2.3. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những tồn tại trong quá trình phát triển nguồn nhân lực trong những năm qua ở nông thôn đồng bằng sông Hồng
2.3.1. Giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực nông thôn đồng bằng sông Hồng
Nông dân vùng đồng bằng sông Hồng có truyền thống hiếu học, dưới chế độ mới truyền thống đó được khuyến khích, hệ thống giáo dục phổ thông mở ra rộng khắp. Theo kết quả tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn và thuỷ sản 2006, khu vực nông thôn của vùng có 99,41% số xã có trường mầm non, 100% số xã có trường tiểu học, 99,14% số xã có trường trung học cơ sở, 11,71% số xã có trường trường trung học phổ thông, 100% các huyện có từ 1 - 4 trường trung học phổ thông. So với các vùng, miền khác trong cả nước thì hệ thống trường, lớp, giáo viên và học sinh ở khu vực đồng bằng sông Hồng chiếm một tỷ lệ khá cao.
Không chỉ dừng lại ở số lượng, nếu nhìn một cách khái quát hệ thống giáo dục hiện nay so với hệ thống giáo dục đã từng tồn tại trong lịch sử thì đã có nhiều cải biến rõ rệt về chất lượng: hệ thống cơ sở vật chất các trường học ở nông thôn của vùng không ngừng được nâng cao. Trên 90% số trường các cấp đều được xây dựng kiên cố. Trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học được đầu tư bổ sung, nâng cấp với những phương tiện hiện đại. Đội ngũ giáo viên được tăng cường về số lượng, được nâng cao về trình độ và các chính sách ưu tiên cho giáo viên được coi trọng, đặc biệt là ở vùng núi, vùng biển.
Ngoài các cơ sở trong hệ thống giáo dục chính thống còn xuất hiện nhiều trung tâm học tập cộng đồng chủ yếu là ở các trung tâm xã, huyện nông thôn, góp phần nâng cao dân trí và tìm việc làm cho người lao động. Đây chính là nguyên nhân lý giải về sự phát triển vượt bậc của nông thôn đồng bằng sông
Hồng về giáo dục, trình độ dân trí và học vấn cao hơn so với các vùng nông thôn khác trong cả nước, tạo tiền đề, điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn của vùng.
Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất trong giáo dục ở nông thôn của vùng và cũng là hạn chế chung của nền giáo dục cả nước là chất lượng giáo dục. Chất lượng giáo dục do nhiều nguyên nhân, từ vai trò của người dạy, người học đến đến nội dung chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy và học. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân trực tiếp làm cho chất lượng giáo dục không cao, một bộ phận không nhỏ người học sau khi ra trường thiếu năng động, sáng tạo chính là phương pháp dạy và học mang tính thụ động theo kiểu “thầy đọc, trò viết”,
“thầy nói sao, trò nói vậy”. Mặt khác việc đào tạo sư phạm, bồi dưỡng giáo viên vẫn còn những bất cập. Dù bảo đảm được số lượng giáo viên, nâng tỷ lệ chuẩn hoá vượt bậc so với nhiều năm trước nhưng so với yêu cầu của nhà trường hiện nay, giáo viên các môn năng khiếu và kỹ thuật, nhạc, hoạ, tin học… vẫn còn thiếu. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng sử dụng thiết bị dạy học, kỹ năng tổ chức học sinh học tập, nhận thức về đổi mới phương pháp dạy học…
vẫn còn là những vấn đề giáo viên phải "tích cực phấn đấu".
