Nhiều người cho rằng, cuộc sống hiện đại, người ta có thể tìm hiểu đời sống văn hoá, trang phục... truyền thống trên đài báo, ti vi, internet, viện bảo tàng... Nhưng, trò chơi dân gian thì rất hiếm. Phần đông trẻ em và thanh thiếu niên bây giờ chỉ biết một số trò chơi dân gian qua tranh ảnh, qua tìm hiểu trên mạng hoặc do người lớn kể lại. Và còn rất nhiều trò chơi dân gian
khác đã bị rơi vào quên lãng bởi thời buổi công nghệ điện tử, internet hiện đại lan tràn khắp nông thôn, thành thị. Thực tế cho thấy, đối với một số trò chơi nguy hiểm hoặc đơn điệu, nhàm chán thì cho đến nay chúng bị mai một, thậm chí không còn ai chơi nữa thì đó cũng là một sự chọn lọc, đào thải của tự nhiên bởi nó không còn phù hợp, không còn tương thích với cuộc sống đã có thay đổi rất nhiều so với trước đây. Chính vì lẽ đó, việc tìm hiểu, phân tích và nhận dạng trò chơi dân gian cũng như ý nghĩa, vai trò của nó sẽ giúp ích phần nào cho việc duy trì mà không bị lạc hậu, phát triển mà không mất đi bản sắc riêng của một hoạt động sinh hoạt văn hóa sinh động, bổ ích đối với con trẻ.
Việc bóc tách, phân loại trò chơi dân gian theo những góc nhìn khác nhau luôn mang tính tương đối. Điều đó không có nghĩa là nhìn nhận một cách phiến diện mà ngược lại, có thể hiểu rõ bản chất của nó hơn nhằm khai thác, sử dụng chúng vào những mục đích khác nhau. Dưới góc độ coi trò chơi dân gian như một sinh hoạt văn hóa cộng đồng của trẻ thơ, có thể thấy đây là một sản phẩm trí tuệ của trẻ thông qua đời sống sinh hoạt, vui chơi và lao động của con người và của chính bản thân chúng. Các trò chơi phản ánh khá rõ nét điều đó từ việc tìm hiểu nội dung, hình thức, quy luật của trò chơi. Nội dung phản ánh môi trường sống của trẻ giải thích phần nào sự biến đổi, mai một của một số trò chơi. Các trò chơi được tạo ra từ môi trường sống và tác động trở lại cuộc sống. Một khi môi trường thay đổi, trò chơi không còn phù hợp với môi trường mới và thay đổi một cách khá thụ động theo nó. Bởi thế, việc tích cực chủ động, sáng tạo của trẻ sẽ làm cho trò chơi phong phú, phù hợp với hoàn cảnh mới hơn.
Trò chơi dân gian của trẻ cũng có những hạn chế nhất định. Một số hình ảnh, sự vật và lời văn còn thô tục. Một số trò chơi không tốt, nhất là những trò chơi pha tính cách mê tín hoặc nguy hiểm đến sức khỏe và tính
mạng của trẻ. Có một số trò chơi không còn mang ý nghĩa giải trí đơn thuần mà biến thành những trò ăn thua như đánh đáo, chơi tam cúc… Ngoài ra, có trò chơi thì quá đơn giản, đơn điệu không phù hợp với xã hội đang ngày càng phát triển rất năng động; có những trò chơi được trẻ chơi trong các môi trường không mấy vệ sinh, sạch sẽ, lê la bẩn thỉu. Có một số trò khác thì làm phương hại đến môi trường sống bởi các vật dụng, đồ chơi được khai thác như hoa quả, lá cây, thân cây, đoạn tre, khúc gỗ… đã vô tình làm cho môi trường sống bị tổn hại, mất cân đối. Từ đó cho thấy, việc nhìn nhận, đánh giá lợi hại của trò chơi, có những định hướng và phân tích rõ ràng sẽ giúp trẻ có nhận thức đúng đắn và biết chủ động gìn giữ và phát huy những trò chơi vốn dĩ rất bổ ích và phù hợp với lứa tuổi của chúng hơn.
“Đổi mới” ập vào Việt Nam, lan tràn, luồn sâu vào mọi ngóc ngách của cuộc sống và cuốn đi không ít những tinh túy văn hóa lâu đời của dân tộc.
Đâu đó có những quan niệm “phủ nhận sạch trơn” những gì từng tồn tại trong đời sống xã hội, coi đó là những lạc hậu, trì trệ, chậm phát triển. Việc kịp thời có những biện pháp tích cực, thiết thực nhằm duy trì những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời là rất quan trọng. Theo đó, việc duy trì mà không trì trệ, phát triển mà không mất đi bản chất gốc gác của sự việc là mấu chốt giải quyết vấn đề. Có thể xem xét một số cách thức như sau:
- Hành động cụ thể của Đảng, nhà nước với những văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế quản lí phù hợp các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian của trẻ, đảm bảo quyền lợi và những lợi ích thiết thực, điều kiện thuận lợi cho việc vui chơi giải trí thông qua trò chơi dân gian và sinh hoạt đồng dao, kể cả trong nhà trường, gia đình và xã hội. Từng bước tạo nên sự nhận thức một cách đúng đắn và sâu sắc về văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc trong toàn xã hội. Những năm gần đây các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã có những chỉ thị,
những cuộc vận động quan trọng nhằm duy trì và phát triển đồng dao, bài hát dân ca, trò chơi dân gian trong nhà trường và ngoài xã hội. Những quan điểm chỉ đạo đó cần có những tác động mạnh mẽ hơn nữa mới thực sự đi vào đời sống xã hội, vào cuộc sống sinh hoạt của trẻ thơ và khi nhận thức đúng, sẽ được thực hiện một cách tự nguyện chứ không chỉ là hình thức.
