CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ DỊCH VỤ THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT VÀ PHÁP LUẬT VỀ THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
2.2. Thực tiễn thực thi các quy định pháp luật về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu
2.2.3. Những điểm hạn chế trong quá trình áp dụng các quy định pháp luật về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu
2.2.3.1. Hạn chế trong việc cung ứng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt
Một là, thanh toán bằng thẻ. Thị phần thẻ ngân hàng của ACB trong những năm qua vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Trong năm vừa qua, top 3 thị phần thẻ thuộc về: Vietcombank, VietinBank và BIDV. Việc cung ứng thẻ vẫn còn nhiều hạn chế do ACB vẫn chưa bắt nhịp được vào cuộc đua phát hành của của các Ngân hàng:
Các sản phẩm thẻ tuy có đổi mới nhưng chưa đủ hấp dẫn so với thị hiếu của khách hàng, ngoài ra ACB vẫn duy trì việc thu phí dịch vụ như phí chuyển tiền, phí thường niên… trên hầu hết các dòng thẻ đang cung cấp, trong khi đó nhiều ngân hàng khác đã miễn những loại phí này cho khách hàng.
Hai là, thanh toán bằng Séc. Đây là một hình thức thanh toán vẫn chưa thông dụng tại ACB. Tỷ lệ thanh toán bằng séc chiếm tỷ lệ rất thấp trong tổng thanh toán phi tiền mặt của ACB. Đây là một con số quá khiêm tốn, nguyên nhân thanh toán bằng séc bị hạn chế là thói quen sử dụng séc của khách hàng của ACB chưa phổ
biến, việc lo ngại có sự giả mạo séc, dễ dẫn đến rủi ro, cũng như việc triển khai hình thức này đến khách hàng vẫn chưa được ACB đẩy mạnh.
Ba là, thanh toán bằng ủy nhiệm chi, ủy nhiệm thu, thư tín dụng. Đối với thanh toán ủy nhiệm chi, ủy nhiệm thu của ACB vẫn còn những hạn chế nhất định trong thủ tục thanh toán còn rườm rà, phức tạp dẫn đến khách hàng không tin tưởng khi sử dụng hình thức này nên tỷ lệ thanh toán còn thấp và chưa rộng. Những văn bản chính thức quy định rõ ràng về ba loại hình thanh toán này của ACB đều đã hết hiệu lực, việc chưa bổ sung các quy định mới của ACB gây khó khăn cho quá trình thực hiện các DVTT này
Bốn là, các dịch vụ khác: Các DVTT trực tuyến như Mobile Banking, Internet Banking, Ví điện tử… mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ hẹp, chưa triển khai trên diện rộng để đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách hàng. Cụ thể là ACB chỉ mới liên kết được với hai ví điện tử là MoMo và Airpay. Về chất lượng, tiện ích mới trong DV TT KDTM của ACB: Hiện nay ACB đang cung cấp các DV thanh toán tiền điện, nước, internet, truyền hình, vé máy bay, vé tàu lửa… So với các ngân hàng khác như MB, TPBank hay Techcombank thì các tiện ích ACB cung cấp vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, dịch vụ Ngân hàng số vẫn chưa được ACB triển khai chính thức mà chỉ đang trong quá trình thử nghiệm cũng là một điểm yếu trong quá trình áp dụng pháp luật về DV TTKDTM tại ACB.
2.2.3.2. Hạn chế về hạ tầng công nghệ thông tin
Hệ thống máy ATM của ACB tuy phát triển nhanh, nhưng lại phân bố chưa đều. Số lượng máy ATM phân bổ chủ yếu ở khu vực thành thị, nơi phát triển DVTT, trong khi ở khu vực nông thôn còn hạn chế. Bên cạnh đó, hệ thống máy ATM của ACB vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu của khách hàng, chẳng hạn như tại TP. Hà Nội việc nộp tiền mặt trực tiếp vào tài khoản TP Bank hay Techcombank đã triển khai trực tiếp trong khi đó ACB vẫn chưa triển khai được tính năng này tại TP. Hà Nội. Điều này cho thấy tốc độ phát triển về cơ sở hạ tầng của ACB còn đang gặp nhiều vấn đề.
