9. Cấu trúc của đề tài
1.1.3. Một số vấn đề về xây dựng hệ thống bài tập
Theo các nhà khoa học về lí luận trong giáo dục thì hệ thống bài tập được hiểu là: Những bài tập có cùng mục đích được sắp xếp theo trình tự từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó, …
Hệ thống là tập hợp các yếu tố có quan hệ hữu cơ với nhau, tác động chi phối lẫn nhau theo các quy luật nhất định để trở thành một chỉnh thể.
Như vậy hệ thống bài tập là một thể thống nhất các bài tập được sắp xếp theo một kết cấu nhất định và đảm bảo mối liên hệ lẫn nhau nhằm giúp GV và HS đạt được mục đích dạy và học.
1.1.3.2. Một số yêu cầu của việc xây dựng hệ thống bài tập
Khi xây dựng hệ thống bài tập sử dụng trong kiểm tra đánh giá, GV cần chú ý xác định mục tiêu rõ ràng, lựa chọn nội dung và các dạng bài tập phù hợp, đảm bảo có thể xây dựng nhiều dạng bài tập khác nhau cho tất cả các HS cùng thực hiện. Có hai dạng bài tập khác nhau là: bài tập trắc nghiệm khách quan và bài tập tự luận, do vậy yêu cầu khi xây dựng hai loại bài tập này cũng khác nhau. Cụ thể là:
- Đối với bài tập trắc nghiệm khách quan thì cần chú ý: Câu hỏi trắc nghiệm cần thiết phải được trình bày thống nhất. Ngôn ngữ trong câu hỏi phải ngắn gọn, chính xác, rõ ràng và cô đọng trong một câu hoàn chỉnh, được diễn đạt trong sáng.
Nội dung câu hỏi chỉ tập trung vào một vấn đề, tránh lan man, dài dòng, gây khó hiểu cho người đọc, bài tập phải đảm bảo có một câu trả lời đúng duy nhất. Khi xây dựng hệ thống bài tập, giáo viên cần chú ý hệ thống bài tập phải đảm bảo phù hợp với từng đối tượng học sinh.
- Đối với bài tập tự luận thì cần chú ý: Câu hỏi phải đáp ứng được tiêu chí để kiểm tra đánh giá, phải phù hợp với từng nội dung bài học và trình độ nhận thức của học sinh, ngôn ngữ trong câu hỏi phải rõ ràng, chính xác và dứt khoát. Các bài tập tự luận phải được xây dựng theo 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng nâng cao phù hợp với chuẩn kiến thức, kĩ năng và định hướng phát triển năng lực. Thông qua các bài tập tự luận, yêu cầu học sinh phải hiểu để vận dụng vào giải quyết các vấn đề ngoài thực tiễn đời sống hơn là chỉ nhớ lại kiến thức một cách máy móc.
Khi xây dựng hệ thống bài tập thì cần chú ý số lượng bài tập trong hệ thống bài tập phải nhiều hơn số lượng bài tập dùng để kiểm tra thường xuyên trong một tiết học. Hơn nữa, từ một hệ thống bài tập đã xây dựng phải hình thành từ 2 -3 bài kiểm tra khác nhau để có thể vận dụng một cách linh hoạt vào trong quá trình dạy học.
1.1.3.3. Các mức độ nhận thức cần đạt của một hệ thống bài tập
Để đảm bảo yêu cầu của quá trình dạy học và phù hợp với quy định của thông tư 22/2016/TT – BGDĐT về chuẩn kiến thức, kĩ năng và định hướng phát triển năng lực, một hệ thống bài tập dưới dạng TNKQ và TL được thiết kế phải đầy đủ 4 mức độ nhận thức sau:
- Mức 1: Nhận biết, nhắc lại kiến thức, kĩ năng đã học. Câu hỏi, bài tập ở mức độ này thì thường tất cả các HS trong lớp có thể thực hiện được. Tỷ lệ số lượng câu hỏi ở mức độ nhận biết chiếm khoảng 20% lượng câu hỏi trong một bài kiểm tra.
