3.2. Một số giải pháp cơ bản phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng đến 2020
3.2.3. Gia tăng tốc độ giải quyết việc làm
Gia tăng tốc độ giải quyết việc làm nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực, đồng thời tạo điều kiện để người lao động phát triển toàn diện, tăng thu nhập cho cá nhân, tăng cường sự đóng góp của người lao động vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn của vùng, bằng các giải pháp cụ thể sau:
a) Phát triển nhanh nông nghiệp và công nghiệp
Đây là giải pháp quan trọng giải quyết việc làm cho người lao động ở đồng bằng sông Hồng theo hướng “ly nông bất ly hương”. Vì chính nó trực tiếp tạo ra khả năng thu hút lao động tại chỗ của vùng. Các biện pháp thực hiện:
(1) Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành, nghề trong nội bộ ngành nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng đa canh, đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng nông nghiệp chuyên môn hoá, trên cơ sở đó, tăng nhanh tỷ trọng sản xuất hàng hoá, nhất là trái cây, rau màu, gia súc, gia cầm và thuỷ sản, bằng cách:
- Nâng cao hệ số hiệu quả sử dụng đất trồng cây hàng năm thông qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao;
chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có hiệu quả cao hơn.
- Đầu tư hơn nữa cho nông nghiệp bằng cách nâng cao trình độ cơ giới hoá, đưa nhanh các tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất để chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển nền nông nghiệp sinh thái sạch.
- Khẩn trương hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá để tạo điều kiện đưa nhanh cơ giới hoá và áp dụng kĩ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hình thành các cụm công nghiệp nông thôn.
(2) Tăng cường vai trò đầu mối của hợp tác xã và phát triển mạnh kinh tế hộ gia đình, trong đó chú trọng kinh tế trang trại ở nông thôn trên tất cả các lĩnh vực, các ngành hoạt động mà kinh tế hộ có thể tham gia. Tính đến 01/7/2006, đồng bằng sông Hồng có 13.863 trang trại, nếu tính bình quân mỗi trang trại thu hút thêm 2 lao động thì chỉ bằng việc phát triển trang trại, mỗi năm cũng tạo thêm hơn hai chục nghìn việc làm cho người nông dân. Có thể thấy rằng mấu chốt để thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết việc làm trong nông, lâm, thuỷ sản mà đặc biệt là trong lâm nghiệp, thuỷ sản. Để phát triển mô hình kinh tế trang trại cần:
- Phát triển mạng lưới tín dụng nông thôn, các trung tâm giống, trung tâm chuyển giao kĩ thuật - công nghệ trên toàn vùng để nông dân có điều kiện tiếp cận với nhiều nguồn vốn, giống cây, con có chất lượng cao, công nghệ mới, kĩ thuật hiện đại trên cơ sở đó nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi và hiệu quả kinh tế.
- Tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, thủ tục trong việc tập trung đất đai, dồn điền đổi thửa, cũng như việc huy động vốn tín dụng để đẩy nhanh việc hình thành và phát triển kinh tế trang trại trên toàn vùng.
- Thành lập và phát huy tác dụng của các quỹ hỗ trợ nông dân như: quỹ bình ổn giá để trợ giá vật tư đầu vào và giá tiêu thụ sản phẩm đầu ra; quỹ tín dụng đào tạo nghề, chuyển giao kĩ thuật, công nghệ; quỹ bảo hiểm nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, có các chính sách hỗ trợ về tín dụng, thuế và thực hiện nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, trước hết là hệ thống giao thông nông thôn, điện, chợ, trường học và bệnh viện.
(3) Phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ (các công ty trách nhiệm hữu hạn, cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, cơ sở chế biến nông, lâm, thuỷ sản...) ở nông thôn của vùng.
Phát triển ngành nghề sản xuất và dịch vụ thông qua các doanh nghiệp nhỏ và vừa là giải pháp hữu hiệu giải quyết vấn đề lao động ở nông thôn. Hiện
nay, cùng với tốc độ đô thị hoá, hình thành các khu, cụm công nghiệp thì số dân không còn đất canh tác ngày càng nhiều. Một số có sức khoẻ thực hiện khẩu hiệu “đâu có việc ta cứ đi”, ra thành phố làm cửu vạn, chạy xe ôm; chị em phụ nữ buôn thúng, bán bưng; một số rất ít đi xuất khẩu lao động… Đại đa số vẫn thiếu việc làm. Kinh nghiệm của các nước và một số địa phương cho thấy, vấn đề việc làm ở nông thôn phải được giải quyết chủ yếu bằng việc phát triển ngành nghề sản xuất và dịch vụ qua các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hiện nay, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn của vùng chưa nhiều (tính đến 2004 có 6.098 doanh nghiệp, cả nước là 25.152 doanh nghiệp), nguyên nhân có thể từ nhiều phía: do cơ chế, thiếu vốn, cơ sở hạ tầng yếu kém...
