Nội dung của trò chơi dân gian

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ văn hóa học đồng dao và trò chơi dân gian trẻ em ở huyện khoái châu – hưng yên (Trang 82 - 115)

3.3.1. Trò chơi dân gian phản ánh môi trường sống của trẻ

Có thể nói, trò chơi dân gian được nảy sinh và tồn tại từ chính môi trường, hoàn cảnh sống của trẻ. Thiên nhiên phong phú được phản ánh trong từng trò chơi, từng cách chơi, nó biểu hiện mối quan hệ chặt chẽ với con người, chịu sự tác động mạnh mẽ của con người. Điều này có thể thấy rõ thông qua các vật dụng, đồ dùng được sử dụng trong trò chơi, qua hoàn cảnh chơi, các quy luật của trò chơi.

Thứ nhất là bối cảnh, vật dụng của trò chơi.

Không gian rộng mênh mông và tương đối bằng phẳng của những cánh đồng với những bờ vùng khá dài rộng phân chia các khu vực cấy trồng, trẻ có thể tha hồ chạy nhảy, chơi đùa nơi đây. Cùng với con trâu, trẻ có thể nhảy lên

“phi” nước đại, có trẻ còn táo bạo đứng thẳng lên lưng trâu, tay cầm thừng, tay dùng roi quất cho chúng chạy thẳng hoặc chạy lòng vòng trông khá nguy hiểm nhưng cũng rất hấp dẫn. Vài trẻ còn “đua trâu”. Cùng với vài con trâu già có, non có, nghé có, chúng cùng lấy đà và dùng tay đập mạnh vào lưng trâu và những chú trâu, nghé thi nhau lồng1 những đoạn xa. Có lúc chưa phân thắng bại nhưng vì trâu … chán quá đi chậm lại, hoặc trẻ thấy hết hứng thú thì cũng không đập nữa và trâu lại đi chậm lại, cúi xuống ăn cỏ ngon lành. Trò chơi này cho thấy sự ngẫu hứng, tính tương đối trong cuộc chơi. Nó xuất phát từ không gian mở cùng với thời gian bất định, từ đó sẽ làm cho chủ thể tham gia không bị gò bó, trái lại, nó mang tới sự sảng khoái tinh thần cho người chơi cũng như bầu không khí náo nhiệt xung quanh cuộc chơi.

Một trò chơi khác ở môi trường này: Vào mùa đông, trẻ còn nặn đất thành hình như chiếc hộp vuông hoặc tròn, dùng dây chuối, dây đay làm quai, sau đó nhặt những quả phi lao khô cho vào trong và đốt cháy âm ỉ. Không

1Lồng: (trâu) chạy nhanh, thường là vô định

những dùng nó để sưởi ấm, chúng còn thi nhau chạy trên bờ ruộng vừa cho lửa bốc cháy, vừa tạo thành vệt khói như những con rắn mây ngoằn nghèo uốn lượn chạy theo. Cách chơi khác là dùng tay quay tròn theo chiều thẳng đứng, vì có lực ly tâm nên các quả phi lao không bị rơi ra ngoài, tạo thành vòng tròn khói cũng rất hay. Trò chơi này cho thấy trẻ đã rất sáng tạo, biết tận dụng những đồ “thải” của thiên nhiên là những quả phi lao chín già quá, rụng xuống; đất dẻo rất sẵn có, chỉ việc dùng bốn đầu ngón tay móc vào bên bờ ruộng là đã lấy đủ để nặn thành nồi, thành hộp theo ý thích, lại vừa chịu được nhiệt. Vừa chơi, trẻ lại vừa được sưởi ấm phần nào trong những ngày đông giá rét.

