Phân loại đồng dao

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ văn hóa học đồng dao và trò chơi dân gian trẻ em ở huyện khoái châu – hưng yên (Trang 31 - 37)

Đồng dao vốn là một thể loại văn hóa dân gian mà đối tượng sử dụng chủ yếu là trẻ em. Hình thức, nội dung có thể rất rõ ràng, tập trung vào miêu tả, nêu lên một vài vấn đề, nhưng cũng có thể đan xen, hòa trộn. Có những bài lại dùng những phép ẩn dụ thật tinh tế, sâu sắc để biểu đạt một vấn đề nào đó.

Việc bóc tách, phân loại ở đây trở nên tương đối và mang tính chất khái lược, tổng quát. Trong Trẻ con hát trẻ con chơi của Nguyễn Văn Vĩnh in trong Tứ dân văn uyển năm 1935, tác giả có phân làm ba mục, “theo cái lẽ trước sau tự nhiên của người mẹ người vú thường theo mà dạy con trẻ:

- Trước hết là những câu vừa hát vừa chơi, bởi vì đối với con trẻ, cái nghĩa câu hát ở ngay trong cái trò chơi, không phải ai diễn giải nó cũng hiểu.

- Sau là đến những câu hát không phải có cuộc chơi, thì tất nó đã có cái trừu tượng hơn một chút. Con trẻ đã hiểu được ít nhiều tiếng rồi thì mới thuộc được.

- Thứ ba nữa là đến những câu ru trẻ ngủ. Mục này để về sau là vì hát mà ru trẻ tùy người mẹ người vú thuộc ít hay thuộc nhiều, muốn hát câu gì cũng được. Trong câu ru, cái nghĩa lý nhiều khi là để cho người ru nghe, duy chỉ có cái giọng ru, và cái tiếng ề! A! hỡi hời hời! bống bông bông! Là để cho tai nghe mà thôi. Tuy vậy cũng có nhiều câu ru có cái nghĩa riêng đối với đứa trẻ ngủ” [16, tr.662].

Trong lời mở đầu của cuốn Ca dao nhi đồng, tác giả Doãn Quốc Sỹ đã phân loại đồng dao theo các loại chính:

- Những bài hát luân lý: là những bài hát ru mộc mạc mà sâu sắc. Vào những trưa hè oi nồng, hay trong đêm thanh tĩnh mịch có tiếng các bà mẹ, các chị vừa đưa võng kẽo kẹt vừa cất tiếng hát ru êm ái ngọt ngào. Những lời nhắn nhủ hiền hòa đó vang lên êm đềm, nỉ non, theo nhịp điệu, thật là cả một phương pháp giáo dục tuyệt hảo. Em bé thoạt tuy không hiểu nhưng nghe mãi dần dà thấm thía, nhất là khi em đã lớn, tới tuổi cắp sách đến trường, em vẫn có thể nghe lại những bài đó hát ru em bé của mình, do đấy các em đã được thấm nhuần tới tiềm thức những lời mẹ hay chị khuyên răn nhắc nhở.

- Những bài hát vui: Tối đại đa số những bài ca dao nhi đồng đều có tính cách vui tươi ngộ nghĩnh để trẻ em đọc lên thấy thích thú ngay; có thể là kể một câu chuyện vui hay kể một câu chuyện ngược đời để chọc cười hoặc là bài hát không thành câu chuyện gì hết mà chỉ cốt có vần điệu một cách ngộ nghĩnh, làm nở trên môi các em những nụ cười, gieo vào lòng các em cái vui tươi.

- Con cò trong ca dao Việt Nam: Thực chất trong mục này, tác giả không chỉ đề cập đến hình ảnh con cò mà còn nói đến các con vật gần gũi với đời sống nông dân như con cá bống, con chuột, con ong, con cáo. Theo tác giả, hình ảnh con cò trong ca dao Việt Nam được nhân cách hóa một cách gần gũi, thân mật như một sự kiện độc đáo của riêng ca dao Việt Nam, khi thì tượng trưng người mẹ quê, khi là cô gái quê, khi là em bé quê, khi thì làm một hình ảnh khởi hứng.

- Những bài nói về nếp sống nông nghiệp và những tập tục xưa: những bài này được giới thiệu để các em cảm thấy hết cái đẹp của nếp sống gần thiên nhiên của nhà nông xưa cùng một số tập tục ngộ nghĩnh có thể là xa lạ với các em ngày nay.

- Linh tinh: gồm những bài ca dao không thuộc loại trên, nhưng lời và ý ngộ nghĩnh đẹp vẫn thích hợp với các em [16, tr.673].

Trong bài viết Hát ru và hệ thống diễn xướng đồng dao, tác giả Nguyễn Hữu Thu đã phân chia đồng dao theo các cấp độ dựa vào sự phát triển theo lứa tuổi của trẻ như sau:

- Dưới một tuổi mẹ có thể tập cho con chơi “đi chợ”, trò làm xấu. Lớn hơn, anh chị cho trẻ chơi “Chi chi chành chành”, rồi thi chân đẹp… qua các bài đồng dao “Chi chi chành chành”, “Xỉa cá mè”…

- Những bài đồng dao không gắn liền với trò chơi. Đó là những bài hát về những con vật, về hoa quả, chim muông… Trẻ tự hát, hoặc một số trẻ tụ tập nhau lại đồng xướng về một bài nào đó.