Một trong những lý do dẫn đến tình trạng trên là việc thiếu đội ngũ cán bộ, chuyên gia về công nghệ. Thực tế tại ACB đang tồn tại vấn đề khó khăn trong việc thu hút nhân lực có trình độ cao, đặc biệt là nhân lực có trình độ cao về công nghệ thông tin. Về cơ chế động lực, theo khảo sát của tác giả, với mức thu nhập trung bình khoảng 15-20 triệu đồng/tháng/người, ACB sẽ rất khó để thu hút nhân tài trong nước, chưa nói đến phạm vi khu vực và quốc tế.
Cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cơ cấu khách hàng không cân đối của ACB. Khách hàng của ACB chủ yếu là các doanh nghiệp, lao động ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, nhân viên công sở có thu nhập cao và ổn định. Bên cạnh đó, các dịch vụ TTKDTM của ACB chỉ phân bổ phát triển tại các đô thị lớn, thành phố lớn như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
2.2.3.3. Rủi ro về bảo mật thông tin khách hàng
Hoạt động bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin khách hàng của ACB vẫn còn những lỗ hổng. Điển hình nhất là trong thanh toán thẻ, tuy thẻ ngân hàng của ACB đã có những bước đột phá và tiến triển về số lượng và chất lượng nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số bất cập. Cụ thể, vào khoảng cuối năm 2020, nhiều chủ tài khoản thẻ ACB đã hoang mang khi không thực hiện bất kỳ giao dịch mà vẫn liên tục nhận được tin nhắn từ ACB với nội dung: "Chúng tôi phát hiện tài khoản của bạn đang tiêu dùng ở nước ngoài. Nếu không phải bạn đang tiêu dùng, vui lòng nhấp vào https://v-acb.com để hủy thanh toán". Khi người dùng tiến hành truy cập trang web đó, nếu không chú ý và qua vài thao tác thì thì hậu quả sẽ bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số OTP, từ có các chiếm đoạt quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng của người dùng. Trước tình trạng trên, ACB đã phát đi thông báo, khách hàng không bấm vào các link lạ trong tin nhắn và không cung cấp thông tin tên truy cập, mật khẩu, mã OTP vào các website lạ hoặc bất kỳ cá nhân nào, các yêu cầu cung cấp thông tin như trên đều là giả mạo. Điều này cho thấy ACB đang quản lý công nghệ thông tin chưa tốt, bảo mật trong thanh toán thẻ có lỗ hổng tạo điều kiện cho kẻ gian có thể xâm nhập và lấy trộm thông tin.
TÓM TẮT CHƯƠNG 2
Qua nghiên cứu Chương 2, có thể tóm tắt và đưa ra những kết luận như sau:
- Pháp luật về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đang dần được bổ sung, hoàn thiện theo thời gian, tạo hành lang pháp lý cho dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt như: Luật Ngân hàng Nhà nước 2010, Nghị định 101, Thông tư 46… Tuy nhiên trong những năm gần đây, sự ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng như sự phát triển vượt bậc của công nghệ, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phát triển, với nhiều hình thức, phương tiện ngày càng phong phú mà quy định pháp luật hiện hành vẫn chưa bao quát hết
- Sự phát triển của dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở các ngân hàng thương mại rất sôi động, là xu thế chung của sự phát triển, đặc biệt là tại Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu. Trong quá trình áp dụng các quy định pháp luật về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đã đạt được nhiều kết quả vượt bậc về các phương thức thanh toán, công tác an toàn bảo mật trong hoạt động thanh toán, việc đảm bảo quyền lợi khách hàng sử dụng dịch vụ… nhưng bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều hạn chế như: các quy định pháp luật còn chưa đồng bộ, hoàn thiện, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin còn yếu kém, đội ngũ nhân lực cao còn ít.... Đây là những rào cản lớn cho sự phát triển của dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Những đánh giá thực trạng thực trạng tại Chương 2 là cơ sở để nghiên cứu xây dựng giải pháp hoàn thiện pháp luật ở Chương 3.