Trẻ luôn tiếp xúc với môi trường tự nhiên xung quanh mình trong lúc làm, lúc nghỉ ngơi cũng như lúc chơi đùa. Các trò chơi biểu hiện rất rõ nét sự gần gũi với thiên nhiên của trẻ nơi đây. Trẻ có thể tìm kiếm, “sở hữu” rất nhiều thứ từ đó như những quả cam, quả bưởi bị rụng do mưa bão hoặc vì lí do nào đó khác, những hòn đá, sỏi, gạch vụn, rồi hoa, lá, cành của cây cối xung quanh nhà, ngoài ngõ… Nhiều gia đình có đông con, bố mẹ đi làm cả ngày, trẻ ở nhà đứa lớn trông đứa bé, rồi tha thẩn sân nhà, bờ rào, bụi rậu hay ra ngõ xóm mà chơi. Chơi đồ hàng (mua bán hàng) được các bé gái rất thích.

Trẻ thường chơi ở trước hiên nhà, ngoài sân hay ngõ xóm cùng với vài bạn gái hàng xóm hoặc với chính chị em trong nhà1. Đồ chơi đều là những thứ lượm lặt đâu đó quanh nhà, ngoài ngõ như: những chiếc bẹ hoa chuối màu tím đỏ dày dặn được trẻ sử dụng làm “thúng”, “mủng” đựng đồ hàng; “đòn gánh”

là một đoạn tay tre hoặc nan tre, “quang thúng” là sợi dây lấy từ sống lá chuối khô khá dẻo dai chắc chắn; “hàng hóa” là hoa chuối, là những quả chuối con

1Ngày trước, trẻ trai chơi riêng, trẻ gái chơi riêng, không chơi chung các trò chơi với nhau, có thể do nếp sống phong kiến, có thể do thói quen, và đặc biệt, chúng còn sợ bị “chế nhau” - HCD

con cuối buồng người ta cắt bớt đi, rồi lá leo, hoa quả, tơ hồng1; “tiền” có thể là tiền ảo, tức là chỉ đưa tay đang “nắm” tiền “giả vờ” ra để “trả tiền”, hoặc tiền là lá, thường là lá dâm bụt, cam, bưởi. Tóm lại, chúng sử dụng tất tật những gì có thể để phục vụ cho cuộc chơi. Điều đáng nói ở đây là có những trẻ chưa bao giờ đi chợ, chưa từng chứng kiến cảnh mua bán thật sự của người lớn. Đối với trò chơi này, điểm tích cực là cuộc chơi biểu hiện nhu cầu giao lưu, giao tiếp của trẻ với bạn bè, sự khám phá, sáng tạo đối với thiên nhiên.

Trẻ giao tiếp với nhau bằng những ngôn ngữ mô phỏng của người lớn theo cách riêng của con trẻ, cũng là “Bác bán cho tôi cái này”, “Mấy đồng?”, “Sao đắt thế?”, “Tiền đây” … nhưng thật ngộ nghĩnh, tự nhiên và rất chân thật. Tuy nhiên, sự ứng xử của con người với thiên nhiên thường có hai mặt: cũng là khám phá, sáng tạo, nhưng đôi khi ảnh hưởng và ít nhiều tàn phá thiên nhiên, môi trường mình đang sinh sống. Ở trò chơi này, nếu như trẻ bứt những cụm tơ hồng ăn bám để bờ rào được “yên ổn” và tốt tươi hơn, thì bứt lá, bẻ cành, ngắt hoa, rồi rút nan giại2 để sử dụng trong trò chơi lại làm ảnh hưởng và có nguy hại tới môi trường xung quanh. Điều này cho thấy sự ngây thơ, vô thức của con trẻ chứ không hẳn đã là thái độ coi thường thiên nhiên hay thờ ơ trước thiên nhiên bởi vì nhiều khi vô tình hoặc hữu ý, chính chúng cũng lại là người chăm sóc, làm đẹp cho môi trường xung quanh mình.

Như trên đã nói, Khoái Châu là một trong những vùng đất có dân cư sinh sống từ lâu đời. Làng quê hình thành và phát triển theo mô típ điển hình của làng quê Việt Nam. Ở đó có những mái đình cổ kính, ao, hồ nhiều, đường làng, ngõ xóm đi lại khá thuận tiện. Sân đình, đường làng là những nơi rất

1Một loại thực vật thân leo màu vàng nhạt sống ký sinh trên các bờ rào bụi rậu.