Ví dụ 1.8: Với bài 28- Thành phố Đà Nẵng, mục tiêu giúp HS “nhớ, nhắc lại” kiến thức về thành phố ĐN là thành phố Cảng và là thành phố du lịch của nước ta mà các em đã được học, có thể thiết kế các bài tập TNKQ và TL như sau:
+ Bài tập TNKQ:
Khoanh tròn vào chữ cái trước câu trả lời đúng nhất Các cảng ở Đà nẵng là:
a. Cảng trên sông Hàn và cảng Tiên Sa.
b. Cảng trên sông Hàn và cảng Nhà Bè.
c. Cảng Tiên Sa và cảng Nhà Bè.
d. Cảng Sài Gòn và cảng Nhà Bè.
+ Bài tập TL:
Hãy kể tên các địa điểm du lịch nổi tiếng ở ĐN mà em biết
- Mức 2: Hiểu kiến thức, kĩ năng đã học, trình bày, giải thích được kiến thức theo cách hiểu của cá nhân. Tỷ lệ số lượng câu hỏi ở mức độ hiểu chiếm khoảng 40% số lượng câu hỏi trong một bài kiểm tra.
Ví dụ 1.9: Với bài 19 - Hoạt động sản xuất của người dân ở ĐBNB với mục tiêu giúp HS “hiểu” được ĐBNB là vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất nước ta, GV có thể thiết kế các bài tập TNKQ và TL như sau:
+ Bài tập TNKQ:
Ghi Đ vào ô trống trước câu đúng, ghi S vào ô trống trước câu sai ĐBNB là vùng sản xuất lúa gạo lớn thứ hai ở nước ta.
ĐBNB có khí hậu nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất lúa gạo quanh năm.
Khó khăn lớn nhất trong việc sản xuất lúa gạo ở ĐBNB là bão, lũ lụt thường xuyên xảy ra.
Phần lớn gạo xuất khẩu ở nước ta là do ĐBNB cung cấp.
+ Bài tập TL:
Vẽ sơ đồ thể hiện quy trình thu hoạch và chế biến gạo xuất khẩu.
- Mức 3: Biết vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết những vấn đề quen thuộc, tương tự trong học tập, cuộc sống. Tỷ lệ số lượng câu hỏi ở mức độ vận dụng chiếm khoảng 20% số lượng câu hỏi trong một bài kiểm tra.
Ví dụ 1.10: Với bài 22 - Thành phố Cần Thơ, để giúp HS có thể hiểu, vận dụng những kiến thức về mục đích Cần Thơ xây dựng viện nghiên cứu lúa, các
cơ sở sản xuất máy nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu, … có thể xây dựng bài tập TNKQ như sau:
+ Bài tập TNKQ:
Khoanh tròn vào chữ cái trước câu trả lời đúng nhất
Cần Thơ xây dựng viện nghiên cứu lúa, các cơ sở sản xuất máy nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu, … nhằm mục đích gì?
a. Phục vụ cho sản xuất lương thực, thực phẩm.
b. Phục vụ cho nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản.
c. Phục vụ cho việc trồng các loại cây công nghiệp lâu năm như: cà phê, cao su, hồ tiêu, …
d. Phục vụ cho chăn nuôi gia súc và gia cầm.
+ Bài tập TL: Vận dụng những hiểu biết của bản thân và kiến thức đã học để cho biết và giải thích loại hình giao thông phổ biến ở Cần Thơ. Chúng tôi xây dựng bài tập TL như sau:
Ở Cần Thơ, loại hình giao thông nào là phổ biến nhất? Vì sao?
- Mức 4: Vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập, cuộc sống một cách linh hoạt. Câu hỏi, bài tập ở mức độ này thường dành cho các HS khá giỏi trong lớp. Tỷ lệ số lượng câu hỏi ở mức độ vận dụng nâng cao chiếm khoảng 20% số lượng câu hỏi trong một bài kiểm tra.