Giải quyết vấn đề này cần:
- Tập trung đầu tư phát triển một số doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn có tính chất làm “đầu mối” cung ứng đầu vào và giải quyết đầu ra cho cả vùng bằng cách tăng cường liên kết, hợp tác giữa các địa phương để tập trung nguồn vốn, phân bộ hợp lý vị trí các doanh nghiệp, cũng như xác định ngành nghề kinh doanh chủ yếu, trên cơ sở phát huy tiềm năng thế mạnh của từng địa phương.
- Thành lập hiệp hội nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại và tư vấn đầu tư, kinh doanh khu vực. Tổ chức này, một mặt, là “cầu nối” giữa các nhà sản xuất, phân phối trong với ngoài vùng, với các nước trong khu vực và trên thế giới; mặt khác, là thực hiện chức năng đào tạo và tư vấn cho các doanh nghiệp thành viên.
- Có chính sách hỗ trợ và ưu đãi để khuyến khích những người muốn khởi nghiệp kinh doanh trong vùng và thu hút những người ngoài vùng đến đầu tư thành lập doanh nghiệp dưới các hình thức: cải tiến thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh và các thủ tục quản lý hành chính khác, ưu đãi lãi suất tín dụng, thuê mặt bằng, sử dụng đất...
- Thành lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp để giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động dưới các hình thức như: quỹ trợ giá, quỹ hỗ trợ xuất nhập khẩu, quỹ bảo hiểm xuất khẩu... để những người muốn khởi sự lập doanh nghiệp yên tâm đầu tư cho hoạt động kinh doanh.
b) Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hưóng tăng nhanh tỉ trọng giá trị sản phẩm và lao động trong các ngành sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ; giảm dần tỉ trọng giá trị sản phẩm và lao động trong sản xuất nông nghiệp, tạo nguồn nguyên liệu nông sản và hàng hoá lớn cho xuất khẩu. Muốn vậy phải thực hiện thật tốt các công việc chủ yếu sau đây:
(1) Đầu tư nâng cao, mở rộng ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt công nghệ cao.
- Đối với công nghiệp: Phát triển nhanh công nghệ cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp cơ bản, then chốt; công nghệ sạch; đẩy mạnh tự động hóa.
- Đối với sản xuất nông nghiệp: tập trung phát triển công nghệ giống, công nghệ sau thu hoạch, chế biến nhằm tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng giá trị trên 1 ha đất nông nghiệp. áp dụng công nghệ sinh học vào một số lĩnh vực chủ yếu phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu như:
+ Nâng cao chất lượng gạo.
+ Phát triển công nghệ cao trong sản xuất rau sạch.
+ Phát triển lợn có tỷ lệ nạc cao.
+ Phát triển các giống cây ăn quả đặc sản như cam, bưởi, quýt, vải, nhãn.
+ Phát triển công nghệ sau thu hoạch, giảm hao hụt sau thu hoạch, tập trung vào các khâu phơi - sấy, bảo quản, chế biến nông sản.
+ Hoàn thiện mạng lưới khuyến nông, khuyến ngư, mạng lưới kỹ thuật viên đến từng xã để tạo điều kiện đẩy mạnh công tác khuyến nông, hỗ trợ nông
dân sử dụng công nghệ mới. Xây dựng các điểm trình diễn kỹ thuật và chuyên môn hoá sản xuất.
+ Xây dựng các trung tâm nông nghiệp công nghệ cao ở các tỉnh để sản xuất giống có chất lượng cao.
- Đối với thuỷ sản: phát triển mạnh các loại thuỷ sản có giá trị cao phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng, kết hợp với đổi mới kỹ thuật và công nghệ nuôi, vừa tránh bão gió, vừa hạn chế ảnh hưởng của mưa bão và thời tiết lạnh của mùa đông. Đẩy nhanh việc nghiên cứu và sản xuất các giống thuỷ sản có giá trị cao.
