Tính tới thời điểm hiện nay, trên thế giới đã có rất nhiều công trình khoa học nghiên cứu về quản lý đào tạo nguồn nhân lực đã được công bố.
Tuy nhiên, mỗi tác giả tiếp cận về đào tạo nguồn nhân lực dưới các góc độ khác nhau, chủ yếu theo các hướng như: (1) quản lý đào tạo theo chuẩn đầu ra; (2) quản lý đào tạo theo năng lực thực hiện, hoặc quản lý đào tạo theo nhu cầu xã hội.
1.1.1.1 Quản lý đào tạo theo chuẩn đầu ra được thể hiện trong những nghiên cứu cơ bản sau:
Các nhà khoa học Rothwell, W. J. & Lindholm, J. E Trong cuốn
“Competency identification modeling and assessment in the USA” [81], nhận định: Trong những thập niên cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật đã đòi hỏi phải gia tăng năng suất và hiệu quả lao động. Tuy nhiên, việc đào tạo nhân lực để trực tiếp tham gia vào quá trình lao động sản xuất còn thuần túy theo cách mô phỏng, bắt chước, máy móc rập khuôn. Đứng trước đòi hỏi đó, các nhà giáo dục chuyên nghiệp phải suy nghĩ về dạy học trong quá trình đào tạo như thế nào cho có hiệu quả để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và lưu thông hàng hoá. Vì vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cần phải dựa trên phân tích quá trình
lao động từng ngành nghề cụ thể để khám phá ra những cách thức trang bị kiến thức và rèn luyện kỹ năng tốt nhất cho người được đào tạo có được năng lực thực hành nghề, mà các năng lực này được coi như chuẩn đầu ra của người được đào tạo của cơ sở đào tạo. Theo các tác giả, hệ thống mô hình năng lực có trong tài liệu này là những yêu cầu của xã hội đối với hoạt động đào tạo nhân lực cho một ngành nghề cụ thể nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu của xã hội về đào tạo nguồn nhân lực.
Một trong những tài liệu bàn sâu về đào tạo theo chuẩn đầu ra được ấn hành thập niên cuối của Thế kỷ XX là “Designing Competence - Based Training”(Thiết kế năng lực - cơ sở đào tạo) của Shirley Fletcher xuất bản năm 1997 tại Anh [83] đã đề cập các cơ sở khoa học của việc thiết lập các tiêu chuẩn đào tạo, các kỹ thuật phân tích công việc, phân tích nhu cầu người học và phân tích nhu cầu sử dụng nhân lực; đồng thời đưa ra các modul về nội dung của các chương trình đào tạo.
Trong cuốn “Technologie et l'enseignement technique et la formation professionnelle” (Công nghệ và kỹ thuật giáo dục và đào tạo nghề) ấn hành tại Canada năm 2002 [84] đã đưa ra hệ thống chuẩn kỹ năng nghề được quy định cụ thể trong các bộ chuẩn đào tạo nói chung và chuẩn đầu ra ngành đào tạo của mỗi nghề nói riêng. Để có được các bộ chuẩn đầu ra cho đào tạo, các cơ sở đào tạo phải xác định hệ thống các kỹ năng của nghề trên cơ sở phân tích nghề trong thực tế để xác định được chuẩn đầu ra phù hợp với nhu cầu xã hội và coi chuẩn đó là yêu cầu bắt buộc đối với người học khi bắt đầu ra trường.
1.1.1.2 Đào tạo theo năng lực để đáp ứng yêu cầu lao động trên thị trường được đề cập một số nghiên cứu tiêu biểu:
Theo các nội dung trong cuốn “The Life and Times of Victor Karlovich Della-Vos” (Cuộc đời và sự nghiệp của Victor Karlovich Della-Vos) đã được ấn hành 1965 tại Luân Đôn [82], tác giả đã phân tích nghề nghiệp trong đào tạo. Với quan điểm muốn đào tạo nghề có hiệu quả thì phải phân tích nghề để
nhận biết các năng lực cần thiết phải trang bị cho người hành nghề. Các yêu cầu năng lực đó phải có trong mục tiêu đào tạo và cũng coi như chuẩn đầu ra thoả mãn nhu cầu xã hội đối với người đã qua đào tạo; đồng thời tác giả cũng đề xuất một số biện pháp quản lý quá trình đào tạo nhằm vào mục tiêu hoàn thiện các năng lực cho người được đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động trong phát triển kinh tế xã hội. Các biện pháp của tác giả tập trung vào các lĩnh vực chương trình, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức, phương thức đánh giá trong đào tạo. Quan điểm khoa học trên được coi là một trong những sáng kiến của Della Vos đặt nền tảng khoa học cho đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Đến những năm 20 của thế kỷ XX do yêu cầu phát triển công nghiệp, sản xuất, dịch vụ và sự xuất hiện nhiều hình thức thương mại nên vấn đề cải cách đào tạo nguồn nhân lực để người lao động có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu xã hội đã xuất hiện ở nhiều nước phát triển. Một trong những tài liệu có nội dung bàn về vấn đề này là cuốn “Handbook for Developing Competency - Based Training Programs” (Sổ tay về phát triển năng lực - cơ sở cho một chương trình đào tạo) của tác giả William E. Blank được ấn hành năm 1982 tại Mỹ [90]. Theo các tác giả của tài liệu này, đào tạo theo phát triển năng lực không dùng thời gian quy định cho khoá học mà dùng lượng kiến thức, kỹ năng theo tiêu chuẩn chuyên môn nghề nghiệp đã quy định (Standard of Profession) để làm đơn vị đo và coi đó như chuẩn đánh giá được xã hội thừa nhận, có nghĩa là chuẩn đã đáp ứng nhu cầu xã hội. Cuốn sách này cũng đề cập những vấn đề cơ bản của giáo dục và đào tạo dựa trên năng lực thực hiện, phân tích nghề và phân tích nhu cầu người học, nhu cầu của các tổ chức và doanh nghiệp sử dụng lao động về kiến thức, kỹ năng và thái độ của người học theo mục tiêu đào tạo.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã có nhiều nghiên cứu về năng lực thực hiện của người lao động, trong đó công trình “ILO, Occupational
Competencies: Identification, Training, Evaluation, Certification” (Năng lực nghề nghiệp: Xác định, đào tạo, đánh giá, chứng nhận) [73] đã có các nội dung bàn về nâng cao năng suất lao động cần tới các hoạt động xác định hệ thống các năng lực của người lao động đáp ứng nhu cầu xã hội, đào tạo theo hệ thống năng lực đó để có nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội.