Ví dụ 1.11: Với bài 24 - Dải đồng bằng DHMT. Sau khi học xong bài này, HS biết được những bất lợi do thiên nhiên gây ra cho người dân ở dải đồng bằng DHMT dựa vào các kiến thức đã học kết hợp với sự hiểu biết của bản thân. HS cũng có thể tham khảo ý kiến của người thân, bạn bè để giải quyết vấn đề. Từ đó, nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề và khả năng vận dụng kiến thức vào cuộc sống cho HS.
+ Bài tập TL:
Trình bày những bất lợi do thiên nhiên gây ra cho người dân ở dải đồng bằng DHMT?
Khi xây dựng hệ thống bài tập thì cần chú ý số lượng bài tập trong hệ thống bài tập cần xây dựng phải nhiều hơn số lượng bài tập trong một hệ thống bài tập
kiểm tra thường xuyên. Nếu số lượng bài tập trong một hệ thống bài tập kiểm tra thường xuyên khoảng 5 – 6 bài tập thì đòi hỏi số lượng bài tập trong hệ thống bài tập cần xây dựng phải từ 10 – 15 bài tập. Hơn nữa, từ một hệ thống bài tập đã xây dựng phải hình thành từ 2 -3 bài kiểm tra thường xuyên khác nhau để có thể vận dụng một cách linh hoạt vào trong quá trình dạy học.
Sau khi đã xác định và xây dựng được các dạng bài tập với nhiều mức độ khác nhau (nhận biết, hiểu, vận dụng và vận dụng nâng cao), GV tiến hành xây dựng đáp án và kiểm tra, chỉnh sửa lại hệ thống bài tập cho hoàn chỉnh.
Các bài tập KT-ĐG được xây dựng theo nhiều mức độ như trên sẽ giúp phân loại mức độ tiếp thu kiến thức của HS theo các cấp độ khác nhau. Từ đó, GV có thể điều chỉnh phương pháp dạy học của mình sao cho phù hợp với từng đối tượng HS, giúp hoạt động KT-ĐG đạt hiệu quả cao.
1.1.3.4. Tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống bài tập trong KT-ĐG phân môn Địa lí lớp 4
Dạy học phân môn Địa lí lớp 4 có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp cho HS một số kiến thức cơ bản, thiết thực về các sự vật, hiện tượng và các MQH địa lí đơn giản ở các vùng chính trên đất nước ta, tạo cơ sở nền tảng kiến thức vững chắc cho các em học lên các lớp học trên. Vì vậy, để giúp HS dễ dàng ghi nhớ, khắc sâu, nắm vững kiến thức và biết vận dụng các kiến thức đã học vào trong thực tiễn đời sống thì việc xây dựng hệ thống bài tập trong KT-ĐG phân môn Địa lí là một biện pháp rất cần thiết và có hiệu quả.
Hệ thống bài tập được xây dựng theo 4 mức độ (nhận biết, hiểu, vận dụng và vận dụng nâng cao) với nhiều dạng bài tập khác nhau, GV có thể linh hoạt sử dụng các dạng bài tập sao cho phù hợp với từng nội dung, từng đối tượng HS để kiểm tra đánh giá, phát hiện được những kiến thức mà HS đã tiếp thu được cũng như những điểm hạn chế, lỗ hỏng kiến thức trong HS. Từ đó, đề ra những giải pháp thiết thực, thay đổi hình thức và phương pháp dạy học sao cho đem lại hiệu quả dạy học tốt nhất.
Sau mỗi bài học, nếu GV xây dựng được nhiều dạng bài tập khác nhau và đưa vào sử dụng một cách thích hợp sẽ lôi cuốn, kích thích hứng thú học tập cho HS.
