Quan h ệ huyết thống giữa Malaysia và Chăm

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Lịch sử: Yếu tố Melayu trong văn hóa Chăm - Quá trình định hình và phát triển (Trang 50 - 54)

Hiện nay, ở Malaysia có khoảng 40.000 người Chăm Islam sống tập trung ở Kelantan có nguồn gốc từ Việt Nam và Campuchia. Sau năm 1975, chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chính sách cho những người ngoại kiều được phép trở về quê hương của mình. Một số người Chăm Nam bộ vì muốn tránh khỏi những hậu quả chiến tranh dai dẳng, triền miền ở Việt Nam và những bất ổn ở Miền Nam Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ và cuộc sống không ổn định từ nạn diệt chủng Polpot ở Campuchia nên họ tự nhận là người Malaysia hoặc theo chồng là người gốc Malaysia sang Malaysia. Việc chọn Malaysia là nơi dừng chân lánh nạn vì người Malay với người Chăm có những điểm tương đồng văn hóa, tôn giáo và một số họ hàng xa của người Chăm bây giờ đã sớm định cư ở Malaysia do nhiều yếu tố khách quan trong lịch sử như chạy nạn xâm lược, kết hôn với đàn ông Malaysia… đây cũng là một nguyên do cho sự gắn kết qua lại lâu dài giữa cộng đồng Islam tại Việt Nam và cộng đồng Islam tại Malaysia từ mối quan hệ huyết thống lâu đời.

Nhìn vào bảng thống kê từ cuộc điều tra định lượng tháng 4/1999, ta sẽ thấy rõ hơn mối quan hệ huyết thống xuyên lục địa của người Chăm Islam trong khu vực Đông Nam Á. Những số liệu trong kết quả điều tra sẽ chứng tỏ Malaysia là nơi mà người Islam Việt Nam có tình cảm sâu đậm, có mối quan hệ thân tình lâu dài nhiều nhất so với những quốc gia Hồi giáo khác. Với mẫu thử là 125 người Chăm Islam đã có 53 người khẳng định có người thân ở Malaysia, 13 người Chăm Islam có họ hàng ở Indonesia, 7 người Chăm Islam nói có người quen ở Campuchia, 4 người Chăm Islam thừa nhận có họ hàng ở Thái Lan, 2 người Chăm Islam khoe có người quen ở Singapore, 1 người Chăm Islam nói có người quen ở Lào và 67 người Chăm Islam có những mối quan hệ thân thiết rải rác ở những nước khác nằm ngoài khu vực Đông Nam Á. Đây là một số liệu thống kê ngẫu nhiên, không có sự chọn lọc hay sắp đặt trước nên tính trung thực là rất cao và sự chính xác là khá tương đối.

Bảng 1: Có quan hệ quen biết ở các nước Đông Nam Á

Số trường hợp trả lời :125 người Tên nước Có người

thân quen

Tỷ lệ / Trả lời Tỷ lệ / Trường hợp

Malaysia 53 36.1 42.2

Indonesia 13 8.8 10.4

Campuchia 7 4.8 5.6

Thailand 4 2.7 3.2

Singapore 2 1.4 1.6

Laos 1 0.7 0.8

Nơi khác (ngoài Đông Nam Á) 67 45.6 53.6

Tổng 147 100.00 117.4

Nguồn: tài liệu photo do Phú Văn Hẳn cung cấp [30, tr. 8]

Tháng 1 năm 1991, Tổng lãnh sứ quán Malaysia đặt tại số 53 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, (nay ở số 2 Ngô Đức Kế, quận 1) thành phố Hồ Chí Minh, mối quan hệ giữa người Chăm Islam và người Malaysia càng thêm gần gũi. Những người Chăm Islam thông thạo ngôn ngữ Melayu có diều kiện được làm việc tại Tổng lãnh sự quán Malaysia, công ty của người Malaysia trên nhiều lĩnh vực như tôn giáo, văn hóa, xã hội, giáo dục. Những buổi lễ hội giao lưu văn hóa giữa hai nước Malaysia và Việt Nam thường xuyên diễn ra trên tinh thần trao đổi văn hóa mà nền tảng là những người Chăm Islam và người Melayu đều thuộc lòng những vũ điệu dân tộc của nhau. Những sinh viên Malaysia thường chọn tộc người Chăm làm đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa truyền thống như nhạc cụ, trường ca, sử thi…của Chăm. Mối quan hệ giao lưu văn hóa càng được đào sâu hơn khi bộ môn Đông Nam Á học chính thức ra đời trong các trường đại học ở Việt Nam. Trong các buổi giao lưu, người Chăm Islam trở thành cầu nối phiên dịch những tâm tư của những người hòa hiếu ham học hỏi văn hóa của nhau để thúc đẩy mối quan hệ giao lưu giữa hai nước ngày một tốt đẹp hơn. Cuộc viếng thăm cộng đồng Islam ở thành phố Hồ Chí Minh năm 1998 của Quốc Vương Malaysia đã khẳng định chiều hướng phát triển rất tốt đẹp và bền lâu của của mối quan hệ thân tình này và những chuyến công tác của những Giáo sư, Tiến sĩ đến từ trường đại học University Malaya của Malaysia đến Việt Nam để nghiên cứu về người Chăm những ngày gần đây để thiết lập hệ thống giáo dục liên thông giữa Việt Nam và Malaysia một lần nữa đã khẳng định mối quan hệ tộc người giữa người Chăm Islam Việt Nam và cộng đồng Islam Malaysia đã giúp cho nền giáo dục Việt Nam được mở rộng ra khỏi biên giới quốc gia.