- Những bài đồng dao gắn liền với trò chơi của lứa tuổi nhi đồng [16, tr.

744].

Trong cuốn Đồng dao và trò chơi trẻ em người Việt của Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian (nay là Viện Nghiên cứu văn hóa), nhóm tác giả nguyễn Thúy Loan - Đặng Diệu Trang – Nguyễn Huy Hồng – Trần Hoàng đã phân chia đồng dao thành ba mục lớn:

- Đồng dao (sắp xếp theo chủ đề): gồm các chủ đề về thế giới quanh ta và cuộc sống; quan hệ gia đình và xã hội; lao động và nghệ nghiệp; châm biếm và hài hước.

- Đồng dao – Chị ru em: Phần này gồm những bài mà các em lớn (từ 10 đến 12-13 tuổi) thường hát ru em.

- Đồng dao – Hát vui chơi: Phần này gồm những bài hát trong các trò vui hoặc những bài hát vui, không kèm trò chơi.

Ngoài ra cuốn sách còn giới thiệu một phần khá lý thú, đó là “Đồng dao có tên tác giả” giới thiệu những bài thơ theo phong cách đồng dao cổ của các tác giả như Nguyễn Khuyến (nửa cuối thế kỷ XIX), Nam Hương (nửa đầu thế kỷ XX) và một số cây bút nghiệp dư sau Cách mạng tháng Tám [16].

Trong cuốn Đồng dao và trò chơi dân gian cho trẻ mầm non, chúng tôi đã căn cứ vào mục đích sử dụng của cuốn sách theo chương trình giáo dục mầm non mà phân chia thành các chủ đề như sau:

- Chủ đề động vật:

Gồm các bài đồng dao về các con vật như:

Chiều chiều én liệng trên trời

Rùa bò dưới nước, khỉ ngồi trên cây.

Hay:

Bê là bê vàng Bê đừng rềnh ràng Bê đi với mẹ

Bê đừng chạy xuống bể Bê đừng chạy lên ngàn Mà cọp mang

Mà sấu nuốt…

- Chủ đề thực vật:

Các bài đồng dao nói về một số rau, củ, quả và tính chất của nó như:

Khế với sung, khế chua, sung chát Mật với gừng, mật ngọt, gừng cay

Hay:

Mít vàng, cam đỏ Hồng chín, quýt xanh Bốn anh đều lành Thích ăn quả gì?

- Chủ đề bản thân, nhà trường:

Đề cập tới một số bài khuyên nhủ, răn dạy trẻ vệ sinh sạch sẽ, học hành chăm ngoan.

Ếch tài, ếch giỏi Ếch nói, ếch cười Hễ anh nào lười Phải về giải bét Anh nào nhảy đẹp Anh nào nhảy cao Nhảy qua hàng rào Chiếm ngay giải nhất.

- Chủ đề nghề nghiệp:

Đây là những bài đồng dao thường sử dụng trong các trò chơi mô phỏng công việc đồng áng, trồng dâu nuôi tằm…

Ù à ù ập

Bắt chập lá tre Bắt đè lá muống

Bắt cuống lên hoa Bắt gà mổ thóc Bắt học cho thông Cày đồng cho sớm Nuôi lợn cho chăm Nuôi tằm cho rỗi Dệt cửi cho mau Nuôi trâu cho mập.

- Chủ đề gia đình:

Các bài đồng dao đề cập đến quan hệ, sinh hoạt, lối sống trong gia đình:

Gánh gánh gồng gồng Gánh sông gánh núi Gánh củi gánh cành Ta chạy cho nhanh Về xây nhà bếp Nấu nồi cơm nếp Chia ra năm phần Một phần cho mẹ Một phần cho cha Một phần cho bà Một phần cho chị

Một phần cho anh…[5]

Ngoài một số cách phân loại trên, chúng ta còn thấy có cách phân loại khác như phân loại đồng dao dựa vào mục đích hát; phân loại đồng dao theo thể thơ; phân loại đồng dao theo kết cấu… Và nhằm mục đích dễ tra cứu, tác giả Đặng Anh Tú trong cuốn Đồng dao Việt Nam đã lấy từ đầu tiên của các bài đồng dao mà sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái (Alphabet) [27].

Về thực chất, việc phân loại nào cũng chỉ mang tính tương đối. Chúng phụ thuộc vào từng mục đích phân loại của tác giả, vào các góc nhìn khác nhau về đồng dao. Chẳng hạn như với các nhà ngữ văn, họ sẽ dựa vào cấu trúc, hình thức, nội dung… của đồng dao. Với các nhà giáo dục, họ sẽ dựa vào nội dung, sự tác động của các bài đồng dao đó như thế nào trong việc góp phần phát triển nhân cách trẻ để phân loại.

Tuy nhiên, cho dù cách phân loại nào thì cũng chủ yếu căn cứ vào nội dung và hình thức của đồng dao. Do đó, chúng ta có thể phân loại một cách khái quát như sau:

- Đồng dao có nội dung nhắc nhở, răn dạy điều hay lẽ phải

- Đồng dao chứa đựng tri thức về hoàn cảnh, môi trường sống và quan hệ cộng đồng

- Đồng dao khôi hài, chế nhạo hay nhằm mục đích giải trí.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ văn hóa học đồng dao và trò chơi dân gian trẻ em ở huyện khoái châu – hưng yên (Trang 31 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(158 trang)
w