CHƯƠNG 1. LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG KHÁCH HÀNG CÁ NHÂN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.3 YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG KHÁCH HÀNG CÁ NHÂN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.3.1 Yếu tố chủ quan
Nhóm yếu tố chủ quan thường liên quan đến sự phấn đấu của bản thân ngân hàng trên tất cả các mặt của hoạt động tín dụng khách hàng cá nhân như việc xây dựng chiến lược, sách lược trong quá trình phát triển, các chính sách tín dụng, xây dựng cơ cấu tổ chức ngân hàng nói chung và quản lý hoạt động tín dụng nói riêng, công tác kiểm tra, kiểm soát và thiết lập hệ thống thông tin... Vì vậy, các yếu tố bên trong thường có ảnh hưởng trực tiếp đến quản lý chất lượng tín dụng. Có thể nghiên cứu sự ảnh hưởng của chúng qua một số yếu tố sau:
1.3.1.1 Đạo đức của lãnh đạo và cán bộ ngân hàng :
Đây có lẽ là yếu tố gây ảnh hưởng lớn trong quản lý chất lượng tín dụng. Con người là một yếu tố hết sức quan trọng quyết định đến sự thành bại trong quản lý chất lượng tín dụng cũng như trong hoạt động của ngân hàng, xã hội ngày càng phát triển đòi hỏi chất lượng nhân sự ngày càng cao để đối phó kịp thời, có hiệu quả với các tình huống khác nhau của hoạt động tín dụng. Một khi con người đã cố tình làm sai thì không có một quy trình, quy định nào đủ chuẩn để ngăn chặn toàn bộ mọi rủi ro. Chỉ trong vòng 5 năm gần đây hàng loạt lãnh đạo cấp cao và cán bộ của các NHTM CP như ACB, Đông Á, Oceanbank, Ngân hàng xây dựng, VietinBank, Agribank, BIDV....đã phải ra tòa do cố ý làm sai quy định của Nhà nước, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng trong quá trình quản lý điều hành, đã cho thấy yếu tố đạo đức cán bộ có ý nghĩa quan trọng như thế nào.
Nhiều cá nhân đến đặt vấn đề xin vay, có vốn tự có và TSBĐ rất hạn chế so với quy mô dự án SXKD hoặc tính hiệu quả của dự án SXKD mờ nhạt....tự biết được điều này nên khách hàng đã tìm mọi cách mua chuộc lãnh đạo và cán bộ cho vay để được xét duyệt giải ngân. Việc cho một KH cá nhân với khả năng trả nợ hạn chế vay tiền cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng bắt đầu “Mời” rủi ro vào nhà.
1.3.1.2 Chất lượng nhân sự ngân hàng:
a, Năng lực điều hành của ban lãnh đạo chi nhánh: Năng lực lãnh đạo của ban
lãnh đạo chi nhánh ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của chi nhánh Ngân hàng. Thể hiện ở các mặt sau:
Thứ nhất: Khả năng chuyên môn: có được khả năng này, người lãnh đạo sẽ dễ dàng hơn trong công tác quản lý và điều hành, vì kiến thức và kinh nghiện của nhà lãnh đạo luôn tạo được uy tín tuyệt đối không chỉ với cấp dưới mà nhiều khi đối với cả đối thủ cạnh tranh.
Thứ hai: Khả năng phân tích và phán đoán: dự đoán chính xác những thay đổi trong môi trường kinh doanh tương lai từ đó hoạch định chính xác các chiến lược, xác định các chính sách, kế hoạch kinh doanh phù hợp.
Thứ ba: Khả năng, nghệ thuật đối nhân xử thế: là khả năng giao tiếp cũng như khả năng tổ chức nhân sự trong mối quan hệ không chỉ đối với nhân viên, đồng nghiệp, cấp trên, khách hàng. Nó còn gồm những kỹ năng khác về lãnh đạo, tổ chức phỏng đoán, quyết toán công việc.
Năng lực điều hành của ban lãnh đạo sắc sảo, nhạy bén, nắm bắt, điều chỉnh hoạt động Ngân hàng theo kịp các tín hiệu thông tin, sử dụng nhân viên đúng sở trường... sẽ làm tăng quản lý chất lượng tín dụng, giảm thiểu các rủi ro tín dụng và ngược lại.
b, Khả năng thẩm định khách hàng: Quản lý chất lượng tín dụng phụ thuộc vào khả năng của ngân hàng trong việc thẩm định kỹ các mối quan hệ kinh tế chi phối liên quan đến thị trường đầu vào, đầu ra, uy tín, hoạt động của các nhà cung cấp hay là năng lực, tư cách của các đối tác chính của khách hàng. Có những khách hàng độc lập về mặt pháp lý nhưng bản chất có mối quan hệ sở hữu, điều hành phức tạp và cần phải thẩm định, nhận diện đầy đủ rủi ro về phương thức hoạt động, người điều hành chi phối đến toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của nhóm khách hàng này.
1.3.1.3 Hệ thống văn bản chính sách của ngân hàng
Hệ thống các văn bản chính sách của ngân hàng nếu được ban hành đầy đủ, chặt chẽ sẽ là một công cụ hữu hiệu để quản lý chất lượng tín dụng.