Gánh nặng chi phí giáo dục đang đè nặng lên vai người dân nông thôn, ngay cả khi được miễn, giảm học phí, nông dân không có đủ tiền để cho con em đi học và học lên cấp cao hơn. Cộng với tâm lý, quan điểm của nhiều bậc phụ huynh cho rằng không cần học lên cao, chỉ cần biết chữ là đủ. Kết quả là, họ không quan tâm tới việc nâng cao trình độ học vấn cho họ và con cái họ dẫn đến trẻ em bỏ học vì nhiều lý do. Trường hợp xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình là một ví dụ. Theo báo cáo của ban giám hiệu các trường thì từ năm học 1996 - 1997 đến nay, trường tiểu học không có học sinh bỏ học. Nhưng chỉ có khoảng 83,7% học sinh tiểu học tiếp tục vào trung học cơ sở. Từ năm học 1996 - 1997 đến năm học 2002 - 2003, có 112 học sinh trung học cơ sở bỏ học. Theo điều tra, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi 6 - 15 bỏ học giữa chừng là 8,5%, tập trung
chủ yếu ở lớp 8 và lớp 9. Các em bỏ học vì những nguyên nhân: lao động phụ giúp gia đình 34,5%, học kém 17,2%, chán học 17,2% (vì nhiều lý do), điều kiện gia đình khó khăn 10,3%... [20, tr.29-30].
Nhìn vào số liệu trên có thể thấy rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học chủ yếu lại là do giúp gia đình làm kinh tế. Những lợi ích kinh tế trước mắt đã làm gia tăng tỷ lệ trẻ em bỏ học. Chi phí cho một trẻ đi học mất 14% thu nhập của gia đình nghèo nhất và 7% thu nhập của gia đình giàu. Đối với các gia đình nông thôn, việc trang trải kinh phí cho con cái họ đi học quả là một gánh nặng lớn. Và càng học cao thì các khoản chi phí ngày càng nhiều. Trong khi đó, một đứa trẻ nghỉ học ở nhà vừa bớt được một khoản chi lại vừa có thể tăng thêm thu nhập cho hộ gia đình nhờ lao động của chúng. Những địa phương mà làng nghề phát triển thì tỷ lệ trẻ bỏ học ở nhà giúp gia đình làm kinh tế càng cao.
Do vậy để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn của vùng thì một nhiệm vụ cốt yếu là phải tiếp tục giữ vững và phát triển mạnh mẽ hơn nữa giáo dục ở nông thôn, nhất là về mặt chất lượng. Và vấn đề có ý nghĩa quyết định là chúng ta sẽ làm gì để huy động và sử dụng trình độ học vấn, dân trí của người lao động nông thôn đồng bằng sông Hồng vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn ở đây.
b) Đào tạo cao đẳng, đại học và dạy nghề
Việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cho khu vực nông thôn của vùng được thực hiện thông qua hệ thống các cơ sở đào tạo của quốc gia nằm trên địa bàn vùng đồng bằng sông Hồng. Hệ thống các trường cao đẳng, đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề ở phía Bắc chủ yếu được đặt tại vùng đồng bằng sông Hồng. Riêng cao đẳng, đại học, theo thống kê của bộ giáo dục và đào tạo tính đến 10/8/2009 vùng đồng bằng sông Hồng hiện có 134 trường (67 đại học, 67 cao đẳng) với 12340 giảng viên, mỗi năm đào tạo khoảng gần 450 nghìn sinh viên, các trường trung học chuyên nghiệp trong vùng mỗi năm
cũng đào tạo được khoảng 100 nghìn học sinh có tay nghề. Hệ thống các cơ sở dạy nghề của vùng khá phát triển. Theo thống kê của Tổng cục Dạy nghề toàn vùng có 70 trường dạy nghề, chiếm 30,5% tổng số trường nghề của cả nước. Hệ thống các trung tâm dạy nghề đã phát triển mạnh, đặc biệt là các trung tâm dạy nghề cấp huyện. Cùng với sự phát triển của hệ thống trường dạy nghề, trung tâm dạy nghề, hệ thống các trường Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp có chức năng và nhiệm vụ dạy nghề của vùng cũng phát triển, chiếm 33,6%, trong đó lại tập trung lớn ở Hà Nội (ở Hà nội chiếm 16,0% so với cả nước).