Hơn nữa, sẽ khơi gợi và hệ thống hóa được kiến thức cho các em, từ đó tạo động lực thúc đẩy quá trình tư duy sáng tạo cho mỗi em. Với mỗi bài tập sẽ giúp HS khắc sâu, ghi nhớ một phần kiến thức trong bài học ngay tại lớp, hạn chế ghi nhớ không chủ định. Trong quá trình thực hiện các bài tập do GV đưa ra, HS sẽ dần hình thành được nhiều kỹ năng như: kỹ năng lắng nghe, kỹ năng đọc và phân tích đề bài, kỹ năng trình bày, kỹ năng nhận xét,…Ngoài ra, còn rèn luyện các thao tác tư duy như:
phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu, khái quát hóa,..
Ngoài việc mang lại nhiều vai trò quan trọng cho HS thì việc xây dựng và sử dụng thành công hệ thống bài tập KT-ĐG thường xuyên phân môn Địa lí cũng rất có ý nghĩa đối với GV. Trong quá trình nghiên cứu xây dựng hệ thống bài tập thì GV cũng có thể hệ thống hóa kiến thức cho bản thân, từ đó tinh lọc ra các ưu điểm cần phát huy, nhận thấy những hạn chế, thiếu sót để điều chỉnh kịp thời, nâng cao chất lượng dạy học phân môn Địa lí. Do đó, việc xây dựng hệ thống bài tập trong KT-ĐG phân môn Địa lí có vai trò rất quan trọng đối với cả GV và HS.
1.1.4. Đặc điểm nhận thức của HS giai đoạn lớp 4, 5
- Về tri giác: Tri giác của HS mang tính đại thể, ít đi vào chi tiết và mang tính không ổn định; cuối tuổi Tiểu học tri giác bắt đầu mang tính xúc cảm, trẻ thích quan sát các sự vật hiện tượng có màu sắc sặc sỡ, hấp dẫn, tri giác của trẻ đã mang tính mục đích, có phương hướng rõ ràng – tri giác có chủ định (Trẻ biết lập kế hoạch học tập, biết sắp xếp công việc nhà, biết làm các bài tập từ dễ đến khó,…) [19; 201].
Trong quá trình học tập, tri giác trở thành hoạt động có mục đích đòi hỏi phải phân tích, tổng hợp từ đó tri giác của HS sẽ mang tính chất của sự quan sát có tổ chức. Trong sự phát triển tri giác của HS Tiểu học, GV đóng vai trò rất quan trọng, GV là người hình thành các kĩ năng và dần hình thành tri giác có chủ đích cho HS [19; 202].
Do đó, trong quá trình xây dựng hệ thống bài tập trong KT-ĐG phân môn Địa lí, GV cần phải chú ý đến đặc điểm tri giác của HS để xây dựng bài tập cho phù hợp, không nên vượt quá kiến thức, khả năng của các em hoặc không quá dễ để kích thích hứng thú học tập, sự tìm tòi sáng tạo cho các em.
- Về chú ý: Ở giai đoạn lớp 4,5 trẻ dần hình thành kĩ năng tổ chức, điều chỉnh chú ý của mình. Chú ý có chủ định phát triển và chiếm ưu thế, ở HS đã có sự nỗ lực về ý chí trong hoạt động học tập như học thuộc một bài thơ, một công thức toán hay một bài toán dài, …. Trong sự chú ý của HS đã bắt đầu xuất hiện giới hạn của yếu tố thời gian, HS đã định lượng được khoảng thời gian cho phép để làm một công việc nào đó và cố gắng hoàn thành công việc trong khoảng thời gian quy định [19;
202].
Trong quá trình xây dựng hệ thống bài tập KT-ĐG phân môn Địa lí cần quan tâm đến đặc điểm chú ý của HS, phát huy hết chú ý có chủ định của các em để các em có thể tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất; tạo điều kiện cho quá trình KT-ĐG đạt hiệu quả cao.