2Nan giại: thanh tre rộng khoảng 3cm, dày khoảng 0.3cm, độ dài phù hợp với từng nhà. Người ta thường chẻ cây tre theo chiều từ ngoài cật vào lõi để thanh nào cũng có độ cứng như nhau; đan thành phên như bức tường chắn trước hiên nhà - HCD

thuận lợi cho nhiều trò chơi. Ở nơi đây, trẻ có thể tụ tập thành từng đám đông để chơi các trò chơi cần có nhiều người tham gia.

Trò chơi “Chết hoãn” là một trong những trò cực kì hấp dẫn đối với con trai. Người tham gia trò chơi này sẽ được cảm nhận rất nhiều điều thú vị, hồi hộp bởi tính bí mật, bất ngờ và đầy kịch tính của nó. Trò này có thể chơi được cả vào buổi tối và ban ngày, nhưng chơi vào buổi tối sẽ có phần hấp dẫn, thú vị hơn vào ban ngày.

Số lượng trẻ chơi không hạn chế, chia làm hai phe. Sau khi hai người cầm đầu của mỗi bên bắt thăm nhận khu vực phe mình chiếm giữ hoặc đơn giản là thỏa thuận với nhau, tất cả chạy về khu vực của mình và tìm chỗ trốn.

Khi một bên hỏi “Xong chưa?”, bên kia trả lời “Xong” hoặc “Bắt đầu”, sau này do ảnh hưởng của chiến tranh, trẻ thường dùng khẩu lệnh, một bên hô

“Chiến tranh”, bên kia hô “Bùng nổ” thì các bên sẽ tìm đối phương để “bắn”.

Cách bắn là ví dụ như khi An nhìn thấy Bình của phe kia thì đưa tay lên chỉ vào người giả như chĩa súng và quát: “Bình chết, hoãn”. Tức là Bình đã bị bắn và cuộc chơi dừng lại một chút rồi mọi người lại tìm chỗ nấp và tiếp tục. Vì nếu không hô “Hoãn” thì ngay lập tức sẽ bị người khác của phe Bình bắn mình. Người bị bắn phải đứng ra ngoài chỗ trống và chờ bên nào hết người trước thì thua và chơi ván khác. Nếu hô sai tên thì người “bắn” sẽ bị “chết”

chứ không phải là người bị “Bắn”.

Buổi tối, trò chơi này hấp dẫn hơn bởi phe này có thể “hóa trang”, trà trộn vào với phe kia và chỉ việc dí “súng” vào người và ghé sát vào tai hô nhỏ

“Bình - chết” và lại tiếp tục “bắn” người khác nếu vẫn chưa bị phát hiện và bị

“bắn” lại. Bình sẽ tự động đi ra chỗ trống chờ cho hết ván đó để chơi lại ván khác.Tuy nhiên, nếu như cảm thấy “nguy kịch” thì vẫn có thể hô “… chết,

hoãn” để không bị bắn lại và trở về “lãnh địa” của mình tiếp tục chơi, bởi vì đã nói “hoãn” thì không ai được “bắn” nữa.

Cách hóa trang của trẻ khá phong phú, sáng tạo. Nhiều khi họ đổi áo cho nhau, thậm chí đổi cả quần cho nhau để làm cho đối phương không nhận ra và hô sai tên; có khi họ cởi áo, trùm lên mặt để chỉ hở mắt ra nhìn, rồi buộc áo, quấn khăn... Cách trốn, tìm, di chuyển cũng rất đa dạng: tìm các chỗ khó bị nhìn thấy như nấp sau tường nhà, đống rơm, dùng vật che, trèo lên cây; di chuyển bằng cách trườn, bò, thậm chí cõng nhau, che cho nhau, chạy vòng qua nhà hàng xóm, có khi vòng qua cả nửa làng để tiếp cận đằng sau phe bên kia… Đặc biệt, trước khi chơi, người cầm đầu phe thường vạch ra những “kế hoạch” để “chiến đấu và chiến thắng” một cách tối ưu như phân công ai ở vị trí nào, ai nên theo dõi, chú ý cảnh giác ai của phe đối phương, vì trên thực tế, họ quá hiểu biết về nhau, về khả năng, sự nhanh nhạy của từng người ở cả hai phe.

