Đồng dao trong trò chơi

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ văn hóa học đồng dao và trò chơi dân gian trẻ em ở huyện khoái châu – hưng yên (Trang 49 - 53)

Nhiều bài đồng dao chiếm vị trí đáng kể trong các trò chơi, thậm chí có những trò chơi bắt buộc phải có đồng dao mới chơi được. Theo thống kê khi khảo sát 175 trẻ ở Khoái Châu (sinh trong khoảng từ 1994-2000), tỷ lệ sử dụng đồng dao trong trò chơi chiếm tới 48,1%; khảo sát 50 người cao tuổi

(sinh trong khoảng từ năm 1915 đến 1945) thì tỷ lệ sử dụng đồng dao trong trò chơi là 33,3%. Vì đồng dao là phương tiện, công cụ để chơi trò chơi, nên về bản chất, quan hệ giữa đồng dao với trò chơi là quan hệ giữa công cụ với đối tượng mà công cụ ấy tác động. Do đó, khi xét mối quan hệ này, có hai vấn đề cần quan tâm: một là sự tương ứng, sự phù hợp giữa bản thân công cụ với đối tượng sử dụng; và hai là khi đã đưa vào sử dụng thì công cụ ấy tác động và tạo hiệu quả ra sao, tức là xét sự tương ứng giữa đồng dao với trò chơi và vai trò của đồng dao với trò chơi.

Đồng dao trong trò chơi có nội dung, đồng thời là hai vai trò chính.

Thứ nhất, các câu đồng dao chỉ là những câu đọc vần, phụ họa, làm nền cho các động tác chơi. Thứ hai, nội dung của câu hát đồng dao được hành động của trò chơi thực hiện.

2.3.2. Đồng dao phụ họa cho trò chơi

Những câu đồng dao được đọc theo lối văn vần với những nội dung nhiều khi không ăn nhập gì với các động tác trò chơi, hoặc cùng lắm chỉ có câu cuối cùng biểu hiện một hành động báo hiệu, dứt điểm một động tác nào đó mà thôi. Đây cũng chính là nét đặc biệt trong trò chơi dân gian mà nhiều trò chơi khác không có. Đối với trường hợp này, đồng dao chỉ là chất xúc tác cho trò chơi thêm phong phú chứ không đóng vai trò chủ đạo. Do đó, trong một trò chơi, một động tác có thể có rất nhiều bản khác phụ họa cho nó, hoặc có lúc trẻ chơi mà không cần đọc đồng dao cũng vẫn được. Ví dụ như trong trò chơi đánh chuyền, một bàn chơi có thể có tới 2-3, thậm chí 4 bản khác nhau1.

1Xem phần “Dị bản trong đồng dao”

Nhiều bài đồng dao trong trò chơi nhằm để xác định thời gian kết thúc một quá trình, một hành động hay một ván chơi1. Các bài ở dạng này thường có câu kết thúc là hành động của trò chơi hay là câu tương ứng với hành động.

Có thể kể đến các bài như “Chi chi chành chành”, kết thúc bằng câu “Ù à ù ập - Đóng sập cửa vào” đồng thời các em nắm chặt tay vào; “Rồng rồng mổ rết” kết thúc bằng câu “Hỡi các bạn mến ơi - Chộp lấy thằng cuối cùng”

đồng thời các em ngồi thụp xuống, em nào ở trong phạm vi vòng vây sẽ bị

“chết”; “Thả đỉa ba ba” kết thúc bằng câu “Thả vào nhà nào – Nhà ấy phải chịu” hay “Nu na nu nống” kết thúc bằng câu “Tè he chân rụt – Chẳng cụt mất chân”… Những bài đồng dao như vậy thường là đọc theo lối văn vần, nội dung là những sự vật, sự việc có thể là những hình ảnh mô phỏng, có liên hệ với hành động đang diễn ra hoặc chắp nối chưa chắc đã theo quy luật, trật tự nào, độ dài cũng có thể được thêm, bớt, tốc độ đọc hát có thể nhanh chậm khác nhau tạo sự bất ngờ, kịch tính cho trò chơi.

Rồng rồng mổ rết Bắt con rết qua sông Bắt con rồng qua biển Bắt con kiến bổ đôi Hỡi các bạn mến ơi

Chộp lấy thằng cuối cùng.

(học sinh lớp 7 trường THCS Tân Dân, Khoái Châu)

1Chương 3 sẽ trình bày chi tiết hơn về các trò chơi

Nội dung của bài đồng dao cho thấy 4 dòng trên biểu đạt một hành động sắp xảy ra: Đối tượng này bắt chộp đối tượng khác, cụ thể bằng câu kết thúc một quá trình chơi ở 2 dòng cuối.

2.3.3. Đồng dao mô tả hành động của trò chơi

Có những câu đồng dao nhằm để mô tả hành động của trò chơi. Nội dung của nó gắn bó với cách chơi, động tác chơi một cách cụ thể, rõ ràng hơn.

Ví dụ như bài đồng dao trong trò chơi “Mèo đuổi chuột”:

Mời bạn ra đây Tay nắm chặt tay Đứng thành vòng rộng Chuột luồn lỗ hổng Mèo đuổi đằng sau Chuột cố chạy mau Trốn đâu cho thoát Thế rồi chú chuột Lại hóa vai mèo Co cẳng đuổi theo Bắt mèo hóa chuột.

(Bà Nguyễn Thị Vui, sn 1957, Đại Hưng) Toàn bộ bài đồng dao này miêu tả khá chi tiết, cụ thể từng hành động của trò chơi, luật chơi. Số lượng người chơi cần phải đông (đứng thành vòng rộng), “chuột” và “mèo” chạy đuổi nhau luồn qua những người đứng thành vòng tròn đó và khi bắt được thì kết thúc ván và đổi vai chơi.

Ngoài những bài nêu rõ ràng như trên, có bài thì chỉ nêu ra một cách tương đối về cách chơi, hành động chơi như “Oản tù tì”, “Tập tầm vông”:

Tập tầm vông Tay không, tay có Tập tầm vó

Tay có, tay không!

Một vật nhỏ được giấu ở một tay nào đó của một trẻ, trẻ vòng hai tay ra sau, vừa đọc vừa đổi vật đó từ tay nọ qua tay kia hoặc không hề đổi, đọc xong cho trẻ khác đoán xem vật đó ở tay nào.

Đồng dao chiếm giữ một vai trò đáng kể trong một số trò chơi dân gian. Nó tham gia vào quá trình chơi như là một thành phần không thể thiếu, hỗ trợ cho các hành động, thậm chí xác định hành động của trò chơi đó. Đồng dao giúp cho trò chơi không bị đơn điệu và câm lặng bởi nó chính là âm thanh giọng nói dưới dạng ca hát, hò reo với những vần điệu linh hoạt, phong phú, phù hợp với tâm sinh lý của con người, nhất là với trẻ nhỏ, tạo lên sự phong phú và nét khu biệt rất đặc trưng đối với trò chơi dân gian.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ văn hóa học đồng dao và trò chơi dân gian trẻ em ở huyện khoái châu – hưng yên (Trang 49 - 53)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(158 trang)
w