Tuy nhiên vấn đề đào tạo nguồn nhân lực của nông thôn đồng bằng sông Hồng còn nhiều bất cập. Sự bất cập này thể hiện ở chỗ:
+ Cơ cấu đào tạo còn mất cân đối giữa các cấp đào tạo và ngành đào tạo: Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự mất cân đối trong cơ cấu nguồn nhân lực của vùng trong thời gian qua, song hiện tại vẫn chậm được khắc phục. Đó là tình trạng mất cân đối trong quy mô đào tạo giữa bậc đại học, cao đẳng với trung học chuyên nghiệp, và dạy nghề. Theo tiêu chuẩn của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, cơ cấu nguồn nhân lực được coi là hợp lý khi nó thể hiện là một cơ cấu hình tháp, nghĩa là: tỷ trọng công nhân kỹ thuật là lớn nhất, sau đó là tỷ trọng những người có trình độ trung học chuyên nghiệp, và đỉnh tháp là những người có trình độ cao đẳng, đại học. Theo tiêu chuẩn này, cơ cấu đào tạo của các nước là 10 - 4 - 1, trong khi đó ở đồng bằng sông Hồng cơ cấu này là 6,22 - 1,56 - 1. Cơ cấu này của vùng tuy tiến bộ hơn so với các vùng nông thôn khác và so với cả nước nhưng đây vẫn là một sự bất hợp lý thể hiện việc đào tạo thiên về các bậc đại học và cao đẳng, không chú ý đến việc dạy nghề. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là hoạt động giáo dục hướng nghiệp để phân luồng học sinh, sinh viên còn bị xem nhẹ. Đề tài khoa học cấp nhà nước KX-05- 09 mang tên "Giáo dục phổ thông và hướng nghiệp - nền tảng để phát triển nguồn nhân lực đi vào công nghiệp hoá - hiện đại hoá" đã tiến hành khảo sát học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh, cán bộ quản lý trên phạm vi 8 tỉnh, thành phố.
Kết quả khảo sát cho thấy có tới 85 - 90% học sinh trung học cơ sở (được điều tra) muốn được tiếp tục học lên, chỉ có 6,1% số học sinh muốn được thôi học để đi làm, kiếm tiền. Lẽ ra sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở phải có một bộ phận đáng kể được chuẩn bị để sẵn sàng tham gia vào thị trường việc làm. Khó có thể chấp nhận một tỷ lệ tới gần 90 % học sinh hết trung học cơ sở lại không sẵn sàng tham gia vào thị trường việc làm, chỉ muốn học lên! Vì sao như vậy? Theo số liệu đánh giá trên mẫu điều tra giáo viên thì có tới 70% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông bước vào đời không được giáo dục hướng nghiệp đầy đủ.
Lý do: nhà trường thiếu cơ sở vật chất để tiến hành hoạt động giáo dục hướng nghiệp (84,3 %); thiếu sự hỗ trợ của địa phương và các tổ chức xã hội (58,6%);
đa số học sinh chưa có nhu cầu (55,1%). Đáng lưu ý là có tới gần 60% giáo viên chưa coi trọng hoặc thiếu khả năng tổ chức các hoạt động giáo dục hướng nghiệp. Có 89% số giáo viên được khảo sát cũng thừa nhận trong nhà trường phổ thông chưa quan tâm đến công tác hướng nghiệp, hoặc có hướng nghiệp nhưng chưa chú ý phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp hoá, hoặc có nghĩ đến nhưng làm chưa hiệu quả [26].