Xem ra, mối quan hệ tộc người giữa người Chăm Islam Việt Nam và người Malaysia là quan hệ tôn giáo, quan hệ hôn nhân. Do cùng niềm tin tôn giáo và mong ước được nâng cao sự am hiểu về tôn giáo của mình mà hai tộc người khác nhau đã có sự hòa hợp thân tình. Còn mối quan hệ tộc người giữa người Chăm Islam Việt Nam với người Chăm sống tại Malaysia là mối quan hệ dòng tộc, dựa trên vấn đề huyết thống, họ hàng, tình cảm gia đình, tình cảm đồng tộc mà có những liên hệ lâu dài và thân mật.

Theo quá trình phân li từ những cuộc chiến tranh và hôn nhân, người Chăm Islam Việt Nam trở thành người Islam Malaysia. Khi cuộc sống mới đã bắt đầu ổn định, mong ước sum họp gia đình từ mối tình cảm huyết thống, dòng tộc đã thúc đẩy người Islam Malaysia gốc Chăm Islam Việt Nam có ý định họp tụ với tộc người gốc của mình tạo nên mối quan hệ tộc người mở rộng gồm tộc người Chăm Islam Việt Nam, Chăm Islam Malaysia, người Islam Malaysia và người Chăm lai với người Malaysia.

Tại Việt Nam, bên cạnh những tín ngưỡng, tôn giáo mang tính dân tộc như tục thờ Thần, thờ ông bà tổ tiên…còn có các tôn giáo ngoại nhập hay nội sinh khác. Lâu đời như Phật giáo, Khổng giáo, muộn hơn có Thiên Chúa giáo, Cao Đài, Hòa Hảo và Hồi giáo. Ảnh hưởng của Islam kéo dài từ Bắc Phi đến tận Đông Nam Á và Trung Quốc. Đạo Hồi tuy thống nhất về mặt giáo lý, nhưng tùy từng địa phương, từng nền văn hóa mà có nhiều hệ phái với những gam màu đậm nhạt khác nhau. Như việc hình thành đạo Bàni và phát triển Islam trong cộng đồng Chăm Việt Nam có liên quan nhiều đến văn bia bằng chữ Jawi (một loại chữ do cư dân Đông Nam Á sáng tạo nên) từ thế kỷ XI trên đất Champa cổ. Tác giả Othman Mohd. Yatim khi nghiên cứu các văn bia Champa và Melayu cho rằng “văn bia Champa, Brunei và Jawa đều thuộc mộ bia trước thời đồ đá (zaman batu) có nguồn gốc Aceh, Bắc Sumatra được truyền đến bán đảo Mã Lai” [30, tr. 2]. Tuy nhiên trong quá trình phát triển, chỉ có cộng đồng Chăm Islam là có quan hệ quốc tế, cộng đồng Chăm Bàni hầu như ít có mối liên hệ nào với thế giới Muslim bên ngoài, đó là một cộng đồng khép kín với những luật tục riêng, bản sắc riêng. So với tín đồ của các tôn giáo khác thì số lượng tín đồ Islam không đáng kể, chỉ vào khoảng hơn 70.000 người, chiếm khoảng một phần trăm dân số cả nước. Hầu hết là người Chăm Islam Nam Bộ, sống ở An Giang, Tây Ninh, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh. Từ khi nước ta chính thức gia nhập ASEAN, cộng đồng Hồi giáo Việt Nam có điều kiện để hội nhập vào khu vực, nơi có số lượng tín đồ đông đảo, có nhiều quốc gia coi Hồi giáo là quốc đạo thông qua các hoạt động như tham dự các liên hoan xướng kinh Qur’an, triển lãm văn hóa tại các quốc gia Hồi giáo như Malaysia, Indonesia, Brunei, tài trợ cho nhiều suất học bổng cho thanh niên Chăm Islam du học tại Malaysia, Indonesia, hành hương viếng thánh địa Mecca….Nhìn chung những mối quan hệ này rất đa dạng, tùy thuộc vào nguyên nhân lịch sử, từng lúc, từng nơi mà có sắc thái đậm nhạt khác nhau. Có mối quan hệ hình thành dựa trên huyết thống, dòng tộc

như quan hệ với cộng đồng Islam tại Campuchia. Có mối quan hệ được tạo nên do cùng tôn giáo như với cộng đồng Hồi giáo tại Malaysia, hoặc do mối bang giao từ trong quá khứ như với cộng đồng Hồi giáo tại tỉnh Patani- Thái Lan. Trong các mối quan hệ ấy nổi lên mối quan hệ đặc biệt giữa cộng đồng Islam - Việt Nam với các tín đồ Islam thuộc nhóm Mã Lai- Đa Đảo thường xuyên và thân mật nhất [26, tr. 45-50].

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Lịch sử: Yếu tố Melayu trong văn hóa Chăm - Quá trình định hình và phát triển (Trang 50 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)