Về phía Nhà nước

Một phần của tài liệu Phát triển dịch vụ logistics tại việt nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 76 - 80)

CHƯƠNG 3: KHUYẾN NGHỊ ĐỐI VỚI VIỆT NAM NHẰM PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ LOGISTICS TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

3.2. Khuyến nghị đối với Việt Nam nhằm phát triển dịch vụ Logistics trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế

3.2.1. Về phía Nhà nước

3.2.1.1. Phát huy vai trò định hướng và hỗ trợ của Nhà nước

Nhà nước, Chính phủ cùng các bộ, ban ngành liên quan triển khai ban hành các chính sách hỗ trợ thúc đẩy ngành dịch vụ logistics phát triển. Cùng với đó, tích cực xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics tại địa phương hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế- xã hội của từng địa phương. Có sự hỗ trợ và quan tâm đặc biệt tới các DN dịch vụ logistics quy mô nhỏ và vừa dễ dàng trong việc tiếp cận các nguồn vốn trong nước và quốc tế, mở rộng thị trường hoạt động, đào tạo nhân lực chất lượng cao, tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại.

Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật cho phát triển dịch vụ logistics, xã hội hóa nguồn lực cho phát triển dịch vụ logistics, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN cung cấp dịch vụ logistics. Hỗ trợ xây dựng những tập đoàn logistics lớn mạnh, đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài và xuất khẩu dịch vụ logistics, tạo định hướng và động lực phát triển thị trường. Rà soát lại các cam kết quốc tế với các tổ chức WTO, ASEAN và các hiệp định thương mại tự do về dịch vụ logistics, từ đó hỗ trợ DN nâng cao năng lực đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng, xử lý các tranh chấp liên quan đến hoạt động logistics...

3.2.1.2. Xây dựng và hoàn thiện môi trường pháp lý hỗ trợ phát triển dịch vụ Logistics

Nhà nước và các cơ quan chuyên ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách và pháp luật về dịch vụ logistics. Đồng thời tiến hành sửa đổi, bổ sung một số quy định về dịch vụ logistics trong Luật Thương mại 2005, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động logistics; sửa đổi, ban hành các chính sách mới, pháp luật điều chỉnh dịch vụ logistics, vận tải xuyên biên giới, vận tải đa phương thức,...

Bao quát hóa toàn bộ các dịch vụ logistics, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics...

3.2.1.3. Thực hiện tự do hóa hoạt động Logistics

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại dịch vụ Logistics thông qua việc đăng cai, tổ chức các hội thảo, triển lãm, hội chợ quốc tế về logistics; trao đổi, học hỏi kinh nghiệm nước ngoài để gia tăng cơ hội hợp tác, đầu tư về phát triển dịch vụ logistics;

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các DN sản xuất, xuất nhập khẩu và thương mại nội địa về việc sử dụng dịch vụ logistics thuê ngoài theo hướng tập trung, chuyên môn hóa, phân công lao động hợp lý trong chuỗi cung ứng. Đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc tế trong lĩnh vực logistics, tiếp tục mở rộng kết nối hạ tầng logistics giữa Việt Nam với các nước trong khu vực ASEAN, Đông Bắc Á và các khu vực khác trên thế giới nhằm khai thác hết tác dụng của vận tải xuyên biên giới, vận tải đa phương thức và quá cảnh; Xây dựng công trình giao thông, kho bãi, trung tâm logistics trên các tuyến đường, hành lang kết nối các cảng của Việt Nam với Lào, Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc.

Đẩy mạnh phát triển loại hình vận tải xuyên biên giới, vận tải đa phương thức, nhất là đối với hàng hóa quá cảnh. Hình thành trung tâm logistics ở nước ngoài làm đầu cầu, điểm tập kết và phân phối hàng hóa Việt Nam đến các thị trường quốc tế.

Tăng cường liên kết, hợp tác với các hiệp hội và DN dịch vụ logistics trong khu vực ASEAN và các khu vực khác trên thế giới. Tích cực thu hút đầu tư xây dựng trung tâm logistics để thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam ra thị trường toàn cầu, nhằm hình thành các trung tâm logistics ở nước ngoài, tập kết và phân phối hàng hóa Việt Nam.

3.2.1.4. Phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam Để phát triển hệ thống logistics quốc gia, Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho cơ sở hạ tầng logistics, đa dạng hóa loại hình đầu tư và kêu gọi các thành phần kinh tế cùng tham gia vào đầu tư hạ tầng cơ sở logistics. Thực tế cho thấy có rất nhiều dự án, công trình xây dựng hạ tầng logistics lớn tại Việt Nam hiện đang dang dở, chưa thực sự quyết tâm đầu tư cho vấn đề này. Vì vậy, cần nhận thức việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng như là điều kiện tiên quyết trong phát triển hệ thống logistics nói riêng và phát triển kinh tế nói chung.

Hoàn thiện, nâng cao kết cấu hạ tầng logistics, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển dịch vụ logistics một cách bền vững; rà soát, điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu sản xuất địa phương gắn với phát triển hạ tầng và dịch vụ logistics, đảm bảo các quy hoạch, kế hoạch về giao thông phù hợp với chiến lược, quy hoạch về sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xuất nhập khẩu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, gắn kết quy hoạch về trung tâm logistics, kho ngoại quan, cảng cạn trong một tổng thể thống nhất.

