CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ DỊCH VỤ THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT VÀ PHÁP LUẬT VỀ THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.1. Một số vấn đề lý luận chung về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt của các ngân hàng thương mại
1.1.4. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt do ngân hàng thương mại cung cấp
Có rất nhiều nhóm nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của dịch vụ TTKDTM do NHTM cung cấp, tuy nhiên có một số yếu tố cơ bản và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của loại hình dịch vụ này, có thể chia các nhóm nhân tố đó ra thành ra hai nhóm riêng biệt để tìm hiểu đó là nhóm nhân tố chủ quan và nhóm nhân tố khách quan.
1.1.4.1. Nhân tố chủ quan
Thứ nhất, công nghệ sử dụng trong hoạt động kinh doanh của Ngân hàng:
Công nghệ sử dụng trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong thời đại 4.0 hiện nay là yếu tố quan trọng sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh chung, đặc biệt là dịch vụ TTKDTM. Công nghệ ngân hàng tiên tiến cho phép ngân hàng
mở rộng phạm vi kinh doanh, giúp đẩy nhanh quá trình luân chuyển vốn xã hội, thu hút thêm vốn xã hội, phục vụ đầu tư phát triển kinh tế đất nước và sự vươn nhanh của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngoài ra, công nghệ ngân hàng được coi là một công cụ rất mạnh để tạo ra bản sắc riêng giữa các ngân hàng. Trang thiết bị kỹ thuật hiện đại sẽ giúp ngân hàng đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giao dịch, đảm bảo giao dịch an toàn, nhanh chóng và chính xác hơn.
Thứ hai, chính sách, chiến lượng marketing, quảng bá thương hiệu của ngân hàng: Đây là yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển nghiệp vụ của một NHTM.
Tùy từng thời điểm, ngân hàng đưa ra các chính sách, chiến lược phù hợp với điều kiện thực tế để thúc đẩy sự phát triển của ngân hàng nhằm đem tới các dịch vụ phù hợp với nhu cầu của khách hàng theo hướng thuận tiện, đơn giản, tạo cảm giác thân thiện, chu đáo với khách hàng và hơn hết là tạo dựng hình ảnh uy tín của chính bản thân ngân hàng. Đây đều là những yếu tố quyết định tới việc xây dựng quan hệ với lượng khách hàng truyền thống, và thu hút lượng khách hàng mới của ngân hàng.
Thứ ba, chất lượng nguồn nhân lực của ngân hàng: Trong mọi hoạt động kinh doanh thì nguồn nhân lực là nhân tố quan trọng nhất và dịch vụ TTKDTM của NHTM cũng không phải ngoại lệ. Chất lượng cán bộ ngân hàng và đạo đức nghề nghiệp của họ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dịch vụ của ngân hàng. Bên cạnh yếu tố công nghệ đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách thuận tiện, nhanh chóng, chính xác thì trong quá trình phục vụ khách hàng cùng với nhân viên, cán bộ ngân hàng sẽ hòa hợp với nhau để có thể phục vụ khách hàng một cách tốt nhất.
Tinh thần, thái độ, trách nhiệm làm việc của nhân viên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng các dịch vụ TTKDTM của mỗi ngân hàng, nó quyết định tới sự hài lòng của khách hàng trong quá trình sử dụng dịch vụ hay không, còn yếu tố công nghệ chỉ là yếu tố phụ trợ cho nhân viên trong quá trình phục vụ khách hàng. Việc khách hàng quyết định có gắn bó lâu dài, hay việc ngày càng có nhiều khách hàng mới thuộc nhiều vào chất lượng nguồn nhân lực mà mỗi ngân hàng xây dựng.
