CHƯƠNG II. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ THẾ CHẤP TÀI SẢN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VÀ THỰC TIỄN THỰC HIỆN TẠI NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN CHI NHÁNH TỈNH CAO BẰNG
2.2. Thực trạng pháp luật về thế chấp tài sản tại các NHTM
2.1.6. Quy định về giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng thế chấp tài sản
Trong tranh chấp về hợp đồng TCTS cả bên thế chấp và bên nhận thế chấp đều hướng tới việc giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, cân bằng được lợi ích giữa hai bên. Các bên có thể thỏa thuận lựa chọn các phương thức giải quyết tranh chấp sau:
- Hòa giải, thương lượng.
- Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài.
- Giải quyết tranh chấp thông qua tòa án.
Tính đến thời điểm hiện tại các vụ án tranh chấp về hợp đồng thế chấp đều được giải quyết thông qua Tòa án. Tranh chấp về hợp đồng TCTS cũng là tranh chấp về hợp đồng dân sự nói chung và theo quy định tại khoản 3, Điều 26, BLTTDS 2015 thì Toà án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về "Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự."
* Về trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án.
Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp trong hợp đồng TCTS thực hiện theo quy định của BLTTDS 2015. Theo quy định tại Điều 186, BLTTDS 2015 thì "Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình." Theo đó, có hai trường hợp có thể xảy ra trong trường hợp này, được xác định như sau:
- Tranh chấp được xác định là vụ án dân sự thông thường theo quy định tại khoản 3 Điều 26 BLTTDS 2015 nếu hợp đồng thế chấp được xác lập giữa NHTM với cá nhân, pháp nhân không có đăng ký kinh doanh, và bên thế chấp không sử dụng khoản vay đó vào mục đích kinh doanh để thu lợi nhuận.
- Tranh chấp được xác định là vụ án kinh doanh, thương mại theo quy định tại khoản 1, Điều 30, BLTTDS 2015 nếu hợp đồng thế chấp được xác lập giữa NHTM với cá nhân, pháp nhân có đăng ký kinh doanh và bên thế chấp sử dụng khoản vay với mục đích kinh doanh để thu lợi nhuận.
Trong hai trường hợp trên thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong hợp thế chấp TSBD theo thủ tục sơ thẩm đều thuộc TAND cấp huyện theo quy định tại Khoản 1, Điều 35 BLTTDS 2015.
Ngoài ra, khi thấy cần thiết TAND cấp tỉnh cũng có thể tự mình lấy lên giải quyết các vụ án tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa ấn nhân dân cấp huyện.
* Về trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp được tiến hành qua 3 giai đoạn:
- Giai đoạn khởi kiện và thụ lý vụ án
Để bắt đầu quá trình giải quyết tranh chấp về hợp đồng TCTS tại Tòa án, bên thế chấp hoặc bên nhận thế chấp với tư cách là nguyên đơn phải tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án thông qua việc nộp hồ sơ khởi kiện đến TAND cấp có thẩm quyền và tiến hành qua các bước: chuẩn bị hồ sơ khởi kiện; tiếp nhận, xử lý hồ sơ; thông báo thụ lý vụ án;
- Giai đoạn hòa giải và chuẩn bị xét xử:
Hòa giải là thủ tục được tiến hành mang tính bắt buộc trước khi xét xử sơ thẩm vụ dân sự nói chung và giải quyết tranh chấp hợp TCTS tại NHTM nói riêng, trừ những vụ án không được hòa giải theo quy định tại Điều 206 và Điều 207 của BLDS. Để thực hiện thủ tục hòa giải tòa án tiến hành các bước sau: chuẩn bị phiên họp hòa giải;
tiến hành hòa giải và kết quả hòa giải sẽ xảy ra hai trường hợp:
Các bên tự thỏa thuận được với nhau về tất cả các vấn đề liên quan đến tranh chấp thì: " Tòa án lập biên bản hòa giải thành và sau 07 ngày kể từ ngày lập biên bản mà các bên không thay đổi ý kiến thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự" theo quy định tại khoản 1, Điều 112 BLTTDS 2015. Quyết định này có giá trị chung thẩm
Trường hợp các bên không thể thỏa thuận thì Tòa án lập biên bản hòa giải không thành và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
- Giai đoạn xét xử sơ thẩm.
Về thời hạn mở phiên tòa được BLTTDS 2015 quy định tại Điều 222: "Phiên tòa sơ thẩm phải được tiến hành theo đúng thời gian, địa điểm đã được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc trong giấy báo mở lại phiên tòa trong trường hợp phải hoãn phiên tòa."
Phiên tòa có đủ sự có mặt của đương sự, người có quyền và lợi ích liên quan, người tiến hành thủ tục xét xử sơ thẩm. Trong một số trường hợp khi các đương sự, người có quyền và lợi ích vắng mặt tại phiên tòa thì Tòa án ra quyết hoãn phiên tòa. Sau khi có bản án sơ thẩm các bên có quyền kháng cáo bản án để tiến hành thủ tục xét xử phúc thẩm, thời hạn kháng cáo quy định tài Điều 273, BLDS 2015:
"Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án của Tòa án, các bên có quyền gửi đơn kháng cáo để xét xử vụ án theo trình tự phúc thẩm."
Ngoài các giai đoạn trên thì khi có kháng cáo kháng nghị về bản án sơ thẩm thì Tòa án xem xét và tiến hành xét xử phúc thẩm hoặc thực hiện thủ tục giám đốc thẩm.
Có thể nhận thấy thủ tục giải quyết tranh chấp của Tòa án còn khá phức tạp và tốn nhiều thời gian gây ảnh hưởng đến lợi ích của cả hai bên. Trên thực tế cũng đã có quy
định về việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến TSBĐ tại Tòa án tại Điều 8 Nghị quyết 42/2017/QH17 về thí điểm xử lý nợ xấu tuy nhiên rất khó áp dụng do chưa có quy định chi tiết hướng dẫn thực hiện.