Xây dựng trung tâm logistics, khu công nghiệp logistics, cụm logistics có vai trò quan trọng trong việc tích hợp các dịch vụ logistics. Nó là điểm kết nối liên tục các phương tiện vận tải từ đường bộ, đường sắt, đến đường biển, đường hàng không.

Nhờ việc cung ứng các giải pháp vận tải liên hoàn như vậy mà trung tâm logistics giúp giảm thời gian vận chuyển, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa. Xây dựng khu công nghiệp logistics, cụm logistics và trung tâm logistics để kết nối các địa phương với nhau nhằm liên kết kinh tế, khai thác hiệu quả các tuyến hành lang kinh tế trên địa bàn, thúc đẩy lưu chuyển hàng hóa,”đẩy mạnh thu hút đầu tư vào logistics, gia công chế biến sâu sản phẩm để tiêu thụ sản phẩm cho các địa phương và gia tăng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu. Các trung tâm logistics sẽ giảm tải cho các cửa khẩu biên giới. Các trung tâm logistics này không chỉ có kho lạnh, kho mát để tiến hành sơ chế, bảo quản nông sản trước khi xuất khẩu mà còn là địa điểm kiểm tra, thông quan hàng hóa.

Khu công nghiệp logistics cần phải được tính toán “xây dựng tại các trung tâm kinh tế, các điểm kết nối phương tiện vận tải mà địa phương, vùng miền đó đang sở hữu, như đường bộ, đường sắt, đường thủy, cảng biển, hàng không… và phải được quy hoạch với tầm nhìn chiến lược dài hạn, xây dựng với quy mô như các khu công nghiệp” hiện nay để thu hút nguồn đầu tư từ các tập đoàn logistics trong khu vực, thế giới và các doanh nghiệp logistics quy mô lớn trong nước. Đồng thời, thúc đẩy doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics không ngừng đổi mới, sáng tạo, cung cấp chuỗi dịch vụ logistics 4PL, 5PL, logistics điện tử trên nền tảng phát triển thương mại điện tử và quản trị” chuỗi cung ứng hiệu quả, hiện đại và chuyên nghiệp.

Đặc biệt, tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng logistics gắn kết chặt chẽ với thương mại điện tử, kết hợp logistics với thương mại điện tử theo xu hướng phát triển chung của thế giới và khu vực.

3.2.1.5. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nhất là nhân lực chất lượng cao Trước tiên, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực logistics cụ thể là Bộ Công Thương cần chủ trương đi đầu trong việc tổ chức triển khai, xây dựng mạng lưới, hệ thống đào tạo và phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ logistics cho sinh viên, người lao động, đảm bảo chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực đáp ứng được công việc thực tế. Các trường đại học, cơ sở đào tạo chủ động phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp và Chính phủ để có cơ chế vận hành thống nhất, phối hợp đào tạo với nhau. Cùng với đó, cần xây dựng mục tiêu rõ ràng để chúng ta có được đội ngũ lao động trong lĩnh vực logistics thực hiện được các nghiệp vụ trong lĩnh vực này một cách hiệu quả.

3.2.1.6. Tăng cường sự cộng tác chặt chẽ giữa các hiệp hội ngành nghề liên quan Các hiệp hội liên quan tới logistics bao gồm: Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA), Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, Hiệp hội Đại lý- Môi giới hàng hải Việt Nam, Hiệp hội Vận tải ô tô. Các hiệp hội ngành nghề này cần phát huy vai trò tạo dựng các liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các DN trong ngành nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ logistics.

Cần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Hiệp hội Cảng biển Việt Nam và Hiệp hội Logistics Việt Nam, tăng cường“trao đổi thông tin và hợp tác trong hoạt động xếp dỡ hàng hóa, thủ tục giao nhận hàng hóa, các loại phí dịch vụ cảng biển, thời gian tàu đến, tàu rời bến, điều động phương tiện vận tải tránh ùn tắc cảng, thông tin về hàng hóa và hậu cần, thông tin về cảng biển và các công ty giao nhận hàng hóa...

Đồng thời, cần tăng cường hợp tác đảm bảo an toàn hàng hóa, cảng biển, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ dịch vụ logistics. Sự hợp tác hiệu quả giữa hai hiệp hội, đặc biệt là từng thành viên, góp phần quan trọng vào sự phát triển của logistics và giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào hệ thống logistics toàn cầu.

3.2.1.7. Đẩy mạnh chuyển đổi số

Chuyển đổi số (Digital Transformation) là việc dữ liệu được số hoá bằng việc sử dụng công nghệ như AI, Big Data… để phân tích dữ liệu, biến đổi nó và tạo ra một giá trị mới. Chuyển đổi số có tác dụng thay đổi sự trì trệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, cắt giảm chi phí logistics, tăng trưởng, có thêm khách hàng và đạt lợi nhuận tối đa cho các doanh nghiệp logistics. Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin

là xu hướng tất yếu, ưu tiên của ngành logistics giai đoạn 2022-2030 với hai nhiệm vụ chiến lược là tập trung phát triển logistics cho ngành thương mại điện tử và cung cấp chuỗi dịch vụ cho hàng hóa xuất nhập khẩu với thị trường châu Á và trung chuyển để đi châu Âu - Mỹ. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, giải quyết các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, thuận tiện ở tất cả các khâu, trọng tâm là các lĩnh vực: Công thương, hải quan, thuế, giao thông vận tải.

Một phần của tài liệu Phát triển dịch vụ logistics tại việt nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 76 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(88 trang)