVC- Global Value Chain) như cung cấp, sản xuất, lưu thông, phân phối... mở rộng thị trường cho các hoạt động kinh tế. Sự phát triển của logistics đảm bảo cho quá trình sản xuất, lưu thông nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm đạt hiệu quả về mặt thời gian, chất lượng và chi phí. Mức độ phát triển và chi phí logistics của một quốc gia được xem là căn cứ quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
b. Đối với doanh nghiệp
Logistics đóng góp tích cực vào việc nâng cao hiệu quả quản lý doanh nghiệp.
Logistics có vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa chu trình lưu chuyển của sản xuất kinh doanh từ khâu đầu vào nguyên vật liệu, phụ kiện... tới sản phẩm cuối cùng đến tay khách hàng sử dụng. Nhờ có hoạt động logistics mà các doanh nghiệp có thể chủ động trong việc lên kế hoạch sản xuất, quản lý hàng tồn kho và giao hàng đến tay người tiêu dùng đúng thời gian với tổng chi phí là thấp nhất. Bằng việc tiêu chuẩn hóa các chứng từ, logistics góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Logistics còn giúp các nhà quản lý doanh nghiệp đưa ra các quyết định chính xác trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong quá trình điều hành doanh nghiệp, nhà quản lý phải giải quyết nhiều câu hỏi hóc búa về nguồn cung nguyên vật liệu, số lượng và thời điểm hiệu quả để bổ sung nguồn nguyên liệu, phương tiện và hành trình vận tải, địa điểm, kho bãi chứa bán thành phẩm, thành phẩm... Logistics cho phép nhà quản lý đưa ra các quyết định chính xác về các vấn đề nêu trên, từ đó giúp doanh nghiệp giảm thiểu tối đa chi phí phát sinh và đảm bảo hiệu quả trong suốt quá trình sản xuất.
Như vậy, với những ảnh hưởng tích cực trên, logistics góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thương trường.
1.2.4. Chỉ tiêu đánh giá phát triển dịch vụ Logistics trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế
1.2.3.1. Chỉ tiêu định tính
a. Thúc đẩy hoạt động của các ngành nghề khác
Dịch vụ Logistics phát triển đồng thời phải kéo theo sự phát triển của các ngành như: xây dựng, đóng tàu, chế tạo, lắp ráp ô tô, máy bay, công nghê thông tin,...
Và ngược lại, sự phát triển của các ngành này cũng khiến dịch vụ Logistics phát triển lớn mạnh hơn.
b. Đảm bảo trách nhiệm xã hội
Một ngành nghề, dịch vụ được coi là phát triển khi nó không chỉ tạo ra nguồn lợi nhuận, mà còn quan tâm đến lợi ích của người lao động, chấp hành pháp luật, tuân thủ những chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, công bằng xã hội,
an toàn lao động, đào tạo và phát triển nhân viên, hỗ trợ cộng đồng, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, ổn định kinh tế- xã hội cho quốc gia...
c. Đảm bảo trách nhiệm với môi trường và hệ sinh thái
Một tiêu chí để đánh giá mức độ phát triển của dịch vụ Logistics là sự nỗ lực trong cắt giảm lượng khí thải từ các đội xe, đội tàu ra môi trường, có trách nhiệm xử lý, khắc phục ô nhiễm đối với môi trường biển khi để xảy ra hiện tượng tràn dầu, làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên,...
1.2.3.2. Chỉ tiêu định lượng
a. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Logistics
Càng nhiều doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô lớn hoạt động trong lĩnh vực Logistics càng cho thấy sức hút của dịch vụ này và khiến dịch vụ Logistics phát triển nhanh chóng. Bởi sự tham gia lớn tạo ra môi trường cạnh tranh lớn, doanh nghiệp nào cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, giá cả hấp dẫn hơn thì thu hút nhiều khách hàng hơn. Đồng thời chính sự cạnh tranh lành mạnh tạo ra sự phát triển cho dịch vụ Logistics.
b. Tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ Logistics
Tốc độ tăng trưởng doanh thu là yếu tố cho thấy mức độ phát triển của dịch vụ Logistics. Tốc độ này càng lớn thì cho thấy mức độ phát triển của dịch vụ logistics càng tăng. Thực tế, tại Việt Nam tính đến cuối năm 2021, mặc dù tốc độ tăng trưởng trung bình dịch vụ Logistics đạt 12- 14%, đóng góp từ 4- 5% GDP và tốc độ tăng trưởng doanh thu ở mức 25%, tuy nhiên do hạ tầng giao thông vận tải còn yếu kém, công nghệ thông tin chưa hỗ trợ hiệu quả nên chi phí logistics tại Việt Nam khá cao, chiếm tới 20% GDP (so với trung bình của thế giới là 10,6%), trong đó chi phí vận tải chiếm 30 đến 40% giá thành sản phẩm (tỉ lệ này là 15% ở các nước khác), điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp dịch vụ logistics và cả hàng hóa của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.
c. Tốc độ tăng trưởng khách hàng sử dụng dịch vụ Logistics
Phát triển dịch vụ Logistics còn thể hiện ở tốc độ tăng trưởng khách hàng sử dụng dịch vụ Logistics. Tốc độ tăng trưởng này còn có thể bị ảnh hưởng bởi sự phát
triển của nền kinh tế nói chung và nhu cầu khách hàng nói riêng trong từng giai đoạn.
Chỉ tiêu này càng cao thể hiện ngày càng có nhiều doanh nghiệp sử dụng dịch vụ Logistics. Điều đó cũng có nghĩa là công ty kinh doanh dịch vụ Logistics đang có nhiều thuận lợi để phát triển.
d. Số lĩnh vực dịch vụ Logistics đang hoạt động và mới ra đời
Hiện nay, ngày càng nhiều dịch vụ Logistics mới ra đời và phát triển, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu phong phú của khách hàng. Càng nhiều sản phẩm dịch vụ Logistics mới ra đời cho thấy dịch vụ càng phát triển và hoàn thiện.
1.2.5. Nhân tố ảnh hưởng tới việc phát triển dịch vụ Logistics trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế
a. Chính sách luật pháp và thủ tục hành chính
Hệ thống luật pháp cùng những thủ tục hành chính thông thoáng, thuận lợi là yếu tố ảnh hưởng tích cực đến phát triển dịch vụ Logistics. Bên cạnh việc áp dụng và tuân thủ điều ước, công ước, thông lệ quốc tế liên quan đến dịch vụ Logistics thì luật pháp quốc gia cũng là nhân tố quan trọng thúc đẩy dịch vụ Logistics phát triển.
b. Kết cấu hạ tầng
Kết cấu hạ tầng có tác động đến dịch vụ Logistics thông qua dòng chảy hàng hóa, từ việc vận chuyển nguyên liệu đầu vào tới phân phối thành phẩm. Hơn thế nữa, hạ tầng logistics còn hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động xanh hóa toàn doanh nghiệp. Vận tải hàng hóa là một trong các hoạt động chiếm nhiều năng lượng trên thế giới (lên đến 35%), điều này đồng nghĩa với việc hạ tầng logistics mà yếu kém và thiếu tính đồng bộ thì lượng khí thải ra môi trường càng cao.
c. Công nghệ
Công nghệ hiện đại có tác động không nhỏ tới phát triển dịch vụ Logistics.
Xu hướng máy tính hóa các hoạt động quản trị dữ liệu logistics ngày càng trở nên phổ biến. Để thực hiện quy trình logistics cần rất nhiều công văn, giấy tờ, chứng từ;
khi sản xuất phát triển, lượng hàng hóa nhiều, phức tạp về chủng loại,... đòi hỏi phải có sự giúp đỡ của máy vi tính. Nhờ có máy tính, số lượng hồ sơ khổng lồ được ghi lại và xử lí. Các nhân viên logistics được giải phóng khỏi những công việc sự vụ giấy
tờ. Nhờ xử lý số liệu nhanh nên các nhà quản trị logistics có thể đưa ra quyết định kịp thời, đúng đắn.
d. Thương mại hàng hóa
Hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa diễn ra càng nhiều với quy mô càng lớn thì dịch vụ Logistics càng phát triển. Bằng chứng có thể thấy là trong giai đoạn dịch Covid- 19 lan rộng, các quốc gia thực hiện chính sách “bế quan tỏa cảng” khiến hoạt động giao thương gần như đóng băng một thời gian dài. Trong thời gian đó các công ty cung cấp dịch vụ Logitics đã thu hẹp hoạt động, thậm chí tuyên bố đóng cửa vĩnh viễn.