- Cơ cấu quản lí: Cần có sự định hình một cơ cấu văn hóa nghệ thuật bảo đảm sự hội nhập văn hóa nghệ thuật khu vực và thế giới trên cơ sở giữ gìn và phát huy không ngừng bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Sự tiếp nối và liên thông không gian văn hóa làng, vùng phải trở thành mô hình lưu giữ và phát triển không ngừng bản sắc của Việt Nam, để trên cơ sở đó, thực hiện giao lưu, hội nhập với khu vực và trên thế giới. Làng và vùng văn hóa nghệ thuật phải là cái nôi bảo quản, phát huy bản sắc dân tộc, đồng thời cũng là nơi khẳng định tính tiên tiến của nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam.
- Hành động cho mọi người: Theo khảo sát, điều tra và thống kê tại huyện Khoái Châu (Hưng Yên), có thể thấy có ba cách thức cơ bản nhằm gìn giữ và phát huy đồng dao và trò chơi dân gian là được người dân đề cập đến nhiều nhất, đó là xây dựng thành chương trình, thành sách đưa vào trong nhà trường (95%); sưu tầm, ghi băng đĩa để lưu truyền rộng rãi (50%); thường xuyên đọc, hát, tổ chức chơi ngay tại gia đình, giữa ông bà, bố mẹ với con cái (45%). Điều này cho thấy vai trò của nhà trường là rất lớn trong việc gìn giữ nguồn của cải tinh thần này. Tuy nhiên, với thời lượng có hạn ở nhà trường, việc tạo thành nếp sinh hoạt thường xuyên tại nhà , đặc biệt là các gia đình có con, cháu nhỏ là vô cùng quan trọng bởi không những cách làm này duy trì, gìn giữ nguồn văn hóa dân gian quý báu mà nó còn là điều kiện thuận lợi để gắn kết các thành viên trong gia đình, tạo mối quan hệ giao lưu, ứng xử giữa các thế hệ khác nhau một cách tích cực, thường xuyên hơn. Ngoài ra, việc sưu
tầm, ghi âm, ghi hình… sẽ là những tác động cơ học, là phương tiện hữu hiệu để thông qua đó có thể sử dụng chúng một cách tiện lợi hơn.
Việc áp dụng công nghệ vào các trò chơi không những không làm mất đi bản sắc mà ngược lại, nó sẽ làm cho người chơi có hứng thú hơn và vô tình, họ sẽ gìn giữ một cách tự nguyện, tự giác mà không bị gò ép, gượng gạo. Ví dụ như trò đánh chuyền, cỗ chuyền có thể được làm bằng những que nhựa có màu sắc sinh động, không quá trơn mà cũng không được quá sần sùi; thay vì quả truyền được trẻ tự tạo bằng cách nặn từ đất, từ những quả cam quả bưởi rụng… thì làm bằng vải, bông nén (như quả bóng tenis chẳng hạn). Với những công cụ sinh động như vậy cùng với những tình tiết thú vị của từng ván chơi sẽ là những yếu tố quan trọng thu hút trẻ. Chơi khăng là một trong những trò chơi rất hấp dẫn với trẻ trai. Trò chơi này rèn luyện cho người chơi có những phản xạ rất linh hoạt, cần phải nhanh tay, nhanh mắt, lại cần có thể lực tốt để có thể đánh con khăng đi thật xa, chạy bắt con khăng hay cõng bên thắng. Tuy nhiên, trò chơi này khá nguy hiểm vì bất cứ lúc nào cũng có thể bị con khăng
“chạy” thẳng vào mặt. Hoàn toàn có thể khắc phục các nhược điểm của trò chơi này như khăng được làm từ chất liệu mềm, phủ vải mỏng ở ngoài; người chơi trang bị mũ bảo hiểm, găng tay giống như chơi bóng chày chẳng hạn.
Việc “pha trộn” giữa dân gian với hiện đại, nghiệp dư và chuyên nghiệp đôi khi tạo nên sự giao thoa, tiếp biến khá thú vị, vẫn giữ được những nguyên tắc cơ bản của trò chơi mà không bị mai một, tàn phai.
Thiết nghĩ, bằng những biện pháp, cách thức như trên, đồng dao và trò chơi dân gian không những không lạc hậu, không bị mai một mà còn phát triển một cách tích cực, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội mà vẫn giữ được bản sắc riêng, giúp cho thế giới của trẻ thơ thực sự được vui tươi, hồn nhiên và trong sáng.