- Về tư duy: Tư duy của HS lứa tuổi này còn mang đậm màu sắc xúc cảm và chiếm ưu thế ở tư duy trực quan hành động. Các phẩm chất tư duy chuyển dần từ tính cụ thể sang tư duy trừu tượng khái quát. Khả năng khái quát hóa phát triển dần theo lứa tuổi; lớp 4 bắt đầu biết khái quát hóa lý luận. HS đã bắt đầu muốn tìm tòi, khám phá, phát hiện những vấn đề mới. Tuy nhiên, hoạt động phân tích, tổng hợp kiến thức còn sơ đẳng ở đa số HS tiểu học [19; 203].
Hệ thống bài tập cần xây dựng trong KT-ĐG phân môn Địa lí không chỉ vừa sức mà cần phải phát huy hết khả năng tư duy, logic cho các em
- Về trí nhớ: Loại trí nhớ trực quan hình tượng chiếm ưu thế hơn trí nhớ từ ngữ - lôgic. Giai đoạn lớp 4, 5 ghi nhớ có ý nghĩa và ghi nhớ từ ngữ được tăng cường. Ghi nhớ có chủ định đã phát triển. Tuy nhiên, hiệu quả của việc ghi nhớ có chủ định còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ tích cực tập trung trí tuệ của các em, sức hấp dẫn của nội dung tài liệu, yếu tố tâm lý tình cảm hay hứng thú của các em [19; 203].
Như vậy, hệ thống bài tập được xây dựng trong KT-ĐG phân môn Địa lí phải chú ý đến đặc điểm trí nhớ của HS, phải lựa chọn ngữ liệu phù hợp, có sức hấp dẫn để khơi gợi hứng thú học tập, tạo điều kiện ghi nhớ kiến thức đã học cho HS, giúp nâng cao chất lượng KT-ĐG trong dạy học.
- Về ý chí: Đến cuối tuổi tiểu học các em đã có khả năng biến yêu cầu của người lớn thành mục đích hành động của mình, tuy vậy năng lực ý chí còn thiếu bền vững, chưa thể trở thành nét tính cách của các em. Việc thực hiện hành vi vẫn chủ yếu phụ thuộc vào hứng thú nhất thời [20].
Do vậy, GV cần chú ý đến đặc điểm này của HS để xây dựng hệ thống bài tập sao cho phù hợp, bài tập phải rõ ràng, ngắn gọn và súc tích để các em có hứng thú hoàn thành bài tập một cách tốt nhất, giúp cho quá trình KT-ĐG diễn ra một cách khách quan và hiệu quả hơn.
- Đặc điểm tình cảm: Tình cảm là một mặt rất quan trọng trong đời sống tâm lý của con người. Đối với HS Tiểu học thì tình cảm có vị trí đặc biệt vì nó là khâu quan trọng gắn nhận thức với hoạt động của trẻ. Tình cảm tích cực sẽ kích thích nhận thức của trẻ và thúc đẩy trẻ em hoạt động. Trẻ rất dễ xúc cảm, xúc động và khó kiềm chế cảm xúc của mình. Quá trình nhận thức hoạt động học của trẻ chịu sự chi phối mạnh mẽ của cảm xúc. Cụ thể khi làm bài tập, khi các em tập trung hứng thú với bài tập thì sẽ thể hiện rõ trên nét mặt vui vẻ, tươi cười của các em; còn khi không thích hoặc nhàm chán thì dẽ dàng nhận thấy sự cau có khó chịu trên khuôn mặt của các em khi gặp một khó khăn nào đó trong giải quyết bài tập [19; 208].
Ở tuổi tiểu học, nếu xúc cảm về một sự kiện, hiện tượng hoặc sự vật nào đó được củng cố thường xuyên thông qua các bài học, môn học, hoạt động thì sẽ hình thành tình cảm sâu đậm, bền vững [19; 208].
Vì vậy, khi xây dựng hệ thống bài tập trong KT-ĐG phân môn Địa lí cần chú ý xây dựng các bài tập bồi dưỡng tình cảm, thái độ, nhân cách cho các em thông qua các các bài học trên lớp, hình thành tình cảm bền vững trong các em.