1.1.4.2. Nhân tố khách quan
Thứ nhất, môi trường kinh tế - xã hội trong thời đại 4.0: Ngân hàng hoạt động trong nền kinh tế rất nhạy cảm với các yếu tố từ môi trường kinh tế. Những biến động lớn của nền kinh tế có thể dẫn tới sự sụp đổ của nhiều ngân hàng và ảnh hưởng thường mang tính hệ thống. Khi môi trường kinh tế vĩ mô không ổn định, một mặt tác động trực tiếp tới TTKDTM, mặt khác ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh chung của ngân hàng từ đó lại tác động gián tiếp tới TTKDTM. Một nền kinh tế phát triển ổn định sẽ là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của TTKDTM, khi đó thu nhập người dân cao hơn, họ có nhu cầu mua sắm nhiều hơn, các trung tâm mua sắm, siêu thị được trang bị các phương tiện thanh toán hiện đại phục vụ thanh toán thuận tiện cho khách hàng, người dân cũng quen với việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ hiện đại của ngân hàng... và khi lượng mua sắm lớn thì việc mang theo tiền mặt lúc này trở nên bất tiện, không đảm bảo an toàn. Ngược lại trong thời kỳ kinh tế suy thoái, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp giảm sút, nhu cầu huy động vốn ít đi việc mở rộng tín dụng cũng như thanh toán của ngân hàng cũng vì thế mà giảm đi đáng kể, nhiều doanh nghiệp do khủng hoảng kinh tế mất khả năng sản xuất. Ngân hàng khó thu hồi nợ dẫn theo nhiều tác động tiêu cực khác. Lúc này hoạt động tín dụng ngân hàng cũng không thể giữ được vai trò vì thế mà lợi nhuận của ngân hàng cũng giảm đi. Do đó, các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô của Nhà nước có ảnh hưởng lớn tới việc phát triển của hoạt động TTKDTM trong nền kinh tế.
Thứ hai, yếu tố về tâm lý người tiêu dùng: Tâm lý là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động TTKDTM. Tâm lý là sự phản ánh của hiện thực khách quan vào ý thức con người bao gồm: nhận thức, tình cảm, lý chí, biểu hiện trong cử chỉ hoạt động của mỗi người. Hành vi tiêu dùng hay sử dụng dịch vụ ngân hàng đều chịu ảnh hưởng bởi tâm lý, thói quen của khách hàng. Tuy nhiên, tâm lý, thói quen tiêu dùng hay sử dụng DVTT của NHTM của khách hàng thường chịu ảnh hưởng từ môi trường xung quanh. Do đó, nếu nền kinh tế chưa phát triển mạnh mẽ, lạc hậu thì người dân thường có thói quen sử dụng tiền mặt phổ biến hơn nên sẽ gây ra
thách thức với các NHTM. Với các nền kinh tế lớn, hiện đại, các NHTM cũng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển dịch vụ TTKDTM do người dân cũng có thói quen sử dụng các DVTT hiện đại hơn. Khi người dân có trình độ dân trí cao, có sự hiểu biết về ngân hàng về công nghệ thì người dân sẽ thích sử dụng các dịch vụ TTKDTM hơn.
Thứ ba, yếu tố dịch bệnh: Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, xu hướng thanh toán trong nền kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện TTKDTM nhiều hơn, nhằm bảo đảm an toàn, hạn chế sự lây lan, truyền nhiễm.
Trong đại dịch Covid - 19, chúng ta đã chứng kiến những thay đổi đáng kể trong tiêu dùng và phương thức thanh toán, cụ thể là chuyển từ các cửa hàng truyền thống sang thương mại điện tử, tăng cường sử dụng ví điện tử và thanh toán trực tuyến nhiều hơn thay vì sử dụng tiền mặt. “Số lượt thanh toán trong nước qua thẻ ngân hàng số lượng tăng 26,2% và giá trị tăng 15,7%; số lượt thanh toán qua Internet số lượng tăng 3,2% và giá trị tăng 45,7% so với cùng kỳ năm 2019. Thanh toán qua kênh di động số lượng tăng 189% và giá trị tăng 166,1%. Tổng giá trị giao dịch thực hiện qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 18,30% so với cùng kỳ năm 2019” [17]. Xu hướng thanh toán trong nền kinh tế đang chuyển sang sử dụng nhiều phương thức TTKDTM ngày càng nhiều. Bên cạnh việc mang đến cơ hội cho TTKDTM, “đại dịch Covid-19 đóng vai trò như “cú hích” làm thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân”.[24]
Thứ tư, môi trường pháp lý: Hoạt động của NHTM nói chung và dịch vụ TTKDTM của NHTM nói riêng đều chịu sự ràng buộc của nhiều văn bản pháp lý.
Trong một nền kinh tế phát triển, mọi giao dịch của các tổ chức kinh tế và dân cư đều được thực hiện qua ngân hàng, một sự thay đổi nhỏ cũng sẽ ảnh hưởng tới toàn hệ thống. Vì vậy, khi hành lang pháp lý thay đổi, ngành ngân hàng phải có thời gian nguồn lực để thích ứng. Do đó, nếu không giải quyết tốt, NHTM dễ mất uy tín với khách hàng, hoạt động kinh doanh của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng và kém hiệu quả.