Chính sách tín dụng phản ánh định hướng cơ bản cho hoạt động tín dụng, nó có ý nghĩa quyết định đến sự thành công hay thất bại của ngân hàng. Một chính sách tín dụng đúng đắn sẽ thu hút được nhiều khách hàng đến với ngân hàng, đảm bảo khả năng sinh lời của hoạt động tín dụng trên cơ sở phân tán rủi ro, tuân thủ pháp luật, theo các đường lối, chính sách của Nhà nước và đảm bảo công bằng xã hội.
Điều đó cũng có nghĩa là quản lý chất lượng tín dụng tuỳ thuộc vào việc xây dựng chính sách của ngân hàng thương mại có đúng đắn hay không. Bất cứ một ngân hàng thương mại nào muốn có quản lý chất lượng tín dụng đều phải có một chính sách tín dụng rõ ràng, phù hợp với bản thân ngân hàng mình.
Quy trình tín dụng bao gồm những quy định cần phải thực hiện trong quá trình cho vay, thu nợ nhằm bảo đảm an toàn nguồn vốn tín dụng. Nó được bắt đầu từ khi chuẩn bị cho vay, phát tiền vay, kiểm tra quá trình cho vay cho đến khi thu hồi được nợ. Quản lý chất lượng tín dụng có bảo đảm hay không tuỳ thuộc vào việc thực hiện tốt các quy định ở từng bước và sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các bước trong quy trình tín dụng.
Trong quy trình tín dụng, bước chuẩn bị cho vay là hết sức quan trọng, là cơ sở để định lượng rủi ro trong quá trình cho vay. Trong bước này, quản lý chất lượng tín dụng tuỳ thuộc vào chất lượng công tác thẩm định đối tượng được vay vốn cũng như quy định điều kiện và thủ tục vay ở từng ngân hàng thương mại.
Kiểm tra quá trình cho vay giúp ngân hàng nắm được diễn biến của khoản vay đã cung cấp để có thể điều chỉnh hoặc can thiệp khi cần thiết, sớm thấy được nguyên nhân và ngăn ngừa rủi ro có thể xẩy ra. Việc lựa chọn và áp dụng có hiệu quả các hình thức kiểm tra sẽ thiết lập được một hệ thống phòng ngừa hữu hiệu cho quản lý chất lượng tín dụng khách hàng cá nhân.
Thu nợ và thanh lý là khâu có ý nghĩa quyết định sự tồn tại của ngân hàng thương mại. Sự nhạy bén của ngân hàng thương mại trong việc phát hiện kịp thời những bất lợi xảy ra đối với khách hàng cùng các biện pháp xử lý chính xác, đúng lúc sẽ giảm thiểu các khoản nợ quá hạn và điều đó sẽ có tác động tích cực đối với quản lý chất lượng tín dụng khách hàng cá nhân.
1.3.1.4 Cơ sở vật chất thiết bị phục vụ kinh doanh
Để có thể quản lý và theo dõi có hiệu quả hoạt động tín dụng, song song với việc nâng cao chất lượng công tác hoạch định chính sách, công tác tổ chức quản lý Ngân hàng, công tác nhân sự, quản lý quá tình cho vay, công tác thông tin, kiểm soát nội bộ, cần chú ý tới các phương tiện cần thiết phục vụ cho quá trình quản lý hoạt động tín dụng. Trang bị đầy đủ trang thiết bị tiên tiến phù hợp với khả năng tài chính và phạm vi, quy mô hoạt động của ngân hàng sẽ giúp cho Ngân hàng:
Phục vụ kịp thời yêu cầu của khách hàng về tất cả các mặt dịch vụ phục vụ ( nhận tiền gửi, cho vay, thu nợ... ) với chi phí mà cả hai bên cùng chấp nhận được.
Giúp cho các cấp quản lý của ngân hàng thương mại kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động tín dụng để điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với tình hình thực tế nhằm thoả mãn ngày càng cao yêu cầu của khách hàng.
Như vậy, trang thiết bị cũng là một trong các nhân tố không thể thiếu được để không ngừng tăng cường quản lý chất lượng tín dụng.
1.3.1.5 Vốn chủ sở hữu ngân hàng:
Đây là một yêu tố có tác động không nhỏ đến quản lý chất lượng tín dụng.
Vốn cho vay của NH sẽ tham gia vào quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh của các chủ thể kinh tế, và khi doanh nghiệp gặp rủi ro thì NH khó thu hồi vốn. Nhằm đảm bảo NHTM kinh doanh an toàn, có rất nhiều quy định cho hoạt động của các trung gian tài chính này liên quan chặt chẽ và trực tiếp đến vốn củ sở hữu. Đó là những giới hạn về: quy mô nguồn tiền gửi được phép huy động, quy mô cho vay tối đa đối với một hoặc một nhóm khách hàng, nắm giữ cổ phiếu của công ty khác, thành lập công ty con, hay mở chi nhánh, v.v…từ đó tác động đến các chính sách của NHTM.
Do đó, nếu quy mô vốn chủ sở hữu của ngân hàng thương mại quá nhỏ, NH sẽ thực sự rơi vào trạng thái ngột ngạt và khó có khả năng xoay sở khi bị trói buộc trong những định mức, giới hạn ấy. Mặt khác, ngân hàng có vốn chủ sở hữu mạnh thì sẽ chủ động hơn trong việc triển khai các biện pháp, chính sách, và các công cụ về quản lý tín dụng - mảng hoạt động quan trọng nhất của NHTM.