(2) Quy hoạch các khu, cụm công nghiệp nông thôn gắn với chế biến nông, lâm, thủy sản, gắn với thị trấn, thị tứ. Mỗi tỉnh có từ 3-5 khu, cụm công nghiệp nông thôn tập trung. Có chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, có giá thuê đất rẻ, thủ tục nhanh gọn.
(3) Chuyển đổi sử dụng đất nông, lâm nghiệp: Tập trung vào chuyển đổi những diện tích đất lúa, lúa màu hiệu quả thấp sang phát triển các loại cây trồng vật nuôi có hiệu quả cao hơn như: chuyển đất lúa vùng trũng sang lúa+thuỷ sản (khoảng 25 - 28 nghìn ha); chuyển đất lúa màu vùng cao hạn, vùng đất bãi ven sông sang phát triển rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả (khoảng 35 - 40 nghìn ha); chuyển đất lúa, cói, đất làm muối vùng ven biển sang nuôi tôm cua (khoảng 3 - 4 nghìn ha); cải tạo vườn tạp thành vườn kinh tế trồng cây ăn quả. Đồng thời khai thác có hiệu quả các loại đất chưa sử dụng (bãi bồi ven biển, vùng nội đồng, đất bằng đất núi...) vào chăn nuôi thuỷ, hải sản và phát triển sản xuất.
(4) Giảm sự độc canh cây lúa ở các tỉnh vùng Nam đồng bằng sông Hồng, phát triển mạnh chăn nuôi. Hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng các vùng chuyên canh hàng hoá rau màu, cây công nghiệp, sản xuất thức ăn chăn nuôi; gắn vụ đông với vụ đông xuân ở các vùng lúa các tỉnh thuộc tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Tập trung vào cơ sở hạ tầng thuỷ lợi phục vụ tưới chủ động, bảo
quản, chế biến nông sản phẩm. Đến 2010 đảm bảo vụ đông phát triển trên đất lúa chiếm tỷ trọng 30-35% diện tích canh tác lúa.
(5) Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trước hết xây dựng khu công nghiệp chuyên nghiên cứu cải tiến kỹ thuật và công nghệ cho các xí nghiệp công nghiệp hiện có (Khu sinh dưỡng công nghiệp) cho cả Vùng đồng bằng sông Hồng.
Chuyển một phần đất nông nghiệp cho phát triển khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ (dự kiến khoảng 38-40 nghìn ha) đem lại hiệu quả cao hơn.
Các biện pháp trên nhằm xây dựng một cơ cấu kinh tế nông thôn hiện đại, hiệu quả. Đây là tiền đề cơ bản để giải quyết việc làm cho người lao động, vì chính nó tạo ra các điều kiện cần thiết kích thích đầu tư và sản xuất kinh doanh phát triển.
c) Khôi phục, đổi mới và phát triển các làng nghề
Lịch sử nông thôn đồng bằng sông Hồng gắn liền với quá trình phát triển nông nghiệp và các làng nghề. Đây là một trong những nét đặc trưng về truyền thống kinh tế - văn hoá của xã hội nông thôn Việt Nam nói chung và vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng. Trong tiến trình đổi mới hiện nay, việc “hiện đại hoá” công nghệ truyền thống và “truyền thống hoá” công nghệ hiện đại ở các làng nghề là một nội dung của chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn nhằm tăng trưởng kinh tế và giải quyết một số vấn đề xã hội.
Phát triển làng nghề vùng đồng bằng sông Hồng, bên cạnh tăng thu nhập cho người lao động, sẽ tạo ra nhiều việc làm cho lao động dư thừa, nhàn rỗi sau những vụ mùa ở nông thôn, giảm áp lực di dân vào đô thị. Ngoài ra, các làng nghề thủ công truyền thống còn có vai trò giáo dục, không chỉ nhân cách thẩm mỹ mà cả truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ.
Hiện nay toàn vùng có gần 900 làng nghề với gần 168 nghìn hộ. Tính bình quân mỗi hộ tạo việc làm ổn định cho 4 lao động và cho 3 người lúc nông nhàn thì số lao động được sử dụng ổn định là 672 nghìn lao động và khoảng 504
nghìn người làm việc lúc nông nhàn. Như vậy, trong tương lai, nếu có định hướng chiến lược ổn định, có quy hoạch phát triển cụ thể và có chính sách khuyến khích các ngành nghề ở từng địa phương trong vùng thì chắc chắn sẽ đạt được các mục tiêu về việc làm cho lao động nông thôn của vùng.