Trò chơi này bộc lộ rất rõ nét bối cảnh chơi của trẻ. Với những đống rơm, rạ, những cây cối như cây nhãn, cây ổi, cây sung, cây bưởi vừa phải, không cao quá, không thấp quá, cành lá vừa đủ để trẻ có thể trèo lên đi ẩn, với đường ngang ngõ tắt thông nhau, liên hoàn, những ngôi nhà đắp tường lợp rạ, trẻ rất dễ dàng di chuyển, đi, chạy, ẩn núp… mang đến sự bất ngờ, sáng tạo, tâm lí hồi hộp trong khi tham gia trò chơi. Về phía người chơi, sự hoạt động tích cực, tận dụng mọi điều kiện của hoàn cảnh, môi trường cho phép sẽ khẳng định được chủ thể hoạt động với mức độ tư duy, khả năng hoạt động tập thể trong nhóm nhỏ nói riêng và việc ứng xử với môi trường, với xã hội nói chung.

Với các bé gái, sân đình, đường làng là chỗ để chúng chơi nhảy dây, nhảy ngựa, rồng rắn lên mây, chơi ù… Với không gian rộng mở, trẻ có thể tha

hồ chạy, nhảy, vừa chơi vừa hò hét, hát đồng dao phụ họa cho cuộc chơi mà không sợ ảnh hưởng nhiều tới người khác.

Thứ hai là luật, quy luật của trò chơi.

Ở các bờ vùng, bờ thửa, triền đê có rất nhiều cỏ dại mọc, trong đó có một thứ cỏ mọc ra ở trên ngọn kết lại thành một khối, ở trên đầu là những lọn cỏ nhỏ dựng lên tua tủa mà người ta gọi đó là cỏ gà. Cỏ gà cũng có nhiều hình dạng khác nhau, phổ biến có hai loại. Loại thứ nhất là nhành cỏ phát triển cân đối, nổi cục không to lắm. Loại này trông “hiền” nhưng rất dẻo dai, khó đứt gãy. Loại thứ hai thì búi cỏ phát triển gồ lên một bên, bên kia là lọn cỏ nhỏ chĩa ra tua tủa trông rất dữ tợn. Tuy loại này trông gớm ghiếc hơn, cuống to khỏe hơn, nhưng lại rất dễ bị đứt gãy.

Cỏ gà (Ảnh: Hoàng Công Dụng)

Luật chơi rất đơn giản: Bên A đưa một con gà ra cho bên B dùng gà của mình quật mạnh. Nếu đứt đầu thì phải đưa con khác ra để bên B quật tiếp, nếu không đứt thì bên B phải đưa ra để bên A quật. Cứ thế cho đến khi một bên hết gà thì thôi. Tuy nhiên, trong trò chơi này, người chơi cũng phải tính toán xem nên đưa ra con nào để chọi với con mà đối phương đang đưa ra. Việc chọn “gà” vừa sức để quật con của đối phương cũng sẽ dẫn đến kết quả tốt hơn bởi có những con hạ gục vài con khác của đối phương, hoặc một con có thể chịu được nhiều đòn quất của đối phương, mà luật chơi thì đã đưa ra con nào thì phải “chiến đấu” tới cùng, không được vừa đánh một con thắng rồi lại đổi con khác, hoặc thấy đối phương đưa ra con khỏe thì đổi để lấy con khỏe hơn để chịu đòn.