Sự bất hợp lý còn thể hiện trong cơ cấu ngành nghề đào tạo. Hiện nay, do xu hướng của sự phát triển kinh tế, tâm lý của đa phần học sinh đều lựa chọn các khối ngành kinh tế, tài chính ngân hàng, trong khi lại thờ ơ với một số ngành đạo tạo về dệt may, chế biến lâm sản, thủy sản, phát triển nông thôn và khuyến nông, cơ khí nông lâm, cơ khí chế biến bảo quản nông sản, thực phẩm. Vì vậy, đào tạo ở bậc đại học của vùng cũng như cả nước nói chung đang có xu hướng nghiêng nhiều về các ngành kinh tế, xã hội trong khi các ngành điện tử, kỹ thuật, công nghệ, nông, lâm ngư nghiệp mới có nhu cầu rất lớn cho khu vực nông thôn nhưng chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng thiếu nhiều lao động có trình độ trong những lĩnh vực này. Đa số các trường dạy nghề đều có xu hướng tập trung đào tạo các ngành nghề phổ biến như: kế toán, tin học ứng dụng, ngoại ngữ mà ít chú trọng tới việc đào tạo lao động công nhân kỹ thuật, cơ
khí, sửa chữa, và lao động trong các ngành nông nghiệp. Theo thống kê của Tổng cục Dạy nghề, 56,3% số trung tâm dạy nghề có đào tạo nghề nguội (nhóm nghề cơ khí) và nhóm nghề may; 49,5% số trung tâm dạy nghề có đào tạo nhóm nghề tin học; 38,8% số trung tâm dạy nghề có đào tạo nhóm nghề kỹ thuật điện;
35% số trung tâm dạy nghề có đào tạo nghề lái xe ôtô và nhóm nghề kỹ thuật điện tử; 19,5% số trung tâm dạy nghề có đào tạo các nghề như kỹ thuật sắt, mỹ nghệ, điện lạnh, kế toán, dịch vụ cá nhân.
+ Đào tạo không gắn với nhu cầu thực tế, thiếu sự hợp tác giữa các cơ sở đào tạo với các đơn vị sử dụng, dẫn đến tình trạng lao động làm việc ở các lĩnh vực trái với chuyên ngành được đào tạo là phổ biến. tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng làm không đúng ngành nghề khá cao. Đây là thực trạng chung của nền giáo dục Việt Nam hiện nay, đó là việc đào tạo, cung cấp nhân lực theo khả năng của các trường, chứ không theo nhu cầu của xã hội. Đây cũng là đặc điểm của kinh tế kế hoạch cũ, đào tạo theo cung chứ không theo cầu, khả năng đào tạo được bao nhiêu là đào tạo bấy nhiêu, “sản phẩm” được đào tạo có chất lượng như thế nào xã hội cũng phải chấp nhận.
Mặt khác, trước đây công tác đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp trong vùng chủ yếu đáp ứng nhu cầu của các cơ quan tỉnh, các xí nghiệp và nông, lâm trường quốc doanh. Hiện nay, bên cạnh nhu cầu này, khu vực nông thôn của vùng đã xuất hiện ngày càng nhiều những nhu cầu mới, hướng về cơ sở huyện, xã, phục vụ kinh tế hộ, trang trại, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển làng nghề, chuyển giao tiến bộ kĩ thuật cho người nông dân. Những nhu cầu mới này đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải thay đổi nội dung, phương pháp, cách thức đào tạo.
