10. Cấu trúc luận án
1.3. Những vấn đề cơ bản về bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên trung học phổ thông
1.3.1. Yêu cầu đổi mới giáo dục và năng lực dạy học của người giáo viên trung học phổ thông
Trước yêu cầu của cách mạng 4.0 và yêu cầu đổi mới của đất nước trong thời kỳ hội nhập và đặc biệt là yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực đòi hỏi nhà trường phổ thông phải chuyển từ dạy học theo tiếp cận nội dung kiến thức sang dạy học theo tiếp cận định hướng phát triển năng lực của học sinh. Học sinh không chỉ học kiến thức môn học mà còn học phương pháp tư duy, học cách chiếm lĩnh tri thức; Đồng thời học kĩ năng hoạt động xã hội, kỹ năng phát triển năng lực cá nhân. Trong bối cảnh đó mục tiêu cốt lõi của nhà trường phổ thông phải là giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực đa dạng của học sinh, chuẩn bị hành trang để học sinh có khả năng học tập suốt đời, đáp ứng yêu cầu của cách mạng 4.0 và yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, phát triển đất nước một cách bền vững, hướng tới các mục tiêu: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định.
Để đạt các mục tiêu trên yêu cầu về chương trình giáo dục phổ thông cần đổi mới theo hướng [78]:
1. Xây dựng chương trình giáo dục theo định hướng năng lực (chương trình nhà trường), trong đó có những năng lực chung và những năng lực chuyên biệt (nhóm năng lực nhận thức, nhóm năng lực thực hành, nhóm năng lực xã hội, nhóm năng lực cá nhân).
2. Người học phải được đóng vai trò trung tâm, giáo viên là người dẫn dắt tới các nguồn tri thức, là người hướng dẫn, hỗ trợ học sinh trong hoạt động tự kiến tạo kiến thức cho bản thân.
3. Nhà trường tổ chức hoạt động học tập cho người học theo hướng đa dạng, tự chủ, dân chủ và sáng tạo trong dạy học.
4. Nhà trường tổ chức hoạt động học phải gắn với trải nghiệm thực tiễn của học sinh, học lý thuyết kết hợp rèn kỹ năng.
5. Kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ, xác thực được sử dụng như công cụ tạo động lực để người học tiến bộ không ngừng trong suốt quá trình học tập.
6. Công nghệ ICT được tích hợp trong dạy và học, trong tìm kiếm và chia sẻ thông tin, nguyên liệu sản sinh ra tri thức.
Hoạt động dạy học là hoạt động cơ bản, chủ yếu để hình thành phát triển nhân cách học sinh đáp ứng yêu cầu của xã hội; Mục tiêu, nội dung chương trình dạy học phải luôn luôn thay đổi đáp ứng yêu cầu của xã hội không ngừng phát triển; Hoạt động dạy học và chất lượng dạy học phụ thuộc nhiều vào năng lực dạy học của người giáo viên. Trước yêu cầu mới của hội nhập và yêu cầu phát triển của đất nước CHDCND Lào đòi hỏi hoạt động dạy học ở trường THPT phải dạy học tích hợp để phát triển năng lực học sinh;
nhưng đồng thời phải phân hóa sâu để giúp học sinh lựa chọn nghành nghề phù hợp; Ngoài hoạt động đứng lớp giáo viên cần phải thường xuyên quan tâm phát triển chương trình dạy học; ứng dụng công nghệ mới trong thiết kế, tổ chức và đánh giá kết quả dạy học.
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục phổ thông trong thời gian tới, cấu trúc nhân cách và năng lực sư phạm của người giáo viên phải có nhiều thay đổi, đặc biệt là thay đổi về các NLDH, cụ thể là giáo viên phải có những năng lực sau đây:
(1). Năng lực phát triển chương trình nhà trường và chương trình môn học nhằm đảm bảo cho việc dạy gắn với thực tiễn và phát triển năng lực học sinh THPT.
(2). Năng lực thiết kế bài học theo định hướng phát triển năng lực học sinh: Thiết kế bài học tích hợp liên môn; thiết kế bào học theo hướng trải nghiệm, phân hóa vv…
(3). Năng lực ứng dụng CNTT trong thiết kế và tổ chức dạy học
(4). Năng lực lựa chọn, vận dụng, phối hợp các phương pháp, hình thức tổ
chức trong dạy học để tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh (5). Năng lực sử dụng thiết bị và các phương tiện trong dạy học
(6). Năng lực tổ chức, điều khiển hoạt động học tập của học sinh trong dạy học.