Trong cuốn “Designing a Competency – Based Training Curriculum”
(thiết kế năng lực dựa trên chương trình đào tạo) của Mackenzie B thuộc trường cao đẳng Holmesglen TAFE ấn hành (1995) tại Australia [76]; tác giả cũng đi sâu nghiên cứu về năng lực của người học trong các chương trình đào tạo. Các năng lực mà tác giả đưa ra đối với một người học sau một khoá đào tạo được thiết lập trên cơ sở điều tra nhu cầu sử dụng lao động.
Trong cuốn “Human Resource Development: Paradigms, Policies and Practices, Helsinki (Phát triển nhân lực: các khung mẫu, chính sách và thực tiễn) của Noonan R. ấn hành năm 1997 tại Helsinki [77]; tác giả đưa ra một cách tổng thể về lý thuyết phát triển nhân lực nói chung, các mô hình năng lực của người đã qua đào tạo, các chính sách sử dụng lao động cần phải thay đổi thông qua các kết quả nghiên cứu thực tiễn. Sự thống nhất về các khung mẫu, chính sách đều là những điều kiện cơ bản để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Một số năm gần đây, nhiều tài liệu khoa học của nước ngoài đã bàn đến các nội dung phối hợp (hoặc kiên kết) đào tạo giữa các cơ sở đào tạo nghề nghiệp và các doanh nghiệp. Trong đó có các nội dung thể hiện rõ các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nhân lực (coi như một dạng nhu cầu xã hội về nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH) và mặt khác các cơ sở đào tạo phải đào tạo nhân lực (sản phẩm đào tạo của cơ sở đào tạo) đúng theo nhu cầu mà các doanh nghiệp đòi hỏi. Sự phối hợp đó để cùng giải quyết vấn đề mang tính thời đại là đào tạo nhân lực theo nhu cầu phát triển KT-XH. Các cuốn sách tiêu biểu có các nội dung nêu trên như: LSE Enterprise (2012). Study on
University - Business Cooperation in the USA (LSE Doanh nghiệp (2012).
Nghiên cứu về hợp tác trường đại học và doanh nghiệp tại Mỹ) [75]; Rebecca Allinson, C.A. (2012). The University Business Forum: A Trends Report 2008-2011. Brussel: European Commission (Rebecca Allinson, C.A. (2012).
Diễn đàn Trường Đại học - Doanh nghiệp: Một báo cáo xu hướng 2008-2011.
Ủy ban châu Âu tại Brussel) [79]; Technopolis (2011). University Business Cooperation: 15 Institutional Case Studies on the Links Between Higher Education Institutions and Businesses. DG Education and Culture (Hợp tác giữa trường Đại học và doanh nghiệp: 15 trường hợp nghiên cứu tình huống về Hợp tác giữa các tổ chức giáo dục đại học và doanh nghiệp. DG Giáo dục và Văn hóa) [85]; Tim Wilson DL. (2012). A Review of Business - University Collaboration. London: Higher Education Funding Council for England (Tim Wilson DL (2012). Một đánh giá về hợp tác của doanh nghiệp - trường đại học London: Hội đồng Tài trợ giáo dục đại học Anh) [86]
Nhìn chung các tài liệu khoa học của nước ngoài đã tập trung nghiên cứu về đào tạo theo nhu cầu xã hội theo các hướng như đào tạo theo năng lực thực hiện, đào tạo theo chuẩn đầu ra và xây dựng nhiều mô hình quản lý... Cho dù tiếp cận theo hướng nào thì các công trình khoa học tiêu biểu nêu trên vẫn tập trung vào mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Những thành quả nghiên cứu đó có thể coi là những cơ sở lý luận và thực tiễn có giá trị trong việc nghiên cứu vấn đề quản lý đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.