Đây là một trò chơi đối kháng. Luật chơi mới xem ra thì có vẻ rất đơn giản nhưng cũng rất nghiêm ngặt. Người chơi cần có những tính toán, phản ứng rất nhanh và kịp thời để ứng phó với diễn biến của cuộc chơi. Luật chơi này xuất phát từ vật dụng của trò chơi là những “con gà cỏ” rất đa dạng, sinh động về hình thức và khá dễ kiếm từ môi trường thiên nhiên, từ cách ứng xử công bằng giữa hai người chơi với nhau mà ở đây, trẻ thường chọn những người chơi phù hợp lứa tuổi với cách xưng hô “tao” – “mày” để chơi với nhau. Việc làm tưởng chừng như vô thức, nhưng biết đâu, việc mắm môi mắm lợi dùng hết sức quất gãy cổ “gà” của đối phương – một loài cỏ dại, cũng là vì xuất phát từ việc vứt bỏ loài ăn bám, ảnh hưởng tới cây cối hoa màu!?

“Chạm gót” là một trò chơi khá nguy hiểm nhưng cũng rất hấp dẫn người chơi. Tham gia trò chơi này là các trẻ trai khá bạo dạn, có thể nói là nghịch ngợm trong việc leo trèo, không sợ độ cao, không sợ nguy hiểm.

Khoái Châu, đặc biệt là các xã gần đê như Đông Tảo, Bình Minh, Tân Dân, Dạ Trạch… trồng khá nhiều cây cối, chủ yếu là các cây ăn quả như ổi, nhãn,

bưởi. Các cây này không cao lắm và có nhiều cành. Đây là đặc điểm khá thuận lợi để trẻ chơi trò chạm gót. Trò chơi cần tối thiểu hai người, nhưng thường thì 3-4 trẻ cùng chơi. Sau khi oản tù tì hoặc bắt thăm xem ai thua, tất cả trèo lên cây, sau đó người bị thua sẽ phải trèo rượt đuổi theo để lấy tay của mình chạm được vào gót chân người kia. Nếu ai bị chạm phải gót thì lập tức bị đổi vai trò, trở thành người đi chạm gót người khác. Người chạy nhiều khi trèo ra khoảng cách khá an toàn rồi còn chìa chân ra trêu người đuổi xem có tìm cách trèo ra chạm được vào gót chân mình không. Chỉ cần xem qua luật chơi này, chúng ta có thể hình dung được ngay không gian, bối cảnh chơi với chủ thể trực tiếp là trẻ em con trai; cây cối thường cao vừa phải; dưới gốc cây chỉ có thể là đất mềm, xốp và rất nhiều cây bên bờ ao, hồ. Về cơ bản, trẻ thường trèo tới những cành cây có thể chịu được sức nặng của bản thân tốt và khá an toàn. Nếu lỡ ra cành đó gãy thì thường vẫn còn bám được vào cành khác. Trường hợp chẳng may bị ngã thì thường không đau lắm, cùng lắm chỉ bị xước nhẹ bởi cây thì thấp, tiếp đất mềm hoặc rơi xuống ao, hồ. Trong 30 người tại xã Đông Tảo, Tân Dân được phỏng vấn thì trong suốt thời kỳ thơ ấu cho đến khi lớn rồi già, cho dù họ tham gia nhiều, chứng kiến nhiều người khác chơi nhưng chưa hề thấy có vụ ngã cây nào nguy hiểm đến tính mạng cả.

Cũng như bao làng quê Việt Nam, trẻ em Khoái Châu tham gia chơi khá nhiều trò chơi phổ biến trên nhiều vùng miền, bên cạnh đó, trẻ cũng có những trò chơi mang tính khu biệt. Tựu chung, các trò chơi biểu hiện khá rõ nét môi trường sinh sống của con người, nó phản ánh mối quan hệ hữu cơ giữa con người với môi trường sống. Môi trường tự nhiên chính là nguyên nhân, là nguồn gốc, là chất liệu để từ đó, con người sống chung với nó, tìm tòi và sáng tạo. Từ việc làm đó, nó bộc lộ thái độ của con người trước thiên nhiên, với môi trường sống xung quanh mình, tác động trở lại thiên nhiên theo cả hai mặt, cả tích cực và cũng không ít những biểu hiện tiêu cực.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ văn hóa học đồng dao và trò chơi dân gian trẻ em ở huyện khoái châu – hưng yên (Trang 82 - 115)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(158 trang)
w