(7). Năng lực đánh giá kết quả học tập của học sinh theo định hướng phát triển năng lực
Mỗi năng lực nêu trên lại gồm các năng lực thành phần, đòi hỏi người giáo viên phải hoàn thiện các năng lực nêu trên một cách đồng bộ mới đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
1.3.2. Mục tiêu bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên THPT
Bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên THPT nhằm đạt được các mục tiêu sau đây:
- Củng cố, bổ sung và phát triển những kỹ năng về dạy học qua đó giúp cho GV củng cố, phát triển có hệ thống những tri thức, kỹ năng về dạy hoc và nghiệp vụ sư phạm để nâng cao hiệu quả sản phẩm nghề nghiệp của mình.
- Bổ sung kiến thức mới, tiên tiến, kiến thức còn thiếu trong dạy học.
- Thông qua hoạt động bồi dưỡng năng lực dạy học, giáo viên được gặp gỡ, giao lưu học hỏi kinh nghiệm ở đồng nghiệp từ đó có ý thức phát huy những mặt mạnh, khắc phục những mặt yếu, bổ sung những mặt còn hạn chế để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
Mục tiêu bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên để đáp ứng yêu cầu về năng lực tổ chức, thực hiện các hoạt động dạy học, giáo dục theo chương trình, sách giáo khoa mới. Trang bị cho giáo viên những kiến thức, kỹ năng mới về dạy học, giáo dục về phát triển chương trình giáo dục, các kỹ năng tổ
chức, quản lý lớp học, quản lý nhà trường và các kỹ năng bổ trợ khác. Trên cơ sở đó hình thành ở giáo viên tính sẵn sàng tham gia hoạt động đổi mới giáo dục THPT ở địa phương. Sở GD-TT đơn vị tổ chức bồi dưỡng phải quán triệt mục tiêu bồi dưỡng trong suốt quá trình bồi dưỡng nhằm đảm bảo tính mục đích trong quá trình bồi dưỡng và đem lại hiệu quả cho hoạt động bồi dưỡng.
Nâng cao trách nhiệm của từng thành viên tham gia nhằm đạt được mục tiêu bồi dưỡng từ việc biên soạn tài liệu đến soạn giáo án, tổ chức tập huấn đến kiểm tra, đánh giá kết quả đạt được của hoạt động bồi dưỡng đều phải quán triệt mục tiêu bồi dưỡng năng lực cho giáo viên.
1.3.3. Nội dung, quy trình bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên THPT 1.3.3.1. Nội dung bồi dưỡng năng lưc dạy học cho giáo viên THPT
Nội dung bồi dưỡng NLDH cho giáo viên THPT cần phải tập trung bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, giá trị, thái độ nghề nghiệp vv... Đây là nội dung hết sức cần thiết góp phần nâng cao chất lượng dạy học của đội ngũ giáo viên [22].
Một người có năng lực trong lĩnh vực hoạt động nào đó phải có kiến thức về lĩnh vực đó. Tri thức và những hiểu biết về dạy học, hiểu biết các chủ đề trong dạy học giúp giáo viên thực hiện một mục tiêu trong dạy học, vừa đảm bảo cung cấp tri thức khoa học cơ bản của môn học, vừa tích hợp giáo dục các nội dung khác.
Năng lực dạy học của giáo viên thể hiện ở nhận thức đúng về các nội dung sau: Sự cần thiết phải tích hợp trong dạy học; ý nghĩa vai trò của tích
hợp trong dạy học; các quan điểm về sự tích hợp các môn học; mục đích của dạy học; phương pháp của dạy học; hình thức trong dạy học; các nguyên tắc của các môn học...