Các giải pháp chủ yếu để phát triển làng nghề của vùng trong thời gian tới:
(1) Quy hoạch phát triển các làng nghề gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vùng, tỉnh và ngành. Nhà nước cần quy hoạch phát triển và có chính sách khuyến khích phát triển theo quy hoạch của các ngành nghề cần ưu tiên, ví dụ các ngành mà tỉnh có lợi thế so sánh, các ngành thủ công mỹ nghệ. Hiện nay, các cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn làng nghề chủ yếu tồn tại dưới hình thức hộ kinh tế gia đình, sản xuất kinh doanh diễn ra tại nơi ở của hộ gia đình. Đó vừa là nơi ở, vừa là nơi sản xuất nên nhà xưởng quá hẹp, môi trường bị ô nhiễm, không có khả năng mở rộng sản xuất, kết cấu hạ tầng cho sản xuất - kinh doanh không đảm bảo. Hướng tiến tới trong quá trình phát triển làng nghề là phải tách khu vực sản xuất khỏi khu vực nhà ở và phải đảm bảo kết cấu hạ tầng, đảm bảo nhà xưởng cho sản xuất - kinh doanh và bảo vệ môi trường. Phát triển các cụm công nghiệp làng nghề là giải pháp tích cực hữu hiệu để thực hiện được các vấn đề trên.
(2) Phát triển thị trường cho các làng nghề. Phát triển các thị trường đầu vào (lao động, thông tin, khoa học công nghệ, nguyên vật liệu…) và thị trường sản phẩm cho các làng nghề. Hiện nay, Nhà nước bỏ ngỏ thị trường các làng nghề, tư thương thao túng thị trường này. Cần phát triển các thành phần kinh tế hoạt động trên thị trường, trong đó nêu cao vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong cung ứng các yếu tố đầu vào quan trọng (công nghệ, thông tin…) và tiêu thụ sản phẩm cho các làng nghề. Thông qua các hình thức như gia công đặt hàng và hợp tác sản xuất giữa các doanh nghiệp ở thành thị với các cơ sở sản xuất kinh doanh ở nông thôn để tạo thị trường lớn và ổn định các làng nghề.
(3) Tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm của làng nghề. Cần chú ý các giải pháp như: Khai thác các thị trường ngách, phát triển quan hệ gia công cho các doanh nghiệp lớn ở thành thị, tích cực thực hiện các biện pháp đảm bảo và nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong các làng nghề. Nhà nước cần có cơ chế bảo trợ và hỗ trợ vốn cho đổi mới công nghệ ở các làng nghề. Coi trọng công tác tư vấn, đào tạo và áp dụng mô hình chuyển giao công nghệ cho các làng nghề.
Có chính sách khuyến khích nghiên cứu sản xuất và sử dụng máy móc thiết bị cho các làng nghề, chính sách cho vay ưu đãi bao gồm vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để có vốn cho đầu tư đổi mới công nghệ và cho sản xuất kinh doanh.
Phát triển các trung tâm đảm nhận nhiệm vụ thiết kế mẫu mã, đào tạo cho các làng nghề.
(4) Phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các làng nghề. Hình thức tổ chức kinh doanh phổ biến trong các làng nghề ở nông thôn ĐBSH hiện nay là kinh tế hộ gia đình, chiếm khoảng 96%. Hộ kinh tế gia đình có ưu điểm tận dụng các loại lao động vào sản xuất công nghiệp, huy động được vốn nhàn rỗi trong dân, tạo động lực phát triển, nhưng lại có nhiều hạn chế về đổi mới công nghệ, vốn, mở rộng sản xuất, tiếp cận thị trường. Để các làng nghề đi vào sản xuất hàng hoá, cần phát triển mạnh các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc các thành phần kinh tế khác nhau trên địa bàn nông thôn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ này được hình thành theo 2 cách: từ các hộ kinh tế gia đình tích tụ và tập trung thành các doanh nghiệp vừa và nhỏ (đây là cách chủ yếu) hoặc lập mới một số doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn bằng cách gọi vốn đầu tư từ những người sống ở thành thị và tỉnh khác.
(5) Kêu gọi các dự án quốc tế đầu tư, hỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống của vùng.