+ Chất lượng đào tạo thấp: Đây được coi là vấn đề rất nan giải, chưa đáp ứng được yêu cầu đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn cả nước nói chung và khu vực nông thôn
cầu và sản phẩm đào tạo chưa được các nhà tuyển dụng chấp nhận. Lý do chính là chương trình, nội dung đào tạo tuy có đổi mới, song cũng vẫn còn nhiều nội dung chưa gắn với thực tiễn, hiện tượng dạy chay còn phổ biến. Do vậy số người lao động sau khi tốt nghiệp các trường đào tạo, dạy nghề đều không thể thích ứng với yêu cầu công việc mà phải qua các lớp đào tạo lại, đào tạo bổ sung, gây ra sự lãng phí lớn cho gia đình và xã hội. Các doanh nghiệp luôn than phiền chương trình đào tạo của các đại học còn mang tính sách vở và thiếu tính thực tiễn. Chẳng hạn một doanh nghiệp chế biến tôm cho biết, thậm chí sau khi học, đến doanh nghiệp, người lao động không biết phân biệt các loại tôm. Thiết bị chế biến thủy sản không được cung cấp tại trường học vì quá đắt. Một số doanh nghiệp sau khi tuyển dụng, phải gửi lao động tới các trường đào tạo nghề để học thêm. Người lao động thiếu kỹ năng thực sự là vấn đề gây đau đầu các nhà quản lý quản lý doanh nghiệp. Bản thân các trường đào tạo cũng không có đủ khả năng và kỹ năng để làm việc này. Khó khăn này còn ở chỗ, có thể nguy hiểm trong cạnh tranh khi người lao động, sau qua đào tạo, lại chuyển sang làm việc cho chính đối thủ của doanh nghiệp đã đào tạo họ, hoặc các doanh nghiệp nước ngoài, nơi có mức lương cao hơn.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 63% sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, 37% được tuyển dụng không đáp ứng được công việc, nhiều công ty phải mất 1 - 2 năm đào tạo lại. Tuy nhiên điều đáng nói ở đây là những sinh viên này thà chấp nhận thất nghiệp tạm thời hoặc làm trái ngành ở thành phố chứ hiếm ai muốn quay về quê làm việc với nhiều lý do. Thứ nhất là làm việc ở thành phố lương cao hơn, đời sống tiện nghi, hiện đại hơn so với cái buồn tẻ và lạc hậu ở nông thôn. Thứ hai là, họ lo lắng trình độ bị cùn mòn, do không có điều kiện tiếp xúc với trang thiết bị hiện đại, lại không được thử sức ở môi trường chuyên môn cao nếu về quê làm việc. Thế nên, đã dẫn đến tình trạng nông thôn thiếu thốn lực lượng lao động có trình độ mà ở thành phố sinh viên ra trường lại thất nghiệp.
c) Các hệ thống khác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Bên cạnh các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn có hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; việc đào tạo truyền nghề tại các làng nghề, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc dự án của Tổng cục dạy nghề, của Hội Nông dân Việt Nam…
Trong các làng nghề, đào tạo tại chỗ theo hình thức kèm cặp rất phổ biến.
Một số lượng lớn lao động được đào tạo, được truyền nghề và quan trọng hơn là gắn với việc làm, tăng thu nhập. Hình thức này không có chứng chỉ, bằng cấp, nhưng sau nhiều năm, nhiều người lao động có thể đạt được trình độ rất cao, nhiều lao động trở thành nghệ nhân.
Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề trong các làng nghề của vùng còn nhiều bất cập và hạn chế, chủ yếu là kèm cặp, ngắn hạn, thiếu khung quy định, thiếu giám sát, đánh giá chất lượng trình độ tay nghề. Ngoài ra, đa số người lao động làm việc trong các làng nghề có trình độ học vấn thấp. Đó là trở ngại lớn đối với truyền nghề và đào tạo nghệ nhân.
Khu vực nông thôn của vùng có hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư hoàn chỉnh từ trung tâm khuyến nông tỉnh đến các trạm khuyến nông huyện, xã hình thành mạng lưới khuyến nông, lâm, ngư phong phú, đa dạng với nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ kĩ thuật cho nông dân, rèn luyện tay nghề cho nông dân và cung cấp thông tin kinh tế, thị trường cho họ.
Tuy nhiên, hệ thống khuyến nông của vùng còn chưa đủ mạnh để chuyển giao kết quả nghiên cứu, các tiến bộ công nghệ mới trong nông nghiệp vào sản xuất. Chỉ mới khoảng 77,32% số xã có cán bộ khuyến nông, lâm, ngư; 17,31%
số thôn có cộng tác viên khuyến nông, lâm, ngư [37, tr.200]. Kinh phí cho hoạt động khuyến nông còn hạn chế, trong khi đó phân bổ lại không hợp lý, rất ít kinh phí cho đào tạo và không có kinh phí cho hoạt động marketing. Mối liên hệ