Để có năng lực dạy học, người giáo viên cần có các yêu tố: nhu cầu về sự
mở rộng tri thức, tầm hiểu biết và kỹ năng để thỏa mãn nhu cầu đó, thường xuyên tự học, tự bồi dưỡng để bổ sung hoàn thiện tri thức của mình. Để thực hiện tốt cả ba khâu chuẩn bị dạy học, tổ chức dạy học và đánh giá kết quả dạy học giáo viên phải được bồi dưỡng, hoàn thiện các năng lực thành phần sau đây:
i) Năng lực phát triển chương trình dạy học: phát hiện, xác định mức độ, phân loại và sắp xếp các chủ đề trong chương dạy học, bổ sung cập nhất kiến thức, kỹ năng mới.
Đây là năng lực hoạt động trí tuệ của giáo viên khi đứng trước yêu cầu của dạy học, nó đòi hỏi phải huy động khả năng tư duy tích cực và sáng tạo nhằm phát hiện, phân loại và sắp xếp các chủ đề trong chương trình dạy học, xác định mức độ tích hợp phù hợp (tích hợp, liên hệ, lồng ghép) trong từng nội dung cụ thể trong bài học.
Muốn làm được điều đó, người giáo viên phải nắm vững nguyên tắc tích hợp các môn, nắm vững kiến thức bài dạy, nắm vững chủ đề, nội dung giáo dục, biết lựa chọn và tổ chức sắp xếp các tri thức, phân tích, tổng hợp, hệ thống hoá kiến thức một cách logic, khoa học và sáng tạo để gây hứng thú cho học sinh trong quá trình dạy học. Đây là thành phần năng lực cần thiết trong cấu trúc năng lực dạy học.
ii) Năng lực thiết kế và tổ chức bài học theo định hướng phát triển năng lực học sinh
Thiết kế và tổ chức bài học theo định hướng phát triển năng lực học sinh là quá trình xác định những mục tiêu của dạy học là hình thành phát triển năng lực cần có ở học sinh và phương thức tốt nhất để đạt được những mục tiêu đó. Bản thiết kế bài học thể hiện rõ mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy
học phù hợp với đặc thù môn học, đặc điểm học sinh và môi trường giáo dục, phối hợp hoạt động học và hoạt động dạy theo hướng phát huy tính tích cực nhận thức của học sinh. Bản thiết kế phải có tác dụng định hướng cho hoạt động dạy và hoạt động học cũng như các hoạt động hỗ trợ học tập của học sinh, để hình thành và phát triển năng lực thiết kế và tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, hoạt động bồi dưỡng cần quan tâm đến hình thành và phát triển các năng lực sau đây cho giáo viên:
Thiết kế và tổ chức các hoạt động học qua trải nghiệm Thiết kế và tổ chức các chủ đề dạy học tích hợp
Thiết kế và tổ chức dạy học phân hóa
Hiểu tâm lý học sinh, hoạt động học của học sinh và tư vấn hỗ trợ học tập cho học sinh.
Hợp tác trong dạy học và giáo dục học sinh vv..
iii) Năng lực ứng dụng CNTT trong thiết kế và tổ chức dạy học: Khi lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch dạy học, giáo viên cần phải thể hiện năng lực thiết kế và tổ chức những nội dung ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và phát triển môi trường học tập qua Elerning cho học sinh.
Trong bối cảnh cách mạng 4.0 hiện nay đòi hỏi giáo viên phải có năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học trực tuyến, phát triển môi trường học tập Elerning cho học sinh, năng lực khai thác và sử dụng mô hình trường học, lớp học kết nối vv… trong dạy học.
iv) Năng lực lựa chọn, vận dụng, phối hợp các phương pháp, hình thức tổ chức trong dạy học để tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh
Năng lực lựa chọn,vận dụng, phối hợp phương pháp trong dạy học là khả năng đối với những hành động có kế hoạch, định hướng mục đích trong việc giải quyết các nhiệm vụ và vấn đề của dạy học. Việc thực hiện có hiệu
quả kỹ năng giảng dạy trên lớp là điều kiện cơ bản để hình thành năng lực dạy học của giáo viên.
Trong dạy học, với mục đích “hình thành năng lưc của người học”
người giáo viên phải có khả năng vận dụng, phối hợp các phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh, phát triển năng lực tự học và tư duy của học sinh. Phương pháp dạy học theo quan điểm phát triển năng lực không chỉ chú ý tích cực hoá học sinh về hoạt động trí tuệ mà còn chú ý rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề gắn với những tình huống của cuộc sống và nghề nghiệp, đồng thời gắn hoạt động trí tuệ với hoạt động thực hành, thực tiễn. Tăng cường việc học tập trong nhóm, đổi mới quan hệ giáo viên - học sinh theo hướng công tác có ý nghĩa quan trọng nhằm phát triển năng lực xã hội.
Bồi dưỡng cho giáo viên các năng lực dạy học sau: Năng lực dạy học tích hợp; dạy học phân hóa; dạy học theo định hướng năng lực học sinh; tư vấn, hỗ trợ người học; Năng lực tổ chức dạy học trực tuyến và phát triển môi trường Elerning vv…
v) Năng lực sử dụng thiết bị và các phương tiện trong dạy học
Đây là năng lực không thể thiếu được của giáo viên ở bất cứ cấp học nào trong giai đoạn hiện nay. Thiết bị và phương tiện vừa là yếu tố điều kiện tốt để phục vụ cho giảng dạy và học tập, đồng thời cũng là yếu tố kích thích tư duy sáng tạo, nghiên cứu cho giáo viên và học sinh. Người giáo viên phải có khả năng sử dụng thiết bị và các phương tiện dạy học để làm tăng hiệu quả của dạy học. Trong điều kiện thuận lợi hoặc khó khăn thì vấn đề không phải là trang bị các thiết bị đắt tiền mà điều quan trọng hơn là phải dạy cho người học có ý tưởng mới, phải có sự sáng tạo “suy nghĩ mới trên các vật liệu đã cũ”.
vi) Năng lực tổ chức, điều khiển hoạt động học tập của học sinh trong dạy học.
Trong quá trình dạy học, hoạt động dạy của giáo viên đóng vai trò chủ đạo thể hiện ở chỗ người thầy xác định mục tiêu, nội dung dạy học, thiết kế
và tổ chức hoạt động, dự kiến các tình huống có thể xảy ra và phương hướng, cách thức giải quyết tương ứng... nhằm tổ chức, hướng dẫn, điều khiển hoạt động học chủ động, tích cực, tự giác, của học sinh theo mục tiêu dạy học. Kết quả của quá trình dạy học phụ thuộc lớn vào việc giáo viên có tổ chức, điều khiển tốt hoạt động học tập của học sinh, bởi vì học sinh không chỉ là khách thể trong hoạt động dạy mà còn là chủ thể trong hoạt động học.
Để có được năng lực trên, giáo viên cần hoàn thiện các năng lực: Quản lý lớp học bằng biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực; Tư vấn, hỗ trợ học sinh học tập; Tạo môi trường học tập; hợp tác với học sinh trong dạy học vv.. Năng lực xây dựng môi trường học tập hợp tác: Môi trường học tập hợp tác tạo ra sự tương tác giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với học sinh trong quá
trình học tập để thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ học tập đề ra.
vii ) Năng lực kiểm tra, đánh giá trong dạy học
Năng lực đánh giá giúp cho giáo viên nắm được trình độ và khả năng tiếp thu bài của học sinh để xác nhận kết quả của một hoạt động để bổ sung điểu chỉnh trong dạy học.Năng lực đánh giá kết quả dạy học gồm các năng lực thành phần như xác định chuẩn đánh giá, thiết kế công cụ đánh giá, tổ
chức đánh giá và phân tích kết quả đánh giá, sử dụng kết quả đánh giá để điều chỉnh quá trình dạy học nâng cao chất lượng dạy học.
Năng lực quản lý hồ sơ dạy học: Hồ sơ dạy học phải được giáo viên thực hiện theo biểu mẫu và sắp xếp khoa học, giúp giáo viên theo dõi được sự
tiến bộ của học sinh trong tiến trình dạy học.
1.3.3.2. Quy trình bồi dưỡng năng lưc dạy học cho giáo viên trung học phổ thông Theo Nguyễn Thị Tính [78] quy trình bồi dưỡng giáo viên, giảng viên cần tuân thủ theo các bước sau đây:
Bước 1: Khảo sát nhu cầu bồi dưỡng của giáo viên
Bước 2: Xác định nội dung, chương trình cần tiến hành bồi dưỡng, hình thức tổ chức bồi dưỡng.